Hoa xà cừ

11/01/2025 22:00
Cuộc đời có nhiều nhầm lẫn trớ trêu, mọi sự nhầm lẫn dù vô tình hay hữu ý đều để lại những dấu ấn khó phai!

Nghệ về dạy học ở trường cấp 2 này đã được 8 năm.

Tám năm là thời gian đủ để anh giáo ra trường hiểu sâu sắc công việc làm thầy!

Ngôi trường nằm trên đất của ngôi chùa xưa. Chùa bị phá những năm 60 của thế kỷ trước; làm trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp. Rồi Hợp tác xã giải thể, xã cho xây trường cấp 2. Nghe nói rồi đây sẽ xây trụ sở Ủy ban. Không biết rồi sẽ còn biến đổi đến đâu...

Vì sự biến đổi ấy mà sân trường còn lưu lại hai cây đại già, vốn xưa đứng trước cửa chùa. Khắp sân sừng sững năm cây xà cừ to, cây này có khi Hợp tác xã Nông nghiệp đang thịnh.

Chùa làng giờ chỉ còn cái hậu cung nằm khuất sau dãy nhà Ban giám hiệu.

Trụ sở Hợp tác xã chỉ còn dấu tích là cái thềm sân kho giờ là thềm sân Nhà thể chất của trường.

Những cây đại da xù xì, thân nổi cục lên như tay chân người già, nhưng năm nào cũng có mấy đợt hoa trắng, trong cùng của lõi hoa có màu phớt vàng. Tưởng là nhụy hoa, không phải! Nhưng thơm ngào ngạt.


Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Riêng những cây xà cừ thì cỡ 3 người ôm. Tuổi chúng hơn 50 năm rồi. Cây thì to, nhưng hoa thì lại bé li ti. Mùa hoa nở, hoa ở tít trên cao, ít người biết. Đến khi xà cừ có quả rồi, quả rụng xuống đất. Quả xà cừ to bằng quả trứng vịt, nâu sậm, vỏ dày. Nó lại nở bung ra 4 cánh. Nhiều học sinh mới lớn, tranh luận nhau, bảo đấy mới là hoa! Một sự nhầm lẫn hồn nhiên. Nhưng trong làng ngoài xóm dân làng lại gọi đây là cây Báng súng. Ý là cây lấy gỗ làm báng súng sử dụng trong chiến tranh. Nghệ tìm hiểu qua sách báo thì được biết, cây Báng súng là cây khác. Miền Nam gọi là cây Giá Tỵ, nước ngoài gọi là Tếch. Gỗ Giá tỵ mềm, vân thẳng, ít cong vênh. Trong chiến tranh nhiều nước, nhiều vùng dùng gỗ làm báng súng, nên có tên vậy. Còn xà cừ thì rắn, vân xoắn, dễ cong vênh. Nhưng gỗ xà cừ nếu xử lý đúng cách thì đóng đồ gia dụng tuyệt đẹp. Các vân gỗ cứ cuộn lên, bện vào, biến ảo như mây, Gỗ Tếch không làm vậy được. Sao nhiều người lại có sự nhầm lẫn này nhỉ?

Một thứ làm đẹp cho ấm êm, cho hòa bình. Một thứ làm đồ cho khói lửa, cho chiến tranh?

Cuộc đời có nhiều nhầm lẫn trớ trêu, mọi sự nhầm lẫn dù vô tình hay hữu ý đều để lại những dấu ấn khó phai!

Như Nghệ đây, anh biết, mình là sản phẩm của cha mẹ với một mối tình không mong muốn. Cha kể cho Nghệ khi Nghệ bước vào tuổi đi học sư phạm. Rằng ngày xưa, khi cái sân trường này vẫn là sân chùa. Cha sinh đúng năm có Cách mạng tháng Tám. Nước lũ dâng trắng trời. Cờ đỏ sao vàng dập dềnh trên các con thuyền kéo về huyện lỵ. Rồi cha lớn lên khi ông bà hai bên tối ngày lo chạy tản cư vì lính Pháp đi càn. Hòa bình lập lại, cha đi học. Vừa hết cấp 2, cha theo lớp sư phạm rồi ra dạy học. Ngày ấy chưa có khu tập thể giáo viên. Thầy cô giáo phải ở nhờ nhà dân. Nhà cha ở có hai cô con gái, cha có tình ý với cô chị. Nhưng khi tỏ tình và xin ý kiến với ông bà, thì cô chị đã được hứa gả cho người bạn của ông bà rồi. Thời ấy, còn nhiều suy nghĩ bảo thủ và đầy chất phong kiến. Thế là gia đình ghép cô em cho cha. Được cái cô em từ lâu lại rất quý trọng và thầm yêu chàng giáo có dáng thư sinh đang ở nhà mình.

Cô em yêu đơn phương ấy, chính là mẹ Nghệ bây giờ!

Đám cưới trong chiến tranh, chỉ tiệc ngọt uống trà. Đơn giản mà vui. Trên phông đám cưới nào cũng có câu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!”

Cưới mẹ được hai tháng thì cha đi bộ đội.

Cha đi làm một nhiệm vụ mà cho đến nay, Nghệ chưa thể hiểu hết. Cha kể, sau ba tháng huấn luyện, đoàn quân của cha để lại tất cả tư trang, giấy tờ tùy thân, đổi tên, đổi họ, mặc quân phục khác và học tiếng Lào, tiếng Thái. Sau nửa năm, cha cùng đồng đội hành quân vào nước bạn. Đội quân tình nguyện ấy ít phải giao tranh với ngoại xâm, nhưng công việc thường xuyên là xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang ở các bản làng heo hút. Lại còn phải tiểu phỉ nữa. Đó là những lực lượng có vũ trang, chỉ muốn xưng hùng, xưng bá trong mỗi vùng, chúng lại được lực lượng ngoại bang o bế, lẩn lút trong rừng, thi thoảng chúng lẻn ra, phá phách các bản làng và chống chính quyền địa phương. Có những trận truy kích bọn phỉ đến nửa tháng, cha chỉ ăn củ quả trên rừng mà sống. Dân bản gọi cha là Bun Kha. Và cứ thế đoàn quân tình nguyện của cha sống như những người Lào.

Bộ đội Việt Nam đã có truyền thống giúp bộ đội nước bạn rồi. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám bên nước Việt nổ ra, chúng ta đã giúp bạn giành chính quyền. Rồi khi nước bạn kháng chiến, ta đã có những đơn vị quyết tử bảo vệ lãnh đạo chính quyền nước bạn vượt qua những cam go. Những mặt trận Thà Khẹt, mặt trận Luông Pra Băng đã nhiều máu xương bộ đội Việt Nam đổ xuống.

Cha là bộ đội nhưng sống như dân, cùng dân, mà dân nước bạn, trải hơn 5 năm.

Sau Hiệp định Pa Ri (1973), cha về nước. Nghe kể, khi đi, cha mang quân hàm Binh nhất, hơn Binh nhì một bậc. Bộ đội quen gọi đùa Binh nhì là Binh bét! Tức là cha đứng gần bét trong quân ngũ. Những năm tháng sống bên nước bạn có ai quan tâm đến quân hàm quân hiệu gì đâu, chỉ biết dân bản thân thương gọi “ Bộ đội Cụ Hồ”. Đơn giản thế thôi! Cha ra quân, vẫn với chiếc ba lô và bộ quân phục gửi lại hậu cứ ngày nào. Vẫn với chức vị lính trơn, hơn binh bét một bậc như thế.

Hơn 5 năm xa nước, xa nhà, không một thông tin, thư từ gì. Nhiều khi dân làng bảo chắc cha đã hy sinh. Có người độc miệng lại bảo cha đảo ngũ, trốn tránh ở đâu đó. Ác hơn, họ còn bảo cha đầu hàng giặc rồi. Khi thấy cha trở về với quân hàm hai ngôi sao trơ chọi giữa miếng nỷ đỏ, có người lật đi lật lại xem cái vạch vàng hay vạch bạc lẩn trong vải hay không! Có nhiều sự ngờ vực lại vón lên. Cha cũng có chút buồn. Nhưng ông nội, vốn thầy giáo dạy chữ nho ngày xưa, cười bảo rằng: “ Lâu nay, dân chỉ gọi “Lính Cụ Hồ” chứ ai gọi Tướng Cụ Hồ đâu. Làm lính là tốt rồi con giai ạ!” Cha cười và cũng nguôi ngoai.

Cha chuyển ngành, không làm giáo chức nữa. Cha về làm Chủ tịch xã kiêm Chủ nhiệm Hợp Tác xã. Tiếp quản trụ sở Hợp tác xã cũng chính là sân trường của Nghệ bây giờ. Cha là người cùng đảng bộ đưa Hợp tác xã lên cấp cao. Nhưng cũng vì chưa qua học về quản lý kinh tế, lại đuổi theo phong trào mà Hợp tác xã ngày càng đi xuống. Cũng vẫn cha là người quyết định xây trường học trên đất trụ sở của đơn vị mình quản lý. Nhiều người bảo cha còn chút chất giáo nên mạnh tay cho giáo dục thế!

Những năm đất nước bước vào đổi mới, cũng là khi bệnh sốt rét rừng quật lại cha. Người cha xanh như tàu lá. Da nhăn nheo như quả táo tầu để khô. Cha đi lại khó khăn, ăn uống ngủ nghỉ như người mộng du. Cha thường gọi Nghệ ngồi bên mà căn dặn nhiều điều. Khi Nghệ đi học sư phạm cũng là khi sức cha đã kiệt. Một ngày cha nới với Nghệ:

- Cha có nhiều ước vọng, vì thế có nhiều dằn vặt, do ước vọng không thành. Nhưng điều cha băn khoăn, ân hận nhất là chưa yêu thương mẹ con đúng nghĩa người bạn đời. Khi lấy nhau, vì không phải người mình ưng nên cha cũng lơ là. Dù biết mẹ con yêu thương cha nhất mực. Khi xa nhà lại do công việc đặc biệt mà không quan tâm đầy đặn với mẹ con. Khi về quê, lại lăn xả vào công việc, công việc ở lĩnh vực mới, mình lại thiếu kinh nghiệm, nên ít quan tâm đến việc nhà. Nhưng cha biết mẹ con vẫn tận lòng tận nghĩa với cha và gia đình. Kể cả việc thương và yêu con...Con hãy thay cha chăm sóc mẹ chu đáo con nhé!

Nghệ hỏi:

- Sao cha mẹ không sinh thêm em bé cho con có bầu có bạn.

Cha nói:

- Bệnh của cha đã làm mẹ con không được niềm vui ấy... Cha có lỗi, thậm chí có tội rất nhiều với mẹ con...

Cả loài người bước sang Thiên niên kỷ mới, cũng là khi Nghệ mất cha. Ông ra đi vào một đêm trời rất lạnh, ông mới 55 tuổi, cái tuổi đang chín để có thể hoàn thành những công việc đã khát khao hoặc dang dở. Có lẽ đời cha đẹp nhất là hơn 5 năm được làm lính. Cũng như sau này, những giây phút đẹp nhất của cha là khi gặp mặt đồng đội, những người bạn suốt đời mang hai chữ “ Lính cụ Hồ”!

Nghệ học Văn Sử, có lẽ vì thế Nghệ băn khoăn mãi việc ngôi chùa có tên chữ “Đại Tâm tự”- Trái tim lớn, giờ lại nằm nép mình sau khu nhà Ban giám hiệu. Được biết, lãnh đạo địa phương có ý mở rộng khuôn viên nhà trường, đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm. Nghệ đang là Hiệu phó kiêm Chủ tịch công đoàn, được nghe nhiều ý kiến giáo viên phản ảnh. Đó là nhiều phụ huynh trong các xóm, mong muốn khôi phục ngôi chùa. Nghệ mạnh dạn đề nghị Ban giám hiệu đề xuất với lãnh đạo xã, chuyển nhà điều hành của trường sang chỗ khác, nhường lại hơn 200 mét vuông đất, cho xây bao loan, thành khuôn viên của hậu cung chùa. Cũng là có hướng để chùa xưa có thể xây dựng lại trên nền đất cũ.

Được tin lãnh đạo địa phương tích cực ủng hộ, dân các xóm trong làng phấn khởi lắm. Nhiều bà, nhiều cô lại náo nức sắp lễ lên chùa. Dù khuôn viên còn chưa được như mong ước.

Một buổi mẹ Nghệ ra chùa. Bà đã ngoài 70, nhưng rất nhanh nhẹn.

Mẹ qua nhà điều hành của nhà trường thăm Nghệ.

Từ ngày cha mất, rồi Nghệ lấy vợ, sinh con, vợ Nghệ lại làm bên ngành Y, công việc hai vợ chồng cứ tít mù. Rồi để mở rộng đường tỉnh lộ, nhà Nghệ chuyển ra khu dãn dân mới. Mẹ ở cùng vợ chồng Nghệ, nhưng tíu tít hai đứa cháu, lại việc họ việc làng nữa. Mẹ lo giúp vợ chồng Nghệ tất cả. Vì thế, hai mẹ con ít có dịp ngồi riêng với nhau. Hôm nay, mẹ ngắm Nghệ rất lâu rồi nói:

- Mẹ được biết, con cùng các thầy cô giáo trong Ban giám hiệu đề xuất với xã dành đất cho nhà chùa, mẹ rất vui.

- Vâng mẹ, đó là việc cần làm ạ!

- Chùa gần trường học thì cũng bất tiện. Nay mai, nếu theo kế hoạch, đây là trụ sở Ủy ban thì đỡ ồn hơn. Nhưng trước mắt, có nơi để dân tâm tình thổ lộ những khát vọng, những niềm tin là tốt rồi! Chùa Đại Tâm cũng coi là nơi sinh ra con đấy!

- Mẹ nói sao!? Ngày mẹ sinh con ở chùa này à?

Mẹ trầm giọng, nói như trong mơ:

- Mẹ không có được niềm vui ấy con ạ! Sau ngày đất nước thống nhất được sáu tháng thì cha con về. Cha con đen nhẻm với chiếc ba lô con cóc sau lưng và cái địu, địu con trước ngực. Vì chưa nói trước với mẹ và ông bà nên cha con tạm giấu con trong hậu cung chùa. Về nhà lúng búng rồi quanh co mãi, quá trưa cả nhà mới hiểu ra và chạy vội ra chùa, lúc đó con đã đói sữa đến lả đi, ruồi bu đầy trên mý mắt. Mẹ ôm con vào lòng mà thầm trách mình hơn trách cha con...

- Vậy con là...

- Ừ... Cha con tự nhận là đã có con với một phụ nữ Lào. Cha con tỏ vẻ ân hận lắm. Nhưng mẹ chưa tin hẳn. Rồi, trăm công ngàn việc, chẳng ai kiểm chứng lời cha con. Ông bà nội thì vui có cháu quên hết mọi chuyện. Còn mẹ thì...

- Mẹ sao ạ!- Nghệ thảng thốt hỏi...

- Với mẹ cái gì của cha con mẹ cũng nâng niu trân quý hết. Cả lỗi lầm hay sự ốm đau của ông ấy!

- Mẹ... Mẹ thật vĩ đại!- Nghệ ôm lấy mẹ, rưng rưng. Tiếng mẹ thì thầm:

- Có người cùng đơn vị lại nói rằng, khi về nước, kiểm tra sức khỏe, biết mình không thể có con, cha đã đón con từ một gia đình rất nghèo ở phía tây Nghệ An. Mẹ vui vì có con, mẹ coi con như của Trời của Phật cho, nên mẹ cũng không bao giờ hỏi...

Nghệ ngả đầu vào vai bà với lòng biết ơn vô bờ. Bất giác anh nhìn ra sân, những bông hoa đại rơi trắng lối. Loại hoa mà khi còn sống cha gọi là hoa Chăm Pa. Cánh hoa trắng như sứ, không ai thấy nhụy hoa, nhưng mùi thơm thì ngây ngất. Rồi anh cũng ngẩng lên vòm cây xà cừ cao xanh, gắng tìm những hạt hoa li ti. Không thấy đâu. Nhưng anh chắc, chỉ vài tháng nữa, vào hè, những quả nâu nâu sẽ đầy sân trường, mà quả ấy sẽ nở bung ra bốn cánh đầy đặn. Sẽ lại có lớp học sinh tranh luận nhau, đó là hoa xà cừ.

Lạ thật, cái cây cho bóng mát tuyệt diệu và làm đồ gia dụng đẹp mỹ mãn, lại mang tiếng làm báng súng cho chiến tranh.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Đỗ Hàn

Tin xem thêm

Vợ mua xăng cho chồng đi làm

Giải trí
22/04/2025 16

Chị vợ đảm đang mua cả lít xăng cho chồng đi làm, thế nhưng anh chồng đã có kế hoạch khác.

Diễn viên Kim Phượng vượt nỗi đau ung thư, có tổ ấm viên mãn tuổi U50

Giải trí
22/04/2025 14

Diễn viên Kim Phượng từng suy sụp, "sống gấp để chờ chết" khi nhận bệnh án ung thư ở tuổi 25. Chiến thắng bệnh tật, chị suy nghĩ lạc quan, khao khát được cống hiến hơn ba...

Cựu 'hot girl ngực khủng' Elly Trần bị soi ảnh 'bẻ cong' vạn vật

Giải trí
22/04/2025 14

Mới đây, cựu 'hot girl ngực khủng' Elly Trần tiếp tục gây sốt với những bộ ảnh diện bikini nóng bỏng mắt. Nữ diễn viên đăng hình kèm dòng trạng thái: 'Okay, 3kg tóp mỡ nữ...

Việt Hoàn U60 hạnh phúc sau ly hôn vợ kém 18 tuổi, phủ nhận là đại gia bất động sản

Giải trí
22/04/2025 10

Ca sĩ Việt Hoàn nói anh và vợ cũ ly hôn trong văn minh. Anh đang tận hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc của một người độc thân và để mọi việc tùy duyên.

Niềm đau giấu kín của hoa hậu 32 tuổi bị bạn trai cũ bạo hành và giam cầm

Giải trí
22/04/2025 08

BRAZIL - Hoa hậu Sergipe, Saiury Carvalho từng bị bạn trai cũ bạo hành, giam lỏng buộc cô phải tìm đến bác sĩ tâm lý.

Khi giấc mơ làm giám đốc thành hiện thực

Giải trí
22/04/2025 08

Lúc mới đi làm, ai cũng muốn được lên chức cao, chẳng hạn như chức giám đốc. Nhưng đến khi đạt được rồi thì...

Nam bác sĩ trúng số độc đắc hơn 67 tỷ đồng sau bữa tối kỷ niệm ngày cưới

Giải trí
22/04/2025 07

Ngay sau bữa tối kỷ niệm ngày cưới lãng mạn cùng vợ, một nam bác sĩ (53 tuổi) ở Penang (Malaysia), đã trở thành người may mắn trúng độc đắc Toto 4D Jackpot với giải thưởn...

2 nữ hành khách xô xát khiến chuyến bay bị hoãn hơn 2 giờ

Giải trí
22/04/2025 06

TRUNG QUỐC - Sau khi phàn nàn về mùi cơ thể của nhau, 2 nữ hành khách trên chuyến bay của Shenzhen Airlines từ Thâm Quyến đến Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, đã xảy ra xô xát ...


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media