Bài thực hành đạo đức

31/12/2024 22:00
Linh vừa đến cổng trường thì hồi trống báo vào lớp cũng vừa vang lên. Vào học được gần ba tháng rồi, hôm nay là buổi đầu tiên Linh đi sát giờ như thế, chỉ tại đoạn đường bị đào bới sửa sang lỗ chỗ trở nên nhầy nhụa sau trận mưa đêm qua.

Linh đã rất cẩn thận đi thật chậm sát vào lề cỏ, gần hết đoạn đường bẩn thì có một gã thanh niên độ mười bảy, mười tám tuổi phóng vèo qua như chỗ không người, bùn đất bắn toé hết lên người cô, làm quần áo cô lấm lem từ đầu chí cuối. Đã thế, cậu ta không những không xin lỗi lại còn cười hô hố khi thấy Linh loạng choạng suýt ngã. Linh đã phải vội vàng quay về thay bộ khác rồi lại hối hả phóng đi ngay, may mà không bị muộn. Nhưng cơn tức giận thì dù cố nén vẫn cứ muốn trào lên. Sao lại có những loại người vô ý thức đến thế kia chứ? Giá như Linh có thể túm cậu ta lại, có thể cho nó vài cái bạt tai chắc cô mới nguôi cơn tức giận.

Linh vội vã đi vào lớp. Sau tiếng hô của em lớp trưởng, cả lớp đứng nghiêm chào cô. Đáng lẽ cô phải nói một cách nhẹ nhàng và trìu mến: “Mời các em ngồi xuống” như thường lệ, nhưng vì nỗi tức giận kia chưa kịp nguôi đi nên cô chỉ khẽ gật đầu. Học sinh đồng loạt ngồi xuống ngay ngắn. Trong khi Linh lấy sách vở ra khỏi cặp thì các tổ trưởng bắt đầu báo cáo nề nếp và sĩ số như mọi ngày, bắt đầu từ tổ một và cuối cùng đến lượt tổ bốn:

- Thưa cô, tổ bốn bài tập đầy đủ, vắng bạn Chiên, chắc là bạn ấy lại đi muộn ạ!

Linh khẽ cau mày:

- Lại muộn nữa à? Bạn nào ở gần nhà bạn Chiên và biết vì sao mấy hôm nay bạn ấy hay đi học muộn như thế không?

- Thưa cô không ạ, nhà bạn ấy ở tận Mũi Sủi cơ, bạn ấy mới chuyển đến lớp mình từ cuối năm ngoái nên không bạn nào biết nhà bạn ấy đâu ạ! Tuần này lớp mình toàn bị đội sao đỏ trừ điểm thi đua vì bạn Chiên đi học muộn đấy cô ạ!

Em lớp trưởng vừa dứt lời thì Chiên hối hả chạy vào, vừa nói vừa thở hổn hển:

- Em xin phép cô vào lớp ạ!

- Chiên! Em có biết hôm nay là ngày thứ mấy em đi học muộn không?

Linh nghiêm giọng quát, hai nỗi bực gộp lại với nhau khiến cô không thể thấy vẻ sợ sệt của cô học trò mười một tuổi. Tiếng Chiên run run:

- Thưa cô em biết ạ, nhưng...

- Nhưng gì nữa, cô đã nhắc nhở em mấy lần rồi, cả lớp đã phải bị ảnh hưởng chỉ vì em suốt ngày đi học muộn, em có biết không ? Đã đi học thì phải biết chấp hành nề nếp cho tốt chứ, có phải thích làm gì thì làm, tuỳ tiện, vô ý thức như thế được đâu...


Tranh của họa sĩ Uyên Thao

Vào lớp học, sau đó về viết bản kiểm điểm, bảo bố mẹ ký vào đấy rồi ngày mai nộp cho cô, biết chưa? Ngày mai không có bản kiểm điểm đó thì đừng có vào lớp đấy.

Linh nói một lèo. Cả lớp ngồi im sợ sệt. Chưa bao giờ chúng thấy cô giáo tức giận như thế. Mới hôm qua cô còn nhẹ nhàng nhắc nhở Chiên phải đi học cho đúng giờ mà... Chiên lủi thủi đi về chỗ ngồi. Linh quay lên ghi tên bài vào bảng. Hình như cơn tức giận đã nguôi nguôi đi. Cô bắt đầu bài giảng của mình. Sau tiết toán là tiết tập đọc, rồi đến giờ thực hành đạo đức. Linh bắt đầu kiểm tra bài cũ:

- Các em cho cô biết: Giờ đạo đức trước chúng ta học bài gì?

- Thưa cô, bài “Biết chia sẻ buồn vui cùng bạn ạ!”

- Cô kiểm tra bài cũ nhé! Một em hãy cho cô biết : Vì sao bạn bè cần chia sẻ buồn vui với nhau?

Cả lớp im lặng, khoảng chục cánh tay giơ lên. Linh nhìn khắp một lượt. ánh mắt cô dừng lại ở Chiên, cô bé không giơ tay, mặt cúi gằm xuống bàn.

- Giờ trước Chiên đã không học bài, cô cho nợ điểm hai. Hôm nay em lại không học bài nữa à?

Chiên lúng túng đứng dậy:

- Thưa cô, em quên ạ!

- Vậy em hãy trả lời câu hỏi này: Em đã chia sẻ buồn vui cùng bạn của mình như thế nào?

Chiên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Thưa cô, em chưa bao giờ chia sẻ buồn vui với bạn ạ.

Linh ngạc nhiên:

- Thế nghĩa là thế nào?

- Thưa cô, em hay đi học muộn, giờ ra chơi em hay ngồi trong lớp làm bài, tan học em lại về nhà ngay, em không hay chơi với các bạn nên không biết các bạn có gì buồn vui để chia sẻ ạ. Với lại... chắc em cũng không thể giúp gì cho các bạn được...

Không để Chiên nói hết câu, Linh đã ngắt lời:

- Vì sao em lại tự tách mình ra khỏi tập thể lớp như thế? Em không chơi, không quan tâm đến các bạn, bạn của mình có gì vui buồn em cũng không biết thì làm sao em có thể chia sẻ với các bạn được. Em cần phải hoà đồng hơn nữa để hiểu thêm và giúp đỡ các bạn của mình, em hiểu chưa?

- Vâng ạ! - Chiên lí nhí đáp rồi ngồi xuống.

Linh nhìn xuống cả lớp, rồi nói tiếp:

- May mắn lớn trong cuộc sống của chúng ta là có những người bạn để chia sẻ những lúc vui buồn. Sự giúp đỡ ấy không chỉ là về vật chất, mà quan trọng nhất là tình cảm quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Qua bài học giờ trước, các em đã biết rằng: có bạn bè chia sẻ niềm vui , nỗi buồn, chúng ta sẽ vượt qua dễ dàng hơn những vấp váp khó khăn trong cuộc sống, sẽ có được niềm phấn khởi, tự tin, mạnh mẽ hơn để vươn lên. Giờ hôm nay chúng ta sẽ thực hành xử lý tình huống đạo đức cụ thể.

Linh bắt đầu đưa ra tình huống đạo đức thứ nhất:

- Mẹ bạn Sơn bị ốm, ngày nào bạn ấy cũng phải vào bệnh viện chăm sóc mẹ nên học hành giảm sút hẳn. Nếu Sơn là bạn em, em sẽ giúp đỡ bạn ấy như thế nào?

Cả lớp lao xao giơ tay phát biểu:

- Thưa cô, em sẽ chép bài hộ bạn ấy và kèm cho bạn ấy học ạ!

- Thưa cô, em sẽ giúp bạn ấy chăm sóc mẹ ạ.

- Thưa cô, em sẽ thường xuyên động viên để bạn ấy đỡ buồn ạ...

Linh kết luận :

- Các em đều nói rất đúng, nếu chúng ta làm được như thế tức là đã biết chia sẻ , giúp đỡ bạn của mình đấy.

Linh lại đưa ra vài tình huống khác và học sinh đều đưa ra cách xử lý khiến cô rất hài lòng.

Là một cô gái sinh ra và lớn lên trong thành phố, tuy gia đình không khá giả lắm nhưng từ nhỏ đến lớn, Linh chỉ có mỗi việc ăn, học và hoạ hoằn lắm là giúp bố mẹ vài việc lặt vặt trong nhà. Sau khi cô tốt nghiệp sư phạm, cô dạy học trong thành phố ba năm. Cách đây hai năm, gia đình cô chuyển về thị xã này. Thế là cô xin về dạy học luôn. Cũng đã hai năm rồi, nhưng cô vẫn chưa thực sự làm quen hẳn với cuộc sống nơi đây.

***

Buổi chiều, nhà có khách. Linh đi chợ sớm hơn mọi ngày. Hình như hôm nay nước kém nên chợ gần nhà cô rất ít thức ăn. Cô liền lên chợ thị xã mua chút gì đó tươi tươi đãi khách. Chợ đang tầm, ồn ã và đông đúc. Thức ăn khá nhiều. Linh chọn mua cân mực tươi về luộc. Trong khi chờ lấy lại tiền thừa, cô nhìn sang phía sau người bán mực, thấy một em bé độ chín, mười tuổi đang cắm cúi bổ tách từng ruột hà ra khỏi vỏ. “Hà tươi, trắng, con lại to, nấu canh ăn chắc là ngọt lắm” Linh nghĩ vậy nên gọi với sang:

- Cháu ơi! cho cô mua hai lạng hà.

- Vâng ạ!

Cô bé nói, mắt vẫn dán vào những con hà được lần lượt đặt lên cái đe bằng đá, đôi tay bổ tách đều đặn, thuần thục. Linh cầm tiền thừa từ tay người bán mực, bước sang :

- Còn chỗ này cứ cân nốt cho cô cũng được, cô đang vội.

- Cháu xong ngay đây, chỉ còn vài con thôi cô ạ.

Linh chợt ngờ ngợ. Giọng nói hình như quen quen. Cô nhìn kĩ cô bé và ngỡ ngàng:

- Chiên.......

Cô bé giật mình nhìn lên, cũng ngỡ ngàng không kém:

- Ơ...... cô.......

- Sao em.......?

Linh không biết mình phải nói câu gì trong tình huống này, cô thấy thực sự bối rối và bất ngờ. Nhưng cô lại thấy Chiên nhoẻn cười, cái cười rất tự nhiên và như là cô bé biết Linh đang nghĩ gì:

- Ngày nào em cũng bán hà ở đây mà hôm nay em mới gặp cô đi chợ, nhà cô ở gần đây à?

- Ừ... à không, nhà cô ở cách đây độ bốn cây số.

Linh cứ nhìn trân trân vào đứa học trò đã mười một tuổi mà bé như mới lên chín, da đen nhẻm, tóc hoe vàng vì cháy nắng, ngồi lọt thỏm giữa một đống vỏ hà, đang nhanh nhẹn vớt từng con cho vào túi, vừa nói với cô:

- Cô cầm về mà nấu, em không lấy tiền của cô đâu.

Chiên cười. Còn Linh lại thấy sống mũi mình cay cay. Cô không ngờ học trò của cô lại phải bươn chải vất vả như thế này... Nó mới có mười một tuổi thôi, cái tuổi mải ăn, mải chơi và vui vẻ thoải mái học hành. Sao nó lại phải lo vật lộn kiếm tiền giữa nhốn nháo chợ búa như thế. Sao cô không biết nhỉ? Mà cô làm sao mà biết được vì đã bao giờ cô hỏi nó đâu. Từ khi nhận lớp đến giờ, cô mải mê, bề bộn với bao công việc ổn định đầu năm. Hồ sơ của học sinh cô cũng có xem hết lượt nhưng không thấy em nào có hoàn cảnh đặc biệt. Cách đây hai tuần, vào cái ngày mà cô thông báo là hết hạn nộp các khoản tiền đầu năm học, thì Chiên chưa có tiền nộp, cô bé đã xin khất đến tháng sau. Linh cũng không nói gì thêm vì nghĩ có lẽ gia đình Chiên có chút khó khăn nên bố mẹ em chưa đủ tiền nộp. Nhưng bây giờ thì Linh biết không đơn giản chỉ là như thế.

Thái độ tự tin của Chiên khiến cho Linh lấy lại được sự tự nhiên, cô cầm túi hà Chiên đưa và nói:

- Em bán hết rồi à? Vậy chúng ta ra đằng kia một lát nhé.

- Vâng, cô chờ em một tý.

Chiên nhanh nhẹn thu cái đe bằng đá, cái búa bổ hà và mấy bao dứa cuộn gọn gàng, nhét vào một cái túi được khâu tạm bằng lưới rồi đi theo cô. Linh dẫn cô bé vào một quán nước đầu chợ, gọi hai cốc nước đậu, cô đưa cho Chiên một cốc. Cô bé uống một hơi quá nửa cốc, nhìn Linh :

- Hôm nay trời tự dưng nóng quá, chắc lại sắp có gió bấc đây, cô nhỉ.

Linh khẽ cười, nghĩ bụng “con bé này nói cứ như bà cụ non vậy”.

- Thế ngày nào em cũng bán hà ở đây à?

- Vâng ạ, nhưng em mới chỉ bán từ đầu năm học thôi.

- Sao lại thế?

- Mọi khi mẹ em bán, nhưng từ đầu năm học mẹ bị ốm, em phải bán thay cho mẹ.

- Mẹ em bị làm sao?

- Mẹ em bị cảm gió, rồi cứ bị ho và khó thở. Bây giờ mẹ em phải nằm ở nhà, phải chữa bằng thuốc tây nên mất nhiều tiền lắm, nhà em lại có bốn chị em cùng đi học nên em phải giúp mẹ ...

- Thế bố em đâu?

- Bố em đi làm phụ vữa theo công trình, mấy tháng mới về nhà một lần. Nhưng bố em bảo phụ vữa được ít tiền lắm, mỗi lần đi như thế chỉ được độ vài trăm nghìn thôi. Tiền bố em đem về cũng không đủ cho mẹ em mua thuốc. Mẹ em bảo như thế cũng là tốt lắm rồi.

Nhìn cô bé, Linh nghe lòng mình thấy nao nao.

-Thế em mua hà ở tận đâu?

Chiên bật cười khi nghe cô hỏi. Linh ngạc nhiên:

- Sao vậy?

- Hà này có ai phải đi mua lại đâu cô, toàn là tự đi bắt rồi đem bán thôi. Chủ yếu là cái công bổ lấy ruột của nó chứ cả một bao to cồng kềnh mà bán luôn chỉ được hơn chục nghìn thôi.

Ra là vậy. Vì không hay để ý nên bây giờ Linh mới biết điều đó.

- Vậy thì em phải tự đi bắt hà à? Bắt ở tận đâu? Mà lấy vào lúc nào?

- Em với em gái em thường đi lấy vào buổi sáng, khoảng từ năm giờ đến bảy giờ ở ngay bãi gần nhà em. Hôm nào cũng được khoảng hai bao, bãi đó hà nhiều lắm cô ạ, chỉ tội em còn phải đi học sáng nên chỉ lấy được thế thôi, hôm nào cũng bán đến tầm này là hết rồi.

Linh muốn hỏi thêm nữa nhưng Chiên đã đứng dậy:

- Em phải về đây cô ạ, xe đạp em gửi ngoài kia với một chị cùng xóm, chắc bây giờ chị ấy đang chờ em rồi.

- Chiên, cô gửi em tiền hà này... - Linh vội vã rút ví tiền ra.

- Em biếu cô mà, cô cứ cầm về đi ạ.

- Nhưng.......

Chưa để cô nói gì thêm, Chiên chạy vụt đi, bỏ mặc Linh luống cuống đứng đó. Nhìn theo bóng cô bé khuất lẫn vào dòng người nhộn nhịp nơi cổng chợ, Linh thấy nghèn nghẹn trong lòng.

***

Sáng hôm sau, Linh đến trường sớm. Nhưng cô không vào văn phòng ngồi như thường lệ mà đi thẳng lên lớp. Học sinh đã có vài em đến rồi, các em đang mải mê chơi ngoài sân. Trời hôm nay trở gió thật. Gió bấc căm căm. Cây cối run rẩy. Cửa sổ lớp học đã khép chặt mà cái lạnh vẫn lùa hun hút vào. Linh khẽ rùng mình khi nghĩ đến hình ảnh hai đứa bé với cái xe đạp cà tàng, ọc ạch, trên chất hai bao hà cồng kềnh và nặng gấp mấy lần vóc người của chúng, đứa đun đứa kéo gồng mình trước từng đợt gió bấc rít u u trên một dải đê nào đó ngoài kia. “ Tùng... tùng... tùng...”. Tiếng trống vào lớp giòn giã vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Linh. Học trò chạy ùa vào lớp. Các hoạt động báo cáo đầu giờ lặp lại giống y như ngày hôm qua, chỉ khác là hôm nay Chiên không đi muộn như suy đoán của em lớp trưởng. Cô bé vắng hẳn không thấy đến. Lòng Linh bỗng thấy bồn chồn.

Tan học, Linh tìm đến nhà Chiên theo dòng địa chỉ nguệch ngoạc ghi trong sổ liên lạc. Con đường ghập ghềnh, mấp mô toàn đá hộc. Cô vừa đi vừa hỏi. Người ta chỉ cho cô rẽ vào một con đường đất nhỏ hơn, hai bên toàn bụi găng rậm rạp, những nóc nhà lúp xúp, thưa thớt sau những bụi cây ấy. Chắc là nhà ở đâu quanh đây thôi. Thấy một bà cụ đang tưới rau gần đó Linh hỏi:

- Bà ơi, bà cho cháu hỏi thăm nhà em Chiên ở đâu ạ?

Bà lão dừng tay, ngẩng lên chỉ cho cô:

- Cô cứ đi hết con đường này, đến sát đường đê thì rẽ phải, mẹ con nó ở cái nhà cót lợp ngói xi măng thứ ba ấy.

Linh cảm ơn bà cụ rồi lên xe đi tiếp. Vừa đi vừa nhìn ngắm khung cảnh xung quanh. Hết những bụi găng, con đường như rộng ra được một chút. Mở ra trước mắt cô là một khoảng trống bao la. Đằng kia là biển rồi, hoá ra đây là đê bao biển. Linh rẽ phải. Đường đê trải dài hút tầm mắt, cao chênh vênh giữa mênh mông nước và bãi bồi. Một bên là những đầm nước được chia ô gọn ghẽ, có lẽ là để nuôi tôm, cua. Bên kia là bãi sú vẹt kéo dài tít tắp. Mùa này nước cạn, đất bùn nứt nẻ, hở ra những khe rãnh đen ngòm và những rễ cây chằng chịt ngang dọc. Nhấp nhô, thấp thoáng những dáng người lom khom chặt bó những thân cành sú vẹt, chắc họ kiếm củi khô chuẩn bị cho một mùa gió lạnh đã bắt đầu, thỉnh thoảng có tiếng gọi nhau léo xéo tan loãng rất nhanh trong không gian. Gió rít ù ù buốt lạnh hai bên tai Linh. Xộc vào mũi cô là một thứ mùi tanh tanh, mằn mặn, nồng nồng mà cô không biết gọi nó là mùi gì. Có lẽ là mùi của biển bởi biển ở ngay sát kia rồi. Quê nội cô cũng ở biển. Cái mặn mòi và ấm nồng của biển đã quá quen thuộc với cô trong cả một tuổi ấu thơ. Nhưng sao thứ mùi này có gì là lạ, như xa xôi, mênh mang, và lạnh giá. Chắc tại Linh chưa quen thôi... Qua hết quãng trống, cô đã đứng trước ba ngôi nhà cót. Chỉ có ngôi nhà thứ ba là mở cửa, theo lời bà cụ thì đó chắc là nhà Chiên. Linh tiến lại gần ngôi nhà. Bên trong có tiếng trẻ con nói lao xao. Linh gọi khẽ:

- Chiên ơi.

- Dạ...

Kèm theo tiếng dạ, Chiên tất tả chạy ra, cô bé ngạc nhiên lẫn bối rối:

- Ô, cô giáo..., mẹ ơi cô giáo con đến .

Cô bé chạy vụt vào trong, quên cả mời Linh vào nhà. Mấy đứa em ùa cả ra, nhìn thấy Linh, chúng lại thụt vào, túm lại với nhau, giương những cặp mắt tròn xoe nhìn cô xì xầm:

- Cô giáo chị Chiên đấy, cô đến phạt vì hôm nay chị Chiên bỏ học đấy.

Linh bước vào, nhìn bọn trẻ mỉm cười:

- Không, cô đến thăm mẹ và các em thôi. Thế mẹ đâu rồi.

Bọn trẻ chỉ tay về phía góc nhà. Linh nhìn theo tay chúng, thấy một chiếc giường gỗ cũ kĩ kê ở đó, người đàn bà đang ngước mắt nhìn ra, định gượng ngồi dậy. Linh đoán là mẹ Chiên.

- Chào chị, em là cô giáo của cháu Chiên, chị là mẹ cháu phải không ạ?

- Vâng, chào cô... mời cô ngồi.

Người đàn bà nói khẽ, vẻ mệt mỏi. Linh ái ngại nhìn chị, bảo:

- Chị cứ nằm đó cũng được mà, em thấy chị có vẻ mệt nhiều.

- Vâng, vậy... cô thông cảm cho tôi nhé.

Nói rồi chị loay hoay kê chiếc gối vào bức tường phía đầu giường, tựa lưng lên đó nửa nằm nửa ngồi. Linh ngồi ghé xuống bên cạnh.

- Chị ốm đã lâu rồi mà hôm qua Chiên nó mới cho em biết.

- Vâng, làm phiền cô giáo quá.

- Thế sao hôm nay Chiên không đi học hả chị?

Chị khẽ thở dài:

- Hôm trước cháu có nói với tôi chuyện bị cô giáo mắng vì hay đi học muộn, nó còn bảo rằng sẽ không đi học nữa vì không muốn làm ảnh hưởng xấu đến thi đua của lớp. Tôi đã động viên cháu nhưng nó vẫn không chịu đi, tôi cũng chưa biết phải khuyên cháu như thế nào...

Chị lại khẽ thở dài:

- Cũng tại tôi ốm yếu quá, mọi việc trong nhà bây giờ đều phải trông cả vào cháu nó nên mới thành ra như vậy. Mới tí tuổi đầu mà đã phải lo cả việc kiếm tiền nuôi mẹ nuôi em....

- Thế sao chị không bảo anh xin về làm gần nhà để có điều kiện chăm sóc gia đình cho các cháu đỡ vất vả?

Đôi mắt chị nhìn ra phía cửa, không thấy bóng bọn trẻ quanh quẩn đó nữa, chị mới nói như thì thầm:

- Chẳng giấu gì cô giáo, bố chúng nó có người khác rồi. Lúc đầu do khó khăn nên tính đi làm thuê cho chủ, ai ngờ được bà chủ tin rồi thích. Họ công khai ăn ở hẳn với nhau rồi kéo nhau đi chỗ khác làm ăn. Tôi thì không sao, cái số mình khốn khổ thì đành chịu, chỉ thương lũ trẻ con, khổ quá...Tôi cũng không dám nói thật, sợ chúng nó buồn và ghét bố. Tôi chỉ bảo rằng bố chúng đi làm xa thôi, bởi thỉnh thoảng ông ấy cũng vẫn ghé về cho mấy đứa được vài trăm nghìn. Giờ tôi lại bị căn bệnh lao quái ác này, thuốc thang tốn kém cũng chẳng thấy ăn thua gì, lắm lúc nghĩ chán quá, tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong nhưng lại thương lũ trẻ, dẫu sao hàng ngày có cái bóng của mình chúng nó cũng vẫn là có mẹ, chứ không thì...

Nói đến đấy, không cầm lòng được nữa, nước mắt chị trào ra. Mắt Linh cũng cay xè.

Linh ngồi nói chuyện với chị một lúc nữa để hiểu thêm về hoàn cảnh của gia đình và an ủi cho chị đỡ buồn. Qua lời kể của người mẹ, Linh càng hiểu thêm về Chiên. Thì ra hoàn cảnh đã tạo cho cô bé sự già dặn trước tuổi. Nó lo đóng đủ tiền học cho các em, còn mình phải khất cô giáo cho đóng sau. Sáng sáng, nó cố lấy nhiều thêm hà để mau có đủ tiền nộp cho cô giáo nên mới hay đi học muộn như thế. Vì không muốn lớp mãi bị trừ điểm thi đua vì mình nên nó mới đành nghỉ học, định khi nào góp đủ tiền nộp cho cô nó mới tiếp tục đến trường. Càng hiểu về Chiên, Linh càng thấy mình sao thật vô tâm. Nếu không có buổi chiều hôm qua, chắc chẳng bao giờ Linh biết rằng học trò của cô có một hoàn cảnh éo le, khó khăn đến thế.

Tạm biệt mẹ con Chiên, rời khỏi ngôi nhà một đoạn khá xa rồi mà hình ảnh người mẹ tiều tuỵ, gầy ốm bên bốn đứa con gái nheo nhóc vẫn như còn ở trước mắt cô, khiến lòng cô quặn lên nỗi xót xa, day dứt. Cô phải làm gì bây giờ nhỉ? Giúp nó một ít tiền hay miễn tiền học cho nó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, cũng chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Linh cứ nghĩ miên man. Phải rồi... bài thực hành đạo đức, tình huống này sao mà giống trong giờ đạo đức ngày hôm qua. Cô sẽ dạy lại bài thực hành đạo đức ấy cho cả lớp ngay sáng mai. Linh thấy nhẹ lòng trước ý tưởng vừa loé lên trong óc. Trước mắt cô hiện lên hình ảnh bọn trẻ cả lớp vui vẻ, hồ hởi đến gia đình Chiên và giúp đỡ em tiếp tục đến trường. Các em sẽ thực sự có một bài thực hành đạo đức sâu sắc trong cuộc đời về tình yêu thương chia sẻ, cảm thông giữa những con người. Còn Chiên, em sẽ rưng rưng đón nhận tất cả những tình cảm chân thành ấy, sẽ hiểu thêm rằng : Chia sẻ buồn vui với bạn không chỉ là sự cho đi như em đã nghĩ, mà đó còn là sự gần gũi, bộc bạch san sẻ với các bạn những khó khăn trong cuộc sống của mình để được nhận từ các bạn những tình cảm chân thành nhất, giúp em đủ sức mạnh và niềm tin vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời. Riêng với Linh, đến tận hôm nay cô mới chính thức được thực hành bài đạo đức quen thuộc này: Bài đạo đức về tình yêu thương.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Đặng Thị Thúy

Tin xem thêm

Nước đổ thôi đành

Giải trí
03/01/2025 22

Bằng hí húi dưới bếp. Con Xuân chợt gọi: Mẹ ơi! Lại đây! Xem này! Có một trang Fây búc tên Băng Băng. Có cả ảnh! Nom đúng dì Băng! Không sai!

Truyện ma: Tú tài ma phá án

Giải trí
03/01/2025 21

Gia đình giữ kỷ lục về số người tham gia Đường lên đỉnh Olympia

Giải trí
03/01/2025 19

Hữu Trí, Ngọc Trang, Ngọc Tân là thành viên của gia đình có nhiều thí sinh tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia nhất.

Ca sĩ Trúc Nhân sang Singapore sống 1 năm, đón giao thừa ở Mỹ trong đau nhói

Giải trí
03/01/2025 14

Lần đầu, ca sĩ Trúc Nhân tiết lộ chuyện sang Singapore sống hơn 1 năm hồi 2019 và lần chủ động sang Mỹ dịp tết Nguyên đán 2023.

Thanh niên ta rất hăng hái

Giải trí
03/01/2025 09

Danh ngôn bốn phương

MC Mai Ngọc đăng ảnh lễ cưới, fan ngưỡng mộ với gia thế chú rể

Giải trí
03/01/2025 09

Trên trang cá nhân, MC Mai Ngọc tiếp tục đăng thêm ảnh cưới không giấu mặt chồng, gửi lời cảm ơn mẹ đẻ và mẹ chồng đã luôn đứng sau ủng hộ vợ chồng cô.

Hai người bạn

Giải trí
03/01/2025 09

Một ngày kia, có hai người là bạn thân đi bộ ngang qua một khu rừng.

'Trấn Thành yêu cầu siêu cao, cát sê không thấp nhưng tôi không ngán!'

Giải trí
03/01/2025 09

"Đạo diễn trăm tỷ" Võ Thanh Hòa từng chỉ đạo phim "Bệnh viện ma" Trấn Thành đóng 8 năm trước. Dù vị thế Trấn Thành nay đã khác, Võ Thanh Hòa nói nếu thấy phù hợp cũng khô...

Nếu không có đường thì kẹo cũng là thứ bỏ đi

Giải trí
03/01/2025 08

Mỗi ngày một ‘ranh ngôn’


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media