Ngày xưa, khị bị nhà Tây Sơn truy sát, Nguyễn vương cùng đoàn tùy tùng đã gấp rút chạy ngang qua vùng đất này, vội vã bỏ lại một số cung tần mỹ nữ. Vì thế thời tao loạn, các mỹ nữ đã ở lại đây làm ăn, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Ông cảm thấy hạnh phúc khi trình diện tại nhiệm sở mới, nơi có nhiều địa danh đầy huyền tích.
Ông Tâm tròn hai mươi mốt tuổi, thày giáo trẻ nhất trường, dạy toán khối các lớp mười hai, phong cách nhanh nhẹn như người phương tây. Ông bước những bước dài, dứt khoát lẹ làng. Làm việc đúng giờ, không trễ một giây. Áo sơ mi tay dài, tay áo xăng lên ba nấc, trông gọn gàng, đầy nam tính. Ông trình diễn những tiết dạy môn toán thật ngoạn mục. Bước lên bục, không cần giáo án, không cần soạn bài trước, trên tay ông chỉ cầm viên phấn, thế là ông thao thao bất tuyệt phần giáo khoa cao cấp đạo hàm và tích phân, xong phần lý thuyết, ông chép trên bảng mười lăm bài tập cho học sinh về nhà làm. Suốt hai tiết giảng, ông nhớ từng công thức, từng con số, không cần xem bài soạn trước. Kẻng hết tiết, ông nhẹ nhàng để viên phấn vào hộp, bước ra cửa lớp. Đồng nghiệp cùng học trò ngả nón, ngồi im thin thít thán phục. Ông yêu nghề và có trí nhớ thật trác tuyệt. Ông được chính quyền địa phương tôn trọng, phụ huynh học sinh kính nể vì ông là một thày giáo mẩu mực, thanh khiết, phẩm hạnh sáng ngời. Ông gắn bó ngôi trường này suốt bốn mươi năm. Bao lứa học trò của ông vào đời thành đạt, trở thành chính khách, bác sỹ, kỹ sư... Ông phải thừa nhận, các thế hệ sau ông, họ giỏi hơn ông gấp bội, thế mà khi gặp lại thày cũ, họ vẫn khúm núm cúi chào như còn bé bỏng lắm. Đôi khi, ông lấy làm thú vị, phải chăng những nam thanh nữ tú học trò của ông là hậu duệ của các cung tần mỹ nữ nhà Nguyễn?
Nay ông giáo Tâm đã ngoài sáu mươi, những năm gần đây giấc ngủ cứ chập chờn, không an giấc. Mấy mươi năm qua, ông tận tụy, dạy dỗ các lứa học sinh, mong cho chúng giỏi giang, thành đạt. Ông không có thời gian quay về ký ức của mình. Giờ đây, những tháng ngày nghỉ hưu thong dong, nhẹ nhàng, ông thường hay nghĩ về thời trai trẻ. Bỗng nhiên cái quán nhỏ, bên hè quán có cây gừa cổ thụ tàng lá xanh mướt bung tròn xum xuê ấy đột ngột quay về ám ảnh ông, dù thời trẻ trai, ông chỉ một lần ông ghé quán này- một buổi tối duy nhất trong cuộc đời, ông đã tự làm hoen ố phẩm hạnh mình. Ông thường trằn trọc, thở dài, đau đớn khôn nguôi vì tuổi trẻ ông đã lầm lỡ, ước gì năm xưa ông không bước vào cái quán nhỏ ven sông ấy. Nhưng sự việc đã xảy ra như một định mệnh, không có phép lạ nào có thể bôi xóa dĩ vãng của ông. Thỉnh thoảng, với chiếc Honda cũ, ông chạy xe chầm chậm dọc theo bờ sông tìm lại quán xưa. Vật đổi sao dời, bây giờ nhà cửa, hàng quán san sát, quán rượu nhỏ năm nào đã biến mất không một dấu tích nào còn sót lại. Cây gừa cổ thụ, nay cũng mất tiêu, không còn chút bóng dáng nào. Ắt hẳn, người ta đã đốn nó đi. Ông bèn dò tìm theo những khoảng đất trống ven bờ sông xem có còn lưu lại gốc rễ vết tích nó hay không, nếu còn chút dấu vết, ông có thể định vị quán rượu năm xưa. Nhiều ngày, nhiều lần ông giả vờ làm người tìm hái lá thuốc nam, chăm chú vạch tìm trong đám cỏ dại, ông vẫn không thấy vết tích của gốc cây gừa năm xưa. Vật đã tiêu trầm thì chắc cái quán ấy chẳng hề hiện diện trên thế gian này, vậy ông còn nhớ đến làm gì. Hay ông chỉ tưởng tượng thôi, trong trí não ông vô số những kỉ niệm, những hình ảnh đẹp trong cuộc đời giáo chức thanh bạch, sao ông chẳng thèm đoái hoài mà lại mãi nhớ về cái quán rượu ấy?
Ông cầu mong sao cho ông là một người hoang tưởng, viển vông, có triệu chứng tâm thần nhẹ, đãng trí nhớ nhớ quên quên. Cầu mong sao cái quán ấy phi thực. Bữa nhậu trong buổi chiều hôm ấy có ba người: ông và người bạn cùng cô chủ quán. Cảnh cũ người xưa trong tâm trí ông theo thời gian càng mơ hồ, phi thực. Nếu thời gian là liều thuốc mầu nhiệm làm nguôi nỗi đau, thậm chí làm ta lãng quên tất cả, thì giờ đây, cuộc sống thường ngày của ông yên ả biết bao.
***
Tranh của Đào Hải Phong
Đó là một buổi chiều, cách nay hơn bốn mươi năm, trời hãy còn nắng nhẹ, ông Tâm và ông Thu đã nhậu say lắm rồi, trên đường về nổi hứng, tình cờ tấp đại vào một quán rượu nhỏ nhậu tiếp. Quán rượu ven sông. Căn nhà trước nằm trên đất liền, nhà sau nối theo gie ra mặt sông, theo kiểu nhà sàn, các cột đước gầy cặm qua mặt nước xuyên sâu xuống bãi bùn. Khi sóng gió ngoài sông nổi lên, căn nhà sàn rung rinh cơ hồ trôi chập chờn trên sóng nước. Sàn nhà sau lót bằng ván đước mỏng đã cũ mục gập ghềnh, bước trên sàn phải thận trọng, dọ dẫm từng bước chân, giữa những tấm ván có những khe hở lấp lánh ánh chiều từ mặt nước hắt lên; qua các kẽ ván có thể nhìn thấy thấp thoáng mặt nước chuyển động. Mặt nước duềnh lên hạ xuống xô vào bờ mỗi khi các tàu ghe có động cơ chạy trên sông, hay có thể nhìn thấy bãi bùn đầy rác mỗi khi nước ròng trơ bãi. Nhà vệ sinh đơn sơ, thợ làm nhà cắt ván sàn thành một khoảng trống vừa vặn cho chất thải tuôn xuống dòng nước đang trôi. Bên hiên nhà, một cây dừa tàn lá xum xuê xanh rợp, từng chùm rễ nhuốm màu cổ phong nguyên sơ buông dài, rủ xuống làm cho quán rượu thêm êm đềm, bí ẩn.
Quán vắng, cô chủ quán trẻ trung, ấm áp, áo bà ba căng tràn, đôi mắt bồ câu sóng sánh thật đễ thương. Mới ngoài hai mươi cô đã ly hôn. Trong khi chờ chủ quán nấu nướng chuẩn bị mồi nhậu, ông Thu nằm lim dim trên võng nhà trước. Ông Tâm lững thững phía sau nhà sàn ngắm dòng sông. Dường như, chiều hôm đó có cơn mưa phùng nhè nhẹ mịn màng trải lấm tấm trên mặt nước. Tàu ghe mờ mờ trong mưa xuôi ngược trên sông. Bờ bên kia, dọc dài theo triền sông, những ngôi nhà sàn cũ kỹ, liền khít nhau, xiêu vẹo với những tấm ván, tấm tôn đóng tạm. Trời chiều lành lạnh, mưa lất phất cong mềm theo những cơn gió nhẹ bay vào mặt ông, làm cho ông thêm buồn bã, thèm rượu, thèm có người đối ẩm tâm sự. Những cốc rượu nồng cay đã uông trước đó trong buổi chiều với một thoáng ước mơ tuổi trẻ, một chút cô đơn, một chút khát khao nhục thể cháy âm ỷ trong da thịt, một chút bốc đồng buông thả trong cuộc sống... thật phóng khoáng, ngọt ngào biết bao! Rượu ngấm, ông đang say. tâm tưởng ông bồng bềnh tràn đầy những cung bậc say mơ.
Ông Tâm và ông Thu là bạn học cùng lớp. Ông Thu vào đời và thành đạt rất sớm, giao tế rộng rãi, hiện là chủ hãng xe tải đường dài. Mỗi khi xe về bến nhà để trung tu bảo dưỡng, ông Thu giắt túi một xấp tiền rủ bạn bè chơi bời ăn nhậu. Ông Tâm thì bạch diện thư sinh, nề nếp gia phong. Hôm đó, chỉ có hai người, ông Thu và ông lê la quán xá. Sau bữa nhậu ở quán nhỏ quán ven sông, ông Thu lại mê mãi theo những chiếc xe tải rong ruổi đường dài. Và cũng từ buổi chia tay ấy, ông Tâm mãi mê trường lớp không còn có dịp giao du với ông Thu. Âu cũng là phần số, nếu còn cặp kè chơi bời cùng với ông Thu, giờ này - ông Tâm nghĩ - không biết số phận ông đi về đâu?
Bây giờ nhìn đám cháu ngoại, cháu nội hồn nhiên trong sáng nô đùa trước sân. Ông Tâm nghĩ rằng nếu con cháu ông nghe ai đó kể lại rằng ngày xưa ông đã từng có những cuộc nhậu nhẹt trác táng, trụy lạc thì ông có nước cắn lưỡi hoặc bỏ nhà đi lang thang như một lão già mất trí mang theo nỗi nhức nhối đau đớn, nhục nhã cả đời. Mà cũng mai cho ông, nếu như hồi đó có điện thoại thông minh, ai đó đã chụp ảnh quay phim, và bây giờ muốn bỡn cợt phá ông, chỉ là một cái bấm nhẹ những hình ảnh đó sẽ được chuyển đến một thành viên trong gia đình ông thì không biết biến cố nào đổ ập xuống gia đình ông.
Mà cũng mai cho ông, về già ông Thu tự nhiên mắc một chứng bệnh dường như không có trong y văn thế giới: Thỉnh thoảng, ông Thu bị nghịch đảo nhận thức, ra đường đèn giao thông xanh là ông dừng, đèn đỏ thì ông tăng ga cho xe chạy như tên bắn; xem TV hoa hậu mặc bikini, ông chê xấu. Bà già nhăn nheo lưng đeo gùi, hái bắp ở cao nguyên đá thì ông khen đẹp dễ thương...Đó cũng là niềm vui trong gia đình ông Thu, vì khi ông lên tiếng nhận xét một cách nghịch đảo dị thường như thế, con cháu trong cảm thấy khôi hài và thú vị. Vợ ông thì nói, thôi kệ ổng, bệnh vô hại không cần chữa trị, miễn ổng ở nhà luôn với tôi là được rồi...Tôi ráng trả nợ ổng hết kiếp này, rồi thôi. Ông Tâm càng thêm an lòng, chỉ sợ ông Thu cao hứng bất chợt nhớ ra, vui miệng kể lại chuyện ăn chơi hồi xửa hồi xưa hơn bốn mươi năm trước, mà trong câu chuyện đó có sự hiện diện của ông thì xóm này đồn qua xóm kia thế nào cũng tới tai gia đình ông. Với chứng bệnh của ông Thu, dù ông ấy có khai ra chuyện bí mật năm xưa, người ta cũng cho đó là chuyện tưởng tượng ngớ ngẩn của một ông già có triệu chứng teo não.
***
Người bạn năm xưa của ông- Ông Thu, một thời ăn chơi phóng đãng, nay đã thành ông lão hiền từ, răng rụng, má hóp, tóc bạc phơ, không còn sức bỏ nhà đi ăn chơi nhậu nhẹt bê tha. Giờ đây, suốt ngày ông Thu chỉ ra vô, quanh quẩn trong nhà. Vợ ông một nông dân hiền lành, đảm đang không còn lâm cảnh tối ngày với đầu tóc rối bù, gương mặt lúc nào cũng hơi căng căng xanh nhợt như lá chuối non, người như bị ma hốt hồn, hớt hơ hớt hãi truy tìm ông trong các bến xe, nhà nghỉ, quán nhậu bình dân. Bây giờ, ông Thu đã vĩnh viễn thuộc về bà. Tự nhiên bà có một gia đình sum vầy hạnh phúc. Thỉnh thoảng ông Tâm ghé qua nhà thăm, cả gia đình ông Thu mừng rỡ, vì trải bao năm tháng bạn bè chí cốt chỉ còn lại hai ông bạn già cô đơn, số còn lại đã bệnh tật hoặc qua đời.
Một hôm, nhân lúc nhà vắng, chỉ còn hai ông ngồi đàm đạo. Ông Tâm nhắc nhẹ, xa xôi gợi lại chuyện ăn chơi của hai người thời trẻ, trong cái quán nhỏ ven sông.
Hôm ấy, quán vắng chiều buông.
Cô chủ quán dọn ra trên bàn nhỏ đặt sát vách tường nhà trước mâm nhậu khô cá bổi, canh chua đầu cá ngác nấu cơm mẻ, một tô cơm trắng, chén nước mắm vàng sánh, vài trái ớt sừng trâu cong đỏ, chai rượu nếp từ kháp rượu mới pha còn ấm nồng trong vắt... Món nhậu nhà quê “bình dân học vụ”, nhưng ngon tuyệt. Cô chủ quán khiêu gợi chết người, ngồi lã lơi rót rượu đẩy đưa cùng hai người. Ly rượu lúc đầy lúc vơi cứ xoay chuyền quanh ba người. Tửu lượng cao, gương mặt cô chủ quán chỉ hơi ửng hồng, đôi mắt long lanh cợt nhả ướt tình. Nhừa nhựa men rượu, ông Thu hỏi: “Sao quán có mình ên em vậy?”. Cô chủ hồn nhiên tâm sự: “Đêm tân hôn em trốn qua đêm với người yêu cũ, nên thằng chồng bỏ em. Chuyện buồn lắm, mà hai anh hỏi làm gì, uống nữa đi”. Ông Thu trợn mắt: “Ván đã đóng thuyền, mà em còn đục cho thuyền phá nước, là sao?” Cô chủ quán: “ Tội nghiệp thằng bồ cũ của em, em thương nó nên đền bù cho nó bớt đau khổ”. Ông Tâm góp thêm: “Không thể hiểu được, em thật điên khùng, liều lĩnh”. Ông Thu lắc đầu nhè nhẹ: “Giang hồ chai đá như anh, đi khắp thiên hạ, anh mới nghe chuyện này lần đầu”. Nghe câu chuyện buồn, trắc trở của chủ quán, cả ba người ngậm ngùi uống cạn thêm mấy chai rượu nếp, độ rượu nóng gắt cháy bỏng cổ họng, cơ thể rạo rực. Cơn say, câu chuyện tình trắc ẩn làm cả ba đều thương cảm, mềm yếu một cách cuồng dại.
Cho đến khi chủ quán nước mắt lưng tròng, liêu xiêu bá vai Thu: “Tối nay đại ca làm chồng em nghen...”.
Nhà sau, sàn ván có chiếc giường nhỏ, ông Thu và cô chủ quán dìu nhau vào giường, vội vã kéo mạnh tấm màn che, những chiếc khoen màn bằng kim loại chạy miết nhanh một âm thanh rột rẹt dài trên sợi dây chì căng màn. Trong cơn gấp gáp, điên dại, hối hả của dục tính, cả căn nhà sàn chuyển động, rung rinh. Sàn ván oằn xuống cót két nghiêng ngã như muốn đổ sập xuống sông. Gió sông lồng lộng luồn qua song, mùi bùn nhão đậm đặc hút lên từ những kẽ ván sàn nhà, tấm màn che cuốn gió phần phật, uốn lượn bung thả, tốc lên hạ xuống phần phật, quằn quại như nhịp điệu của hai người.
Ngoài sông gió mạnh, hú rít từng cơn. Hiên nhà, những cành lá cây dừa quơ đập, quét liên hồi lèng xèng trên mái tôn. Ngồi lại một mình với ly rượu, tim ông Tâm thắt tha thắt thẻo, nhoi nhói, mồ hôi lạnh toát ra, sắp ngất, ông nốc vội một mình liên tiếp thêm hai ly rượu đầy. Đôi mắt ông đờ đẫn, dại đi.
Lát sau, ông Thu vẹt tấm màn loạng choạng bước ra, hất hàm về phía ông Tâm: “Tới phiên mày đó, vô đi.” Trong cơn say, không tự chủ, ông Tâm lảo đảo đứng dậy ngơ ngơ, ngại ngùng lúng túng thì ông Thu kéo tay, vừa xô vừa đẩy vai Tâm một cách thô bạo về phía chiếc giường có cô chủ quán khỏa thân đang nằm chờ. Đứng phía ngoài ông Thu kéo vội tấm màn che lại. Trước mắt ông Tâm một cơ thể phụ nữ tuyệt mỹ với những nét chấm phá điểm xuyết mềm mượt như nhung, đúng là một báu vật của thượng đế. Cô chủ quán kéo níu, câu cổ Tâm, ông bủn rủn đè sập lên người cô. Cô nhẹ nhàng hôn và ve vuốt khiêu gợi ông, một lát sau cô giãy nảy: “Lần đầu à, sao run toát mồ hôi lạnh dữ vậy, không được thì thôi, mình ra nhậu tiếp”. Ông Tâm sượng sùng lủi ra khỏi màn. Tấm màn vải lớt phớt trôi dài vuốt qua da mặt ông, cái mùi cũ càng của bụi bặm, mồ hôi lưu niên trong vải hắt gắt vào khứu giác làm ông vừa choáng váng vừa hỗ thẹn.
Đêm ấy, vì quá say, hai người đàn ông ngủ lại quán. Sáng hôm sau, cả ba đều ngượng ngùng, lặng lẽ nhìn nhau như người xa lạ. Không hổ danh “Đem ngàn vàng chác lấy trận cười/ Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay”(*), ông Thu dốc sạch, trả một xấp tiền không cần đếm, ân cần dặn dò: “Sàn ván cũ mục mỏng yếu, cho anh hùn thêm tiền, em sửa lại cho chắc chắn nghen!”. Cô chủ quán muốn khóc, ngó mong ra ngoài sông phân trần: “Em cởi đồ rồi, nhưng tại ảnh không làm được, không phải tại em”. Không hề ngạc nhiên, ông Thu cười ha hả: “Hẹn em lần sau, bạn anh con nhà mô phạm, đang tập sự ăn chơi. Mai mốt tụi anh ghé.”
Tiễn hai người, cô chủ quán quệt nước mắt bằng lưng bàn tay.
Nghe ông Tâm nhắc chuyện bốc đồng thời trẻ, Ông Thu mỉm cười: “Biết bao cuộc tình, biết bao cuộc ăn chơi, tôi không nhớ hết. Chỉ qua đường thôi, nhớ lại cũng chẳng để làm gì”. Ông Tâm ngẩn ngơ, nghĩ rằng kẻ ăn chơi trác táng như ông Thu - biết bao cô gái trẻ, những đàn bà góa chồng, các thôn nữ vụng dại... đã qua tay ông Thu trong những cuộc rượu thâu đêm. Ông Thu ngang tàng, lang bạt kỳ hồ trong những quán nhậu xa lạ, bên bờ đê cỏ non mềm, hoặc tựa vào những gốc cây trong một khu vườn hoang vắng, hoặc giả vờ đưa đẩy trêu ghẹo thương lượng, trả giá với những cô đứng dọc những con đường trụy lạc trong các phố đèn đỏ... Bây giờ, ông Thu mỏi vó, chồn chân trở về với vợ con, lẽ ra thâm tâm cũng có chút gì sám hối, ân hận. Đàng này, dường như ông Thu không hề có ý niệm về sự bận tâm ray rứt.
***
Nhà sàn ván đước. Men rượu, men tình cay nồng ngấm mềm phế phủ. Cơn mê mù mịt lý trí. Giường cá nhân trải chiếu lác dệt phối màu đỏ trắng. Tấm màn che ngang. Mùi nước mặn bãi lầy. Mùi hắt hao bụi bặm cùng mồ hôi người khiến ông Tâm phải nhăn mặt, nín thở khi đi ngang qua tấm màn ngăn giống như vách phòng.
Quán nhỏ chiều hôm đã biệt mù tăm hơi. Hai mươi mốt tuổi, lần đầu tiên ông Tâm nhìn thấy và chạm vào cơ thể một phụ nữ trẻ trung đang nằm khỏa thân. Gió sông quằn quại phần phật bay múa, nhảy nhót cuồng loạn, run rẩy quýnh quíu đầy nhục thể chiếm ngự ông. Và tấm màn kéo ngang giường ấy, đã giúp ông che khuất, phong kín vĩnh viễn một bí mật của ông thời trẻ dại, cuồng điên.
Nhưng hằng đêm ông vẫn triền miên mất ngủ.
(*) Nguyễn Công Trứ
Tổng hợp nhiều nguồn
Góp mặt tại lễ hội âm nhạc sôi động diễn ra ở Thái Lan - SIAM Songkran Music Festival 2025, một cô nàng hot girl đã nhanh chóng trở thành tâm điểm khi xuất hiện với diện ...
MC Quyền Linh cho biết những thông tin, hình ảnh cắt ghép về anh lan truyền trên mạng sau vụ sữa giả bị phanh phui là sai sự thật. Anh đang lập vi bằng gửi đến cơ quan ch...
"Địa đạo" - tác phẩm tâm huyết 11 năm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trở thành điểm sáng của điện ảnh Việt. Phim nhận sự chú ý, khen ngợi lẫn tranh luận từ giới chuyên môn ...
Smörgåstårta, hay còn gọi là bánh gato sandwich, là một món đặc sản Thụy Điển được nhiều người yêu thích. Bánh có vẻ ngoài vô cùng đẹp mắt, có thể làm bùng nổ vị giác và ...
Gần 2 thập kỷ định cư ở Mỹ, ca sĩ Đình Bảo học thêm Thạc sĩ, Tiến sĩ. Anh mở công ty, mong muốn phát triển nhạc Việt trên thị trường quốc tế.
Những người sành ăn ở Trung Quốc được cho là đang kéo nhau tới một nhà tang lễ nhỏ ở phía tây nam đất nước sau khi món mỳ của nhà hàng tại đây được cư dân mạng địa phương...
Vừa đi làm về, Tèo đã nghe thấy tiếng khóc nức nở của cô vợ trẻ. Anh lập tức vứt cặp qua một bên, ôm vợ vào lòng lo lắng hỏi: