Phận điều

10/04/2025 22:00
Ở Bình Phước người trồng điều thường trông về thời tiết. Có khi cây điều ra bông, đậu trái mà gặp giông lớn ào qua thì xem như gần mất trắng.

Cây cao su còn gãy, còn quặt theo một chiều giông gió đi. Cây điều bật gốc, gãy cành rụng bông, rụng trái. Trái đang xanh gặp giông lớn rụng dày đất. Người trồng điều tím từng khúc ruột.

Hà theo mẹ đi vun đất vào từng gốc cây điều nhỏ mới trồng. Cơn mưa

đêm qua lớn quá. Dấu mới trồng cây điều đều sụt xuống đọng nước. Hà nhìn mẹ làm rồi bắt chước khai rãnh cho nước ra hết mới xốc đất vào. Chị nhìn con, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc.

Hai ha đồi tranh một mình mẹ cuốc xới phơi lên màu đất đỏ sẩm. Sau buổi học về Hà phụ mẹ gom cây cỏ đốt. Mưa xuống tro ngấm vào đất thành phân thành mùn. Ngần ấy thời gian vườn điều nhà đã được ba năm tuổi.

Hà nhẩm tính cây điều nhỏ hơn mình chín tuổi. Vậy mà em chỉ đứng ngang tán lá dưới cùng. Sang tiết trời đông, gió se lạnh, sáng sớm mẹ cào cỏ, lá cây un khói cho bớt sâu, bọ xít cắn lá và hút chích nhựa đọt non cây điều. Hà thích lắm lần đầu tiên điều nhà có bông. Những nụ bông bé tý trên từng chồi lá non tơ. Hương bông điều thoang thoảng trong gió xuân mà nghe nôn nao bồn chồn đến lạ. Rồi những chùm trái điều non lộ dần, năm, bảy ngày sau đã bằng lóng tay của Hà. Trái điều non có màu tím nhạt, lại có màu xanh lơ. Mùa chín, hương điều phảng phất dìu dịu. Mùi ngọt của trái chín, mùi ngai ngái âm ẩm của đất xen với mùi nhựa cao su từ vườn bên thoáng qua.

***

Mãi tới nay mẹ mới cho Hà biết nơi đang ở xưa là chiến trường. Ông ngoại đi bộ đội rồi chiến đấu hy sinh trên vùng đất này. Nhiều lần Hà thấy mắt mẹ rớm nước. Không gian lắng lại nghe như có tiếng thở dài trong từng khóm lá cây điều.

Mẹ kể: Năm 1971, chiến tranh chống Mỹ chưa hết giai đoạn ác liệt, ông ngoại tình nguyện nhập ngũ. Bà ngoại khăn gói cho ông chẳng có gì ngoài cái khăn tay lau mặt, chiếc bàn chải đánh răng, hộp dầu cù là sao vàng loại to và mấy cái bánh mì hấp màu ngà ngà. Ông ngoại cười, bà lo chi nhiều rứa hè. Vào bộ đội có Nhà nước lo hết. Chỉ thương bà và con ở nhà cơm độn khoai độn sắn vẫn không đủ ăn... Ông ngoại lên xe, bà đứng yên một chỗ tựa dấu chấm than mảnh khảnh đến nao lòng. Mẹ với bà ngoại ngóng theo mấy chiếc xe quân sự chở tân binh khuất dần chân núi. Lúc đó mẹ bằng tuổi con bây giờ.

Mẹ và ba ly hôn lúc Hà mới 7 tuổi. Bà ngoại được cậu út rước về nuôi. Nhà chỉ còn hai mẹ con với hai sào ruộng nước. Mẹ xin phép ngoại bán hai sào ruộng làm vốn rồi vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Bà ngoại đồng ý. Cậu út còn căn dặn mẹ vào trong này tìm kiếm thêm thông tin nơi ông ngoại chiến đấu rồi hy sinh.

***


Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong

Hà phụ mẹ được ngày thứ bảy và chủ nhật. Còn ngày thường em phải đi học. Về nhà ngoài thời gian làm bài tập, em phụ mẹ cơm nước, giặt giũ. Sáng nay, mẹ đưa Hà đến lớp. Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng.

Chị dừng xe ở cổng chính. Hà chào mẹ rồi vào lớp, cũng vừa lúc tiếng trống trường vang lên. Chú bảo vệ trong trang phục chỉnh tề, vai mang cầu vai xanh đậm mỗi bên có hai vạch ngang màu vàng nhìn chị tươi cười. Chị đáp lại cũng bằng nụ cười duyên và nhỏ nhẻ chào anh. Chú bảo vệ gật đầu nhìn theo dáng thắt lưng ong cho tới khi chị nhập vào đoàn người xuôi ngược.

Mấy ngày nay trời mưa tầm tả. Vườn điều thêm no nước. Những hạt mưa còn đọng trên lá cành chốc chốc nhủ xuống. Vỏ cây điều trông dày hơn loáng thoáng nước chảy ướt đất hằn dấu ở gốc. Chị rảo khắp vườn điều rồi dừng lại chỗ dưới dốc. Một vùng thoãi chạy dài như dấu đất tụt thấp. Mấy gốc điều trơ rễ cong lên như con sóng gãy. Một con chim có bộ lông màu huyết đậu trên cành điều nhìn chị. Chị thoáng rùng mình. Không gian chợt lạnh bàng bạc như màu khói đồng dậy lên cuối vườn điều. Chợt điện thoại trong túi áo chị đổ chuông.

- A lô. Chị đang ở đâu vậy?

- Dạ, em đang ở cuối vườn điều. Mưa quá nên em đi xem có cây nào bị ứ nước không.

- Không sao đâu chị. Điều lớn nước ứ ít hôm không sao hết, từ từ nước sẽ rút thôi. Chị vào nhà đi. Có mấy anh bộ đội đến khảo sát vùng đất mình. Nghe các anh nói vùng đồi này trước đây địch chôn lấp số bộ đội hy sinh trong trận đánh căn cứ Đồng Hòa.

- Dạ. Em vào liền...

Anh trưởng thôn vừa kết thúc cuộc gọi cho chị.

***

Ở Bình Phước người trồng điều thường trông về thời tiết. Có khi cây điều ra bông, đậu trái mà gặp giông lớn ào qua thì xem như gần mất trắng. Cây cao su còn gãy, còn quặt theo một chiều giông gió đi. Cây điều bật gốc, gãy cành rụng bông, rụng trái. Trái đang xanh gặp giông lớn rụng dày đất. Người trồng điều tím từng khúc ruột.

Hà lững thững xách xô đi lượm từng trái điều non gom lại. Tâm hồn đứa trẻ như bị bóng mây chèn chặt. Em tiếc mấy cân hạt điều non rồi nhặt lại như một quán tính tự nhiên, chứ chẳng đem bán cho ai được. Phận điều sao mong manh quá. Gần tới ngày thu hoạch còn bị giông gió. Còn bị ông Trời cướp đi. Hà thương mẹ sớm tối cặm cụi ngoài vườn. Khi mẹ bắt sâu đục thân. Khi mẹ khai nước mưa ứ gốc điều. Mẹ còn ôm đá xếp thành bờ ngang không để đất màu chảy xuống khi mưa lớn. Thương mẹ quá. Đêm giông mẹ trằn trọc không ngủ. Mấy cây điều bị sâu đục thân, đục cành có trụ nổi những đêm giông bão? Mẹ khoác áo mưa lách cửa đi ra. Hà chợt tỉnh. Bóng mẹ chìm dần trong mưa thác.

Bỗng chị dừng lại, nhìn thấy nhiều trái điều non xếp dày thành hình trái tim xinh xắn. Chị nghĩ, con gái đang an ủi mẹ chăng? Chả là năm ngày trước chị có đưa con đi dự lễ hội “Quả điều vàng” tại trung tâm tỉnh Bình Phước. Tiếp đến có mấy bác cựu chiến binh về vùng này tìm lại vị trí địch chôn lấp bộ đội hy sinh tại căn cứ Đồng Hòa. Trong số cựu chiến binh có một bác hình như là trưởng đoàn người dong dỏng cao, hai má hóp. Tuổi của bác độ chừng trên 70 nhà ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng.

Năm 2013, mình bác tự đi tìm đồng đội và kết quả đã tìm được một hài cốt liệt sĩ trong khu vườn của một nhà dân ở thị trấn Đức Phong. Qua năm sau, nhiều cựu chiến binh tình nguyện theo bác. Thành tích của bác và đoàn sau mấy năm lặn lội tìm kiếm đã có nhiều hài cốt liệt sĩ quy tập vào nghĩa trang. Chị biết thông tin về bác cựu chiến binh đó qua Đài truyền hình và Báo tỉnh... Chị quan tâm và mong đợi từng ngày qua hành trình tìm kiếm liệt sĩ của các bác cựu chiến binh và Đội K72, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước.

***

Hồi đó vườn điều chị mới trồng có mấy năm. Đang bón thúc phân cho cây điều, thì chị nghe có tiếng chó sủa trong nhà. Ai vậy, chẳng lẽ anh trưởng thôn qua? Mà sáng nay anh có qua nhà rồi mà! Đêm anh giăng lưới dưới suối không biết cá dính nhiều hay ít, mà anh mang qua cho mẹ con hai con cá chạch lấu to gần bằng cán dao.

Đứng từ xa chị đã trông thấy mấy người đàn ông mặc áo quần màu lá. Chị nghĩ thầm, không biết có chuyện gì đây nữa? Hay là vùng này thuộc trong diện quy hoạch đất quốc phòng? Hay là để dùng diễn tập quân sự hoặc trường bắn đạn thật huấn luyện tân binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, vì phía sau còn ngọn đồi cao che chắn.

- Em chào các bác ạ.

- Vâng. Chào cô! Người cựu chiến binh lớn tuổi nhất gật đầu và đáp lời chào lại. Ông nói: - Chúng tôi đi xem vùng này để xác định lại vị trí bộ đội ta hy sinh tới nay vẫn không tìm thấy hài cốt.

Chị mời các bác cựu chiến binh vào nhà, rồi đi pha trà mời các bác ngồi uống nước. Bác lớn tuổi nhất nhấp ngụm nước rồi thủng thẳng kể lại trận đánh trong đêm năm ấy. Bác trong tổ trinh sát... khi quân ta vừa chọc thủng tuyến cửa mở thứ nhất, thì cũng vừa lúc địch tổ chức phản công. Địch tăng cường lực lượng bao vây khóa chặt Tiểu đoàn. Hai tiểu đoàn dù cùng lữ đoàn tăng thiết giáp được địch điều từ Chi khu Đôn Luân lên chi viện căn cứ Đồng Hòa. Cuộc huyết chiến giữa ta và địch diễn ra từ 5 giờ chiều đến 2 giờ sáng, thì quân ta được lệnh rút. Một số chiến sĩ bị thương được bộ đội và thanh niên xung phong đưa ra ngoài. Số còn lại tử trận không đưa ra kịp. Máy bay địch thả pháo sáng, ném bom tứ phía chặn đường tiếp viện của ta. Nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh không tìm thấy xác...!

Chị giật mình. Lẽ nào trong số bộ đội hy sinh có ông ngoại ...? Quay qua bác cựu chiến binh, chị khẽ khàng... “Ông của cháu đây đi bộ đội rồi hy sinh, tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt”.

Người cựu chiến binh già mắt sáng lên, ông hỏi:

- Ba của con tên là gì. Trước đây thuộc đơn vị nào và từng chiến đấu ở đâu?

- Dạ, ba con từng đánh giặc vùng này. Theo trong giấy báo tử của đơn vị mà cán bộ lao động, thương binh xã mang đến nhà cho mẹ con sau năm 1975 có ghi ở Trung đoàn 165 thì phải. Còn tiểu đoàn, đại đội nào con không nhớ...

- Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 141... Thế tên ba con là gì? - Ông hỏi dồn, đôi môi mấp máy.

- Dạ thưa bác, ba con tên là Khang - Trần Văn Khang ạ!

- Đúng là Khang người huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trận đó, Khang và ba chiến sĩ trinh sát hy sinh không lấy được xác. Đơn vị rút lên Bù Đốp. Khi căn cứ Đồng Hòa bị lực lượng Tỉnh đội Bình Long xóa sổ, bác và một số cán bộ của đơn vị quay lại lục kiếm khắp, Khang và số chiến sĩ hy sinh vẫn không thấy.

Chị đưa tay dụi nước mắt rồi bước lại cạnh bàn thờ lấy chiếc ba lô treo lên vách xuống trong có cuốn nhật ký.

-Đây bác, chiếc ba lô và cuốn nhật ký của ba con, đơn vị gửi về.

Người cựu chiến binh già đón lấy, xúc động.

***

Hà đi học về. Từ xa em đã nghe tiếng máy cưa èn ẹt ở cuối vườn điều nhà. Tiếng máy Kobe múc đất loảng xoảng đập vào không gian. Những cây điều gần mười năm tuổi ngã gập xuống trơ gốc ứ nhựa đỏ bầm. Chị đứng lặng nhìn theo. Hà đi xuống đứng cạnh cầm bàn tay mẹ. Hai bàn tay của mẹ chai sần theo năm tháng. Nhìn những cây điều ngã vật, Hà như thấy tim mình ngừng đập. Mẹ ơi! Biết khi nào cây điều nhà mình lớn được như này? Mười năm không phải là ngắn? Từ khi Hà được bảy tuổi, mẹ đã ươm trồng cây điều. Nay em đã tuổi mười bảy và qua mỗi mùa trái chín rộ, hương điều lâng lâng dậy vườn.

Một tổ chim non hất ra từ ngọn cây điều vừa mới cắt. Hà chạy tới ôm vội tổ chim vào lòng. Em đưa tay che lấy những con chim nhỏ lơ thơ lông ngoác đôi mỏ nhỏ xíu kêu chích chích. Giọt nước mắt của em nhỏ xuống thấm lên trên con chim non lẩy khẩy.

Vườn điều toang hoác một sào, hai sào và dần rộng thêm. Quả tim điều Hà kết sau đêm giông tháng trước rỉ máu dưới bánh xích nghiền nát.

Chiếc Kobe chạy ra ngoài tắt máy. Hiện trường chỉ còn lại các tổ đào thủ công tìm kiếm. Mọi người dùng cúp, cuốc, xẻng hất đất lên cho ra ngoài. Những đường hào phơi màu đất đỏ sẫm bọc quanh từng gốc điều. Chợt người lính trẻ dừng tay cuốc. Anh nghiêng đầu nhìn sâu vào hốc cây điều. Một hình hài in vào đất nâu sẩm bị rễ cây ôm chặt.

Hà theo mẹ lại nơi chiến sĩ trẻ vừa tìm thấy hài cốt. Chỗ đang đứng là cây điều cao nhất chị đã bắt gặp con chim có bộ lông màu huyết. Chị xúc động.

Không gian loang loáng nước.

- Mẹ! Mẹ làm sao vậy? Sao mẹ lại khóc?

Trong tấm ni long lỗ chỗ rách bọc thi thể người quá cố còn tấm ảnh đen trắng bị phai phần góc. Chị đón lấy từ tay người chiến sĩ trẻ rồi khóc nức.

- Tấm ảnh chụp cả gia đình ông ngoại con mang theo. Đây là ông ngoại, đây là bà ngoại, mẹ và cậu út.

Chị đưa ngón tay chỉ vào từng người và nói với con gái. Hà cầm tấm ảnh mẹ đưa. Em úp tấm ảnh vào ngực rồi nói như reo:

- Bà ngoại ơi! Cậu út ơi! Các chú bộ đội và các ông cựu chiến binh đã tìm được ông ngoại rồi đó!

***

Ánh mắt chị đăm đăm nhìn vào hình hài người quá cố. Đôi môi chị run lên. Chị ngồi thụp xuống, rồi tuột chân xuống hố. Người chiến sĩ trẻ lấy làm lạ: “Sao vậy cô? Còn mấy mẫu xương, cháu chưa bốc hết”. Nước mắt chị nhàn nhụa. Hà đứng trên gọi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ làm sao vậy? Chú ấy chưa bốc hết hài cốt ông ngoại mà?”.

Chị quờ tay đưa từ trên xuống dưới hết phần đen của đất. Dừng lại ở khúc ống chân người đã gãy, chị thổn thức: “Ba đây ư? Không phải. Hà ơi! Ông ngoại con không phải người này. Ông ngoại của con to cao lắm. Trước khi đi bộ đội ông con nặng gần 80 cân, cao hơn 1 mét 7. Mẹ biết ông ngoại hay ngồi cân thử ở cân bàn của hợp tác xã. Thời đó ông ngoại thương yêu bà ngoại hết mình. Bởi vậy, khi ông ngoại hy sinh ở chiến trường Đông Nam Bộ, bà ngoại ở vậy nuôi mẹ và cậu út chứ không đi bước nữa. Mỗi lần kể lại chuyện ông bà ngoại trước đây là bà ngoại nghẹn ngào khóc. Những ngày lên rừng lấy củi về cân cho hợp tác xã để đốt lò nung gạch ngói, ông ngoại luôn gánh thêm phần của bà. Ông lo cho bà sợ củi tươi nặng. Đã vậy, ông ngoại còn gánh củi về trước rồi quay lại rước bà ngoại. Bà ngoại khi đang có mang mẹ, ông ngoại không cho bà ngoại làm việc nhiều. Đi chặt củi về cân cho hợp tác xã nung gạch ngói đều tính vào công điểm. Lương thực, thực phẩm hợp tác xã cấp cho mọi người, tất thảy đều được chia vào thang điểm giao khoán... Đồng chí liệt sĩ đây xương ống tay, ống chân và hình hài xương cốt nhỏ thó thế không phải ông ngoại của con. Còn hộp cù là sao vàng bà ngoại gói cho ông khi vào trận...?

-Mẹ! Mẹ đừng nghĩ thế... Đấy cũng là liệt sĩ... Chắc ông ngoại còn nằm đâu đó. Các chú bộ đội vẫn đang tiếp tục đào bới kiếm tìm mà!

Hà biết mẹ đang suy sụp tinh thần. Mấy sào điều toang hoác thế kia mà vẫn chưa tìm ra ông ngoại. Người lính nào hy sinh cũng đều thế cả. Cũng lạnh lẽo trong lòng đất hàng chục năm trời. Nhiều người lính hy sinh không tìm thấy. Nhiều vị trí địch dồn xác bộ đội chôn lấp tập trung... Hà muốn nói thật nhiều với mẹ nhưng cổ họng nghẹn đắng.

Hà nghĩ lại tiết học văn sáng nay. Cô giáo cho học sinh đọc và phân tích ý bài thơ “Tấm vé tàu Thống Nhất của cha”, của Nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy. Cô giáo đọc qua bài thơ một lượt. Chất giọng Quảng Trị của cô giáo trầm lắng, xúc động qua từng khổ, ý thơ...

Ngày Cha ra trận

giọt máu của Người chưa bật khóc!

Mẹ lẻ loi vượt cạn

đất phương Nam

Cha

ngã xuống miệt vườn...

Bốn mươi năm sau

Cha trở lại quê hương

trên con tàu Thống Nhất

chiếc ba lô từng theo Cha đánh giặc

nay ấp iu Cha trong cuộc trở về

Tấm vé tàu con mua cho Cha

cũng bình thường như bao tấm vé khác

Chỉ khác

nó không bị xé đi một góc khi Cha bước lên tàu

suất cơm kèm theo dành cho khách vẫn còn nguyên



ngồi thay Cha

trên ghế mềm

là chiếc ba lô đựng hài cốt...


Chị chợt tỉnh qua câu nói của con. Bác cựu chiến binh già quay qua chị. Ông chậm rãi nói:

- Có thể đồng chí Khang trước lúc hy sinh đã trao gửi tấm ảnh lại cho đồng đội. Và đồng chí mình cất giữ trong túi áo rồi hy sinh trong một trận đánh khác. Chiến tranh không nói trước được chuyện gì. Sống nay thác mai. Có chiến sĩ đã nằm xuống huyệt cũng bị bom địch xới tung.

Chị lặng lẽ đi xuống bờ suối. Hà đi theo mẹ. Khoảng điều bên bóng mấy người mặc áo cỏ đang bước qua. Những người đàn ông không vẹn nguyên. Những người đàn ông mặc áo cỏ đầm đìa máu. Bóng một người cao to trong đoàn bước ra ngoài. Hà kêu lên:

- Mẹ! Ông ngoại kìa...!

Chị quay lại. Cơn mưa tháng ba ập đến. Những cành điều bần bật rung lên trong gió thác.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Nguyễn Duy Hiến

Tin xem thêm

Giải pháp cho đèn đỏ được rẽ phải

Giải trí
18/04/2025 16

Hiện nay nhiều người vẫn dừng xe chờ đèn đỏ chắn lối rẽ phải dù có đèn thông báo. Giải pháp nào cho chuyện này?

Tiktoker Quỳnh Như diện bikini bật mode chào hè cực bốc lửa

Giải trí
18/04/2025 14

Chưa chính thức vào hè mà cõi mạng đã 'nóng rực' vì loạt ảnh diện bikini khoe dáng 'đốt mắt' của Tiktoker Quỳnh Như tại công viên nước.

BTV Quang Minh xin lỗi, coi việc quảng cáo sữa là bài học cay đắng

Giải trí
18/04/2025 09

Sau vài ngày im lặng, BTV Quang Minh VTV chính thức xin lỗi vì đã nhận lời quảng cáo sữa.

Tin vui cho bộ phim 'Đào, Phở và Piano'

Giải trí
18/04/2025 09

Hơn 1 năm sau khi gây sốt rạp chiếu, phim "Đào, Phở và Piano" được trao giải về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dâ...

Chó sói và cái bóng

Giải trí
18/04/2025 09

Ngày xửa ngày xưa, có một con chó sói sống trong một khu rừng.

Ca sĩ Đan Trường bức xúc về hình ảnh quảng cáo sữa trị bệnh

Giải trí
18/04/2025 08

Ca sĩ Đan Trường nói anh không tham gia quảng cáo hay làm đại diện cho thương hiệu sữa đặc trị gout như 1 số hình ảnh lan truyền mạng xã hội hiện nay.

Quả báo

Giải trí
18/04/2025 08

Máy bay quay đầu giữa Ấn Độ Dương vì hành khách cố mở cửa trên không

Giải trí
18/04/2025 06

INDONESIA - Một máy bay chở hơn 200 hành khách của hãng hàng không Jetstar đã phải chuyển hướng và quay về sân bay xuất phát ban đầu trên đảo Bali vì một hành khách cố mở...


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media