Chỉ là y tá nghèo tại một vùng quê Chiết Giang, ông Thái Tiếu Vãn đã giúp 5 người con giành học bổng tiến sĩ của những đại học hàng đầu nước Mỹ.
Người con thứ sáu của ông Thái dù chỉ có bằng thạc sĩ, hiện giữ chức vụ cao tại một ngân hàng quốc tế tại Trung Quốc.
Ông đã đúc kết được 10 bài học dạy con, giúp chúng trở nên xuất sắc.
1. Hãy chọn ngồi ghế trước
Ông Thái luôn dạy con: "Mọi thứ liên quan tới thành công đều dễ thấy. Muốn người khác nhận ra sự tỏa sáng của mình, phải để họ nhìn thấy con trước".
Một năm, người con lớn của ông đang học cấp 1, vì không được bầu làm lớp trưởng nên thất vọng đi về nhà. Cậu hỏi bố vì sao các bạn không chọn mình. Người bố hỏi ngược: "Thế con đã chủ động tự tiến cử mình chưa?". "Không, con thấy xấu hổ", cậu bé nói.
Người bố mang một túi cam đến và nói: "Hãy chọn quả đẹp nhất". Cậu bé nhìn một lúc rồi lắc đầu: "Những quả cam này đều giống nhau". Lúc này người bố nói: "Đúng vậy, nếu con muốn mọi người nhận ra mình, trước hết con phải tìm ra cách để mọi người nhìn ra điểm mạnh của mình. Ngồi phía trước là bước khởi đầu của việc khiến bản thân trở nên nổi bật", người bố nói.
2. Rèn tư thế đi bộ, ngẩng cao đầu và nhìn thẳng về phía trước
Đừng coi thường tư thế đi bộ của bạn, bởi tư thế này phản ánh tốt nhất cảm xúc cũng như sự tu dưỡng bản thân, khí chất của một con người.
Các nhà tâm lý học tại Trung Quốc đã từng thử nghiệm 15.000 tình nguyên viên. Theo đó những người bước đi với tư thế ngẩng cao đầu và nhìn thẳng, họ luôn tự tin và chỉ số hạnh phúc cũng cao hơn. Khi những người có dáng đi khom lưng được hướng dẫn tập đi với tư thế ngẩng cao đầu, sau một thời gian họ tự tin hơn, suy nghĩ cũng tích cực hơn.
"Bởi vậy, chỉ khi thay đổi thái độ và tốc độ, bạn mới có thể thay đổi được tâm lý của chính mình", ông Thái nói.
3. Tập nhìn thẳng vào người khác và mỉm cười
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là nơi thể hiện sự chân thành cũng như đại diện cho sự tự tin. Một khi chúng ta dám đối diện với người khác bằng đôi mắt, nó giống như nói với đối phương: "Tôi chân thành, trung thực và đáng tin cậy". Còn những ánh mắt né tránh, hoặc chớp mắt thường xuyên, không dám nhìn người khác chứng tỏ người đó rụt rè, tự ti.
Bởi vậy tập đối mặt với người khác không chỉ phản ánh sự tự tin của bạn, mà nó còn thể hiện bản lĩnh cá nhân.
4. Từ một tuổi rưỡi, hãy dạy trẻ biết dẫn đường
Đừng là người hướng dẫn con bạn mọi lúc. Mỗi khi ra ngoài, ông Thái yêu cầu con dẫn đường cho cha mẹ.
Từ 1,5 tuổi, bắt đầu giai đoạn phát triển tính độc lập cho trẻ. Buông tay đúng lúc là cách để đứa trẻ làm đầu tàu. Và khi trẻ lần đầu được dẫn đường, bố mẹ đừng keo kiệt dành lời khen cho con. Sự khẳng định và động viên của phụ huynh, chính là thuốc tăng cường tâm lý tốt nhất để trau dồi tính độc lập và tự tin cho trẻ.
5. Từ 3 tuổi, hãy dạy trẻ tiết kiệm đúng cách
Tiết kiệm tiền nghĩa là gì? Có nghĩa trẻ hiểu tài nguyên của bản thân là có hạn, và biết cách chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng, nếu nó xảy ra.
Ông Thái đã thiết kế nhiều trò chơi cho các con mình. Đứa trẻ chiến thắng sẽ dành được một khoản tiền nhỏ rồi cho vào sổ tiết kiệm cá nhân. Với ngày càng nhiều tiền trong sổ tiết kiệm, ý thức về thành tích của trẻ cũng tăng lên.
Dù là một trò chơi tài chính thời thơ ấu, nhưng cũng truyền cảm hứng tư duy kinh tế cho cậu con trai thứ hai của ông Thái. Cậu đã bắt chước cha mình, tự "lập sổ ngân hàng" giúp anh chị em mình khi còn nhỏ. Tốt nghiệp đại học, cậu đã được một công ty tài chính nổi tiếng của Mỹ mời về làm phó chủ tịch.
"Cách bố dạy quản lý tài chính từ bé không chỉ là việc biết cách chi tiêu mà còn xây dựng cho chúng tôi tính độc lập, biết suy nghĩ và tự giác", người con trai nói.
6. Sau 3 tuổi, hãy dạy trẻ phép xã giao
Khi nhà có khách, ông Thái yêu cầu các con dọn dẹp nhà cửa, mời khách ăn trái cây và biết nhường ghế cho người lớn tuổi. Theo ông, những đứa trẻ biết cư xử sẽ khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần. Chúng sẽ biết quan tâm đến người khác, nhân ái và nhiều bạn bè hơn.
Theo ông, ý nghĩa thực sự của phép lịch sự là bày tỏ sự tôn trọng với người xung quanh. Dù làm bất cứ điều gì cũng phải có thái độ hài hòa, nhã nhặn, ăn nói có đầu có cuối, không dùng thái độ hằn học, khó chịu khi giao tiếp. Cách thể hiện lịch sự của mỗi người khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau nhưng nguyên tắc chung nhất là phải tôn trọng người khác.
7. Tranh luận một cách có ý thức với trẻ và để trẻ chiến thắng
Bố mẹ đừng nên giành chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận với con. Khi trẻ không có cảm giác kiểm soát cá nhân đối với cuộc sống của mình, phản ứng căng thẳng sẽ xảy ra và có thể dẫn đến các hành động phản kháng. Ngược lại, khi trẻ có cảm giác kiểm soát vấn đề, chúng sẽ suy nghĩ "một cách hợp lý và thoải mái hơn".
Chính vì vậy, trong các cuộc tranh luận giữa bố mẹ-con cái, không nhất định giành chiến thắng trước con. Điều quan trọng là lý giải cho trẻ hiểu cái đúng và chưa đúng. Điều này cũng thúc đẩy sự tự tin và lòng can đảm, dám thể hiện mình cho trẻ.
8. Phát triển khả năng nói trước đám đông của trẻ
Nói chuyện trước đám đông là cách để trẻ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, trình bày ý kiến và chủ động hơn trong cuộc sống. Thực tế cho thấy khi trưởng thành, những đứa trẻ tự tin trong cử chỉ, lời nói thì dễ dàng nắm bắt nhiều cơ hội, có khả năng đạt được địa vị cao trong xã hội, phát triển mối quan hệ bạn bè và thành công hơn với mục tiêu của bản thân
9. Hãy để trẻ tin rằng chúng là một người đặc biệt và có thể làm được một điều đặc biệt trong tương lai
Trong nhà của ông Thái treo nhiều chân dung của những vĩ nhân của thế giới như Newton, Albert Einstein, Marie Curie... Ông cũng thường xuyên kể những câu chuyện về các vĩ nhân cho con cái nghe.
Khi con gái 4 tuổi, cô bé đã quyết tâm "trở thành Marie Curie của Trung Quốc". "Con sẽ học trường đại học tốt nhất thế giới", cô bé nói. Ông Thái không bao giờ đùa cợt tham vọng đó. Thay vào đó ông đưa ra những lời khuyên nghiêm túc, để con đi từng bước đạt được mơ ước. Theo người cha, ông tin con mình sẽ thực hiện được, bởi: "Nếu không có niềm tin, không làm được gì cả". Sau này cô con gái trở thành phó giáo sư trẻ nhất Đại học Harvard ở tuổi 28, hiện là trợ giảng tiến sĩ tại đại học này.
Ông Thái cũng kể cho con nghe về Rosenthal, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ. Nhà tâm lý này từng đến một trường trung học cơ sở bình thường để làm một thí nghiệm. Ông khoanh một loạt tên trong danh sách học sinh nhận được rồi nói với hiệu trưởng và các giáo viên: "Những học sinh này có chỉ số thông minh rất cao". Tám tháng sau, một điều kỳ diệu đã xảy ra, những học sinh có tên trong danh sách của Rosenthal đều có thành tích tốt nhất trường. Thực ra thời điểm đó, nhà tâm lý học đã nói dối, bởi ông chỉ chọn ngẫu nhiên.
"Hãy để bọn trẻ tin rằng chúng sẽ có tương lai. Chúng sẽ dần phát triển thành những gì chúng tin tưởng", người cha nói.
10. Đừng phủ nhận ý kiến của trẻ một cách thô bạo
Ngay cả khi cha mẹ nghĩ rằng điều đó là sai, đừng phủ nhận ý kiến của trẻ một cách thô bạo. Thay vào đó, hãy tôn trọng suy nghĩ của trẻ và đưa ra những lời khuyên chân thành.
Có thời điểm cậu con trai thứ tư của ông Thái, người luôn đạt điểm cao tại trường không muốn đi học nữa. Cậu muốn đến chùa Thiếu Lâm luyện võ. Ông Thái không phản đối mà yêu cầu con viết giấy cam đoan: "Đảm bảo cả đời này phải học võ và phải trở thành một sư phụ lão luyện". Sau đó ông gửi con trai đến chùa Thiếu Lâm. Thời gian đầu, cậu bé rất vui vẻ, nhưng lâu dần, chấn thương khi tập luyện võ thuật bắt đầu hành hạ.
Hai tháng sau, cậu con trai muốn quay trở lại trường học nhưng ông Thái từ chối: "Mọi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Không phải cứ muốn là đi, muốn quay lại là được. Phải kiên trì qua một học kỳ". Sau khi kết thúc thời hạn học võ theo lời của bố, cậu con trai đã quay lại trường học và chăm chỉ học tập, được nhận vào một trường điểm của tỉnh Chiết Giang, rồi sau này tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Đại học bang Arkansas, Mỹ.
"Nếu ngày đó bố phản đối tôi vào chùa Thiếu Lâm, chắc tôi đã là một cậu bé nổi loạn thay vì có được như ngày hôm nay", người con trai nói.
Tổng hợp nhiều nguồn