Truyện đêm khuya: Suối nguồn yêu thương

09/05/2024 22:00
Ding vừa cõng bó củi lên đến đầu dốc để vào nhà thì trông thấy cô giáo Miên và chú Phan, cán bộ đoàn xã đứng nói chuyện bên mấy bậc đá kê ở chân cầu thang. Nó quẳng vội bó củi rồi băng qua rào, qua mấy vạt tranh. Nó phải trốn đi, đến nhà thằng Sung hay xuống thung lũng với đám bạn chăn bò. Rồi cứ chơi ở đấy, tối mịt mới về.

Không chỉ Ding mà hầu như trẻ em ở làng này đi học cứ rơi rớt dần, đầu năm thì ngồi đủ các dãy bàn, đến giữa học kỳ, nhất là vào mùa mưa thì còn phân nửa, nhiều dãy bàn trống trơn.

Ding ngồi trên mỏm đá, trái ổi cắn dở trong tay. Nó nhìn đám bạn đang chơi trận giả. Nó mông lung nghĩ ngợi. Ding rất sợ chạm mặt cô giáo, sợ cô hỏi sao hai tuần nay em lại liên tục nghỉ học. Nó thì không muốn kể cho cô giáo nghe về hoàn cảnh hiện tại của gia đình mình. Bố bị gãy chân khi đi đốn keo cho người ta, giờ chỉ quanh quẩn trong nhà, nhấc đôi chân đi có vẻ khó nhọc, hay than đau, mọi việc trên nương dưới ruộng đều dồn lên vai của mẹ. Nhà nuôi con heo, sắp đẻ lứa đầu cũng lăn đùng ra chết vì dịch. Sau trận mưa lớn, núi đồi sạt lở, chôn vùi vạt ngô đang tượng hạt, đám lúa dưới thung cũng ngã rạp, lép hạt cả rồi.

Ding ngậm ngùi muốn khóc. Đi học là ước mơ lớn nhất của cuộc đời. Nó yêu thích môn tiếng Việt và môn Toán cũng thuộc hàng khá, giỏi. Thầy cô rất thương yêu và luôn động viên nó. Từ đầu mùa mưa đến nay nhà trường phối hợp với đoàn xã vào các làng vận động người dân đưa trẻ đến trường. Nó cố tình vắng nhà, khi thì lên núi kiếm củi, bẻ măng, lúc thì xuống suối bắt cá, mò ốc. Ding biết dù cô giáo Miên có thuyết phục như thế nào đi nữa, mẹ cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, còn bố thì ngồi im như tảng đá, in dáng vẻ đầy cam chịu vào bóng chiều hoang vắng.

Ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh dọc theo triền núi. Ngước mắt là chạm rừng. Sau lưng là trùng điệp núi. Dẫn vào làng chỉ duy nhất con đường nhỏ, đá lởm chởm, dọc hai bên bụi gai ken dày, lại có nhiều suối vắt ngang. Mùa mưa, lũ cuốn, lũ ống thường đổ xuống thình lình, khiến ngôi làng bị cô lập. Làm sao để những đứa trẻ đã thiếu ăn lại thêm thiếu chữ kia được đến trường? Nhiều kế hoạch đưa ra, nhiều phương án áp dụng, hưởng ứng. Cô giáo Miên đã suy nghĩ, trăn trở nhiều đêm, phải cùng đồng nghiệp và cán bộ xã tìm cách đưa trẻ em ra lớp càng đông càng tốt. Miên nhớ lại thời điểm cách nay chừng mười lăm năm. Khi ấy cô mới ra trường, xung phong lên vùng cao gieo con chữ. Thực sự mà nói, Miên và một số ít thầy cô đã gùi chữ lên non, cắm bản đúng nghĩa với những cụm từ này. Những ngày đầu, thiếu thốn vây quanh, tưởng chừng không thể trụ nổi. Những chàng trai, cô gái vừa bước qua tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết nhưng cũng lắm lãng mạn, đã khắc phục dần những khó khăn. Miên còn mặc định rằng ký ức buổi ban đầu của sự nghiệp trồng người mà bản thân trải nghiệm sẽ không bao giờ nhạt phai trong tâm trí. Ngôi trường tiểu học, nằm ở đồi cao, xung quanh núi rừng xanh ngắt lại xa khu dân cư. Lúc đấy điện lưới quốc gia chưa kéo đến, sóng điện thoại thì cứ chập chờn, internet là một thứ gì đấy rất xa xỉ đối với dân làng. Lớp học thì tuềnh toàng với năm phòng bằng tranh nứa tạm bợ, lại là lớp ghép mà chưa đầy chục học sinh. Ngày khai giảng, cũng như ở những nơi khác, học trò và phụ huynh đều háo hức, mong chờ. Thầy cô chuẩn bị chu đáo để cho buổi lễ diễn ra một cách trang trọng và đẹp nhất có thể. Tấm phông với dòng chữ lễ khai giảng năm học... bên cạnh là ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc. Có người còn hái hoa rừng đủ màu sắc về trang trí.

Thầy, cô giáo ngại nhất là mỗi lần có việc vào làng, nhất là vào mùa mưa. Hầu như không có một phương tiện cơ giới nào có thể vào đấy được. Mỗi lần mang hàng hóa, nông sản xuống chợ, dân làng đều mang vác, gùi cõng rất vất vả. Chợ thì xa, cả đi lẫn về mất hơn buổi. Những con đường khúc khuỷu, uốn lượn, nhìn từ trên cao xuống như dải lụa mỏng vắt ngang những sườn núi, trông thì rất đẹp mắt, nhưng để đi đến ngôi làng hầu như quanh năm chìm trong màn sương thì phải vượt qua mấy đỉnh núi, hàng chục con suối. Những ngày đầu đối diện với thực tế, nhiều giáo viên đã nhụt chí, trả quyết định phân công, bỏ việc, chấp nhận thất nghiệp. Cũng có người cố gắng được vài ba năm nhưng rồi cái buồn, cái vắng, cộng với sự khó khăn không thế nào khắc phục được khiến họ gục ngã. Thành ra, mấy ngôi trường vùng cao, thuộc diện khó khăn này, việc thay đổi, thiếu hụt giáo viên là một bài toán khó giải quyết khiến các cấp lãnh đạo bao phen rơi vào thế bị động. Lại thêm trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế còn nghèo, thế nên việc học bị xem nhẹ, học sinh thường bỏ học giữa chừng, nhất là sau dịp nghỉ Tết, hay sau 3 tháng hè. Nhiều em dù tuổi còn nhỏ nhưng phải cáng đáng việc nương rẫy, hay xuống phố kiếm việc làm.

Cô giáo Miên lại đến nhà khi Ding còn ngủ. Nghe tiếng người hỏi vọng từ dưới chân cầu thang, nó nhổm dậy rồi chạy trốn. Đứng nấp đằng sau vách ngăn nhưng Ding nghe rõ từng lời cô giáo nói với mẹ. Giọng nói của cô ấm, chan chứa tình cảm. Mẹ Ding vừa cho thêm củi vào bếp, vừa ngước đôi mắt đượm buồn nhìn cô giáo:

- Thực tình mà nói, cho con nghỉ học giữa chừng xót lắm nhưng...

Biết được tâm tư trong lòng người đàn bà lam lũ, nếu thêm vài lời nữa cũng chỉ nhận về cái lắc đầu từ chối, cô giáo Miên ngồi xuống, cầm chặt bàn tay mẹ Ding nói:

- Chị yên tâm nhé, cho trò Ding ra lớp, mọi khó khăn có chúng em lo!

Thoáng thấy sự ngạc nhiên của mẹ sau câu nói của cô giáo, Dinh muốn chạy ào ra nhưng có điều gì đấy giữ chân nó lại. Cứ thế nước mắt lăn dài trên má không thể nào kìm lại được.

Lớp đi học tương đối đầy đủ. Thầy, cô giáo vui lắm. Ding và các bạn xa trường, được bố trí ở lại trong căn phòng cuối dãy, hằng ngày được ăn cơm cùng thầy, cô giáo. So với ở nhà, bữa ăn tại trường có cá, có thịt. Thỉnh thoảng, có đoàn từ thiện ghé qua, Ding có thêm bộ quần áo và mấy cuốn vở mới. Cuối tuần hay nửa tháng, Ding và các bạn mới về thăm nhà. Trở lại trường, đứa nào cũng lỉnh kỉnh nào gạo, nào khoai, có đứa còn gùi mấy đoạn măng, túi nấm.

Mấy hôm nay chuyển mùa, bầu trời xám xịt. Mưa suốt ngày đêm. Cả không gian bao la, trùng điệp núi đồi chìm trong lạnh lẽo. Đứng trên dốc nhìn xung quanh, đám học trò co ro vì lạnh. Chúng đang lo lắng cho bố mẹ ở nhà, cả đàn gà, con chó hay bó củi chưa kịp mang vô bếp.

Lũ rồi! Ai đó la lên khi trông thấy một dòng nước đục ngầu cuộn xoáy phía xa, tuôn từ trên cao xuống, trong màn mưa mờ mịt. Cả đám học trò nhốn nháo, chỉ trỏ. Thầy cô cuống cuồng chạy ra, gọi học trò vào.

Bầu trời sa xuống thật thấp. Mưa tối mặt tối mày. Sấm nổi lên đùng đùng, chớp vạch từng luồng sáng lóe. Trong căn phòng chiếu sáng bởi một bóng điện tròn, đám học trò nép vào một góc, có tiếng khóc vang lên.

Cô giáo Miên trấn an học trò bằng sự vỗ về và cái ôm vai thật chặt. Cô rất dạn dĩ, có lẽ chính thời tiết khắc nghiệt ở vùng đất này đã tôi rèn bản lĩnh cho cô ngay từ ngày lên đây công tác. Những trận lũ ống, lũ quét, những vụ sạt lở núi, những trận bão đi qua... Miên đã chứng kiến biết bao cảnh đau lòng do thiên tai gây ra. Mới năm kia, một cán bộ kiểm lâm, qua suối không kịp, bị cuốn trôi. Có cô giáo cắm bản, dạy ở điểm lẻ, mưa lớn, nước suối dâng cao, đành tá túc ở nhà dân. Địa hình đồi núi đi lại khó khăn, mùa mưa đường sá trơn trượt, đến được lớp thì quần áo, tóc tai của cả thầy và trò đều dính đầy bùn đất. Thế nên việc học sinh rơi rớt dần theo từng năm không có gì khó hiểu. Bởi nghèo, bởi đường đến trường quá gập ghềnh, gian nan. Đứng trước khó khăn ấy, bằng sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, thầy cô giáo đã cố gắng vượt lên, yêu thương, chia sẻ và giúp học sinh của mình tự tin đến lớp.

Mới đấy mà đã sáu năm trôi qua kể từ ngày Ding xuống phố học cấp ba ở trường dân tộc nội trú tỉnh. Hôm nay cuối tuần, nó trở về thăm nhà, thăm thầy, cô giáo cũ.

Vừa đến trung tâm xã, ngay ngã ba Ding đứng lại nhìn quanh, như định hướng. Đi thẳng một đoạn, rẽ phải đi lên quả đồi là đến ngôi trường tiểu học nó từng gắn bó. Rẽ trái, băng qua mấy đỉnh đồi, men theo triền dốc và qua mấy con suối là về đến nhà.

Ding ngước mắt nhìn cây gạo bên mé đường, mùa này lá xanh rợp bóng. Nó nhớ lại, gốc cây này là nơi bọn trẻ hay tìm đến nhặt hoa rụng, màu hoa đỏ thẫm, những cánh hoa chao trong gió trông rất đẹp mắt.

Ding lững thững đi dọc con đường đầy hoa xuyến chi để dẫn lên đồi. Nhìn ra bốn phía, chiều đã bắt đầu nhạt dần, nắng phai phớt lên triền đồi, vàng sẫm. Gió mơn man, mát rượi. Cứ thế, Ding đứng lặng nhìn như gom lấy những kỷ niệm từ ngôi trường nhỏ, từ những thầy, cô giáo thân yêu.

Bất chợt, Ding thoáng nghe trong gió tiếng rì rầm của con suối uốn lượn quanh đồi. Dòng nước mát lạnh đang trườn qua những tảng đá gập ghềnh, mải miết trong điệu chảy của tình yêu thương, êm đềm và bất tận.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Sơn Trần

Tin xem thêm

Cười đời: Trượt chân cả đời

Giải trí
20/05/2024 16

Hồi bé ngã thẳng vào bệnh viện. Về già ngã thẳng xuống suối vàng.

Bikini nóng bỏng: Minh Hằng vấn vương cảnh đẹp Phú Quý

Giải trí
20/05/2024 14

Lần đầu đến Phú Quý, diễn viên Minh Hằng phải lòng cảnh sắc hoang sơ và màu biển xanh trong vắt của hòn đảo này.

Diễn viên Đức Tiến đột tử ở tuổi 44

Giải trí
20/05/2024 14

Cựu người mẫu kiêm diễn viên Đức Tiến qua đời đột ngột tại Mỹ, hưởng dương 44 tuổi.

Kaity Nguyễn và 'đạo diễn trăm tỷ': Cạch mặt rồi làm lành hay là chiêu trò?

Giải trí
20/05/2024 09

Sau khi thông tin với báo chí việc Kaity Nguyễn từ chối tham gia dự án điện ảnh 'Móng vuốt' phút chót, hôm nay 13/5, đạo diễn Lê Thanh Sơn chụp ảnh thân thiết bên nữ diễn...

Truyện thiếu nhi đặc sắc: Câu chuyện 'Cái bóng của mình'

Giải trí
20/05/2024 09

“Cái bóng của mình” là câu chuyện viết cho thiếu nhi nhắc nhở chúng ta không nên hợm hĩnh, chê bai người khác.

Hoa tam giác mạch nở vào tháng mấy?

Giải trí
20/05/2024 09

Tam giác mạch khi mới nở mang màu trắng tinh khôi, sau đó sẽ chuyển sang màu hồng nhạt, hồng ánh tím nhẹ nhàng rồi đỏ sẫm, cuối cùng khi tàn sẽ chuyển sang màu đen.

Cười đời: Con mèo trèo cây cau

Giải trí
20/05/2024 08

Doremon chế: Màn đối đáp của Nobita và Xuka

Giải trí
20/05/2024 07

Cách để Nobita khiến Xuka phải nói "Em yêu anh".

Cuộc đời này ngắn lắm, nên lựa chọn từ bỏ đúng lúc

Giải trí
20/05/2024 07

'Cuộc đời này ngắn lắm nên đừng dành thời gian cho những thứ không xứng đáng' - là quan điểm của Tiến sĩ Annie Duke trong cuốn sách 'Từ bỏ'.

Chủ quán choáng váng khi thấy thực khách đi ăn trưa bằng trực thăng

Giải trí
20/05/2024 06

Thực khách đi trực thăng tới nhà hàng ở Langkawi để ăn trưa khiến chủ quán bất ngờ.