Như tâm lý những người bị phụ tình, phải chứng tỏ giá trị để kẻ bạc lòng ít nhất một lần trong đời phải nhìn lại hối tiếc. Những kẻ bị phụ tình rồi sẽ có cách để vượt qua. Những uẩn khúc trong lòng kẻ phụ người và kẻ bị người phụ chỉ có họ mới hiểu hết.
1. Chiều. Đang và cơm, chồng dừng đũa hỏi:
- Em, chị Mỹ về đó, sáng giờ có qua thăm em không?
Tôi ậm ờ: “Chưa chắc chỉ bận.”
- Dân thành phố có khác, bây giờ nhìn chỉ lạ quá. Hồi sáng anh gặp ngoài ngã ba. Ờ sáng này dì bảy quá giang anh lên bưu điện nhận tiền con dì gửi về. Nhỏ Tơ đi mấy năm rồi em? Bốn năm hả? Mới đó mà nhanh quá.
Con trai tôi từ ngoài sân ùa vào ôm chầm lấy ba rồi lại ùa ra sân chơi với đám bạn. Chồng âu yếm nhìn con trai, chợt hỏi:
- Em, mấy cái áo lạnh của con mình coi có dư cái nào không?
- Chi anh?
- Hồi sáng đi làm, anh thấy Nơ thả con bò trên lộ. Trời mùa này lạnh rát da mà thằng nhỏ bận áo sát nách, ở truồng tội quá hà!
- Ờ để em soạn thêm mấy cái áo lạnh cũ của con cho. Hôm trước, lúc trời mới có gió bấc em đã đem qua cho mấy cái. Nơ khùng khùng nên có biết chăm sóc con đâu. Thằng nhỏ thiệt không biết lựa chỗ đầu thai!
- Nhiều lúc ngẫm nghĩ thấy cuộc đời ngộ thiệt. Bao nhiêu người bình thường, có tiền bạc mong có con mà không được. Nhiều người bất thường không biết tự chăm sóc mình lại... tội cho mấy đứa nhỏ. Mà vợ nghĩ mắc cười hông, cùng làm một việc như nhau mà thiên hạ đối xử, đón nhận khác nhau.
- Chuyện gì? Lúc nào cũng triết lý, càm ràm như ông già xưa vậy chồng?
Chồng nhe răng cười: “Vợ có nhớ đâu hai năm trước, cô người mẫu nọ lên cao nguyên chụp ảnh khỏa thân, nói là kêu gọi bảo vệ môi trường. Dạo đó báo in, báo mạng ầm ầm bàn tán, thiên hạ nhảy vô comment ầm ĩ. Cô người mẫu càng nổi tiếng, mà từ “môi trường” ít nhiều cũng được nhắc đến. Còn nhỏ Nơ khùng khùng xóm mình, dạo bệnh nặng cũng không bận quần áo đi khơi khơi ngoài đường, chỉ có xóm giềng thấy tội nghiệp, kéo nó vô ép mặc quần áo, chớ có ai bình luận gì đâu, Nơ hổng nổi tiếng thêm...
- Chồng mới mắc cười! So sánh khập khiểng. Người hành động có mục đích, người làm việc vô thức, người là người mẫu, người là người điên - thân phận khác nhau thì thiên hạ nhìn nhận khác nhau có gì đâu. Ông già xưa, ăn xong rồi ra trước uống nước, coi quán dùm vợ đi. Thiệt rảnh!
Tôi bưng mâm chén ra sàn nước vừa mắc cười cái tính hay triết lý bàn luận chuyện trên trời dưới đất của chồng, vừa chạnh lòng nhớ đến chuyện Nơ, rồi nhớ luôn chuyện Tơ và chị Mỹ. Lục bình theo con nước lớn dập dềnh trôi dắt díu nhau kéo kỷ niệm xưa ùa về...
Chúng tôi cùng trang lứa, cùng chung xóm. Mỹ là người chị bà con của tôi, Tơ là bạn học, Nơ - cũng coi như là bạn vì cùng thời chỉ có điều nó “chạm dây”, dở điên dở tỉnh. Những lúc không phát cơn, nó cứ ngước mặt cười hềnh hệch, nói những câu vô nghĩa hoặc im lặng ngó đăm đăm một chỗ vô định náo đó; còn lúc “nặng nặng” thì đi khắp cùng làng cuối xóm, đi qua xóm khác - vừa đi vừa lảm nhảm có khi “phăng” hết quần áo tồng ngồng mà đi. Mấy thím thấy thương quá thì kéo nó vô nhà, ép mặc quần áo. Ba mẹ nó cũng thuộc dạng “ man man” nhưng nhẹ hơn. Nhà Nơ thuộc dạng hộ nghèo được nhận trợ cấp đặc biệt của xã. Nơ khùng nhưng đẹp, nét đẹp vừa hoang dã vừa ngờ nghệch, tự nhiên như cây cỏ. Vì bản thân nó còn không biết tự chăm sóc nói chi tới chuyện chăm chút cho nhan sắc. Phải mà Nơ xấu thì tốt hơn, vì cái đẹp hoang dã ngờ nghệch ấy càng làm nó khổ. Một đứa đẹp không biết gì cả, cứ lang thang khắp các xó xỉnh dễ đánh thức tà tâm, đánh thức bản năng của những kẻ thiếu chất người.
Với chị Mỹ lại khác, cái đẹp của chị chính là một lợi thế. Hồi còn ở nhà, mới lớn, tụi trai trong xóm hay sang nhà bác Út - ba chị phụ việc lặt vặt, vừa lấy lòng người lớn vừa mong may mắn lọt vào mắt xanh của cô gái đẹp nhất nhì xóm. Hồi học cấp III, tới mấy ngày lễ phụ nữ, lễ tình nhân này nọ chị ôm quà về lỉnh kỉnh. Đẹp lại giỏi nên khi tốt nghiệp đại học không quá khó khăn để chi xin được chỗ làm. Có việc làm ổn định, giao tiếp tốt, không khó hiểu vì sao đàn ông con trai theo chị rần rần. Lắm mối tối nằm không. Nhiều quá thành ra khó chọn, gần ba mươi chị vẫn một mình. Rồi duyên trời dung rủi, Mỹ quen một anh chàng làm trong ngành xây dựng ở Sài gòn. Như một hiển nhiên, người làm ngành xây dựng rất giàu dù chị không chọn người giàu để lấy.
Mỗi lần lên Sài Gòn về, sang nhà tôi chị kể bao nhiêu chuyện vui: nhà anh đối xử tốt như thế nào, má anh dắt chị đi chọn vàng cưới ra sao, dân cư trong khi đô thị cao cấp sang trọng từ trang phục đến phong cách ra sao... Trong những câu chuyện ấy chúng tôi đã thấy rõ một tương lai tươi sáng: sau khi thành hôn, chị sẽ từ biệt làng quê, lên Sài Gòn thành thị dân, làm việc trong một cao ốc, sẽ sống mỗi bước có xe hơi đưa đón, sống trong căn nhà đẹp bề thế giữa đất Sài thành... Cuộc sống ấy chắc sẽ khác nhiều với cuộc sống ở một xã nhỏ cách thị trấn nhỏ của một huyện không to đến gần sáu cây số. Nhìn chị háo hức, rạng rỡ ước mơ ai mà chẳng vui lây.
Đùng một cái, anh ta nói lời chia tay, lý do đưa ra là một câu chuyện lâm li bi đát như phim, đại khái là vì hoàn cảnh, bị ép buộc chứ còn yêu Mỹ lắm... Tôi nghe, và không tin vào câu chuyện ấy; càng ngẫm nghĩ càng thấy rất rõ: chị bị lừa tình bởi vẻ hào nhoáng của một chàng thị dân lọc lõi. Chị tin hay không chỉ có chị mới biết. Cái tôi thấy là chị bị sốc nặng! Chị xin nghỉ việc đang làm, bỏ quê, lên Sài Gòn lập nghiệp. Dĩ nhiên, chị đẹp, giỏi, giao tiếp tốt, trình độ cao, bằng cấp chính quy nên không khó khăn gì một việc làm phù hợp ở mảnh đất chị từng mơ ước đến.
Chị đi ba năm đã có thể giúp bác Út nâng ngôi nhà sàn mái ngói thành một biệt thự cấp bốn bề thế. Mỗi lần về quê ăn tết là mỗi lần thấy chị bừng sáng hơn lên. Ngày chị quyết định ra đi tôi thừa hiểu đó là một cuộc dấn thân tự khẳng định. Chị muốn làm những điều có thể, để kẻ ấy biết chị không phải là con gái tỉnh lẽ thiếu bản lĩnh, dễ quyến rũ, dễ bị bỏ rơi. Như tâm lý những người bị phụ tình, phải chứng tỏ giá trị để kẻ bạc lòng ít nhất một lần trong đời phải nhìn lại hối tiếc. Những kẻ bị phụ tình rồi sẽ có cách để vượt qua. Những uẩn khúc trong lòng kẻ phụ người và kẻ bị người phụ chỉ có họ mới hiểu hết.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Khi phụ anh Điền để lấy chồng Đài Loan Tơ cũng suy nghĩ lung lắm. Hai người họ ưng bụng nhau từ cuối năm lớp mười hai, rủ nhau thi sư phạm. Đậu, anh Điền nhập học, còn Tơ quyết định bỏ học, lý do: lấy chồng ngoại. Người chồng Đài Loan ấy là do một bà dì xa của Tơ mai mối. Trước hai ngã rẽ Tơ đắn đo: hoặc yên phận: học, ra trường, đi dạy, cưới Điền; hoặc mạo hiểm xuất ngoại. Nó chọn cách thứ hai, nó biện luận cho lựa chọn của mình khi tôi khuyên đừng làm vậy:
- Học ra trường lỡ không xin được việc làm thì sao? Mày không thấy sinh viên sư phạm thất nghiệp dài dài à? Còn nếu mai được đi làm, lấy anh Điền, hai vợ chồng đi dạy, lương chồng ba cọc, lương vợ ba đồng, dành dụm được tiền mua chiếc xe số thì người ta chạy xe tay ga, mua được tay ga thì người ta đã sắm máy bay. Tiền đâu giúp ba má? Má tao vừa bị bể nợ. Thôi tao cũng biết đi là đánh đố với số phận, nhưng phải liều...
Nó làm ra vẻ lạnh lùng, tỉnh như không trước quyết định ấy nhưng giấu làm sao được nỗi buồn cuộn lên từ trong tim, xô đẩy nhau muốn tràn ra khỏi đôi mắt bơ phờ của nó. Chúng tôi vẫn nghe đâu đó trên xứ người những cô dâu Việt bị đọa đày, bị ngược đãi. Nhưng vẫn có những người như bạn tôi chấp nhận ra đi, phó mặc vào may rủi, đâu phải chỉ tại tham tiền ? Giờ biết nó có hối hận vì một lần quyết làm người vong phụ; hối hận vì đã bỏ lại nơi quê nhà môt đôi mắt đau đáu nhớ thương?
2. Tối. Vợ chồng thằng em qua nhà thăm. Mừng thấy tụi nó có sinh khí. Chớ hồi ra giêng, lúc hai đứa qua nhà từ biệt để lên Bình Dương nhìn như hai tàu là héo. Lúc đó chồng tôi an ủi:
- Biết xa con, xa quê buồn lắm. Nhưng bao nhiêu người như mình. Đó giờ xứ mình có nghề làm gạch chớ mấy chỗ khác người ta đi lâu lắm rồi. Lên đó vô công ty làm công nhân thu nhập ổn định không phập phù lo mưa sợ nắng, làm bữa đực bữa cái em ơi.
Nói chung ra dòng họ tôi nghèo gia truyền, ruộng đất ông bà để lại có mấy công lần hồi cũng tiêu tan. Vợ chồng nó cũng làm lụng luôn tay với đủ thứ nghề mà vẫn không dư giả được. Mấy năm trước, tới mùa thì cắt lúa mướn, lúc nông nhàn thì đi chụm lò, cõng gạch thuê cho mấy lò gạch, mùa nước lên thì đánh lưới, giăng câu. Lúc đó cũng tạm ổn. Nhưng dần dần theo sự phát triển của khoa học, theo sự khó khăn của kinh tế, theo sự thay đổi của thiên nhiên nồi cơm hai vợ chồng nó cũng teo tóp dần.
Mùa nước không có cá tôm. Mùa lúa đã có máy cắt thay sức người. Gạch vận chuyển từ lò xuống bãi, xuống ghe có băng tải chuyền. Lúc thắt ngặt, gạch không bán được, chủ lò đóng cửa bớt lò, nghỉ đốt. Lò đốt cầm chừng, việc làm cầm chừng. Vợ chồng nó vay tiền ngân hàng mua đôi bò, trời còn muốn thử thách bắt đôi bò lăn ra... nghỉ sống. Hai vợ chồng như hai tàu lá héo đành theo dòng người ùn ùn về các khu công nghiệp. Cái ngày vợ chồng nó lên xe khách đi, má tôi không cầm được nước mắt. Con nó gửi lại cho hai bên nội ngoại trông giúp. Xe chạy đã xa mà má cứ đứng nhìn theo, chặm nước mắt. Còn con nó thì ôm chân nội khóc hu hu.
Giớ hai đứa nó về nghỉ tết. Đứa bé cứ líu lo khoe quần áo mẹ mới mua cho. “Dạ, cực thì làm ở đâu không cực, đồng tiền nào không nước mắt mồ hôi anh? Hai vợ chồng ráng dành dụm tiết kiệm cũng đủ sống, dư chút đỉnh để về còn trả nợ đôi bò. Nhớ con nhỏ, nhớ nhà muốn chết. Trời ơi! Thèm tắm sông, thèm cá lóc đồng, thèm mắm kho bông súng gì đâu. Nghĩ tới nghĩ lui thấy mình còn may. Chỗ em làm có người quê ngoài Trung, ngoài Bắc, tết này muốn về quê cũng không được, xa xôi tiền xe cộ đắt đỏ nữa. Thấy thương em rủ về miền Tây mình ăn tết mà hông chịu...”
Câu chuyện xen lẫn niềm vui nỗi buồn. Nỗi buồn tủi phận nghèo ly hương, Niềm vui về một tương lai hé mở, và khắc khoải sự mong ngóng, hi vọng một ngày được về an cư lạc nghiệp trên chính quê nhà miền Tây. Hai vợ chồng nó từ biệt khi trên tivi đến giờ chiếu phim đại gia và chân dài, cảnh phim toàn biệt thự, xe hơi. Chồng chép miệng “ Coi phim mà ham. Dân Việt giàu dữ hen, giám đốc tập đoàn, ông chủ dự án không hà. Xa rời thực tế! Không thấy bóng dáng người nông dân” rồi chuyển kênh. Là một bộ phim nói về người nông dân, không phải về cuộc sống nông thôn thuần túy mà là một nông thôn thay đổi với những cô gái muốn đổi đời rồi dấn thân vào bi kịch. Chồng lại thở dài:
- Toàn bi kịch, nông thôn mình đâu phải chỉ có bi kịch vầy đâu vợ? Sao người ta dựng phim cứ nhấn vào cái xấu, còn cái tốt cứ lớt lớt qua.
Tôi nhăn mặt: “Cái nào cũng chê, kì thiệt! Làm phim không có bi kịch không có vấn đề ai coi?” Chồng càm ràm:
- Lên tiếng đánh động cho mọi người cảnh tỉnh thì đúng nhưng anh thấy nhiều khi hơi quá. Em thấy không, báo chí cũng vậy. Người ta cứ vô mấy cái tin giựt gân để câu khách, còn chuyện tốt, người tốt nhắc tới một lần rồi hết. Cái tốt rơi vào quên lãng hoặc qua nhanh, chị mua ve chai trả mấy chục triệu cho người khác, đăng lên một số báo rồi ai thèm nhớ chị tên gì, ở đâu không? Còn cái cô hoa hâu nói dối tình trạng hôn nhân mở lên trang mạng nào cũng có, có cả lý lịch hồi tiểu học nữa. Rồi ba cái tin tào lao: sao A này lộ hàng, sao B kia đi sắm quần áo. Tin nhảm, không hiểu người ta đọc mấy tin đó có béo bổ gì không?!
Tắt ti vi vô mùng, chồng mở mắt thao láo nhìn nóc mùng:
- Có trình độ, không trình độ khác nhau nhiều quá. Hai đứa nó làm công nhân vất vả chưa thấy dư. Còn chị Mỹ thành đạt khá giả... Gì thì gì cũng phải nói với bà con cho con em mình học hành tới nơi tới chốn.
Tôi yên lặng nghe, quen rồi. Chồng làm văn hóa , “bệnh nghề nghiệp” là cái tật triết lý này đây.
Chồng lại đang nói tiếp về những tờ báo mạng đưa toàn tin nhảm nhí. Ca sỹ Y có bầu với đại gia X, con dô người mẫu nọ học nói... tiếng Việt! Kệ người ta, liên quan gì đến thái bình thiên hạ? Người Việt mà phải thuê người dạy con mình tập nói tiếng Việt có gì đáng tự hào mà khoe khoang? Chồng nói đúng, chuyện ai đó có bầu sinh con là chuyện bình thường thôi. Có bao nhiêu việc nhỏ bé, bình lặng trôi nhưng có những việc bình thường lại được khuấy động ầm ĩ một cách cố ý. Như việc Nơ có bầu. Chuyện lớn hay nhỏ? Tùy ở mắt người nhìn, vì Nơ chỉ làm một cô gái khùng, chớ có phải là ngôi sao xẹt nào đâu. Ai làm Nơ có bầu? Nó không biết, xóm làng cũng không biết. Gia đình Nơ càng không biết, cũng không buồn nghĩ đến việc tố cáo. Đó là một sinh mệnh, vả lại khi mọi người phát giác Nơ có bầu thì cái thai đã quá lớn. Mọi biện pháp can thiệp và bào thai lúc này là tội ác. Đứa bé ra đời, gương mặt đẹp như mẹ nó, không hao hao nét mặt nào khác. Hàng xóm không có căn cứ để ngầm kết tội những đối tượng nghi vấn. Từ đó, trên đường làng sáng sáng, chiều chiều xuất hiện một hình ảnh dễ thương khiến người khác vừa cười vừa muốn khóc: Nơ ngồi cười hềnh hệch, nhìn đứa bé như vô thức, như ý thức; còn cha mẹ Nơ thì xoắn xuýt bên đứa trẻ cho ăn, cho uống. Đứa bé lúc được ẳm trên tay bà, lúc được thả ngồi trong mé lộ. Cả gia đình không bình thường ấy cùng hồn nhiên nuôi nấn một sinh linh bé nhỏ. Lăn lóc dưới đất suốt ngày, ăn mặc phong phanh trong giá rét vậy mà thằng nhỏ vẫn lớn lên, mạnh cùi cụi, chắc khỏe như củ khoai vùi dưới đất.
Hạng phúc đơn sơ, sự sum họp gia đình ấy không phải ai muốn cũng được. Tơ giờ có nhớ con đến độ nào cũng phải chờ đến tết mới có thể ôm con vào lòng. Khi đặt chân đến quê chồng, Tơ hiểu giấc mơ đổi đời của mình đã tắt. Nhà chồng đủ ăn, không khá giá như lời mai mối. Thôi đành chấp nhận số phận, đã làm người vong phụ một lần lẽ nào bạc nghĩa lần nữa để suốt đời làm kẻ xấu? Hai vợ chồng lao vào cuộc mưu sinh. May là chồng Tơ cũng thương vợ, cũng gom góp chút đỉnh về phụ mẹ vợ. Vậy đã là may mắn. Báo chí hổm rày đăng tin ba cô Việt tâm thần bị ngược đãi đã được đưa về nước. Nghe mà thương cho những người trót mang thân làm dâu xứ lạ không phải vì tình yêu.
Vợ chồng Tơ sinh được đứa con gái, vì nhiều lý do, bé gái tròn tuổi được gửi về cho bà ngoại. Đứa bé lai bắt đầu tập nói tiếng Việt, lớn lên trên đất Việt. Tương lai của nó thì vẫn còn ở phía tương lai! Tơ có phút giây nào hối hận? Chắc chắn là phải có. Nhưng đã bước đi thì không thể quay đầu lại. Anh Điền giờ cũng có mái ấm của riêng mình. Vợ chồng anh dạy cùng trường, anh còn tranh thủ làm kinh tế với mấy mô hình lươn sạch, nuôi rắn hổ hèo, nuôi heo. Mấy ngày gần tết còn trồng bắp vô chậu bán cho người ta chưng tết. Chịu khó nên cuộc sống cũng khấm khá. Năm trước, về nước ăn tết, ngang qua nhà anh, Tơ không giấu được tôi ánh mắt bùi ngùi.
Bìm bịp lại kêu con nước lớn. Tôi trở mình. Anh già xưa đã ngủ từ lâu. Ở Sài Gòn có được nghe tiếng bìm bịp kêu khắc khoải? Chị Mỹ giờ đã chứng tỏ được mình. Nhưng chị có hạnh phúc không khi đã ba mươi lăm tuổi mà vẫn chưa tìm được cho mình bến đỗ? Chị nói phải tìm một người thật sự xứng đáng, để sinh ra những đứa con thông minh, xinh đẹp; phải đảm bảo cho con tương lai tươi sáng. Chị vẫn đi tìm, mặc kệ anh chàng thị dân lọc lõi ngày xưa có quay lại nhìn chị hối hận hay không, mặc cho thời gian dồn đuổi tuổi xuân. Nhưng sao khi gặp trẻ con mắt chị cứ ánh lên một nỗi khát khao khó tả? Tiếng bìm bịp đều đều dắt tôi vào giấc ngủ bình yên, ở đó tôi thấy tất cả những người bạn của tôi đã tìm được những thứ họ cần...
3. Gà gọi sáng. Tôi trở dậy nhóm bếp, bắt nồi cháo, châm cà phê. Những vị khách thân quen, yêu quí của tôi lục tục kéo đến. Có ai xa lạ đâu, bác bảy, chú ba, anh tám, cậu mười... những người quen trong xóm. Người già khó ngủ, dậy từ rất sớm, đến quán từ rất sớm. Sương đùn đục vẫn phủ trùm thôn xóm. Chân trời vẫn đầy bóng đêm. Ông già xưa trong nhà cũng đã thức dậy, lui cui châm - bưng cà phê phụ vợ và góp chuyện với mấy bác, mấy chú. Chuyện không giới hạn, chuyện người, chuyện đời, chuyện trời, chuyện đất, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện xóm làng rồi tới thời sự thế giới... Tôi yêu cái không khí này. Lửa bập bùng trong nồi cháo đang sôi chờ khách đến ăn sáng, mùi cà phê, mùi trà xanh quyện nhau thơm mắc ghiền, tiếng cười nói thăm hỏi nhau làm không gian thêm ấm cúng. Bóng chủ, bóng khách đổ dài ra sân, hắt lên lớp sương dày đặc làm nó hoảng hốt tan dần. Quán cho tôi một chốn bình yên để ở mãi cùng sông nước miền Tây. Quán cho tôi một không gian đầm ấm để ngày ngày được hóng hớt chuyện người, chuyện xứ. Tôi thấy mình may mắn khi không phải dấn thân thử những chuyến đi đánh đổi số phận như hai người bạn, như vợ chồng đứa em. Nói vậy thôi, chứ mỗi người một số phận, đường đời chẳng ai giống ai. Nếu đã chọn hãy cứ bước, đi rồi sẽ tới. Ra đi như họ cũng đâu có gì sai? Được - mất vẫn đi cùng nhau, ở cạnh bên nhau. Chị Mỹ dù chưa trọn vẹn hạnh phúc yêu thương nhưng có cuộc sống tự do, có sự nghiệp, khẳng định được mình. Tơ dù không giàu như từng mơ nhưng cũng giúp má nó qua cơn nguy khốn, được một người nắm tay đi qua khó khăn. Còn Nơ được hay mất với nó có quan trọng gì đâu, nó chỉ ôm con ngồi cười hềnh hệch. Tôi lại thấy nó được, nó hạnh phúc vì có được thứ thiêng liêng nhất trên đời này: tình mẫu tử!
Dòng suy nghĩ của tôi và câu chuyện về tết xưa, tết nay, về những đứa con xa xứ về quê ăn tết của mấy chú, bác dừng lại vì tiếng máy nổ bất thường và tiếng la ó om sòm dội lên từ mé sông. Là tiếng kêu cứu! Cả quán ùa xuống mé sông. Một chiếc xe chở hàng bông bị chìm. Hai vợ chồng chủ ghe đang hốt hoảng, lúng túng không biết làm cách nào, cứu cái gì, lấy cái gì từ chiếc ghe chìm. Bốn, năm người lội xuống, rồi bảy, tám người. Sau một hồi vất vả chiếc ghe được lôi lên, tát nước, máy “Cô-le” được khiêng vô bờ sửa chữa. Trời mờ sáng, mặt trời ửng đỏ đằng đông. Dưa hấu, dừa tươi, mấy bao củ sắn, khoai lang... được lặn, vớt chất lại lên ghe. Vợ chồng họ rối rít cảm ơn những người tốt bụng, dù số hàng tìm lại không đủ vì con nước đang lên. Tôi về trước coi nồi cháo, coi quán. Lát sau chồng về, ướt mem:
- Vợ, cảm động hen? Cả xóm xúm lại giúp vợ chồng ông hàng bông. May mà nước đang ròng mới lôi được cái máy lên đó. Vậy mà hôm đọc vụ hôi bia ở Đồng Nai anh thấy buồn, thấy mất lòng tin ghê. Phù! May mà ở mình...
Chồng bỏ lửng câu nói, đi tuốt vào nhà trong. Thiệt ra vợ cảm động từ lúc chồng cùng ba, bốn người đâu tiên nhảy xuống nước giúp họ. Tình người trong hoạn nạn ấy nhắc vợ nhớ đến mùa lũ hai năm trước, năm lũ lớn suýt vỡ đê. Cả xóm, cả xã huy động sức người, sức của ra cứu đê. Năm đó vợ cũng ra giúp mấy thím nấu cơm tiếp sức cho những người đàn ông hộ đê. Thường ngày, người này người nọ cũng gây nhau, cũng xích mích mà lúc đó một lòng vì việc chung, thương gì đâu! Úi chà, mà vợ lây cái tính hay nghĩ gần nghĩ xa của chồng hồi nào không hay? Lia thia quen chậu, vợ chồng “lây” hơi thiệt. Nắng lên. Bữa nay Nơ “nhẹ”, nó dắt thằng con qua sân dì bảy chơi. Hai đứa nhỏ chạy tung tăng. Dì bảy nói gì mà Nơ cười? Hay nó cười bâng quơ? Không biết nữa. Nắng xiên xiên qua mấy sợi khói bốc lên từ đống ung ở góc sân. Tôi gọi:
- Chồng à, dẫn con ra sân tắm nắng kìa...
Nắng vẫn ấm áp, cuộc sống vẫn bình yên trôi trên miền sông nước Cửu Long, dù bao được - mất vẫn bộn bề...
Tổng hợp nhiều nguồn
Chị muốn làm những điều có thể, để kẻ ấy biết chị không phải là con gái tỉnh lẻ thiếu bản lĩnh, dễ quyến rũ, dễ bị bỏ rơi.
Sáng 15/1, doanh nhân Phạm Nhật Minh Hoàng - con trai thứ hai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã làm lễ dạm ngõ với á hậu Phương Nhi.
Nick Stoeberl được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là người sở hữu chiếc lưỡi dài nhất thế giới. Điều này đem đến những lợi ích nhất định, nhưng cũng khiến anh ...
Diệu Nhi ra mắt MV đầu tay sau 4 năm ấp ủ và gửi lời cảm ơn ông xã Anh Tú Atus – "nhà tài trợ đặc biệt" giúp cô ra mắt sản phẩm âm nhạc.
Mới đây, nữ streamer Thái Lan - 'Bizcuitbeer' (tên thật Beer Passaranan) đã khiến người theo dõi của mình được dịp sôi nổi bàn tán khi đăng tải bức hình bắt trend váy băn...
Trong chuyến khám phá ẩm thực về đêm ở TPHCM, nữ du khách Nhật lần đầu nếm thử món cơm tấm vỉa hè và bất ngờ vì hương vị hấp dẫn, khen thịt nướng “ngon nhất từng ăn”.
Sáng 15/1, không khí tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa trở nên náo nhiệt khi diễn ra lễ ăn hỏi của á hậu Phương Nhi.
Tác giả Nhất Diễm vừa cho ra mắt cuốn sách "Hoa tâm nở" về hành trình phát triển bản thân và khám phá sức mạnh của tình yêu thương nội tại.