Cha sở đã đến tận chòi canh cá của gã mời mọc hẳn hoi. Bảo: “Cũng phải có người thành thạo mới chỉ bảo cho anh em, được chứ! Mà con... Chẳng nhẽ cứ sống mãi thế này sao!”. Nhìn mâm cơm gã dọn trên chiếu, chỏng trơ bát rựa mận chó không rau húng, rau mơ. Không quả khế non, trái chuối chát héo. Không củ riềng, gốc sả. Cha cười cười: “Không gia vị vẫn ăn được cầy, khéo chỉ có con. Hay thật!”. Rồi bước ra khỏi chòi. Chân cha nhấc nặng nề và từng chữ, từng chữ một cha nói, chầm chậm rơi ra. Cũng thế, rớt chầm chậm xuống khoảng chòi nhỏ tẹo của gã. Và rớt hẳn xuống một sẫm chiều nhiều vô vị và đục xám quanh gã.
Gộp hết lại những chữ cha vừa buông, là câu này: “Hôm nay là thứ tư đầu mùa chay. Lễ tro lúc sáng”.
Cha đi rồi, gã ngồi thừ người. Mùa chay năm nay sao lạ? Sao cha không cử hành thánh lễ, khi sẫm tối như mọi lần. Vậy là thêm một năm nữa gã không đến nhà thờ, không đón nhận nghi thức xức tro, không ăn chay. Ăn chay bên Ki Tô giáo của gã rất khác với ăn chay của đạo Phật. Ăn chay ở đây là không được ăn thịt, không ăn quà vặt, không điểm tâm, trưa lót lòng nửa bụng... Giáo dân chỉ bắt buộc phải giữ chay trong ngày lễ tro và thứ sáu tuần thánh, còn các thứ sáu khác thì tùy. Những sẫm tối thứ sáu trong mùa chay nơi giáo xứ này, luôn có gẫm đàng Thánh giá, tái hiện lại con đường thương khó của Chúa Giê su và cuộc tử nạn của Người. Những sẫm chiều thứ sáu. Gã, sao có thể quên? Và, cả nữa những thứ tư lễ tro trong đời.
Sau lời cha nhắc nhở, gã đâm bần thần. Chẳng biết làm gì hơn là nốc rượu. Lặng thầm nốc rượu. Không lặng thầm những cơn ho. Bố khỉ! Ho mà thầm được gã đã chả phải đi tù vì trộm cắp. Trốn trại đã chả phải bị cán bộ quản giáo bắt lại. Và, ngủ với vợ người đã chả phải bị lộ diện... Rồi hằng muôn vàn những cái khốn khổ khốn nạn, gã đã chả phải bị chuốc lấy. Gã nốc rượu và gã ho trong tâm trạng hết hẳn sự háo hức với bát mồi, dù chả còn nóng nữa nhưng vẫn dậy thơm mùi mẻ mùi mắm tôm. Được một chốc, có chú tập việc cho nhà xứ ào vào, ném lên chiếu một bọc ny lông những thứ gì chẳng rõ. Chú thở hổn hển: “Cha bảo tôi đi kiếm các thứ cho ông nhắm rượu, đấy!”. Chỉ cần nghe đến đó đang lơ lửng giữa cơn say, gã tỉnh hẳn. Cơn ho đã ùn ra tới tận cổ cũng đứng sựng lại. Nín bặt. Gã tất hiểu ngay. Cha, đã khiến cho gã tất hiểu như thế cũng cả mươi lần, gã mới chịu vác mặt tới gặp:
- Cần gì cha cứ bảo.
- Ừ! Có thế chứ! Bằng khối việc, con ạ! Ngay cả hai người chơi nhạc cho ca đoàn cũng xộc xệch lắm. Cũng cần phải tập tành lại.
- Nhưng con nói trước...
- Cha nghe đây!
- Con làm việc này cho con. Cho chính bản thân con. Chứ chẳng cho cái ông cha ông thầy nào tất. Cũng chẳng cho nhà xứ chẳng cho giáo họ, giáo dân. Nghĩa là...
- Chẳng bởi Chúa. Đúng không?
- Vâng! Đúng là vậy.
Cha xứ thì thông minh mà cái lão già chơi guitar với lại thằng oắt con chơi keyboard, mới đến là dốt chứ! Cứ một điều vâng theo thánh ý Chúa với lại hết lòng phụng vụ giáo dân. Nghe, hai lỗ tai gã giật giật và đôi tay gã run bật lên. Chỉ muốn vác mẹ nó cái đàn mà phang vào mặt họ. Dù cả hai khuôn mặt này, thật ra, nhìn cũng hay hay. Gã đã nghiệm ra cái loại người mà có dính líu một chút tới nhạc nhẽo, bất kể nhạc đạo hay nhạc đời, đều có tí bay bổng tâm hồn. Từ tâm hồn nó phơi ra cái bộ dạng, ánh nhìn... Nhẹ nhõm lắm! Nên dễ gần dễ chơi dễ sống. Đặc biệt là tay chơi guitar tên Minh. Hát nhạc tình hay lắm cơ! Nghe, dễ say và rất dễ ho. Những tiếng ho khùng khục không liên tục của gã được Minh đùa là bè. Gã ho ít, Minh làm ngơ. Ho quá, mất hứng cáu tiết: “Ông bè cái kiểu mẹ gì thế hở?”. Thế nên, có Minh gã chả dám uống nhiều. Dù mùa trăng nào, gã cũng rước tay đó về chòi mình uống rượu hát hò... Minh hỏi gã một lần:
- Vì sao ông không đi lễ ?
- Đếch nói.
- Vì sao ông giận Chúa?
- Đếch trả lời.
- Vì sao ông không còn niềm tin?
- Đếch biết
Tranh của họa sĩ Thành Chương
2. Lại nữa một mùa chay. Chiều lễ tro, khi mà tất cả mọi người đều tập trung hết về ngôi giáo đường nhỏ để tham dự thánh lễ và đón nhận nghi thức xức tro, thì gã ngồi thỏng chân trên ao cá nhà, tư lự. Một nỗi tư lự quá lắm những sầu buồn. Gã đưa mắt nhìn hết lượt những ngôi nhà quanh mình. Những ngôi nhà trong cái xóm đạo nhỏ này, tối bưng. Bởi không có ai bật điện bởi không ai thắp đèn. Những ngôi nhà, tự nguyện để cho cái sẫm chiều để cho cái ban đêm, len vào chiếm ngự. Một màu đen, bắt đầu từ những ngôi nhà lan rộng ra các ngã đường, bãi mía, bờ ruộng... Và, cái màu đen hung hãn ấy úp chụp lên chỗ gã ngồi. Gã mở to mắt nhìn thẳng vào màu đen vào đêm. Và đăm chiêu... Cũng nữa, một nỗi đăm chiêu sao mà đắng đót. Mẹ gã mất vào một đêm như thế này. Mẹ ốm đã lâu nhưng nhà quá nghèo chả thuốc men, chả ly sữa bát cháo. Ngay cả cái sự nghỉ ngơi còn chưa thể, nữa là. Bố gã làm biện, mê việc nhà thờ nhà thánh còn hơn cả việc nhà cửa, việc vợ con. Gã, năm ấy đã mười bảy đang học năm cuối cấp ba. Rất ngoan đạo nhưng luôn canh cánh trong dạ, nỗi thắc mắc này: “Bố bỏ bê việc nhà việc vợ con thì được đi một nhẽ. Nhưng còn việc đồng đất, ruộng vườn. Không làm lấy gì bỏ miệng?”. Chỉ nghĩ thôi vì câu trả lời đã sờ sờ ra đấy! Đã mẹ lo liệu đã gã cáng đáng rồi, còn gì! Cáng đáng quá nên gã không cách gì lớn nổi. Không thể nào phổng phao như những đứa ngang bằng phải lứa. Và mẹ? Lo liệu mãi làm lụng quá đổ bệnh bất ngờ. Và gục xuống vào đúng đêm lễ tro. Một ngày thứ tư đầu mùa chay.
Nhiều năm sau, gã vẫn còn ân hận. Giá như mình biết nói dối bố để, không phải đến nhà thờ. Để được ở nhà với mẹ, biết đâu... Mẹ mất đêm trước, sáng ngày sau liệm và chiều đấy thì làm phép xác rồi đưa ra huyệt. Bên mẹ, phút cuối còn lại có mỗi hai bố con. Bố giơ đôi tay gầy guộc khỏa đất mải miết trên mộ mẹ rồi bật ra câu này: “Thánh giá Chúa đặt trên vai tôi sao mà nặng nề quá, bà ơi!”. Nghe đến đấy, gã bật khóc. Suốt hai ngày qua, kể từ lúc mẹ mất, đấy mới là lúc gã khóc được. Khóc và hiểu bố tí chút. Có cảm giác, đã rất lâu rồi gã chưa rõ bố tường tận lắm. Đó, là khi nhắc đến mẹ bố luôn chép miệng, thở dài: “Âu cũng là Thánh ý Chúa đã định” hay như nhìn cảnh nhà tồi tệ, các em đói ăn và rách rưới, bố cười như mếu: “Nghe ra Chúa vẫn còn thử thách bố đây mà”. Bố cũng nói câu ấy, cả khi nhìn đám lúa của nhà thiếu phân gio thiếu người chăm sóc, vàng cháy và quặt quẹo. Mà năm ấy. Năm mẹ mất mới hạn chứ! Vừa qua giêng đã nắng nóng kinh khiếp. Người thiếu nước còn biết đường đi ra chum ra giếng tu lấy tu để, chứ lúa... Những năm trước vẫn mẹ vẫn gã, phơi mặt phơi lưng trong nắng để lúa khỏi chết khô. Để nhà còn có gạo. Có ăn nhín nhịn cũng được giáp mùa. Chứ mẹ đã mất mà nhà, chẳng còn ai để cùng gã lo liệu xốc vác. Có hai đứa em kề. Đứa gái, đứa trai đã phải lên thành phố ở nhờ nhà cậu, nhà chú kiếm cái chữ, miếng ăn. Ba đứa nhãi ở nhà bé như cái củ khoai mót, đâu thể nhờ gì! Đẻ đâu mà đẻ lắm thế! Đấy! Là câu thi thoảng gã vẫn nhấm nhẳng với mẹ. Và mẹ luôn khúc khích cười. Chỉ trả lời một lần duy nhất. Là thế này: “Luật Hội Thánh chỉ cho ngừa thai theo lẽ tự nhiên. Nên bố mày với mẹ chả việc gì gò ép, cứ thế mới ra nông nỗi”.
Suốt cả mùa chay năm ấy, gã mất ngủ thường xuyên. Phần nhớ mẹ phần lo cho gia đình. Có đêm, gã bỏ chỗ nằm ra sân ngồi hằng mấy tiếng đồng hồ liền. Bố cũng ra ngồi với gã. Hai người hai cái bóng lay động trên hè và chập chờn với trăng. Như thành lệ, mùa chay luôn rơi đúng vào mùa trăng. Hai bố con chỉ ngồi với nhau chứ tịnh không hé môi nói một lời nào. Gã không quay sang nhìn bố nhưng nhìn bóng của bố, bỗng giật thót người. Sao bố nhỏ thó sao bố còm cõi đến dường này? Rồi một lần nhìn bố cởi áo ngoài ra thay, gã lại thêm bàng hoàng. Bố gầy đến trơ xương và tiều tụy đến mức này rồi ư! Sau lần ấy, gã cương quyết phản đối chuyện bố vác Thập tự đi gẫm đàng Thánh giá. Đã đành, đấy là việc trọng và không phải ai cũng được chọn. Là ông biện, đã hẳn nhưng còn phải là người có cuộc sống thanh khiết bé mọn. Phải có chất giọng rồi còn phải biết gẫm nữa cơ! Đó, là lý do các ông biện khác thường bị loại ra khỏi công việc này và bố, gần như thứ sáu nào cũng được vác Thập giá. Bố luôn hãnh diện về chuyện ấy. Ngày còn sống, mẹ cũng thế! Gã đã bao lần dõi theo ánh mắt mẹ đắm đuối, sáng ngời khi nhìn bố. Mẹ, lọt giữa hàng ngũ đông đảo giáo dân, dần bước theo chân bố khi thập giá vác vai và miệng, cất lên những lời gẫm thống thiết về cuộc thương khó của Chúa.
Đó là một chiều và một đêm thật khó quên. Chiều, gã xin tiền bố mua cho cái Liên tấm áo mới. Để có cái thay và còn mặc mừng lễ Phục Sinh. Gã cố níu việc đạo vào câu chuyện áo xống này, cho bố thấy nhẹ nhàng. Rồi còn tiền cho gã nộp trường để chuẩn bị thi cuối cấp. Rồi thằng Long cảm đã mấy hôm, đã ăn cháo hành đã xông mà chẳng bớt. Chắc là phải cần đến thuốc rồi. Tiện thể, gã báo cho bố biết là mắm, muối, xà phòng... và hằng bao thứ linh tinh ở nhà hết có cả tuần nay. Bố ngồi vuốt tóc lơ đãng nghe và nín lặng. Nín lặng rất lâu mới cười bâng quơ, khẽ thốt lên câu này: “Cứ hẵng dâng phó cả cho Chúa quan phòng thôi, con ạ!”. Đêm. Một đêm thứ sáu. Ở tít cùng hàng người bước dọc theo bố và lẫn trong muôn vàn âm thanh ùa đến khoảng trống sân giáo đường, gã vẫn nhận ra giọng gẫm của bố rất lạ! Nghẽn đặc và khàn đục. Có lúc không kìm được như đứt rời ra, từng khúc một. Thót tim, gã vội chạy ào lên phía trên và rất nhanh, tiến về phía bố nhưng vẫn không kịp. Gã chỉ nhoáng nhoàng, thấy bố loạng choạng rồi gục ngay xuống, trước khi gã giơ tay ra và đỡ vội lấy cây Thập giá. Chưa kịp hoàn hồn và còn chưa biết phải xử trí cách nào. Gã, đã nghe tiếng bố thều thào: “Vác tiếp đi con. Đừng bỏ dở buổi gẫm... Vác tiếp...”. Không còn hiểu điều gì đang xảy ra. Cứ như là có một mệnh lệnh hết sức cấp thiết đã được phát ra và gã, tức tốc phải thực hiện. Nếu không, hoặc bố hoặc gã sẽ không thể tồn tại. Phải như thế! Là thế! Như chẳng đặng đừng. Phải như thế! Là thế! Không thể nào khác được.
Và rồi gã, chàng trai mười bảy tuổi đặt thập giá trên vai mình vừa bước chậm vừa ngẩng đầu cao, nhìn trăng. Và khóc. Gã khóc suốt chặng đường thương khó của Chúa. Gã khóc suốt cuộc tử nạn của Chúa. Với Thánh giá nặng trĩu trên vai. Với đôi chân bước lẩy bẩy. Với trăng run rẩy trên bầu trời. Với tiếng khóc tức tưởi kìm nén. Gã khóc. Chưa bao giờ gã khóc nhiều đến thế! Khóc suốt con đường vòng quanh sân nhà xứ với hai tai bít bùng. Không một tiếng động nào lọt tới. Không tiếng gió đưa, không tiếng cây lùa, không lời cầu kinh, không thánh ca, không lời gẫm bi ai khắc khoải. Gã nhìn trăng như thôi miên. Bước đi như thôi miên. Khóc như thôi miên. Vác Thập giá như thôi miên.
3. Gã nhớ lần ăn cắp đầu tiên của đời mình. Nhớ rất rõ. Khi ấy, gã chưa bị cái chứng uống rượu nhiều thì ho. Dù chiều đấy, lũ quỉ đã đổ vào họng gã có cả hơn lít rượu. Chúng nó bảo: “Cho mày bớt nhát”. Gã say ngủ vùi đến rất khuya thì được gọi dậy. Vẫn còn hơi rượu lơ mơ nên “bốc” lắm. Bởi đó dạn tay, lẹ chân quá thể. Vụ đầu kiểm tra thử thách, gã được duyệt ngay. Thế là có đồng bọn. Có băng có nhóm tức thì. Vụ đầu trót lọt thêm nhiều vụ sau cũng thế. Cứ như chơi. Có vẻ bố gã lờ mờ hiểu nhưng nín lặng. Thì đấy, tiền mua gạo mua thức ăn cho nhà. Thì đấy, tiền quần áo sách vở cho các em. Thì đấy, tiền phân gio giống má. Thì đấy, tiền thuốc men cho bố. Thì đấy! Tiền xây mộ mẹ. Những bữa cơm hai bố con ngồi ăn cùng nhau ngày một hiếm hoi. Và nếu có, bố luôn sai các em mua cho góc rượu. Chỉ ly nhỏ bố đã say. Say, chỉ mỗi câu Kinh Thánh này, đọc đi đọc lại mãi: “Thầy nói cho con rõ. Khi con còn nhỏ, tự thắt lưng lấy, muốn đi đâu mặc ý nhưng lúc đã già, con sẽ giơ tay ra để kẻ khác thắt lưng và dẫn con đến chỗ con không muốn (Tân Ước, Ga.21.18.19). Nghe, ngụm rượu trong mồm gã như có lửa bỏng rực khiến nước mắt sống, trào tuôn.
Gã yêu và lấy một cô gái ở họ đạo. Một người con gái khiết trinh nhất mà gã được biết. Gã luôn thầm cảm ơn Chúa và Mẹ Maria đã đưa Nguyện đến với đời gã. Nguyện quá đổi ngây thơ nên không hề nghi ngờ tí gì về công chuyện làm ăn ngoài thành phố của chồng. Nhưng, gã ngày một day dứt hơn. Nỗi day dứt thường xuyên, khiến, gã không cách gì sống yên ổn nổi. Gã đã tính toán cả rồi. Chỉ cần thêm vài ba vụ nữa êm xuôi, trả cho xong cái nợ sửa nhà và nợ cưới vợ, là ngừng hẳn là thôi luôn. Với Nguyện, cứ im lặng sống chả cần khai kể gì. Cô ấy vốn rất vô tư, hồn nhiên. Nhưng với Chúa là không thể. Gã dứt khoát phải đến tòa giải tội và khi đó, vẫn là chưa muộn cơ mà. Hẳn, sẽ là xưng tội thật chứ chả phải xưng tội giả bộ, xưng tội cho có như trước ngày cử hành nghi thức hôn phối đâu! Hình như, ngay cả việc này bố cũng hiểu. Hiểu, khi thấy gã không mạnh bạo lắm. Có vẻ hơi lúng túng. Có vẻ rất chùng chình khi bước lên Cung Thánh nhận bánh lễ, vào hôm mặc áo chú rể. Còn sau ngày cưới, đến nửa bước chùng chình cũng còn không, nữa là... Có chết gã cũng không cho phép mình được tiếp tục man trá với Chúa.
Thêm nữa, một đêm mất ngủ. Thêm nữa, một đêm gã ra sân trước ngồi. Bố theo ra sau và ngồi sát cạnh. Chỉ ngồi chứ tịnh không nói năng gì. Như đêm nào năm xưa, sau ngày mẹ mất. Nhanh quá! Bao lễ tro bao mùa chay bao tuần Thánh, đi qua xóm đạo này. Cha sở đã bỏ hẳn lệ vác Thập giá vào các thứ sáu mùa chay, sau sự cố bố gã bị quỵ xuống. Và như vậy, gã là người cuối cùng được làm công việc này ở họ đạo. Sau đấy chỉ là đi kiệu Thập giá. Với một ông biện, mặc áo trắng giúp lễ có thắt lưng bằng dây màu tím, cầm Thánh giá dẫn đầu. Vừa đi vừa gẫm ai oán những sự thương khó của Chúa Giê Su. Lại nói đến chuyện gẫm, nhà xứ cũng đã thay gần hết đời các ông biện cũ nhưng vẫn không kiếm đâu ra được người, gẫm đàng Thánh giá thảm thiết ai oán như bố. Khuya ấy, phải rất lâu bố mới chịu mở lời: “Con biết rồi đấy! Ở núi Sọ. Chúa đã bị đóng đinh vào Thập giá cùng với hai tên trộm cướp...”. Rất trầm tĩnh và đàng hoàng, gã tiếp lời: “Một tên bên hữu và một tên bên tả. Một tên nhạo báng Chúa và một tên tỏ lòng thống hối...”. Gã dứt khoát không chịu nói gì thêm không hứa gì nhưng, lòng rắn đanh lại sự quyết tâm.
Trước mùa chay năm đó, thật may, rồi mọi việc đều được thu xếp ổn thỏa. Và, một sớm mai gã thay quần tây, áo sơ mi trắng phóng xe ra phố. Gã tìm tới một nhà nguyện nhỏ và ở đấy suốt ngày, chỉ để xét mình sám hối ăn năn. Cuối chiều gã xin gặp cha sở. Cuối chiều gã bước lên tòa giải tội. Nhà nguyện bít bùng mờ tối nhưng Cung Thánh, sáng lòa. Cứ tưởng là đêm. Như thể có trăng, một tối sẫm nào gã vác Thập giá nặng vai. Và khóc. Cha sở không khuyên giải điều gì. Chỉ đọc cho gã nghe một đoạn Tân Ước có tên “Đồng bạc bị rớt”: “...Hoặc, như người đàn bà kia có mười đồng bạc mà mất một đồng, há chẳng thắp đèn, quét nhà tìm tòi kỹ lưỡng cho kỳ được sao? Lúc đã tìm thấy, liền gọi bầu bạn làng xóm đến nói: Hãy chung vui cùng tôi, vì tôi đã tìm thấy đồng bạc bị rớt. Ta nói thật, trước mặt các thiên thần, Chúa cũng vui mừng vì một người tội lỗi thống hối như vậy” (Tân Ước, Lc.15.8.10). Rồi tiếp lời: Theo luật Hội thánh con đã xưng tội thì được tha. Nhưng còn luật nước luật đời, hẳn con đã rõ. Gã rõ quá đi chứ! Nhưng, ném hắt đi ba cái mớ luật vớ va vớ vẩn ấy. Ném tất. Vì không phải sao! Từ đêm nay, lương tâm sẽ thôi dày vò, bởi, trước Chúa gã đã là kẻ trong sạch.
Lễ tro năm đó, gã đến nhà thờ với bố và các em. Nguyện đang ốm. Cũng không nặng lắm nhưng là lễ trọng nên sẽ kéo dài, sợ vợ mệt nên gã bảo Nguyện ở nhà nghỉ. Mới xong nghi thức xức tro mà gã thấy người nóng bức như có ai bỏ lửa. Nghĩ đến cái chết của mẹ ngày xưa. Nghĩ đến cơn ốm và sức khỏe, vốn rất èo uột của vợ mà lòng dạ thấp thỏm. Cứ khiến lo ra... Thế là, không đừng được gã vội làm dấu, rời nhà thờ và chạy băng băng về nhà. Bước chân tới ngõ đã có cảm giác hơi lợn chợn. Rồi vào nhà bằng cửa sau. Rồi tiến tới sát cửa buồng. Rồi tai nghe rồi mắt thấy. Mắt bắt đứng tròng và tai thì ù đặc. Ôi! Chúa ơi! Chúa của con ơi! Và Nguyện... Nguyện của tôi ơi! Sững sốt. Phẫn uất. Tê tái. Khinh miệt... Hằng bao nhiêu cảm giác cùng ùa đến một lúc khiến đầu óc gã không chịu nổi, xuội liệt. Và người cứng đờ. Cứ vậy, có đến hằng mấy giây, gã mới bứt mình ra khỏi thực tại. Gã không rõ mình đã làm thế nào để nhấc được chân ra khỏi cái chỗ đứng đó. Rồi đi hay chạy để rời khỏi ngôi nhà. Rời khỏi xóm đạo. Chỉ hay, khi gã kịp bừng tỉnh, dừng hẳn lại thì đã ở giữa sân nhà thờ. Gã, phải len lỏi qua nhiều người mới được trở lại bên trong và giật mình, khi thấy cha đã cho rước lễ gần hết. Rất vội vàng gã bước nhanh lên Cung Thánh. Những bước nhanh, dài nhưng thẳng thớm đàng hoàng. Không hề chân chùng chình không giây phút tần ngần do dự, gã rưng rưng nhìn Thập giá trên cao trong khi mở rộng lòng bàn tay, thành kính đón nhận Mình Thánh Chúa. Rồi khẽ khàng đặt nhẹ lên môi, ứa nước mắt. Con rước Chúa vào lòng mà sao trái tim con tơi tả mà sao tâm hồn con, tràn ngập hết những đớn đau thế này!!! Nỗi bi thiết nằm ngay một bên ngực và níu chặt, xiết chặt. Khiến, gã không thở nổi. Chỉ còn có thể thầm thì: “Chúa ơi!”, “ Chúa ơi!”. Lúc bước ra khỏi giáo đường, gã còn kịp bắt gặp ánh nhìn của bố. Ăm ắp niềm mãn nguyện và xao xuyến bao nỗi bất an. Ánh nhìn ấy đeo bám gã, không rời.
4. Gã bị bắt ngay đêm sau. Khi trở về lại cái hội cũ và xin gia nhập. Bố khỉ! Đó, là lần đầu gã phát hiện ra mình bị cái chứng ho, khi nốc nhiều rượu. Cũng do cả ngày đó uống hằng bao nhiêu rượu bao nhiêu bia mà đếch say nổi, mới ra làm thế! Bị nhốt chưa đầy tháng, đã có án và được đưa lên trại luôn. Bóc lịch bốn niên. Án như thế là vừa. Không nặng cũng chẳng nhẹ. Không ngắn cũng chẳng dài. Ở trại có nhiều cái hay và hay nhất, là được kết bạn với tay Liêm. Kết, qua một tình ca. Nói thật, lần đầu nghe Liêm hát là gã mê luôn. Cả người cả khúc nhạc cả giọng hát. Chỉ tiếc là Liêm chơi guitar dở quá! Chơi cỡ đó làm học trò gã chưa rồi. Kết rồi cũng dễ quen vì ở cùng một đội. Thân thêm khi hai đứa được điều ra trại mộc, nhờ khéo tay. Thế là ngày đẽo đục bên nhau, tối về đội họp hành kiểm điểm đâu khoảng trên tiếng đồng hồ. Xong, vù ngay về xưởng đàn hát cho sướng đời. Liêm đào hoa lắm! Ở tù thế mà khối em xin chết. Cũng chả mất gì. Liêm ra dấu tay với cặp mắt nhấp nháy: “Vui vẻ tí tị. Mình cũng có chỗ xả và em, thì khỏi nhịn khát nhịn thèm đến khốn khổ khốn nạn”. Liêm quên nói thêm là, đã thế mà trà rượu, thuốc rê, thực phẩm được các nàng cung cấp cho hai thằng, dùng có mà mỏi cũng chả hết.
Gã chỉ trà. Có hứng lắm cũng chỉ cốc rượu nhỏ. Không hãi nhưng chả thích gì những cơn ho bởi nốc nhiều rượu. Lại đang đi tù, sướng mẹ gì mà nốc? Cái trại mộc, ban ngày, phạm làm cũng đông nhưng hết chiều phải vào đội ngủ tất, chỉ hai thằng được trụ lại. Nhờ vào cái sự tự giác. Ấy! Cũng chỉ là một cách phân biệt một kiểu gọi... Những tối như thế, gã thường dạy Liêm thêm guitar còn Liêm bày gã hát. Tay này thuộc cả trời tình ca. Biết nhiều bài nhưng gã vẫn chỉ mê nhất “Hai năm tình lận đận” của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Liêm bảo:
- Cái tay Nhiên thi sĩ này đạo gốc, hơi khùng khùng chứ mà làm thơ “bốc” lắm.
- Còn tôi?
- Thì phạm nhân. Thì nghề mộc giỏi. Thì chơi guitar cừ. Được chưa?
- Sai bét. Tôi hả? Phải nói toẹt ra là: Cũng đạo gốc chứ mà không “bốc” nổi khoản nào.
- Ừ! Phải đấy! Gái gú mà còn chưa “ bốc” được. Nói gì...
- Hay tại tôi chưa khùng?
- Chưa khùng và máy hỏng. Ông liệt mẹ nó rồi, ông ơi!
Điều Liêm nói cũng là nỗi băn khoăn của gã, lắm khi. Sau buổi tối, chứng kiến tận mắt cảnh Nguyện, hào hứng hổn hển làm tình cùng một thằng đàn ông khác ngay trên cái gường của mình. Ngay nơi buồng ngủ của mình. Một Nguyện thánh khiết bỗng hóa thành một Nguyện lẳng lơ. Một Nguyện trắng trong rất chóng vánh đã là một Nguyện dâm loạn. Chẳng hiểu sao, gã tụt hứng hẳn, xuội lơ khi muốn cùng một em nào đó vui vẻ tí chút. Hồi đầu, với sự thôi thúc của Liêm gã còn gắng gượng. Sau thôi luôn. Những cơ hội tù tì gái gú ở trên trại là rất hiếm hoi, Liêm, rất máu nhưng sẵn lòng nhường đã thế còn canh chừng hộ, vậy mà “trên bảo dưới không nghe” mới rõ chán chứ! Liêm cứ chắp hít tiếc rẻ mãi. Và những hồi như thế gã chỉ còn biết cười. Một nụ cười không buồn chẳng vui nhưng xuyến xao nhiều nỗi bất an như ánh mắt bố, một đêm lễ tro nào.
Bởi thích “Hai năm tình lận đận” nên khuya nào, gã cũng ngân nga. Nghe riết, Liêm nghiện lúc nào không hay. Bảo ông không ru bài đó là tôi đếch ngủ nổi. Gã hát và gã ru Liêm, thằng bạn tù máu mê văn nghệ hay là gã hát và ru ngủ chính mình. Ru những cơn đau thôi đừng bóp nghẹt thêm trái tim gã ốm yếu tội tình: “... Anh bây giờ có lẽ. Thiết tha hơn tín đồ. Xin làm cây Thánh giá. Trên nóc cao nhà thờ... Cô đơn nhìn bụi bặm. Xanh xác rêu phủ mờ. Trước ngày lên ngôi Chúa. Ai chắc không dại khờ?”. Từng đêm, từng đêm như thế nơi cái trại mộc, heo hút, nằm rìa ngoài cùng khuôn viên trại cải tạo. Liêm trút hết về gã muôn trùng những tình ca đã cất giấu và nương giữ cả mấy chục năm trời. Liêm đùa: “Tôi hết vốn rồi nghe ông bạn”. Và gã, cũng đã dạy học trò Liêm hết sạch vốn liếng về guitar mà tay này vẫn chơi rất chán. Cũng may, Liêm kéo gã vào đội văn nghệ. Đội có sẵn cây keyboard để ở hội trường. Và gã tập, bất cứ khi nào có thể. Tập với Liêm với một cán bộ quản giáo rành nhạc và tập, khi một mình. Tập trong nỗi nhớ Nguyện điên đảo. Tập trong nỗi xót xa dành cho gia đình cho giáo xứ. Và, thổn thức trong lòng những tiếng réo gọi âm thầm về một mùa chay chưa đi qua hết. Một mùa chay, phải dừng lại tức tưởi ở ngay ngày đầu. Về một lễ tro nhục nhã ê chề gợi nhiều nhức buốt, quặn đau.
Liêm gật gù: “Tôi hơi bị bất ngờ đấy”, một lần lẻn vào hội trường và lặng lẽ nhìn gã chơi keyboard. Sau đấy, khi gia đình lên thăm Liêm nhắn người nhà đem cho cây saxophone. Và tập cho gã thổi kèn. Chẳng mấy chốc gã đã thổi saxo rất thành thạo. Liêm: “Hay! Hay! Đúng là ông sinh ra để làm nhạc công. Hết hạn tù cứ theo tôi, sống khỏe”. Chẳng là ở ngoài đời Liêm làm ông bầu ca nhạc. Ở nhà có đến mấy dàn âm thanh với tất cả các loại nhạc cụ. Nói: Mùa cưới và các dịp lễ tết hội hè, mà có được một tay chơi thập cẩm như ông, đỡ lắm! Mọi việc đang êm xuôi là thế bỗng tin bố gã mất bay lên trại. Đêm đó, gã nốc rượu như điên và ức, vì vẫn không say nổi. Ức thêm, vì ho quá thể. Liêm nằm cạnh ngủ vùi trong lâng lâng men rượu và những tiếng ho liên hồi của bạn. Quá nửa đêm, chợt thức không nghe tiếng ho biết ngay là gã đã biến. Chưa qua sông, gã đã bị cán bộ bắt lại khi đang ẩn mình trong một bụi rậm. Ho thế mà không lộ mới rõ tài. Gần sáng, cán bộ còng tay gã dẫn về, đi qua trại mộc Liêm đứng trong chửi vóng ra: “Đ.m. Đồ ngu!”. Chửi vậy mà suốt thời gian gã nằm trong tổ kỷ luật, Liêm luôn tìm mọi cách để tiếp tế đồ ăn, thuốc hút. Rồi tìm cách xin cho gã ra khi tới đợt đội văn nghệ tập dượt, để diễn tết.
Gần hết năm tù thứ hai, gã mới có dịp trở về thăm nhà. Gã theo cán bộ đi công tác cho trại. Xe ngang qua cổng xóm đạo, gã chỉ: “Nhà tôi ở trong này”. Cán bộ nói tài xế thắng ngay lại và giục: “Chạy vô thăm một chút đi!”. Gã vội xuống xe nhưng không rẽ về nhà mà chạy thẳng ra mộ bố mẹ. Mẹ mộ đã được xây hẳn hoi, ngày gã còn ở nhà. Còn mộ bố? Vẫn chỉ là một mô đất vun kỹ với những dấu chân nhang để lại. Gã ngồi thụp xuống chứ không quỳ lạy. Cũng không khóc. Không khấn vái điều gì. Lòng lạnh ngắt và rắn đanh. Gã câm nín suốt chặng đường về nhưng lòng bời bời bao cảm xúc, bao ý nghĩ. Suốt thời gian gã ở tù, gia đình có lên thăm được một lần. Thằng em kể nhiều chuyện. Về bố về nhà xứ về Nguyện. Nguyện bỏ nhà đi, sau khi gã bị bắt và có chồng khác ngay. Nó bảo mọi người trong gia đình dòng tộc rồi hết cả hàng xứ nhiếc móc, rủa xả Nguyện không tiếc lời. Bảo đã làm phép hôn phối chồng còn sống sờ sờ thế, đã vội lăng loàn. Chỉ có bố là không. Luôn thở dài khi nhắc đến cuộc hôn nhân ngắn ngủi của gã. Và bao giờ cũng kết lại câu này: “Thánh giá Chúa định cho anh mày hẵng còn lắm nỗi...”.
5. Gã và Liêm ra trại một ngày. Gộp hết mấy lần ân xá, án của gã giảm có cả năm. Liêm đưa gã về nhà. Giới thiệu vợ con. Nhìn mụ đàn bà của Liêm, không hiểu sao gã lại nhớ lại chuyện Nguyện ngoại tình và cứ muốn, muốn là... Thế là ngay tối đấy, lúc Liêm chở con về thăm nội, gã “bụp” ngay. Bố khỉ! Nếu không mắc phải cái chứng ho chắc gì Liêm đã biết. Cũng do “band’ của Liêm kéo đến chúc mừng ông bầu được tự do hơi kỹ. Uống suốt ngày. Liêm hay thật! Biết tỏng mà chả phản ứng gì! Hôm sau, vẫn chở gã đi ăn sáng rồi vào quán cà phê. Ngồi rất lâu, mới đủng đỉnh nói: “Mừng máy của ông hoạt động trở lại. Tốt chứ?”. Gã gật và Liêm tiếp lời: “Ông đừng băn khoăn nhiều. Con vợ tôi nó có máu dâm. Tôi ở ngay bên mà còn trai gái suốt. Có điều. Thà là ai tôi đỡ buồn...”.
Suốt cả tuần lễ sau đó, gã lùng sục nhà Nguyện. Mãi, rồi cũng phải ra. Tới, khi chồng Nguyện đã đi làm và con gái Nguyện đang ở nhà trẻ. Nguyện giật mình khi thấy gã nhưng điềm tĩnh rất nhanh. Nguyện vẫn như xưa. Đẹp, một nét thánh khiết. Với đôi mắt mở rất to và hết sức trong lành. Đôi mắt ấy không một chút quanh co lẫn lút. Một đôi mắt luôn luôn ngác ngơ và luôn luôn nhìn thẳng:
- Em biết anh sẽ tìm tới, khi ra tù.
- Thế em có biết thêm là anh tới, để làm gì không?
- Thì cũng như mọi người. Mắng nhiếc, chửi rủa...
- ...
- Em luôn biết ơn anh. Bởi, đã giữ im lặng...
- Thế mà cả hàng xứ, cả họ tộc nhà anh cũng đâu để em yên.
- Đấy, là do em lấy chồng khác ngay sau khi anh bị bắt. Chứ họ mà biết em...
Gã đưa tay ra, làm dấu cho Nguyện ngừng lời. Và chùng giọng thiết tha: “Em biết không? Mãi cho đến giờ. Chính xác là cách đây một tuần, anh mới thật sự tha thứ cho em...”. Nói rồi bỏ đi ngay. Bỏ đi cùng với câu Phúc âm, thoắt ló hiện trong đầu: “Trong các ngươi ai vô tội hãy ném đá người đàn bà này đi” (Tân ước, Ga: 8-7). Bỏ đi và rời Nguyện trong tràn trề yêu thương và chất ngất phẫn nộ. Với hết thảy sự tỉnh táo và lòng điên đảo. Với nỗi khao khát thứ tha bên cạnh ước muốn được trả thù. Với sự nén chịu và những bùng vỡ... Không hề có được cái cảm giác thanh thản nhẹ nhõm sau khi đã được cởi bỏ, giải phóng khỏi người đàn bà này cuộc hôn nhân này như, gã đã từng nghĩ suốt khoảng thời gian qua. Và, cái cảm giác ấy khiến gã mủi lòng ghê gớm. Thế nên bỏ đi và rời Nguyện, gã khóc rất nhiều. Khóc đến mức người tài xế tắc xi hỏi đi đâu. Gã cũng không sao trả lời được. Và cứ thế xe đi loanh quanh phố phường và cứ thế, cơn khóc phủ lấp gã nhấn chìm gã.
Sẫm chiều, gã thôi nức nở nhưng hãy còn loạng choạng lắm, khi xuống xe. Sẫm chiều, gã đứng trước một ngôi giáo đường trong cái tím rịm của hoàng hôn. Quen lắm mà lạ lắm không gian này khung cảnh này. Gần lắm và xa lắm hang đá, tháp chuông, Thập giá Chúa trên cao. Màu tím mùa chay, sắc u buồn đã lan rộng đã choáng chật hết cả tâm hồn gã suốt ngày qua suốt cả một quãng đời qua. Giờ, phải tới hồi kết thúc. Và cùng với ý nghĩ khốc liệt này gã chợt nhận ra, là: Gã, đã chẳng còn là gã của ngày xưa và nhói tim và nghẹn thắt. Gã, tỉnh táo và nhẫn nại, bước vào nhà thờ đi lên Cung Thánh chịu khó đứng xếp hàng và khoanh tay chờ tới phiên mình được bước tới tòa giải tội. Gã lạ lắm trong mắt nhìn, cách đi, cử chỉ. Lạ hơn khi thưa với cha: “Con đã phạm vào điều răn thứ chín”. Cha hỏi lại: “Con vẫn còn nhớ điều răn ấy sao?”. Gã đáp: “Vâng! Thưa cha. Đó là chớ lấy vợ (chồng) người”.
Nhờ chính năng khiếu của mình, gã đã sống ở dăm ba thành phố đã trải qua những mùa chay trong đời, hết sức đàng hoàng bằng nghề đàn địch và hát xướng trước khi đâm đầu về xứ đạo xưa. Trong ngần ấy tháng năm, gã không hề đến nhà thờ, dù chỉ một lần. Tất nhiên, gã không hề quên mình là người Ki Tô giáo và bỏ lễ, bỏ các phép bí tích là có tội. Gã vẫn chưa yêu nổi ai sau Nguyện. Thì vẫn cặp kè, chung sống với em này em khác. Một sự có đôi tự nguyện về cả hai phía. Gã trở về giáo xứ vì luôn nghe ra tiếng gọi từ đây. Luôn có ý nghĩ mình đã thuộc về nơi này, mãi mãi. Gã bán ngôi nhà lấy tiền đào ao, thả cá và sống nơi cái chòi nhỏ. Có ai hỏi vì sao gã về thì gã bảo vì những thứ tư lễ tro ở cái giáo xứ này, lỡ ám vào tôi. Vì hết thảy những thứ sáu mùa chay, rượt đuổi tôi không ngừng. Vì mỗi khi nhà xứ đi đàng Thánh giá lại rơi trúng vào mùa trăng.
Gã trả lời thế rồi lại nín lặng nốc rượu. Nốc rất nhiều rượu. Chỉ không chịu nín lặng những cơn ho. Cha xứ là người tới thăm gã đầu tiên và rất thường xuyên. Thi thoảng, còn ở chòi với gã rất lâu. Bao giờ ra về chân cha cũng bước nặng nề và giọng cha buồn sũng: “Mà con... Chẳng nhẽ cứ sống mãi thế này sao!...”. Đó, cũng là câu mà gã thường tự hỏi mình, sau tất cả. Sau, một lần được vác Thập giá trên vai. Một lần là duy nhất cho cả đời. Một lần với một đêm. Đêm thứ sáu cho muôn vàn những đêm thứ sáu cho muôn vàn những mùa chay. Gã: Thập giá vác vai. Đi như thôi miên. Dưới trăng. Và khóc...
Tổng hợp nhiều nguồn
Học ngành nổi tiếng nhất là Khoa học và kỹ thuật máy tính, Lã Nguyễn Gia Hy đã tốt nghiệp trước hạn và xếp loại xuất sắc với GPA 4/4.0 tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Ca sĩ Hồng Hạnh và doanh nhân Nhật Bản - ông Kondo Koji chính thức ly hôn sau 10 năm nộp đơn.
Song Hye Kyo rơi lệ tại Baeksang 2025 khi Yeom Hye Ran giành giải, trong khi phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" thắng lớn với 4 giải thưởng.
TRUNG QUỐC - Dù không trực tiếp sinh nở, song thời cổ đại, những người chồng trong gia đình sẽ thay vợ 'ở cữ' và dành thời gian 'hồi phục sau sinh'.
Nói thế rồi anh chợt thở dài sâu hút trong tiếng biển ngân nga, du dương âm vang khúc tình ca muôn đời. Anh bảo, vừa qua thời khắc đêm Ba mươi Tết, bây giờ bước vào đầu n...