Truyện đêm khuya: Người chú họ ở làng Ngoài

07/09/2024 22:00
Từ bé tôi đã nghe bố tôi, u tôi, họ hàng nhà tôi gọi những bà, những cô chú dưới cái làng nằm sát bờ Bắc sông Hồng là người làng Ngoài.

Mỗi khi hễ thấy ai dưới ấy lên chơi đều nhất loạt bảo người làng Ngoài lên chơi. Mỗi khi có ai trên này định về dưới ấy đều bảo về làng Ngoài. Còn nơi gia đình tôi sinh sống, đến thế hệ tôi cũng đã là đời thứ tư, thuộc đất Kinh Bắc thượng, mạn Bắc Giang trung du.

Ngày bố và u tôi còn sống, các cô chú làng Ngoài còn cả, không hiểu tại sao tôi chưa khi nào băn khoăn về cái địa danh này, vì thế mà chưa khi nào hỏi cái tên “làng Ngoài” ngọn ngành thế nào... Cho đến bây giờ đã quá hai phần ba đời người rồi, tự nhiên một hôm nằm khểnh nghĩ ngợi lung tung lại nhớ tới làng Ngoài, lại mới cật vấn hai chữ làng Ngoài ấy.

Làng Ngoài, chắc nghĩa ban đầu của nó là làng phía bên ngoài (không viết hoa), hiển nhiên là đối lập với làng trong. Làng ngoài bao giờ cũng là ngoại vi, phi trung tâm, bên lề, ngoài rìa, phụ, thậm chí phụ thuộc. Làng trong là ở giữa, trung tâm, chính, đầu não, điều hành. Dân quê xưa có câu: “Làm ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng”. Giữa đồng là tâm điểm, xa làng, xa bờ tre ao chuôm nên không có lợn gà trâu bò chuột bọ trong làng ra cắn phá. Ngay cả bọn chuyên đi cắt lúa trộm cũng ngại ra giữa đồng. Chúng chỉ mắt trước mắt sau nhè vào chỗ các chân ruộng rìa làng để ăn trộm. Hễ thấy có động tĩnh gì thì dễ bề tẩu thoát. Còn lấy chồng giữa làng thì yên tâm rồi. Giữa làng là trung tâm, là nơi của những người đến định cư ở làng sớm nhất, thường chọn chỗ có địa thế đẹp, cao ráo, mạch nước mạch đất hợp phong thủy. Những người đến làng sinh cơ lập nghiệp sau cứ từ trung tâm đó mà dựng nhà dựng cửa nối đời tỏa lan ra như những vòng sóng. Chả thế, dân trung tâm, giữa làng bao giờ cũng có chút kiêu binh. Cái tâm lý ấy cũng có phần tựa như dân phố cổ ở các đô thị nhìn ra dân ngoại ô vậy. Ừ hóa ra, cái tên Đàng Trong Đàng Ngoài ngày trước cũng gợi lên nhiều vân vi. Có phải đó là cách gọi phát tích từ dân miền Nam, nơi các đời Chúa Nguyễn từ vị trí đó mà gọi dân phía Bắc là Đàng Ngoài?

Ông chú họ của tôi tên là Sĩ, thuộc người làng Ngoài. Cái làng Ngoài ấy nằm sát mạn bắc sông Hồng, trước kia thuộc đất Kinh Bắc, bây giờ thuộc ngoại thành Hà Nội. Ngày còn bé, mỗi lần chú tôi lên quê tôi chơi, vẫn nghe ông nói “lên quê”. Vậy thì, khi họ hàng người làng Ngoài gọi nơi gia đình tôi đang sinh sống là quê thì có phải người làng Ngoài cũng có chung bản quán ở đây, quê cha đất tổ ở đây? Làng Ngoài hẳn là một chi nhánh của họ hàng nhà tôi đã vì lý do nào đó mà bỏ làng về xuôi định cư?

***


Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Chú Sĩ mỗi lần lên quê chơi là một lần bọn trẻ con chúng tôi xem như ngày hội. Chả là chú tôi có tài bắt rắn. Vừa từ đường xa tới, chưa kịp ngồi ấm chỗ, chú hô có đứa nào đi chơi với chú không? Đi chơi, được hiểu ngay là đi bắt rắn. Bố tôi bảo, chú vừa mới đường xa mệt, nghỉ đã, mai đi vẫn chưa muộn. Chú cười khà khà, bác cứ để em đi tí về ngay. Xem ra chiều tối dễ có mưa, nên tầm này rắn ra nhiều bác ạ. Chú ra tới ngõ, quay lại nói vóng vào nhà, bác bảo cháu nào đi kiếm cho em ít lá nốt để về làm chả nhé. Với lại nhà bác có rượu trắng chưa để anh em mình còn uống rượu tiết, mật rắn?... Bố tôi và chúng tôi quen rồi, nghe chú nói thế là tin ngay. Lần nào cũng vậy, mỗi khi chú lên chơi y như cả nhà được bữa tươi. Chú đã đi là không bao giờ về tay không.

Trẻ con, không phải đứa nào cũng dạn dĩ với rắn. Tôi là loại nhát cáy. Bất kể rắn gì, kể cả rắn nước, hay con thằn lằn trên mái nhà đều làm tôi thót tim. Nhưng lạ lắm, càng sợ lại càng thích tò mò. Bốn năm đứa trẻ con đi cùng chú. Chú dặn, phải im lặng, không được nói chuyện, kẻo rắn thấy động trốn đi mất. Lũ chúng tôi vừa háo hức vừa rón rén bước đi vừa theo dõi hướng nhìn của chú. Từ dưới chân bụi tre um tùm, thân tre đan kín gốc, toàn gai nhọn, chú ngước mắt lên trên. Chú ra hiệu cho chúng tôi dừng lại rồi thoăn thoắt trèo lên một thân cây tre rung lắc mạnh, miệng lẩm bẩm câu gì đó. Bỗng nghe tiếng rơi huỵch trên mặt đất. Chú quăng mình xuống, tóm luôn cổ con rắn giơ cao lên trời. Bọn tôi sợ xanh mắt mèo. Chú bảo, con này có dễ đến 4-5 cân. Có đứa hỏi rắn gì, chú bảo đây là rắn ráo. Loài này hay sống bụi tre, hiền lành, dễ bắt. Chứ bọn hổ mang sống trong hang, hung dữ khó bắt lắm. Nó mà đớp cho một cái là phải rạch vết cắn, nặn hết máu ra rồi dịt thuốc lá cây mới khỏi. Lại hỏi, chú bị rắn cắn bao giờ chưa? Chú bảo ngày trẻ đi bắt rắn, bị rắn cắn như cơm bữa. Nói xong, chú cười cười, đưa cánh tay trái ra, chàn chạt những vết sẹo. Chú cũng đã từng tự rạch vết cắn trên tay rồi tự băng vết thương mấy lần rồi. Người làng rắn ai cũng có thuốc gia truyền chữa rắn cắn... Chú hô to, về thôi chúng bay. Về ta làm thịt rắn cho mà ăn. Lũ trẻ con chúng tôi lũn cũn theo chú về như một đội quân răm rắp tuân theo vị tướng, mặt vênh vênh cứ như tự mình làm ra chiến lợi phẩm không bằng.

***

Bố tôi và chú Sĩ có vẻ cặp cạ lắm. Hễ gặp nhau, lúc chuyện nổ như pháo rang, lúc lại thì thào chuyện gì không dứt. Ngày hè nóng bức như thế mà hai cụ ngủ chung một giường, mỗi cụ cầm một cái quạt mo phì phạch suốt đêm. Có lúc tiếng cười khùng khùng như cố kìm lại. U tôi bảo, chả biết kiếp trước thế nào, chứ hai ông này cứ như đôi sam ấy. Quãng vài ba tháng chú tôi lên chơi, hoặc bố tôi về làng Ngoài chơi, lâu không gặp nhau thì than nhớ.

Có một lần hình như vào ngày Tết, trong bữa ăn sáng, không hiểu sao, bố tôi kể vắn tắt lai lịch nhà chú Sĩ. Xét theo phả hệ, bố tôi và chú Sĩ thuộc đời thứ ba. Cụ ông đẻ ra bố tôi với cụ bà đẻ ra chú Sĩ là hai anh em ruột. Nhà tôi họ Lê, bà đi lấy chồng bên nhà họ Phạm. Chú là Phạm Văn Sĩ. Bố tôi với chú Sĩ là hàng con bác con cô. Do là đằng gái, nên quan hệ giữa bên nội họ Phạm nhà chú với bên ngoại mẹ chú, tức là đằng họ Lê nhà tôi có phần lỏng lẻo. Cái tục truyền đời nay vẫn thế. Con gái đi lấy chồng là vun quén cho nhà chồng. Sống Tết chết giỗ. Nếu lấy chồng gần có khi thỉnh thoảng được về nhà, chứ lấy chồng xa thì thật khó. Xuân thu nhị kỳ may chăng mới về một lần. Ngày xưa giao thông chỉ có tầu hỏa, ô tô, mà rất chật vật mới có thể mua vé được, vừa đắt lại vừa khó mua, phần lớn là đi bộ. Lấy chồng tỉnh khác xem như là mất con. Có những người đàn bà đi lấy chồng tỉnh xa, lại chẳng may sống nghèo khổ, hoặc ốm đau quặt quẹo hoặc vợ chồng tan vỡ có khi còn không dám về thăm nhà. Bố tôi kể, ông họ Phạm ở làng Ngoài có cái nghề bắt rắn, một hôm lên mạn trên này bắt rắn dạo. Ông xin trọ ở nhà mình ít ngày, gặp bà lúc ấy đang thì con gái. Thế mà rồi thế nào chưa đầy tuần, hai người đã xoắn lấy nhau. Không gì có thể qua mắt cụ. Một hôm, cụ gọi con gái vào hỏi, này cái Gái, mày với thằng bắt rắn đã có gì với nhau chưa? Bà mình chưa nói đã khóc, tay cứ xoắn lấy vạt áo, người run bần bật. Cụ quát, có gì mày khai thật ra, nếu cái thằng ấy nó tử tế, chúng mày có ý định tử tế thì bố ủng hộ. Bằng không, hễ mà mày đã bị nó lừa, thì liệu hồn. Tao chém. Chém hết!... Hôm sau, cụ lại gọi ông bắt rắn lên ngồi bên mép phản. Cụ lại hỏi, này anh bắt rắn. Tôi hỏi thật, giữa anh với con gái tôi đã có chuyện gì với nhau chưa? Nếu anh thật lòng với con gái tôi thì để tôi còn tính. Còn nếu anh lừa con gái tôi, thì... Ông rút thanh kiếm đánh roạt một cái ra khỏi vỏ, bảo, thì hãy nhìn đây mà liệu. Nói xong, ông vung kiếm chém một nhát vào góc tràng kỷ. Một mảng gỗ lim bị phạt ngọt như miếng bánh đúc bị cắt văng xuống nền nhà.

Kinh quá. Thế rồi cuối cùng ông bà nên vợ nên chồng. Hôm tiễn con gái từ nhà đi đò sang sông để rồi đi bộ về làng Ngoài, cả nhà cả họ tốn nhiều nước mắt. Cụ ông vào nhà, nằm buông màn, quay mặt vào tường. Cô con gái chạy vào quỳ lạy thưa bố con đi, rồi con sẽ thu xếp về thăm bố, bố ở nhà giữ gìn sức khỏe...

Sau này, hai ông bà làng Ngoài sinh được 4 người con, có độc chú Sĩ là con giai.

Khi mấy anh em tôi lớn lớn chút, hình như vào quãng tôi học cấp ba thì phải, sau hôm chú Sĩ từ quê ra về, u tôi bảo, cái chú Sĩ trông thế mà tẩm ngẩm tầm ngầm ghê lắm nhé. Ngày chúng mày còn bé, một hôm sắp Tết đến nơi rồi, trời rét căm căm, lúc ấy tao còn đang cấy ngoài đồng, bố mày hớt hải chạy ra bảo về ngay có việc. Tao bảo việc dữ hay sao mà phải cuống lên thế. Bố mày cười cười bảo, cứ về thì biết. Về tới nhà, chú Sĩ chạy ra đón từ ngoài sân, đon đả hỏi han này nọ. Bố mày giục, u nó rửa ráy chân tay xong vào tôi có chuyện muốn nói tí nhé. Khi vào nhà, bố mày với chú Sĩ ngồi chờ sẵn. Bố mày dặng hắng, rằng thì là... chú Sĩ đưa cô ấy lên nhà mình ở chơi qua Tết, chả là cô ấy vừa có thêm mống nữa. U mày sắp xếp, cơm nước, đỡ đần cô ấy nhé... Được lời, chú Sĩ mới nịnh nọt, khai thật với bác, đây không phải là bà Mỵ nhà em đâu, mà đây là thêm nếm, đa mang thì phải đèo bòng. Chúng em chả biết đi đâu tránh tiếng, đành bồng bế con lên đây, trông cậy vào hai bác. Khi nào cháu cứng cáp, thì chúng em tính tiếp. Thôi thì bác thương chúng em, thương cháu...

U tôi lại bảo, tao là tao ghét nhất cái thói giăng hoa. Mà nghĩ xa nghĩ gần, cái giống đàn ông là thế, ai dám bảo bố mày không gì... Trong ánh sáng lờ nhờ của căn buồng hẹp, người đàn bà đang cho con bú. Thấy u tôi vào, bà ta định nhổm dậy. U ra hiệu, rồi ngồi bên cạnh. Hỏi, thế con giai hay con gái? Tự nhiên, bà ấy khóc nấc lên, bảo em khổ quá, Tết nhất đến nơi rồi lại còn lên đây làm khổ anh chị; cũng chỉ tại anh ấy thôi chị ơi... U bảo, cô nín đi, bây giờ tập trung nuôi con, chứ còn lại đổ lỗi cho ai làm gì nữa. Vật vã khóc lóc thì có giải quyết được gì. Đã lên đây với chúng tôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, lo gì. Cố gắng ăn uống mới có sữa nuôi con.

Tôi nghĩ, ừ thì ra mối đi lại giữa bố tôi và chú tôi, hay rộng hơn, giữa chú tôi và gia đình tôi cũng đủ mùi ấm lạnh. Mỗi lần bố và chú tôi chén thù chén tạc, chả mấy khi tôi không nghe thấy hai ông vân vi rằng một giọt máu đào hơn ao nước lã, rằng năng đi lại thì còn tình cảm, còn giữ được họ hàng, chứ nếu không rồi thì cũng mất. U tôi bảo, tôi nói có chú chứ, giữ được tình máu mủ ruột rà hay không là cốt trông vào các cháu nay mai, chứ lứa chúng mình rồi thì cũng chả mấy mà theo về các cụ. Chú Sĩ bảo, nếu con cháu mình có đứa nó biết nghĩ đến thì là còn hồng phúc...

***

Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi tốt nghiệp cấp ba rồi vào một trường đại học đóng tại Hà Nội. Từ trường muốn sang nhà chú Sĩ chơi chỉ chịu khó đạp xe chừng hai chục cây số là tới. Đương sức trai, với tôi quãng đường ấy chả bõ bèn gì. Lần theo địa chỉ bố tôi cho, tôi đã tìm được nhà chú. Một nếp nhà cổ, thấp, thiếu ánh sáng. Hai thằng con của chú lừ lừ nhìn tôi. Hỏi ra, thằng lớn cũng đã trạc tuổi tôi, thấy bảo đang học nghề sửa chữa ô tô. Trên ban thờ rất nhiều bát hương và một số ảnh của những người đã khuất. Chú chỉ đây là ảnh ông, kia là ảnh bà, bà họ Lê nhà mình trên quê đấy; còn kia nữa là ảnh cô. Ồ, cô mất đã mấy năm rồi nhỉ...Tôi vẫn lờ mờ nhớ ngày cô mất, bố u tôi với chị lớn của tôi về đưa tang. Trong tấm ảnh đen trắng, một gương mặt phụ nữ trung niên có phần khắc khổ. Đôi mắt rầu rầu, nhìn xuống. Trông thần sắc, cô tôi là người chắc chẳng biết sướng ngày nào. Hay là tôi nghĩ ra như thế...Tôi xin phép chú cho tôi thắp nén hương dâng lên các cụ và cô, người mà tôi chưa lần nào biết mặt.

Tôi đang băn khoăn nghĩ cách làm thân với hai thằng em con chú, nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Biết thằng anh đang học ở trường sửa chữa ô tô, tôi hỏi học cái nghề này có vất vả không, nó trủng trẳng bảo cũng thường thôi. Tôi lại hỏi thằng em, lúc ấy đang học cấp ba, sau này em định thi vào đại học ngành gì. Nó cũng không bắt nhời. Thằng anh nhướng mắt về phía tôi căn vặn, thế anh cho là cứ nhất thiết phải thi vào đại học à? Tôi thoáng nhận ra câu nói vô tình của tôi đã chạm nọc nó, tôi vội im. Lúc sau nó lại bảo, thứ bẩy chủ nhật chịu khó đi chơi, dành được khối ô tem phiếu thực phẩm, bán lấy tiền tiêu (Bạn đọc lưu ý cho, ngày những năm 80 của thế kỷ trước, toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức nhà nước, kể cả sinh viên các trường dạy nghề, cao đẳng đại học đều được phát tem phiếu gồm hai loại: tem phiếu mua vải và tem phiếu mua thực phẩm theo tiêu chuẩn). Đến đây thì tôi chạm nọc. Ý nó là tôi sang nhà nó chơi để ăn chạ? Sao lại có thể nghĩ về tao thế được. Tao đã từng nghe không ít lần bố tao và bố mày hay nhắc cái câu “Đói cho sạch rách cho thơm”. Mà tao đây chưa phải là người đói rách... May làm sao, tôi nhịn được, không nói gì thêm. Đúng lúc ấy, chú tôi đang nấu cơm dưới bếp, gọi tôi xuống. Chú hỏi, đã đói bụng chưa. Lúc sau, chú đột nhiên bảo, thế nhà cháu có còn giữ được cái thanh kiếm của cụ ngày nọ không? Chính tôi cũng không được rõ. Ngày tôi còn bé lắm, một lần duy nhất nhìn thấy ông nội tôi lấy thanh kiếm ra lau, xong lại tra vào bao, đóng chuôi kiếm xạch một cái rồi cất vào trong cái rương to. Sau, ông tôi mất, đến lượt bố tôi giữ. Thỉnh thoảng bố tôi cũng mang ra lau, ngắm nghía rồi lại cất vào. Chưa thấy khi nào chúng tôi được nghe ai kể về lai lịch thanh kiếm này.

Thế mà chú Sĩ lại biết. Có thể ông tôi, bố tôi kể cho chú. Ngày quân Pháp chiếm đóng. Vùng đồi Bắc Giang quê mình nằm gần bốt núi Thờ, nếu tính theo đường chim bay khoảng chừng 3 km. Những hôm trời trong, người làng nhìn lên đỉnh ngọn núi Thờ rõ mồn một. Cũng không ai nhớ tại sao ngọn núi trơ trọi nằm giữa vùng đồng chiêm trũng lại có cái tên như vậy. Trên đỉnh ngọn núi là cái lô cốt bê tông kiên cố của Pháp. Từ đó, chúng quan sát toàn vùng, bán kính 5-7 cây số. Thỉnh thoảng chúng nghi ngờ có quân du kích hoạt động, hay đơn giản chúng thấy lũ trâu bò đang gặm cỏ chân đồi, thế là chúng câu móc-chi-ê. Mấy bận làng bị pháo nã trúng nhà dân, nhiều người chết. Có khi trâu bò chết cả đàn chục con một lúc. Từ quãng những năm 40 – 41 kéo dài đến tháng 8 năm 45 của thế kỷ trước, Nhật vào Đông Dương, quan hệ Pháp –Nhật trở nên phức tạp, tranh giành, đánh nhau, hai bên chết như ngóe. Nhật vào nước ta theo đường từ Trung Quốc tiến qua Lạng Sơn xuống Bắc Giang, Bắc Ninh, tràn về Hà Nội. Cụ nội kể, một hôm mùa nước đục, cụ ra bờ sông kiếm củi thì thấy một cái xác người nằm sấp dạt vào bờ. Nhìn rõ, đúng là cái xác quân nhân, ăn mặc rất chỉnh tề, ngang lưng vẫn đeo một bao kiếm. Cụ là loại gan cóc tía, dám khều cái xác sát bờ, lần xuống thắt lưng lấy luôn cái dây đeo và bao kiếm giấu đi rồi mới chạy lên bờ đê hô hoán dân làng ra xem. Sau, cán bộ xã, huyện về, lục tất cả áo quần thấy mấy tờ giấy tùy thân, xác minh cái xác này là một tên lính Nhật, chắc bị quân Việt Minh hoặc quân Pháp bắn chết, trôi sông, yêu cầu dân làng chôn ở một cái gò cao ven đê. Cụ thuổng được cái kiếm của Nhật nhưng không dám khoe ai, giấu biệt lên gác chuồng trâu, nơi quanh năm chất đầy rơm rạ. Mấy năm sau, thấy an toàn, cụ mới đem cất trong rương như báu vật. Thỉnh thoảng, họa hoằn lắm, cụ mới lại mở ra xem, sợ để lâu han gỉ. Mà lạ, thân kiếm lúc nào cũng ánh lên một màu sáng xanh lạnh lẽo. Nghĩa là nó không hề gỉ. Nó luôn luôn mới... Thanh kiếm ấy sẽ chả có nghĩa lý gì nếu như không có một lần cụ đem ra để thị uy ông và bà đẻ ra chú.

***

Trong trí nhớ chắp vá của tôi, người viết truyện này, nay cũng đã bước vào tuổi hưu, được coi là thuộc người già. Nếu ở quê, cánh như tôi, mỗi khi ra đình có việc làng, đều được gọi là các cụ, cụ trẻ. Bây giờ, bố và u tôi đã về với tổ tiên. Chú Sĩ làng Ngoài cũng khuất bóng đã lâu. Hai thằng con giai của chú, giống tôi, đều đã có vợ con. Tôi hỏi thăm mẹ con người đàn bà năm xưa lên nhà tôi ở cữ bây giờ thế nào, thằng cả bảo, ôi giời, bà ta sau này có đi lại gì nữa đâu, nghe nói lấy một ông làm nghề thợ mộc rồi đẻ ra một lũ một lĩ, cuộc sống nhếch nhác lắm.

Thế hệ chúng tôi, tất cả, dù đứa học cao đến đứa lao động chân tay đều phải suốt đời bạc mặt kiếm ăn. Cái sự anh em dòng tộc cũng chẳng mấy khi để tâm nghĩ tới chứ huống hồ hỏi han, gặp gỡ.

Hôm gần đây nhất, lường trước mấy ngày Tết không đến được, tôi đến trước Tết để thắp hương cho các cụ và chú, cô tôi. Căn nhà chính giờ thằng cả ở, nhà kế bên thằng hai ở, cả hai đều cửa đóng then cài. Lạ thật, hôm qua gọi điện, thằng cả bảo giờ đó em ở nhà kia mà... Bốc máy gọi lại, nó bảo, thôi chết, em đang ở xa không về kịp giờ này, bác thông cảm cho em, hẹn bác hôm khác ạ. Nói xong, nó cúp máy luôn.

Cũng lại, nhân dịp Tết, tôi đưa vợ con về quê, ở nhà bác cả. Lúc vui chuyện, tôi hỏi ngày xưa bố mình có giữ một thanh kiếm đẹp lắm, bây giờ đâu nhỉ? Bác cả buồn rầu bảo, anh cũng chẳng mấy khi để tâm đến, thế rồi một hôm sực nhớ đi tìm, lạ thật, tuyệt nhiên không thấy, chả biết đứa nào lấy mất. Chắc chỉ con cháu nhà mình. Khéo nó lấy đem đi bán chứ chưa biết chừng...

Cái mong muốn của lớp người đi trước như bố tôi và chú Sĩ chắc cũng chỉ là ước nguyện của một lớp người đã xưa rồi. Nay mọi sự đã khác. Đến một lúc nào đó, cái tên làng Ngoài rồi cũng sẽ mất tăm mất dạng trong ký ức của các con tôi, các cháu tôi. Nó không đủ để trở thành ký ức truyền đời... Nó bị tẩy trắng. Ấy là tôi nghĩ thế.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Văn Giá

Tin xem thêm

Truyện đêm khuya: Gió mưa nhớ món nhộng tằm của mẹ

Giải trí
16/09/2024 22

Gió thu lùa qua ngõ nhỏ. Heo may thả lạnh trên cánh đồng, trời vẫn không ngớt mưa. Không gian trắng màu nước bạc.

Ảnh chế siêu độc: Kế hoạch giảm cân

Giải trí
16/09/2024 16

Mấy đứa mồm lúc nào cũng kêu giảm cân kiểu...

Bikini nóng bỏng: Phong cách đi biển mát mẻ giúp Kỳ Duyên khoe vẻ đẹp căng tràn

Giải trí
16/09/2024 14

Kỳ Duyên luôn biết cách chinh phục mọi ánh nhìn với 3 phong cách thời trang đi biển vừa sexy, vừa năng động cá tính.

Ưng Hoàng Phúc lên tiếng tranh cãi đi cứu trợ tại Hà Nội

Giải trí
16/09/2024 14

"Tôi xin khẳng định thông tin đi cứu trợ lũ lụt cho những hộ giàu tại Hà Nội là bịa đặt", ca sĩ chia sẻ.

Truyện thiếu nhi đặc sắc: Con xin cơm

Giải trí
16/09/2024 09

Mặt đầm sang thu nước trong veo, phẳng lặng thỉnh thoảng lắm mới gợn lên một chút sóng khi có cơn gió lao xao qua. Từng đàn chuồn ngô, ớt, kim chao lượn nghiêng cánh trên...

Nam thanh niên nuốt cả dao lẫn bấm móng tay, may mắn sống sót

Giải trí
16/09/2024 06

Các bác sĩ đã cứu sống một thanh niên 22 tuổi sau khi người này nuốt cả chìa khóa, bấm móng tay lẫn một con dao vào bụng.

Truyện cười: Có biết không?

Giải trí
16/09/2024 06

Đường vắng, xe Dream II đang chạy bon bon thì một chiếc Babetta phóng vọt lên, tay lái xe nghênh nghênh đầu nói:


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn
Điện thoại: 0437722728
Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media