Ông Sáu vừa châm điếu thuốc, nghe tiếng xe máy liền nhìn ra ngõ. À, thì ra là thằng Tiến, thằng cháu nội vừa lấy được bằng thạc sĩ bên Úc, nó về thăm quê đây mà.
- Con chào ông nội!
- Ừ, mới về đó hả. Răng về có một mình rứa, cái con bé mi giới thiệu với ông hôm bữa răng không đưa nó về chơi cho biết quê xứ mình luôn ?
- Dạ, Lan hôm nay trúng phiên trực, mai mốt rảnh rỗi con đưa cô ấy về sau ông ạ.
- Ừ, ngó bộ con bé nớ cũng được đó nghe, sau ni về làm cháu dâu ông, có chi nó còn lo cho ông đi viện chớ.
- Dạ...
Tuần trước ông Sáu ra thăm gia đình con trai ở Cẩm Lệ đúng lúc Tiến mới ở Úc về, có đưa cô người yêu đến ra mắt cả nhà. Tiến chỉ ngại mỗi ông nội khó tính, không thích dâu con là người thành phố ưa “cầu kì chải chuốt”. Nay nghe ông nói vậy thì cậu ta mừng thầm, cảm thấy yên tâm, nghĩ rằng tuần sau sẽ đưa Lan về thăm quê, thăm ông. Dựng chiếc xe vào sát hiên nhà, Tiến vừa cười vừa nói với ông Sáu:
- Ông ơi, quê mình bây giờ cũng được gọi là thành phố rồi ông nhỉ.
Ông Sáu biết cháu trêu ông, nên cũng cười đáp lại:
- Ừ, thì ngủ đêm đến sáng dậy là thành người Đà Nẵng, “đô thị loại một” hẳn hoi chứ chẳng chơi!
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Một lát, Tiến hỏi ông nội:
- Vậy là danh xưng Quảng Nam không còn trên bản đồ Việt Nam nữa, ông có buồn không?
- Mi hỏi chi lạ. Ừ thì...ban đầu cũng thấy chạnh lòng, nhưng ngẫm nghĩ lại thấy bình thường, bởi đâu có chi là trường tồn, vũ trụ vạn vật còn biến thiên, sá gì một cái tên gọi.
- Ông nói vậy là không buồn hả ông ?
- Có chi phải buồn? Cái xã nhà ta ở đây cũng nhiều lần thay tên, đầu tiên là Phú Tân sau đổi thành “khu Phù Kỳ”, rồi Điện Xuân, sau cùng là Điện Quang. Bây giờ hợp nhất ba xã vùng đất này thành một, mang tên chung là “Gò Nổi”. Mà đâu phải chỉ riêng quê mình, ở đâu chẳng năm ba lần đổi tên như rứa. Nhưng có hề chi? Có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đâu! Dù có đổi tên bao nhiêu lần thì nếp sinh hoạt gia đình và nếp làng từ xa xưa đến ngày nay vẫn không hề thay đổi. Cái câu ca dao “Cây da nào cao bằng cây da Bàng Lãnh/ Đất nào thanh cảnh bằng đất Bảo An?” là nói về cái cốt cách của con người ở quê mình đó. Bây giờ có ai biết “cây da Bàng Lãnh” là ở chỗ mô, nhưng người ta vẫn nhắc nhớ, bởi nó ăn sâu vào tiềm thức người dân quê mình rồi con ạ. Còn như nói “không còn cái tên Quảng Nam trên bản đồ”, thì răng? Thì người Quảng mình muôn đời vẫn kêu ăn “mì Quảng” và nhớ câu ca dao “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” chứ có mất đi đâu!
- Dạ, ông nội hiểu biết về quê hương sâu sắc quá.
- Quê mình thì phải biết, phải nhớ chứ. Dù có đi đâu thì cũng không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đó là cái nghĩa cái tình với đất đai xứ sở. Con phải nhớ lấy mà sống cho nên người.
- Dạ, con biết rồi...
- Con hỏi thì ông cũng nói luôn, chẳng những ông không buồn khi nghe “sáp nhập” mà ngược lại, ông còn mừng cho con cháu quê mình từ nay có cơ hội đi ra ngoài dễ ăn nói với người ta...
- Ôi, ông thật tuyệt vời! Con cứ sợ ông buồn vì “mất” Quảng Nam, nay nghe ông bày tỏ con mới thực sự hiểu ông. Con mong ông luôn mạnh khỏe sống lâu để được nhìn thấy con cháu trưởng thành, đất nước đổi mới sau hội nhập ông ạ.
- Quảng Nam răng mà “mất” được! Cho dù tên gọi không còn thì bản chất con người Quảng Nam vẫn không bao giờ mất. Từ giọng nói cho đến tập quán sinh hoạt, dù đi đâu ở đâu sẽ phải thay đổi để hòa đồng thì khi về đất Quảng vẫn trở lại nguyên gốc như xưa. Con cứ tin ông đi.
- Dạ, con cũng tin là như vậy.
Tiến chào ông nội để đi thăm bà con quanh xóm, tặng quà cho mấy cụ già và cháu nhỏ, gọi là chia vui vì mới từ nước ngoài về. Ông Sáu nhìn theo đứa cháu nội, cảm thấy lòng mãn nguyện. Cuộc đời ông đã đi qua hai cuộc chiến tranh, ông là người lính từng bôn ba nam chinh bắc chiến, có gian khổ nào mà ông chưa nếm trải. Ngày thống nhất trở về, nhìn quê hương xơ xác tiêu điều vì bom đạn, lòng ông quặn thắt... Năm mươi năm hòa bình dựng xây tái thiết, làng quê đã đổi mới từng ngày. Những lớp cháu con trong làng cũng lần lượt trưởng thành cùng với sự vươn mình của quê hương đất nước. Còn hạnh phúc nào hơn?
Còn lại một mình, ông Sáu bỗng trầm tư... Thời thế thay đổi thật bất ngờ! Nhưng ông tin những người lãnh đạo mới của đất nước có tầm nhìn xa trông rộng, sẽ đem lại những lợi ích lớn lao cho dân tộc. Ông quan niệm Quảng Nam và Đà Nẵng trước sau luôn là một, dù từng giai đoạn phải tách - nhập cho phù hợp với thời cuộc, thì vẫn mãi là “cây cùng một cội, người chung một nhà”, bởi đều uống nước chung một dòng sông. Thu Bồn, Vu Gia hay sông Hàn... là các nhánh với những tên gọi khác nhau khi chảy qua từng địa phận, nhưng tất cả đều chung ngọn nguồn từ một dòng sông Mẹ khởi thủy trên đỉnh Ngọc Linh. Các nhánh sông ấy đem lại sự sống cho muôn dân và nuôi lớn những tâm hồn, tạo nên bản sắc văn hóa xứ sở và tính cách con người đất Quảng... Những nhánh sông rồi sẽ hòa mình vào biển lớn, tích tụ năng lượng để lại quay về nguồn nên không bao giờ khô cạn.
Theo dòng chảy của lịch sử, sự hội nhập lần này có thể coi như một cuộc cách mạng. Những người đã từng tham gia cách mạng như ông luôn có cái nhìn tích cực, ông Sáu tin rằng sự hợp nhất hai địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp. Cái tên Đà Nẵng đã có vị thế cao trên trường quốc tế sẽ là một lợi thế để Quảng Nam có cơ hội cùng phát triển, bền vững và dài lâu.
Ông Sáu lại rít một hơi thuốc, mơ màng nhìn ra sân nắng. Một buổi sáng mùa hè trong trẻo, có tiếng chim ríu rít trong vườn, ông cảm thấy lòng lâng lâng...
Tổng hợp nhiều nguồn
Tại buổi họp báo, mẹ ca sĩ Jack - J97 bật khóc khi tiết lộ con trai từng bị trầm cảm vì scandal đời tư.
Tiến sĩ Sơn Cao Thắng của Trường Đại học Trà Vinh được nhiều sinh viên thán phục nhờ cách giảng dạy nghệ thuật truyền thống Khmer đầy cảm hứng.
Diễn viên Midu giới thiệu web drama "1314 - Đợi em ở ngày cũ" trong vai trò nhà sản xuất, diễn viên chính.
Tập thói quen tự giác làm việc nhà cho con không hề khó như nhiều bố mẹ vẫn nghĩ.
Diễn viên Hương Giang khoe giấy đăng ký kết hôn trong đoạn clip dài 23s trên trang cá nhân nhằm đáp trả một bình luận khiếm nhã của anti-fan.
Trước cơn bão hàng giả đang hoành hành, bà vợ nghi ngờ ông chồng đầu ấp tay gối mấy chục năm qua cũng có thể là... đồ giả.
Tại buổi ra mắt sách 'Nếp nhà', TS. Nguyễn Hồng Phương xúc động khi nhớ những bài học quý giá từ cha mẹ đã giúp hình thành bản thân hôm nay.
Cô gái Hải Phòng đem 2 chiếc nhẫn vàng cùng giấy kiểm định đến chất vấn chủ tiệm. Lúc này, chủ tiệm vàng mới đồng ý thu mua với mức giá vừa ý khách hàng.