Màu tóc trắng

28/03/2025 22:00
Anh Út quơ ào ào những thúng, mủn, liềm, kéo, dây nilon, lưới mành mành… trên bộ ván ở mái hiên để lấy chỗ thoáng nhất cho khách ngồi. Anh gãi đầu gãi tai rằng nhà nông mà, mấy cô thông cảm, ngày nào cũng ra đồng nên không có thời gian dọn dẹp, cứ ắp lẵm đó đi, hôm nào chủ nhật hoặc có đám có tiệc gì thì dọn luôn một thể.

Một bóng tóc trắng từ trong phòng được anh Út dìu ra mái hiên. Mắt của bà đã bị lòa vì tuổi tác nên dù được dìu đi nhưng hai tay bà vẫn hươ về phía trước, như rằng để tự mình lường trước những chướng ngại vật vậy.

- Đây... má tui đây! Người phụ nữ có trí nhớ dai nhất quả đất... tám mấy tuổi mà kể chuyện 50 năm trước giòn như bắp rang bơ đây!

- Cái thằng....

Giọng người già yếu ớt nhưng không run rẩy, báo hiệu sức khỏe bà khá ổn

Bà chính là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ân.

***

28 tuổi, mẹ Ân đã có chồng và hai đứa con. Ông Sáu, chồng của mẹ làm công nhân đồn điền cao su nhưng bản thân ông là cơ sở mật của cách mạng.

Ngày ngày, từ Hưng Thuận đi vào đồn cao su Thanh Tuyền để làm việc, ông phải mất 20km đạp xe. Con đường đất đỏ từ Hưng Thuận đến Thanh Tuyền chỉ là một đường mòn cho xe đạp đi. Đường vắng, người thưa, giờ giấc làm việc quá đặc biệt như thế nên đó cũng là thời gian vàng để ông Sáu mang thứ này thứ kia như mớ thuốc rê, ít thuốc đỏ bông băng, hay vài phần thuốc tây cho các anh, các chú.

Một ngày của ông Sáu bắt đầu từ mười hai giờ đêm, ăn một bụng cơm, xách thêm gà- mên cơm, cây đèn ló đội trên đầu và mớ đồ nghề của công nhân cao su rồi lên con ngựa sắt đạp đi. Sao cho hai giờ sáng tới nơi và bắt tay vào việc. Nhưng trên cung đường đi đến nông trường đó, cũng là thời gian ông làm việc cho cách mạng.

Cũng hơn hai năm rồi, ông Sáu không nghĩ gì đâu, công lao công trạng gì đó chỉ là điều xa vời, mà tiện đường thì làm thôi. Như là giúp đỡ người khó khăn vậy mà. Các chú, các anh không mua được bông băng thuốc men thì vợ ông mua giùm, rồi trên đường đi làm, ông mang đi và ghé gò mối, miếu ông tà nào đó đặt mấy món đồ ấy ở đó là xong.


Tranh của họa sĩ Lê Kiệt

Những việc ông Sáu làm chỉ là như vậy thôi. Vậy mà tên khốn nào đó đã mách lẻo với cấp trên rằng ông Sáu “làm cách mạng” cho tên cai của đồn điền đã đánh ông đến ói máu. Nó hỏi ông thời gian qua đã gặp những ai, tên gì? Ai mà biết ai, ai mà biết tên gì? Chỉ là lời nhờ qua nhờ lại mua vài thứ đồ mà ai cũng phải cần thôi. Ai nhờ ai? Ai nhờ qua nhờ lại?

Không moi được tin tức gì nữa, thằng cai tức tối đánh thêm ông Sáu một trận nữa, rồi cho nghỉ việc.

Cả xóm náo động, người giàu nhất xóm là ông Tư Xệ có cái xe bò, cũng bắt ách đôi bò đánh thúc chở ông Sáu lên bệnh viện huyện. Bác sĩ bảo ông Sáu bị “xuất huyết bao tử” do di chứng nội thương của những trận đòn.

Ba ngày sau, ông Sáu mất.

Hai Nhựt, con trai lớn của ông Sáu lúc ấy mới 15 tuổi nhưng cậu bé biết vì sao cha mình chết. Sau tang cha, em thưa:

- Má, cho con đi cách mạng để trả thù cho ba nghen má!

- Trời ơi con nít con nôi mà nói gì trả thù ghê vậy? Ba bây chết vì cái số ổng tới đó mà thôi!

- Số gì mà số, ba khỏe mạnh vậy, bị người ta đánh mới chết đó má! Nha...cho con đi nha...

- Nói chơi hoài con. Mày biết cách mạng ở đâu mà đi?

Người mẹ nghèo luôn tay đan lát ơ thờ trả lời con

- Con biết mà...có mấy chú rủ con rồi. Chỉ cần má đồng ý.

- Ba mày mới chết...nhà còn em nhỏ, chỉ có mình mày lớn. Đi bỏ má sao Nhựt?

- Má lo gì, con đi nhanh lắm, mỗi tháng về thăm má một lần. Đi chừng hai năm là cách mạng thành công!

- Còn biết “cách mạng thành công” nữa! Ai nói với con vậy?

- Dạ bác Tư Xệ!

- Ủa ông chủ xe bò? Cũng làm cách mạng hả? Nếu vậy thì má yên tâm. Để chiều chiều má qua gởi gắm một tiếng cho ổng.

Đó là một buổi chiều mùa hạ năm 1972. Người con trai 15 tuổi tên Hai Nhựt rời khỏi xóm ấp Hưng Thuận quen thuộc để “đi làm cách mạng” về hướng căn cứ Trung ương cục.

Trên tay em là chiếc bòng được mẹ may gấp từ cái ruột gối của mình, để Nhựt đựng vào đó hai bộ quần áo, cái giàn ná thun quen thuộc và đôi dép nhựa mới mua. Đó là tất cả gia tài khi Hai Nhựt “đi làm cách mạng” với niềm tin “mỗi tháng về thăm má một lần”. Nhưng người mẹ không bao giờ ngờ được, đó là lần chia tay mãi mãi.

***

Đi suốt hai ngày đêm, do tổ chức phân công nên chưa đến căn cứ TW cục thì đến khu vực Căn cứ lõm Năm Trại. Đó là một căn cứ nhỏ, lọt thỏm giữa vùng đất trũng của kênh, đìa và trảng nước mênh mông. Nhưng là điểm trung chuyển của cách mạng khi đón người từ các tỉnh miền Tây nam bộ vượt sông Vàm Cỏ Đông để về Trung ương Cục.

Những chiến sĩ cách mạng sẽ nghỉ lại Năm Trại một đêm trên những căn chòi ở những ngọn cây xà cừ của vùng cứ lõm này. Xà cừ ở đây nhiều, nhưng đặc biệt có năm cây, ngọn nó chia thành “chạc ba” và những người chiến sĩ cách mạng tài hoa đã biến nó thành một ngôi nhà nhỏ trên cây.

Có lá râm che mát bốn mùa, lại tránh được mắt quân thù nhưng cũng là nơi lý tưởng để nhìn xa về hướng đồn Trường Lưu cách đó 3- 4km theo đường chim bay.

Vì vùng cứ này có năm căn nhà nhỏ trên năm ngọn ấy xà cừ như thế, nên người ta gọi là “cứ Năm Trại”

Hai Nhựt được ở lại nhận nhiệm vụ làm giao liên, sinh sống ở vùng ngoài và Năm Trại. Một cơ sở cách mạng ở đấy đã nhận cậu bé Nhựt là cháu họ để em được hợp pháp ở lại nhà.

Ngày đó...

Muốn vào căn cứ Năm Trại thì mọi người đều phải long mình qua Trảng Ông Tên. Trảng này là vùng đất không chân hàng chục năm nay, à không, chắc từ thời khai thiên lập địa ấy chứ! Có một người đàn ông tên Chín Tên ở đầu trảng. Ông nuôi heo trên chuồng, thả cá dưới sàn chuồng heo. Tận dụng nguồn nước tự nhiên ra vô của nhánh con sông Vàm Cỏ Đông chảy vào trảng này mà sinh sống. Heo, gà, cá ông nuôi được, ai mua thì bán, ai xin thì cho. Đặc biệt món khô một nắng của ông là ngon số dzách. Vì cứ cá lóc, cá rô, cá trê, cá sặc...tươi xoi xói đem làm sạch rồi tẩm ướp với muối ớt xiêm xanh. Xỏ dây lạt trúc treo lên phơi từng xâu. Mùi thơm của ớt và cá hòa vào nhau, chỉ cần nghe hơi gió thôi cũng bắt thèm.

Ông Chín Tên không làm việc cho “bên” nào cả. Người của cách mạng ghé ông “chia lại” mớ thuốc rê, xấp giấy quyến hoặc vài viên đá hột quẹt hay lít đầu hôi...ông đều bán. Lính của đồn Trường Lưu mon men xuống ông uống ly trà ăn con khô nướng để hỏi thăm đường vào cứ Năm Trại, ông cũng hướng dẫn.

Chỉ là...

- Đường vào cứ Năm Trại dễ ẹc thôi mấy chú! Chỉ cần long mình qua cái trảng này là xong. Nhưng qua báo trước là đất không chân nha! Mấy chú tướng tá bự xự, súng ống đầy mình, qua thì gầy như con cá mắm. Có gì qua cứu mấy chú hông nổi à nhen! Thông cảm nhen!

Lính đồn bao phen muốn vào cứ Năm Trại đều bị “ông thần gác cổng” này chặn lại. Nhưng nói rồi, ông vẫn không theo “phe” ai dù các ông cách mạng có năn nĩ mời gọi.

- Mấy chú để cho qua bình yên nha. Nhiều khi cứ trung lập vầy mà giúp được mấy chú đó! Chứ có khi theo mấy chú rồi, bọn lính đồn Trường Lưu nó biết, “đòm” qua một phát là theo ông theo bà luôn!

Và Hai Nhựt là cậu bé giao liên mà ông Chín Tên thương mến nhất. Ngày ngày Hai Nhựt vẫn theo bà con xóm ấp long mình qua trảng, vào Năm Trại để trồng mì, trỉa đậu, bắn con chim con cò làm món ăn cho tuổi mới lớn của mình. Ông Chín Tên hay trêu Nhựt:

- Ê nhỏ, hông ở nhà bú mẹ cho mau lớn mậy! Cỡ mày còn chưa cao bằng cây cần câu của tao mà đi làm cách mạng nỗi gì?

- Nhưng ba con bị chúng đánh chết, con tức lắm ông Chín! Con phải làm cái gì đó trả thù cho ba con!

- Ừ, muốn trả thù cũng được nhưng phải ăn cho có sức mới làm được con à. Nè, khô, cá, gà, vịt đầy bếp, mày muốn ăn cái gì thì nướng mà ăn nha con!

Nhờ có ông Chín Tên mà cậu bé tuổi 15 có những bữa ăn vặt no nê chất đạm.

Mười sáu tuổi, Hai Nhựt đã cao thêm 10cm. Ông Chín Tên nhìn thằng bé cao khều mà cười. Rằng phải chi có thịt hươu cao cổ, dám mày ăn sẽ cao mút ngọn xà cừ khiến cậu chàng khoái chí cười hăng hắc.

Từ chỗ ông Chín Tên, cậu giao liên Hai Nhựt đã tiếp tế thêm vài món khô mắm cho mấy cô mấy chú cách mạng trong Năm Trại. Bữa ăn của mấy chú ấy được “tươi” hơn thì cái chân đi khỏe hơn, cách mạng mau thành công hơn. Ông Chín hay nói vậy với Hai Nhựt. Cậu chàng thắc mắc:

- Ủa ông bảo ông không ưa bên nào hết, sao dạo này ông cứ kêu con đem cá đem khô vào cho mấy cô mấy chú trong đó ạ?

- Mày ngốc quá nhỏ ơi! Tao nói vậy là để bình yên cho bản thân mình đó. Chứ tao cũng là con dân Việt Nam, cũng máu đỏ da vàng mà ngày ngày thấy tay trái bắn tay phải sao chịu được mậy?

- Ủa tay trái làm sao cầm được súng hả ông Chín?

- Ngốc ơi, ý tao nói là lính đồn Trường Lưu và mấy ông cách mạng trong Năm Trại á, cũng là con dân Việt Nam mà cứ hằm hè nhau, tao không chịu được.

Bây giờ Hai Nhựt đã hiểu. Ông Chín thật là cao siêu.

***

Hai Nhựt nhận được lệnh rằng đêm nay quân cách mạng sẽ công đồn Trường Lưu, giao liên Nhựt hãy làm hoa tiêu. Em bé nhỏ, chưa tiện sử dụng súng ống thì chỉ cần đưa các anh các chú đến chân hàng rào đồn là được. Vì hàng ngày Hai Nhựt đều phải đi ngang qua đồn mới vào Năm Trại mà trồng mì, trỉa đậu. Nhiệm vụ quan sát là công việc của một giao liên cần có. Hơn một năm qua, em đã khá rành rẽ địa hình.

Nhưng ...người tính không bằng trời tính. Bộ đội Năm Trại đã qua được hàng rào của đồn Trường Lưu. Khí thế đang hừng hực xông lên vì sau mấy đêm mưa đầu mùa mát mẻ, lính đồn đã ngủ quên hết rồi. Thế tấn công như chẻ tre, đồn sẽ thay ngôi đổi chủ không vài chục phút nữa. Vậy mà lớp kẽm gai cách hàng rào chục mét ấy đã làm vật cản bước chân những người chiến sĩ cách mạng

- Uỳnh!

- Uỳnh!

- Uỳnh!

Ba tiếng nổ đanh khô. Những tiếng tiếng bước chân sầm sập của lính đồn. Chiến sĩ cách mạng phải quay lui để bảo toàn lực lượng. Một số đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại dưới chân đồn Trường Lưu.

Hôm sau, chợ Trường Lưu náo loạn vì nhà ông Ba Hô- cơ sở cách mạng đã nhận Hai Nhựt làm cháu họ- đã bị mời lên quận vì thằng cháu họ của ông ấy đêm qua vắng nhà.

Quân cách mạng điểm danh, ngoài những chiến sĩ đã thành liệt sĩ thì em giao liên tên Hai Nhựt cũng đã hiến dâng xác thân mình cho đất mẹ. Bởi loạt bom của đồn Trường Lưu nổ quá lớn, sức công phá của nó đã khiến bao thi thể không còn nguyên vẹn.

***

Tin dữ đưa về Hưng Thuận, người phụ nữ năm trước mất chồng, năm sau mất con đã không còn nước mắt để khóc. Bà biết đó là lỗi của chiến tranh nhưng sao con tim đau thế này? Trong mắt bà, hình dáng đứa con gầy gò mang chiếc bòng trên vai tung tăng “đi làm cách mạng” hồn nhiên quá đỗi. Lời hẹn “một tháng về thăm mẹ một lần” nhưng suốt một năm qua, con cũng chưa lần thực hiện.

Bây giờ thì tất cả chỉ có tờ giấy báo tử này đây.

***

Nhiều năm sau...

Mẹ Nguyễn Thị Ân được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Buổi lễ trang trọng tổ chức tận trên hội trường Ùy ban Tỉnh, xe đưa đón tận nhà, quà tri ân đỏ vàng ngập cả gian phòng khách nhỏ. Nhưng mẹ chỉ có nguyện vọng duy nhất trước khi nhắm mắt, là tìm được di vật nào đó còn sót lại của đứa con đầu lòng mãi mãi tuổi 15 của mẹ.

Liệt sĩ Ngô Văn Nhựt (Hai Nhựt) không có bia mộ, vì trận công đồn năm đó đã không tìm được xác thân anh. Chỉ có họ tên anh là được khắc vào bia tưởng niệm của ủy ban xã- nơi anh hi sinh.

Mẹ anh hùng Nguyễn Thị Ân sau này cũng mua đất cất nhà ở địa phương mà đứa con đầu lòng của mình đã mãi mãi nằm lại. Bà muốn mai này mình về với trời xanh mây trắng, thì xác thân già nua này cũng ngấm vào đất mẹ, nơi mà ở đoạn tường rào nào đó, con bà đã anh dũng nằm lại.

Chúng tôi là lớp cán bộ xã mới toanh, đến thăm Mẹ vào những ngày lễ lớn của đất nước như bao lớp cha anh đi trước vẫn làm. Nhưng lần này có một sự việc đặt biệt hơn, là anh Út muốn hợp tác với chúng tôi để giúp người mẹ già hoàn thành tâm nguyện.

- Tui làm sẳn cái giàn ná thun y như của anh Hai tui ngày ra đi. Mấy cô chỉ cần nói là tìm được nó ở nhà ông Ba Hô là được.

- Nhưng ông Ba Hô đã mất hàng chục năm nay rồi anh!

- Trời ơi, thì nói là... do sửa nhà, đào móng nhà, con cháu ổng phát hiện cái ná thun cũ kỹ... vậy đó..

- Nhưng tụi em sợ, nói dối người già là có tội. Hoặc lỡ Mẹ phát hiện thì “quê” lắm anh!

- Má tui già rồi, hông thấy rõ đâu, chỉ nhớ ngày anh Hai ra đi có mang theo cái ná thun thôi à!

Chúng tôi đã chấp nhận nói dối một lần để giúp Mẹ hoàn thành tâm nguyện và nhẹ nhỏm.

Tiếng anh Út liếng thoắng:

- Má, má...hôm nay mấy cô ở Ủy ban xã đến thăm má nè. Mà hình như có quà bất ngờ cho má nữa đó...phải không mấy cô?

- Cái thằng....già hai thứ tóc mà còn ham quà cáp. Anh Út bây nói chơi đó. Đừng ngại nha mấy con!

Mẹ anh hùng vừa rầy trai Út, vừa phân bua với khách làm chúng tôi áy náy vô cùng.

- Dạ ...anh Út nói thật đó mẹ. Tui con đến lần này có mang một tin vui cho mẹ. Là ...dạ là...

- Là gì đó? Bây đừng làm mẹ hồi hộp nhen? Già rồi, hồi hộp dễ cao máu lắm à...

- Dạ...là gia đình bác Ba Hô, nơi liệt sĩ Hai Nhựt cư ngụ hồi đó đó...họ xây cất lại nhà và phát hiện dưới nền móng có cái giàn ná thun...y như của liệt sĩ Nhựt ngày xưa hay dùng...

- Ủa, Mẹ nghe chú Ba Hô đã mất lâu rồi mà? Ông trẻ hơn mẹ mà đi trước mẹ đó! Mẹ anh hùng thảng thốt

- Dạ, thì bác ấy đã mất, nhưng các con bác ấy làm nhà và phát hiện...

- Đâu? Bây đưa mẹ coi coi... trời ơi... gần năm mươi năm... lẽ nào...

Đôi tay gầy của Mẹ hươ về phía trước. Chiếc giàn ná thun đã được anh Út cẩn thận đến nỗi gọt xong thì hơ lửa cho cháy xém xém rồi ngâm vào đất đỏ cho ướm đầy bùn sình như là nằm nó đã dưới mặt đất lâu năm vậy.

Mẹ anh hùng đón lấy chiếc giàn ná thun mà bây giờ chỉ là cái đoạn cây gỗ hình chữ Y nham nhám. Bàn tay bà xoa xoa rờ rẫm lên xuống chiếc ná ấy. Gật gù rằng ừ năm mươi năm qua, thun mục hết rồi là phải. Mà cái giàn ná này anh Hai bây làm từ nhánh cây ổi sẻ ở trong vườn nên nó bền chắc lắm. Lại bị nằm dưới đất nền nhà nên không mục là đúng rồi.

Mẹ tâm sự mà như tự sự khiến chúng tôi ai cũng cay cay khóe mắt. Lòng dấy lên cảm giác có lỗi với người già vì đã hợp tác một lần nói dối.

Rồi bỗng nhiên mẹ bảo:

- Cảm ơn các con, gửi lời cảm ơn mấy đứa con ông Ba Hô đã tìm lại kỉ vật của thằng bé Nhựt giùm mẹ. Cầm cái giàn ná này, mẹ như đang nắm tay anh Hai của bây vậy đó! Mẹ giờ có chết cũng vui lòng rồi Út ạ!

- Má này...chết đâu mà chết...má còn sống tới trăm tuổi lận mà!

- Má đâu cần trăm tuổi...má chỉ cần gặp lại anh Hai của bây thôi

- Dạ...thì giờ tìm được kỉ vật của anh Hai rồi. Má vui nhen má!

- Ừ má vui lắm. Nhựt ơi...hức....hức...

Giọng khàn của người già chùn xuống khiến chúng tôi phải khóc theo. Mái tóc má trắng như tiên đang rưng rưng theo từng tiếng nấc làm lớp người trẻ chúng tôi xúc động quá đỗi.

Anh Út vỗ vỗ lưng mẹ mình rằng thì là mà má đừng khóc nữa. Biết má khóc vầy, thì con ém nhẹm luôn cái giàn ná của anh Hai chứ để má biết chi cho tốn nước mắt.

Mẹ anh hùng quẹt dòng lệ rưng rưng, “cái thằng...”. Rồi mẹ lặng im nhìn nắng đang lao xao ngoài cửa.

Nắng tháng bảy nắng le lói buổi sáng, trưa chiều thì cơn mưa rỉ rả đầy khu vườn nhỏ cho lá rơi lả tả. Mái tóc mẹ anh hùng vẫn rưng rưng vì nỗi nhớ nửa thế kỷ qua.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Đào Phạm Thùy Trang

Tin xem thêm

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể hậu trường khủng khiếp của phim lịch sử 55 tỷ 'Địa đạo'

Giải trí
02/04/2025 09

Mất 11 năm đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mới có thể đưa "Địa đạo" lên màn ảnh. Anh từ chối hãng phim nước ngoài để thực hiện bộ phim tại Việt Nam. "Địa đạo là bộ phim vất vả n...

Bộ Văn hoá chỉ đạo tìm hiểu vụ ồn ào mạng xã hội của ViruSs

Giải trí
02/04/2025 08

Chánh văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Hoàng Việt thông tin tới PV VietNamNet rằng "đã chỉ đạo Cục Phát thanh truyền hình tìm hiểu vụ ồn ào của ViruS...

Đổi gió

Giải trí
02/04/2025 08

Bạn với chả bè

Giải trí
02/04/2025 07

Rút kinh nghiệm khi đang học bài, có bạn gọi đừng bao giờ thưa.

Phát hiện 95,5kg vàng trong căn hộ chung cư của 2 bố con

Giải trí
02/04/2025 06

Một cặp bố con đã bị tịch thu 95,5kg vàng cùng các vật phẩm có giá trị khác vì bị nghi ngờ về nguồn gốc.

Suy nghĩ bằng bụng

Giải trí
02/04/2025 06

Chiếc hòm gỗ thông

Giải trí
01/04/2025 22

Ngày ấy, bố tôi dạy học ở trường nằm cuối huyện, huyện nằm cuối tỉnh giáp chân đèo. Đèo vắng thường ít người qua lại, lâu lâu thấy một chiếc xe tải bụi băm ì ạch leo dốc.

Truyện ma: Con gái quỷ Medusa

Giải trí
01/04/2025 21

Người đàn ông dìu cụ bà đi 40 tầng để thoát thân trong động đất được khen ngợi

Giải trí
01/04/2025 19

Người đàn ông được ca ngợi là anh hùng khi dìu một bà cụ xuống 40 tầng cầu thang trong trận động đất mạnh tấn công Myanmar và ảnh hưởng tới Thái Lan.

Lí lẽ của phụ huynh

Giải trí
01/04/2025 16


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media