Bằng chạy lại. Bức ảnh một người đàn bà đội mũ phớt trắng, ngực hở đến già nửa, nhoẻn miệng cười, như thách thức. Mẹ thấy không? Trăm phần trăm! Ừ! Đúng rồi! Còn ai vào đây nữa! Người ngợm gì mà không biết xấu hổ! Đến sáu, bẩy năm đấy mẹ nhỉ? Bẩy năm con ạ! Xuân bặm môi: Bây giờ mới thấy dì tự dưng ló mặt ra! Vẫn đẹp như ngày xưa! Chỉ tội... Bằng buột miệng: Rõ khốn nạn! Cha chết cũng không mang cái đầu về mà chịu tang! Mất tăm mất dạng từ bấy đến giờ...
Xuân xoay “chuột” kéo trang xuống bên dưới. Liên tiếp những tấm ảnh cũng khuôn mặt ấy, khi thì cô gái chống hông, quay nghiêng, quần jin cộc; khi thì người đàn bà váy ngắn, ngực khoe, đứng bên giàn hoa vàng; khi thì có người đàn ông ôm sau lưng, khi ngồi song hàng với một ông Tây bên hai tách cà phê. Cả những bức họ hôn nhau, đắm đuối. Một người đàn bà ấy. Nhưng những người đàn ông thì luôn thay đổi. Mẹ xem! Hết ông nọ ông kia! Chàng nàng quên cả lối về... Có nhắn gì không? Còn gì để nhắn hở mẹ? Nhắn thăm bà, thăm các cháu. Nhắn về quê ăn Tết... Ôi! Chả cần! Xuân thở dài đánh thượt...
Bằng quay ra, tiếp tục công việc dưới bếp. Đang vui chuẩn bị bữa cơm chiều, lòng chị chợt chùng xuống. Hôm nay đã lâu lắm mới có giỏ cua đồng, Xuân đi dạy học về qua chợ Vị Dương mua được. Chị bóc mo, nửa đem rang, nửa giã nấu canh mồng tơi. Cái món đơn giản và rẻ thôi mà sao nay nhà quê khó kiếm? Đồng ruộng nơi đâu cũng ô nhiễm, cằn cỗi vì phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Cá rô, cá mại, ếch nhái, cua rạm dần dần tiệt giống. Đến cả con chèo đò, con chuồn ớt, chuồn vôi cũng vắng bong. Đủ thứ thay đổi! Cánh đồng thẳng cánh cò bay biến mất. Con sông trước cửa đình làng cũng lệch dòng. Không trách lòng người cũng thay đổi! Nỗi buồn nỗi đau ấy lại trỗi dậy. Kể ra ngôi nhà này vẫn ấm áp. Kể ra chị em con Xuân vẫn có bố có dì. Kể ra chiếc giường không trống trải như sào ruộng hoang hoải đêm đêm. Và kể ra, không nên xây tòa nhà cao tầng này, cứ để ngôi nhà tường gạch vôi ngói cũ ngày xưa dưới không gian xóm quê đầy bóng mát và hương đồng gió nội, mùa nào thức ấy... Tết đến xuân về vui già vui trẻ có nhau... Dài dặc hơn sáu năm trời trôi qua, chị vẫn ngỡ đây là một cơn mơ...
Những tháng năm ấy... Người đàn ông ấy là của chị. Anh chị yêu nhau trên bến sông quê, nơi đậu của những con thuyền vận tải ràn rạt cánh buồm nâu. Hiệp là thuyền trưởng một đoàn thuyền vận tải thuyền buồm chuyên chở cát đá và hàng hóa cho những công trình, cho các miền quê. Mỗi chuyến sông biển về, chàng trai thêm rắn rỏi, phong trần và già dặn. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, cùng đôi mắt như cười. Còn Bằng, một cô gái chèo đò nan bán hàng tạp hóa trên sông, xinh đẹp, chất phác. Vẻ đẹp thuần hậu đến cả tin với đôi lúm đồng tiền luôn như lòng một đóa hoa lún nhẹ nơi khóe miệng. Mỗi lần vào bến, hạ buồm xuống, Hiệp thường đem cây đàn ghi ta ra ngồi trên nóc mui thuyền gẩy những bản nhạc. Tiếng đàn bập bõm, nhưng rất rõ những nốt nhạc. Khi “Làng tôi”, khi “Tình ca”, rồi “Thành phố bên bờ biển cả”...
Dưới chiếc đò nan nhỏ, Bằng lại hướng về phía tiếng đàn. Cái Nam bên cạnh lại oang oang: Chàng lại bật bông đấy bay ơi! Trên nóc mui, mỗi lần nhìn thấy chị, anh lại bắc tay lên miệng gọi to: Quà ơi... Đến đây nào... Chị chèo lại. Anh và các chân sào mua những bao thuốc lá Sông Cẩu, Sa Pa, những tuýt thuốc, bàn chải đánh răng, bàn cạo râu hoặc những phong kẹo lạc... Đêm trăng sáng. Hai bên giữa đoàn thuyền vận tải và những chiếc đò nan nhỏ bé đậu dập dìu sát nhau lại ngân nga tiếng hò biển và những khúc hát... Ban đầu, bên anh thường cất tiếng hò trước: -Ơ ớ hò... Trăng lên đỉnh núi trăng treo. Người đâu chẳng thấy hò theo câu nào... Bằng và mấy đứa bạn gái cùng bầy đò nan bèn đáp lại: Trăng lên đỉnh núi trăng tà. Anh yêu em thật hay là yêu chơi? Tiếng hò trầm đục trên thuyền vận tải lại tỏa lan: Đêm nay có biển có trời. Một câu hò hẹn, suốt đời đâu quên. Bạch Đằng nước chảy trôi nghiêng. Thương em đến nát mạn thuyền... vẫn thương!...
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Những chuỗi cười khúc khích vỡ giòn trên mặt sóng lăn tăn ánh trăng. Từ những câu bông đùa, tán róc, những câu hò đối đáp bâng quơ, đưa đẩy... hai người đã có cảm tình với nhau. Một đêm mùa hạ trên bến sông, anh đã ngỏ lời với chị. Chị gật đầu, run rẩy như cánh buồm mũi rung rinh trước gió. Hiệp ôm chặt Bằng, thổn thức: Thương em đến nát mạn thuyền vẫn thương!... Chúng mình là của nhau nhé! Bằng gật đầu. Cánh buồm mũi nép vào cánh buồm nòng, để sắp sửa chuyến ra khơi. Dòng sông đổ ngập ánh trăng...
Đám cưới được tổ chức vào cuối mùa thu. Sau cưới một tháng, có lệnh lên đường nhận hợp đồng mới chở xi măng cho đảo Bạch Long Vĩ, Hiệp lại dong buồm rẽ sóng. Biển đang hiền lành, mơn man mạn thuyền với những khúc hát của các chàng trai thì gió đột ngột đổi chiều. Một cơn lốc khổng lổ bất thình lình ập đến, Năm con thuyền nối đuôi nhau giở tay không kịp. Sóng gió cuồn cuộn, chồm lên kinh khủng, nuốt chửng ngay đoàn thuyền. Thuyền của Hiệp bị đánh tan tành, mỗi mảnh một nơi. May sao vớ được tấm ván cầu, anh liền ôm lấy. Một cú sóng hất tung tấm ván và anh lên, trôi vun vút, đánh vèo vào một dải cát. Lúc tỉnh dậy, anh đã thấy mình nằm trên giường một Trạm xá. Những khuôn mặt xa lạ vây quanh. Sống lại rồi! Quê ở đâu? Anh cố gắng mở to mắt, thều thào: Hà An... Quảng... Ninh... Hôm sau anh mới biết mình bị cơn lốc bốc vào tận cửa Lạch Trường Thanh Hóa! Chuyến ấy, người làng vận tải bủa đi các nơi tìm kiếm. Chờ mãi một tuần mới thấy các chàng trai trôi dạt sống sót trở về. Nhưng không có anh. Bằng sốt ruột đòi đi tìm lần nữa. Người vào phương nam. Kẻ ra phía bắc. Hiệp trở lại được nhà thì hai hôm sau đoàn người đi tìm mới quay về. Làng vận tải mất tích bốn người...
***
Cuộc đời Bằng kể vẫn bình thường làm ăn, nếu không xảy ra sự kiện người chú ruột Bằng định cư ở Ca Na Đa về nước. Cuối những năm tám mươi, trào lưu vượt biên ở các làng xã vùng biển này ngấm ngầm lan rộng. Các nhà có máu mặt bí mật gom người gom vàng đóng tàu thuyền vừa buồm vừa lắp máy, tổ chức vượt biên bằng đường biển. Họ lấy bóng đêm và sóng làm bùa hộ mệnh. Nhiều đoàn thông đồng bén giọt. Nhưng cũng không ít đoàn bị lộ. Đoàn vừa nhổ neo đã bị bắt ngay trong vịnh. Đoàn vừa ra khỏi phao số 0, không ngờ gặp giông, quay trở lại, hoặc bị bão dập tơi bời. Người thoát sang Hồng Kông. Người nhếch nhác về làng. Ông chú Bằng bị bắt đi bắt lại, tới lần thứ tư. Trong một đêm mưa tầm tã, ông lấy trộm hẳn con thuyền vận tải mới lắp máy của vợ chồng Bằng đang nghỉ nước kém đậu ngoài bến Cô Tô, do một cậu chân sào trông giữ. Ông trói cậu ta vào cọc bến, nhét túi một bức thư: “Trời cho lần này trót lọt, chú sẽ không bao giờ quên các cháu!” Rồi nổ máy thực hiện cuộc vượt biển. Chuyến đó thành công. Qua các trại tỵ nạn Hồng Kông rồi sang nước thứ ba. Mười tám năm sau, thấy tình hình đất nước mở cửa, ông về thăm quê hương.
Thời gian này Băng, em gái Bằng đang học Trung học phổ thông. Băng xinh đẹp, phơi phới một hoa khôi trong làng, nhưng tính tình lại khác hẳn Bằng. Băng biếng học, ham chơi, thích rông rài theo những cuộc du ngoạn của đám học sinh cùng nhóm vào Thác Mơ, lên hồ Yên Trung, ra Bãi Cháy hằng mấy buổi mới về. Cha mẹ Bằng rất buồn và lo lắng. Cha từng trói Băng vào chân giường, đánh nhừ tử. Vẫn không trói được tính bay nhảy, chứng nào tật ấy của Băng. Nhân dịp về nước, ông chú lặng lẽ đến các xưởng đóng tàu thuyền tậu một con thuyền máy cỡ lớn, dắt về bến, làm luôn đăng kiểm, bàn giao cho vợ chồng Bằng: Chú nói trước sau như một! Nhờ vía con thuyền của các cháu mà chú thím có ngày hôm nay! Không được từ chối! Thấy Băng, cô cháu gái bất hảo như vậy, ông bèn bảo cha Bằng: Cho nó theo em. Sang Tây, sẽ giáo dục, cải tạo được! Ông chạy làm thủ tục cho Băng nhanh chóng. Cuối cùng Băng cũng định cư tại Ca Na Đa.
Ở nước ngoài Băng vẫn ngựa theo đường cũ, càng được thể ăn chơi. Cô giao du với cả trai Việt và trai Tây. Mối tình đầu, lấy một chàng trai Việt gốc Nam Định. Được hai năm, ly hôn. Mối tình hai với một chàng người Anh. Chưa nóng giường, cũng hai năm, chia tay. Từ đó cô không liên lạc gì với ông chú nữa. Băng nhắn thư về nhà: Không hợp tính nhau thì bỏ, khỏi phải sống như tra tấn nhau. Ở bên Tây yêu thì ở, chán thì đường ai nấy đi! Đơn giản! Không cổ hủ phong kiến như bên ta! Rồi đùng cái, Băng lại kết hôn với một chàng người Pháp. Hôm về thăm quê, Băng đưa cả người chồng Pháp về. Anh chồng cao to, đẹp trai, tóc xoăn, mắt xanh, mũi lõ, nom vẻ hiền lành. Băng giới thiệu với cả nhà: Anh ấy tên Jon, làm công việc chuyên sưu tầm văn hóa cổ điển phương Đông. Hơn con mười sáu tuổi. Không quan trọng. Cha Bằng ngạc nhiên: Nó biết cả chữ Nho à? Giỏi! Giỏi thật! Chồng Băng đọc được các câu đối, đại tự trong nhà, trong từ đường họ và ngoài chùa làng. Một hôm anh ta ngỏ ý muốn mua cái hộp trầu bằng gỗ dổi sơn đen, cái cối giã trầu cổ bằng đồng và cả mấy cái đĩa Cây Trúc... Ông bán, vì nể tình. Anh ta còn ra hiệu mua cả một đoạn sòi chắn giọt gianh mái ngói và cái khung cửa buồng gỗ lim. Đoạn sòi chắn mái và cái khung cửa buồng này cùng với ngôi nhà gỗ lim cổ năm gian từ thời cụ nội, đầu thế kỷ 19. Băng thông dịch lại lời chồng, đại ý: Sưu tầm những cái này mang về Pháp, vì nó giống như kiến trúc nhà nông thôn của vùng quê Jon... Đến đây thì ông bố vợ xua tay, lắc đầu nguầy nguậy: Không được! Không được! Ai lại tháo thứ ấy ra khỏi nhà, khỏi buồng mà bán bao giờ! Mày chặt luôn mấy ngón tay bố đi!
Cũng vào thời kỳ này, nghề vận tải sông biển gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi các hợp tác xã làng vận tải thuyền buồm giải thể, hàng loạt phương tiện thuyền buồm như những bầy dơi bị bão, vỡ đàn tan nát. Cánh buồm cánh dơi không còn thích hợp. Hàng trăm phương tiện thuyền thủ công nằm bãi, phơi mưa nắng thành gỗ mục, củi đun... Thuyền gỗ, buồm vải vắng bóng khỏi sông nước. Tàu vỏ sắt, máy công suất lớn ra đời. Lúc này con Xuân mới năm tháng tuổi, Bằng phải bỏ con cho mẹ già trông để chạy chợ, tiếp tục chèo thuyền nan buôn bán đong từng bữa gạo, bữa khoai qua ngày đoạn tháng. Làng nghề vận tải thuyền buồm khủng hoảng, lao đao trong vòng xoáy biển đổi. Không có phương tiện đi biển, Hiệp phải đi lái thuê cho các chủ tàu, chủ xà lan chở cát đá, vật liệu xây dựng, chở than sang Trung Quốc bán rồi chở hàng lậu về cho các cơ sở. Cũng nhiều nhà nhờ phương tiện mới và chiến dịch “than thổ phỉ” mà phất lên. Làng cũng nhờ đó thêm phần thoát nghèo và đổi mới diện mạo. Nhưng sau đó ít lâu thì một loạt các “đại gia than nhựa” kẻ vỡ nợ, người ngồi tù. May, Hiệp không rơi hoàn cảnh đó. Nhưng anh và Bằng, lại rơi vào một cảnh ngộ khác!
Chả lẽ đời là một chuỗi đổi trắng thay đen, ngay trong ngôi nhà này? Chớp mắt, những gì vừa mới hôm qua còn thân thiết, ruột thịt, nay xấp một cái, bỗng dưng tan đàn sẻ nghé, như bỡn! Bằng đang miên man trong dòng suy nghĩ. Con Xuân lại gọi: Mẹ đến mà xem con bé người Tây lai! Giống chú Jon. Nhưng đôi mắt thì giống dì Băng lắm! Lại ông nào nữa đây? Ôi! Ông này nữa! Đây là ông... bố! Con bé sững lại, như đang ăn bị nghẹn. Bằng lao đến. Ảnh Hiệp hồi trẻ. Ánh mắt như cười. Bố mày chứ ai! Vâng, nhưng là ảnh cũ. Đây nữa mẹ này! Bức này ảnh mới, bố béo trắng! Chàng thủy thủ ngày xưa đen sạm, giờ mập mạp trong bộ vét xám nom đầy phong độ đàn ông... Nhưng với Bằng lúc này sao xa lạ và đáng ghét! Chị bỏ vào bếp, thái tiếp mớ mồng tơi. Tiếng xoàn xoạt mau và mạnh hơn. Con dao như nghiến xuống mặt thớt. Thà nghèo khó mà tình người còn hơn bỏ ngãi tham giàu! Giàu có, sang trọng gì cái thứ người bỏ cửa bỏ nhà, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ chị bỏ em, bỏ vợ bỏ con, cốt sướng lấy thân mình! Bằng lầm bầm một hồi với những dòng hồi ức...
***
Mấy năm sau, Băng lại về quê, dắt theo đứa con gái tây lai. Ở lại hẳn một thời gian dài, Băng cho bố mẹ một khoản tiền sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà cổ. Cô gọi cậu em út lại: Giao cho cậu trông nom hương khỏi tổ tiên. Còn đây chị cho cậu mua xe máy, bù vào công dạy toán chị. Nhưng chị chả có học! Sòng phẳng nhá! Còn vợ chồng Bằng, Băng cho cả tiền xây cất ngôi nhà mới. Ban đầu Bằng kiên quyết không cầm. Anh chị chỉ cần ở vậy thôi. Không cần nhà cao nhà to làm gì cho phí. Cốt sao ổn định nghề nghiệp và nuôi chị em con Xuân ăn học tới nơi tới chốn! Không dám suy bì so vai với dì đâu!
- Chị yên tâm. Ở nước ngoài em làm ăn được mà. Dì Băng bây giờ khác với con Băng lêu lổng xó quê ngày trước! Còn gì hơn chị em khúc trên khúc dưới hở chị! Chỗ này chỉ là cái móng tay! Nhưng nhà quê cả đời kiếm đâu ra! Với lại em thích sòng phẳng. Công chị bế em vẹo cả xương sườn. Con lươn sau lưng chị, ông già quất roi tre dây còn không? Tại chị đánh ngã em dưới gốc ổi nhà bà Nhuận...
Băng năn nỉ, thuyết phục nhiều ngày, cuối cùng anh rể Hiệp cầm tiền. Hiệp bàn với vợ: Thôi chả gì bằng tình nghĩa chị em. Sông có khúc người có lúc! Dì ấy thương vợ chồng mình lớn trước khó trước, chịu bao vất vả để còn ở quê cùng cậu Bài nuôi thầy mẹ. Ta cứ nhận cho dì nó vui lòng! Từ nay sẽ khác đi chứ!
Băng ép anh chị phải xây ngay tòa hai tầng cho Băng nhìn thấy. Tự Băng thuê thợ và đặt mua vật liệu. Ngôi nhà lên thật. Hai tầng cao, tường sơn vàng kem, cửa kính cửa hoa lấp lánh. Ngôi nhà như một bông hoa nổi bật giữa xóm. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng hôm về nhà mới, Bằng vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Vẻ mặt ngớ ngẩn. Chân tay lính quính. Như bước trong cơn say sóng!
Rồi trước lúc đi một tháng. Một buổi tối sau bữa giỗ ông nội, chờ họ hàng tản về hết, Băng tập họp cả gia đình trong nhà. Đóng chặt cửa, Băng nhìn lướt qua mọi người: Hôm nay... Thưa cha mẹ, anh chị và các em! Con xin bàn một việc hệ trọng. Thời buổi bây giờ khác xưa một trời một vực. Thế giới cũng thay đổi. Các nước cũng thay đổi để tiến kịp thời đại. Nhà ta cũng phải thay đổi để mọi người cùng giàu có... Các anh các chị, các em các cháu phải rũ bỏ dần công việc đồng áng, sông nước nặng nhọc, quanh năm đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, khô mái chèo cháy nồi cơm. Một hạt thóc gánh bao nhiêu thứ đóng góp, rủi may. Được mùa mất giá. Được giá mất mùa. Nông dân quê ta khốn khó vô cùng. Ở bên ấy, con đi nhiều, tiếp xúc nhiều, trải nghiệm nhiều bài học và thấy nhiều người Việt thành công. Họ lần lượt đưa được gia đinh, người thân, anh em, con cháu ra nước ngoài sống sung sướng. Một ngày làm việc bằng một tháng, một năm bằng một đời ở quê... Băng đưa mắt nhìn thẳng vào Bằng: Việc này có quan hệ mật thiết đến chị Bằng anh Hiệp! Chị phải nghe em! Chị để em lo! Em làm hôn thê giả với anh Hiệp để đưa anh ấy sang chỗ em! Lao động người mình như anh Hiệp bên ấy rất có giá. Làm chơi ăn thật! Sau đó...
Bằng choáng váng: Ô! Sao lại vậy? Dì có điên không đấy? Em không điên! Mà rất tỉnh! Tỉnh để lo tương lai cho cả nhà, cho anh chị! Nhà ta từ xưa tới nay “đầu không khăn, đít không khố”, không quan chức gì cả, nên phải thay đổi cung cách làm ăn và giành lấy đẳng cấp cuộc sống để ai cũng giàu cũng mạnh. Nghèo bây giờ chúng nó khinh. Khinh từ trong ổ khinh ra! Khinh từ họ hàng khinh đi.
- Dì nói thế nào chứ? Ai người ta khinh? Nhà mình cũng có ai khinh dì đâu! Giờ lại tự dưng chia loan rẽ thúy nhà tôi à? Nghĩa là làm sao?
- Anh chị ra ủy ban, lên Tòa án huyện nộp đơn ly hôn... Giọng Băng thêm rắn đanh: Giả ly hôn thôi! Anh chị giả vờ bỏ nhau. Sau đó một năm em về, anh Hiệp làm hôn thê giả với em. Em cẩu anh sang đó. Cẩu anh rể xong, em lại làm ly hôn... Có nói dài chị cũng không thể hiểu được ý đồ của em. Cứ thế mặc em lo. Rồi sẽ cẩu được cả chị sang. Anh chị lại về đoàn tụ với nhau, không suy suyển tí nào!
- Dì nói gì chị không hiểu. Đau đầu quá! Ở quê giờ sinh sống đâu có đến nỗi... Thế này là quá tốt rồi! Thôi! Đừng đứng núi này trông núi kia cao. Đời người mấy lúc đâu em, mà những toan với tính...
- Chị xưa lắm! Yên tâm đi! Để em lo! Thôi! Cứ thế! Tuyệt đối bí mật! Cấm không ai được hở miệng ra ngoài! Chết cả nút! Coi như chưa có chuyện gì xảy ra!
***
Con em này đúng là tác quái! Từ bé nó đã nghịch ngợm, đanh đá. Đi học, vứt cả sách ốc đánh vật với bọn con trai. Sức con gái, mà nó dám bơi vượt cả sông Chanh. Bữa ấy, đến giữa chừng, nó lên chân cây đèn, ngửa mặt thở. Những tưởng kiệt sức. Vậy mà nó lại bơi tiếp sang bên kia... Ông già đánh đòn như két bay, nó vẫn đâu hoàn đấy. Chả trách lớn lên nó coi trời bằng vung! Cả vú lấp miệng em. Đằng này nó cả vú lấp miệng chị! Nó làm thật! Chả hiểu chạy chọt giấy tờ tiền nong thế nào, nó lại về nước và làm đủ chuyện xáo trộn cái gia đình này...
Nồi canh sôi trào bọt ra miệng nồi, tỏa hơi nghi ngút. Bếp sủi xèo xèo cắt ngang mạch suy nghĩ. Bằng vội bắc ra. Hương vị cua đồng quyện mùi mồng tơi thơm phức, ngọt nồng, quyến rũ. Ở nhà, nó cũng mê món canh này lắm! Lâu lâu lại sang bắt vạ chị. Bằng với lên chạn lấy bát đũa, dáng lảo đảo như say. Nhà này nó là cái vẩy tê tê mọc ngược! Vừa giận vừa thương lẫn lộn. Xét cho cùng... nó cũng khổ. Cha mất, không thấy mặt lần cuối, không được đưa ra đồng! Nhưng sao nó lại nỡ vô tình với chị gái nó đến vậy? Chồng ai không cướp! Lại cướp ngay chồng chị? Để không dám vác mặt về quê!
Hơn năm sau, Băng về người không. Với mớ giấy tờ đủ cả thủ tục kết hôn, xuất cảnh, nhập cảnh bên Việt Nam và Ca Na Đa. Giấy kết hôn in hai thứ chữ tiếng Anh và tiếng Việt, rõ ràng những dòng họ tên Lê Thị Băng, tuổi... Vũ Văn Hiệp, tuổi... Rồi... Quảng Ninh... Toronto...
Đêm cuối cùng trên quê hương, Hiệp dỗ dành, ôm chặt Băng như ngày đầu mới ngỏ lời: Yên tâm đi! Anh sẽ lại về! Vì làm ăn, vì tương lai nên dì ấy mới yêu cầu. Chiều dì cho xong việc. Chỉ làm giả với dì ấy thôi! Sang đấy một thời gian lại làm ly hôn. Anh lại về đón em... Em cần có nhau chứ có cần giàu sang đâu! Thôi! Dì nó đã cố công lo toan, chạy vạy. Giấy tờ thủ tục đâu đấy cả rồi. Cả núi tiền. Không thể bỏ được! Nước đổ thôi đành. Rồi ta lại xum họp...
Đêm ấy, Bằng khóc tưởng hết nước mắt. Chiếc gối và vai Hiệp ướt đẫm. Lần cuối cùng chị còn biết mùi mồ hôi chồng trong vòng tay. Khi tình yêu tột độ nồng nàn để xiết chặt niềm tin thì cũng là lúc trái tim manh nha trước vực thẳm. Chị đã không thể hiểu đây là màn kịch độc do em gái đạo diễn và Hiệp đã bị hút vào tham gia một vai diễn!
***
Từ lúc tắt máy tính, Xuân lên phòng, cũng không vui gì. Hai tiếng Băng Băng đã đánh thức hai mẹ con một nỗi buồn vô hạn, một nỗi đau rất khó lành. Hơn bẩy năm nay, ngôi nhà vắng bóng người trụ cột. Mẹ, một mình thui thủi. Con, hai đứa không được gọi tiếng bố. Chả biết bố tính sao lại đi theo dì Băng? Chả biết bố lấp lú đến đâu mà không nỡ gọi về một cuộc điện thoại hay một tin nhắn? Chả biết bố bị dì Băng kiểm tỏa tới mức nào mà quên đi quê hương bản quán?
Xuân lại từ trên tầng chạy phăm phăm xuống: Tức lắm mẹ ạ! Sao họ lại có thể cạn tàu ráo máng với mẹ như vậy? Con không chịu được. Phải đòi bố về! Nó nghiến răng ấn nút máy tính. Mạng bật lên. Trang Facebook Băng Băng hiện ngay trước mặt. Qua một vài bức ảnh mới pots lên toàn những ngọn núi cao, trắng tuyết. Một bức ảnh nữa. Chợt Xuân sát vào màn hình, thất thanh: Bố! Nhưng sao bố lại ngồi xe lăn? Bằng giật thót, chạy đến, vấp vào chiếc đòn ghế: Đâu? Què à? Đúng rồi! Cụt cả hai chân đây này! Chị choáng váng, vội chống tay xuống bàn, thảng thốt: Tại ả tại anh. Giờ mới chường cái mặt ra!... Thế là hết ư con?...
Ngón tay Xuân lướt láu táu trên bàn phím: “Bố tôi làm sao thế này?” Enter. Vài giây, một ô trả lời xuất hiện: “Tai nạn khi du lịch leo núi... Coi như chúng tao chết rồi! Đừng hỏi nữa!” Ngả bửa người ra ghế, Xuân đứng phắt dậy vươn tay ấn công tắc điện. Màn hình tắt đánh phụp. Nó chụm hai bàn tay ôm mặt rồi thất thểu lê bước lên cầu thang...
***
Bằng lặng người, dựa vào tường. Nước mắt lại trào ra. Mâm cơm vừa dọn để đấy, cũng không thiết gọi. Chị ân hận: Giá ngày ấy mình cứ làm ầm ĩ, phá cho vỡ chuyện... Mọi sự sẽ không đến nỗi... Ba tháng. Một năm. Rồi bẩy mùa đón giao thừa, bẩy mùa tết đến xuân về trên bến sông quê. Không một hồi âm. Không nhớ bao đêm trăng Bằng ra bến sông nhìn chân mây xa thẳm. Tình yêu trong lòng như hòn đá ném xuống đáy sông. Đâu rồi con thuyền quen thuộc với hai lá buồm cánh dơi lướt trên mặt sóng nhuốm hồng? Đâu rồi những giọt ghi ta phập phùng, thực thà từng nốt nhạc trên mui thuyền? Đâu rồi tiếng hò biển ngân nga, lúc vang trên mặt nước, lúc chìm dưới mái chèo ướt ánh trăng? Ơ... ớ... hò... Trăng lên đỉnh núi trăng tà... Anh yêu em thật hay là yêu chơi... ớ hò...
Ngày cha mất, cả nhà cố đợi, để hôm sau mới khâm liệm, để hy vọng. Nhờ những đứa em gia đình người chú, nhờ những người quen trong làng ngoài xã có người thân bên đó, Bằng vẫn không dò được tung tích em gái và chồng. Một tù tội? Hai mất tích? Dư luận được thể cứ như sóng mà cồn lên: Đến cơ nhà ấy bị đổ đốn. Thúy Vân nẫng của Thúy Kiều... Em vợ cướp anh rể! Tại chị tin em, tin bợm mất bò... Mất sào ruộng trước cửa không bằng mất nửa... Đá cũng phải đau! Đám trẻ con trong xóm còn rồng rắn hát: Tò vò mà nuôi con nhện. Đến khi nó lớn nó quện nhau đi. Tò vò ngồi khóc tỉ ti. Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào? Tòa nhà cao tầng lòe loẹt giữa xóm chẳng khác gì cây nêu cho kẻ qua người lại nhìn lên thành bia miệng tiếng đời! Không có thứ cây gì vừa trồng đã mọc nhanh như thành như lũy để che khuất nó đi?
Tấm ảnh Hiệp ngồi xe lăn, tiều tụy và thảm hại lại hiện rõ mồn một...
Bằng đứng dậy. Chị thắp ba nén hương, ngước lên bàn thờ. Lạy giời lạy Phật, lạy đất lạy sông xui khiến con bé trở về, Hiệp trở về. Vại vỡ rồi thì cứ về đi, về đi! Dẫu có què quặt, ngồi xe lăn như ông Vấn thương binh, cũng đón! Thôi thì người ta đi trận mạc mà thương tật. Chồng mình do cả nghe, “cóc chết ba năm quay đầu về núi”, cũng được! Em gái có về, trả anh rể đầu ngõ cũng được! Nếu không trả cũng xong! Miễn sao ngôi nhà cổ của cha mẹ lại ấm áp, xum vầy, ăn với nhau bữa cơm ngày giỗ, ngày tết dưới bàn thờ ông bà ông vải... Chị lấy lồng bàn đạy mâm cơm. Đợi ít nữa thằng Thu đi học về. Chắc nó đã đến nửa đường? Nồi canh cua đồng mồng tơi sẽ nguội mất! Chị vội gọi lên phòng, giọng dứt khoát: Xuân ơi! Xuống mở máy tính, lên mạng ngay cho mẹ! Mau! Mẹ chỉ cần nhắn một câu. Một câu thôi. Con cứ bấm cho mẹ thế này: Nước đổ thôi đành! Dì với bố ở đâu? Còn biết đường biết lối thì Tết này dắt nhau về!
Tổng hợp nhiều nguồn
Từng là ngôi sao trẻ, đối thủ "một 9 một 10" với Sơn Tùng M-TP, ca sĩ Hoài Lâm hiện không giữ được ngoại hình lẫn giọng hát trời phú.
Hoàng Thùy Linh nói quá trình làm nghề hay thực hiện đêm nhạc "Vietnamese Concert", cô chỉ mong mang lại điều tốt đẹp cho mọi người, không muốn tạo ra những ồn ào.
20 năm sau thành công của "Kính vạn hoa" bản truyền hình, diễn viên Vũ Long chọn cuộc sống kín tiếng. Anh có tổ ấm hạnh phúc, luôn đặt vợ con lên hàng đầu.