Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa bất ngờ điều chỉnh giảm đối với lãi suất hoạt động thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu.
Theo đó, 7 thành viên của thị trường vừa vay NHNN gần 13.669 tỷ đồng qua kênh OMO, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,25%/năm, giảm 0,25%/năm so với phiên trước đó.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong năm nay NHNN giảm lãi suất OMO. Lần gần nhất cơ quan này giảm lãi suất OMO là cuối năm 2023, sau đó hai lần tăng loại lãi suất này vào tháng 4 và tháng 5/2024 với mức tăng mỗi đợt là 0,25%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phát hành 3.250 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày trong phiên 5/8. Lãi suất trúng thầu là 4,25%/năm, giảm 0,25%/năm so với phiên trước đó.
Việc NHNN sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép, vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng để duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường 1, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải đảm bảo hai mục tiêu quan trọng nhất là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm đó, quan điểm của NHNN là điều hành lãi suất linh hoạt. Do vậy, việc sử dụng các công cụ điều hành của NHNN như tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, cho vay trên thị trường mở, điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng,... phải luôn linh hoạt.
Từ tháng 6/2023 đến nay, lãi suất điều hành luôn được duy trì ổn định. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho hay NHNN vẫn luôn phân tích, đánh giá xem có thay đổi lãi suất điều hành hay không, thay đổi như thế nào để phù hợp với nền kinh tế nói chung; đồng thời đảm bảo được kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, lượng tiền cung ứng và hút về vẫn đảm bảo hài hoà, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức ổn định. NHNN yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí hoạt động, bằng nguồn lực của ngân hàng để tiếp tục khôi phục nền kinh tế thông qua hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Cũng theo ông Tú, tỷ giá là một vấn đề lớn và rất phức tạp trong quá trình điều hành, là quan hệ tổng hoà của các quan hệ kinh tế vĩ mô, kể cả lãi suất, lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế, cũng như tác động của chính sách tỷ giá của các nước.
6 tháng đầu năm 2024, tỷ giá VND/USD tiếp tục duy trì ổn định. VND mất giá khoảng 4,4% kể từ đầu năm, trong khi một số nền kinh tế lớn có đồng nội tệ mất giá trên 10%.
“Chúng ta không thể cố định tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nên giải pháp trung hoà là phải tạo sự hài hoà giữa xuất khẩu và nhập khẩu, giải quyết đồng bộ chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất; đảm bảo kiểm soát lạm phát, trạng thái cung cầu ngoại tệ”, Phó Thống đốc nói.
Theo Vietnamnet