Chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt số 3 mang đến cho khán giả cuộc gặp gỡ đầy xúc động với các nghệ sĩ từng tham gia bộ phim Mùi cỏ cháy gồm: NSƯT Nguyễn Hữu Mười - đạo diễn kiêm vai Hoàng (sau chiến tranh), diễn viên Thanh Sơn - vai Long và diễn viên Lê Thơm - vai Thành.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười.
Tái hiện chân thực cuộc chiến 81 ngày đêm
Mùi cỏ cháy ra mắt năm 2011, là bộ phim điện ảnh đầu tiên tái hiện chân thực cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị năm 1972 - một mùa hè đỏ lửa trong lịch sử dân tộc. Tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Hữu Mười thực hiện, với kịch bản của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, dựa trên nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Bộ phim khắc họa hình tượng những người lính trẻ Hà Thành lên đường ra trận để bảo vệ Tổ quốc. Sông Thạch Hãn đã nuốt trôi biết bao người lính, mãi mãi nằm lại dưới lòng sông lạnh lẽo.
NSƯT Nguyễn Hữu Mười chia sẻ: "Khán giả phản ứng rất tốt với bộ phim. Ngày đầu tiên tôi và anh Cầm tổ chức chiếu cho cựu chiến binh của thành cổ Quảng Trị, nhiều người đã khóc".
Bộ tứ Hoàng - Thành - Thăng - Long và những kỷ niệm khó quên
Nhân vật chính của phim là 4 chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long - đại diện cho hình tượng người con trai Thủ đô xếp bút nghiên lên đường ra trận. Chia sẻ về quá trình tuyển chọn diễn viên, đạo diễn Hữu Mười cho biết: "Có rất nhiều diễn viên đến ứng tuyển. Cái khó nhất khi làm phim về chiến tranh là ai cũng mặc một kiểu trang phục, cùng hô quân lệnh một nhịp. Nhiệm vụ của tôi là phải giúp mỗi nhân vật có đặc điểm riêng, cá tính riêng".
Ông cũng kể lại quá trình chọn diễn viên cho vai Thành: "Rất nhiều người tham gia tuyển chọn, nhưng khi vào chung kết chỉ còn 2 người. Tôi đặc biệt ấn tượng với Lê Thơm và với vai trò đạo diễn, tôi quyết định chọn cậu ấy. Khi xem Thơm diễn vai Thành, tôi hoàn toàn mãn nguyện".
Diễn viên Lê Thơm (vai Thành) chia sẻ: "Lúc đó tôi còn là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh. May mắn được chọn vào vai phù hợp, tôi rất vui và hào hứng. Có những đêm không ngủ vì háo hức, đến giờ vẫn không thể quên".
Khi đang học năm hai Đại học Sân khấu Điện ảnh, Thanh Sơn được thầy Lê Mạnh Hùng giới thiệu với đạo diễn Nguyễn Hữu Mười. Theo quy định, sinh viên chỉ được đóng phim sau năm hai, nhưng nhờ sự can thiệp của đạo diễn, anh mới có cơ hội tham gia.
Thời gian quay phim kéo dài hơn dự kiến. Sau những cảnh quay đầu tiên ở Hà Nội, đoàn phải chờ đợi khá lâu để tiếp tục. Đặc biệt, quá trình quay tại Sơn Tây để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Địa điểm cách Hà Nội 40km, mỗi ngày xe quay phim đi 3 vòng, tương đương 120km. Các diễn viên trẻ vừa học, vừa quay nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết.
Với vai Long, Thanh Sơn kể được sử dụng súng, trải nghiệm khiến các diễn viên trẻ hào hứng, không nghĩ đến nguy hiểm.
Thanh Sơn kể kỷ niệm khi đóng phim
Cả hai diễn viên đều nhắc đến những cảnh quay đầy cảm xúc, đặc biệt là cảnh Long hy sinh. Nhân vật Long không chỉ chết một lần mà còn bị bom đạn phá tung ngôi mộ sau khi hy sinh. Lê Thơm kể: "Đêm quay cảnh Long hy sinh thực sự xúc động. Đoàn làm phim làm việc đến 3-4 giờ sáng, với mình đó là khoảnh khắc ấn tượng và thương nhân vật của Thanh Sơn".
Diễn viên Thanh Sơn
Thực tế lịch sử và những khó khăn
Bộ phim không chỉ dựa trên trí tưởng tượng mà còn được xây dựng từ những câu chuyện có thật, những bức thư, nhật ký của người lính. Đạo diễn Hữu Mười chia sẻ: "Tôi vào Quảng Trị, đọc gần như toàn bộ những bức thư, cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20. Khi thấy một chi tiết hay, tôi đánh dấu lại và tìm cách đưa vào phim".
Ông kể về chi tiết có thật trong phim: "Có hai người lính, một người mù, một người hỏng tay. Khi địch tấn công điểm cao, người mù cầm sẵn lựu đạn, còn người hỏng tay nhưng mắt sáng lại ném về các phía để chiến đấu. Đó là câu chuyện có thật".
Đạo diễn Hữu Mười chia sẻ về phim:
Để thực hiện bộ phim, đoàn làm phim đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là dựng cảnh chiến tranh. NSƯT Nguyễn Hữu Mười nhớ lại: "Bối cảnh thành cổ là thách thức, chiếm nhiều thời gian nhất. Tổ họa sĩ dựng lại thành cổ, còn sư đoàn xe tăng hỗ trợ rất nhiều".
Nhiều cảnh quay không thể thực hiện do hạn chế kinh phí. Cảnh ném thư từ toa tàu - nơi những lá thư rơi xuống và được người dân nhặt lên chuyển giúp rất đẹp nhưng đành bỏ lỡ vì kinh phí không cho phép.
Sau 14 năm, Mùi cỏ cháy - bộ phim từng đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2011, Cánh Diều Vàng 2012... vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Ảnh, video: VTV
Theo Vietnamnet.
Ngày ấy, bố tôi dạy học ở trường nằm cuối huyện, huyện nằm cuối tỉnh giáp chân đèo. Đèo vắng thường ít người qua lại, lâu lâu thấy một chiếc xe tải bụi băm ì ạch leo dốc.
Người đàn ông được ca ngợi là anh hùng khi dìu một bà cụ xuống 40 tầng cầu thang trong trận động đất mạnh tấn công Myanmar và ảnh hưởng tới Thái Lan.
Để lộ phần xương sườn khi diện đồ 'kiệm vải', Ngọc Trinh gây lo ngại về việc giảm cân siết dáng quá đà.
Dù bị chỉ trích nhưng "Âm dương lộ", bộ phim gây ồn ào khi dùng xe cấp cứu đưa diễn viên đi ra mắt lên top 1 phòng vé cuối tuần qua.
Kim Soo Hyun bày tỏ nỗi sợ hãi, lo lắng và xin lỗi vì scandal. Về Kim Sae Ron, anh thừa nhận từng có mối quan hệ thân thiết.
Chuyện chưa kể về "Minh mưa bụi" - người đàn ông đặc biệt phía sau thành công của Cẩm Ly và loạt hit Làn Sóng Xanh qua lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy.
Cảm xúc chủ đạo của tập thơ "Ban mai sớm" là niềm tin yêu, hy vọng, lạc quan về cuộc sống của nữ sĩ có cuộc sống viên mãn, tròn đầy.