Sau trường ca “Pháo hoa đêm tháng Chạp”, xuất bản năm 2022 kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, mới đây, nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội ra mắt tiếp tập thơ “Ru những tàn phai”.
Ru những tàn phai như giới thiệu của NXB Hội Nhà văn là đầu sách thứ 7 và là tập thơ in riêng thứ 5 của tác giả Nguyễn Đăng Tấn. Tập thơ có mạch cảm xúc sáng tạo hình thành nên từ nguồn cảm hứng của ký ức cội nguồn, thể hiện một nhân sinh quan tích cực, một tâm hồn đau đáu hướng về và khao khát bảo tồn những chân giá trị truyền thống đang đối diện với nguy cơ phai mờ, tiêu biến khỏi đời sống đương đại.
Nhà thơ nhìn cuộc sống theo triết lý của tư duy sáng tạo biện chứng, không chỉ bằng biểu hiện từ bên ngoài mà đi vào chiều sâu, sự biến chuyển, vận động - cái “tôi” trong cái “ta” của sự phát triển.
Đọc những bài thơ trong Ru những tàn phai, chúng ta bắt gặp một làng quê bị lấn át bởi tiếng xập xình của mấy quán karaoke xé toang bầu không khí yên bình. Những cái tên đầy thơ mộng, gắn với “tên đất tên làng sau mỗi chuyến di dân” như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết giờ thay bằng vài con số khô khan: “Thay vào những con số thôn 1,2,3,4,5 của thời số hóa/ Nhưng hồn cốt còn đâu, cả nước giống nhau nên nhầm lẫn dễ quên”…
Nguyễn Đăng Tấn cảm thấy bơ vơ giữa cũ và mới - tất nhiên “mới” ở đây không có nghĩa là đổi mới, là phát triển. “Hồn cốt” mà nhà thơ muốn nói đến là nếp văn hóa truyền thống đã bị mai một. Nỗi trăn trở khi còn đâu những trò chơi dân gian, chum tương, khung cửi dệt lụa là hồn cốt quê hương đã “theo mẹ về giời”, cho nên: “Tôi một mình, một mình lang thang"(Tự khúc làng)…
Ta về khâu lại ngày xưa là một bài thơ khiến người đọc day dứt: "Ta về tìm dấu cỏ may/ Vít chiều khâu lại những ngày xa xưa”. Tác giả khâu gì của những ngày xa xưa ấy? Một dáng lưng ong, một tiếng ru ạ ời giữa trưa hè, và: “Chập chờn sương khói bến mê/ Làng ơi giờ đã bốn bề building/ Còn đâu mái rạ, sân đình/ Còn đâu cổ tích đi rình khế chua”…
Ru những tàn phai không chỉ dừng lại ở nỗi niềm đau đáu về giá trị truyền thống mà trên hết là cảm thức tự hào về quê hương, đất nước và tình yêu. Sa Pa mây bay, Xuống chợ là những bức tranh tuyệt đẹp về mọi vùng miền của Tổ quốc.
Tác giả viết về đàn bầu nhưng thực ra là viết về đất nước. Chỉ đơn giản là tre trúc, là “tiếng sắt tiếng đồng” nhưng chứa đựng cả kho tàng văn hóa: “Ngàn năm vẫn một dáng hình/ Một dây tơ nặng nghĩa tình nước non/ Khúc đâu mưa nắng, tủi hờn/ Lắng trong tình đất nẻo hồn quê hương”.
Bài Tiếng trống đồng miền biên viễn thể hiện hình ảnh đẹp về truyền thống đoàn kết đánh giặc giữ nước của dân tộc. Truyền thuyết người Lô Lô dùng tiếng trống đồng để báo động khi có giặc đến xâm lược là minh chứng cho điều đó: “Tiếng trống vọng bao lần dội núi?/ Đến Đông Quan, gươm mài đá dưới trăng/ Để có những Bạch Đằng cuộn sóng/ Để những Đống Đa hòa với Chi Lăng”.
Viết về tình cảm đôi lứa, Nguyễn Đăng Tấn có góc nhìn rất riêng. Yêu không chỉ là trao gửi là đồng vọng cảm xúc. Từ xa xưa cho đến nay, tỏ tình là giây phút thiêng liêng, là bước ngoặt trong tình yêu nên cặp đôi nào cũng hồi hộp và đắn đo, đôi khi không dám nói thẳng mà vòng vo: “Lời yêu thả ở đỉnh trời/ Chỉ thương cơn gió mang lời đi xa/ Lời yêu đứng giữa ngã ba/ Biết đâu lối rẽ để mà tìm nhau” (Lời yêu).
Một loạt "triết lý" tình yêu trong Khúc đồng dao rất thực nhưng cũng khái quát: “Tình yêu không phải là món quà/ Ban phát cho tất cả/ Tình yêu nặng như đá/ Gặp gió không thể bay đi”...
Xét về mặt nghệ thuật, có thể nói tập thơ đã có những bước tiến quan trọng. Cảm xúc và trí tuệ luôn gắn kết, hòa quyện vào nhau, nhiều triết lý nhưng không khô khan mà vẫn bay bổng.
Đặc biệt thể thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, vậy mà tác giả đã viết được nhiều câu thơ nhuần nhuyễn như ca dao, chứa đựng thông điệp sâu sắc: "Cối xay xay những đêm mòn/ Bao nhiêu vòng nắng cho tròn giấc mơ (Nét quê); "Hẹn hò bạc phếch tháng năm/ Thương người mòn mỏi, con tằm nhả tơ (Vàng thu); “Ngẩn ngơ tiếng sắt tiếng đồng/ Đục trong là phận, long đong là tình” (Ngàn năm vẫn một dáng hình)...
Với Ru những tàn phai, nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn đã mang đến cho độc giả một cách tiếp cận mới với các vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, một thái độ ứng xử gần gũi và hướng thiện, đặc biệt giàu nhân ái và tình người.
Theo Vietnamnet