“Điều đau đớn nhất trong những câu chuyện trẻ em bị xâm hại là các bạn nhỏ không biết mình là nạn nhân của một trong những tội ác kinh khủng nhất”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.
Trong gần 20 năm làm nghề tư vấn tâm lý giáo dục cho phụ huynh, học sinh, TS Vũ Thu Hương (Hà Nội) nhiều lần phải lau nước mắt khi nghe những câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, có những em bé không biết mình là nạn nhân, không dám nói sự thật với bố mẹ và phải mang vết thương tâm lý đó cả đời.
Trong số các nạn nhân chị từng đồng hành để chữa lành nỗi đau quá khứ, có một bạn trẻ tên Y. Nhà Y. chỉ có 2 mẹ con, sau khi mẹ đi làm ăn ở tỉnh khác, Y. về ở cùng bà ngoại.
Năm lên 8 tuổi, Y. lần đầu tiên bị gã hàng xóm “nửa tỉnh nửa say” xâm hại. Cô sợ hãi đến co quắp nhưng không dám hé răng nói với bà ngoại nửa lời vì bị gã đàn ông hăm dọa.
Suốt 7 năm tuổi thơ, Y. thêm nhiều lần bị gã hàng xóm quấy rối. Cô ê chề, tủi nhục, giấu giếm mẹ, bà ngoại và mọi người. Cho đến khi vào cấp 3, được mẹ đón về ở cùng, sự việc đau lòng mới kết thúc.
Tuy nhiên, ký ức kinh hoàng đã trở thành vết thương tâm lý khó chữa lành. Ở tuổi dậy thì, khi biết rung động trước tình yêu, Y. luôn mang nỗi ám ảnh bản thân dơ bẩn, không xứng đáng được yêu. Đã có lúc, cô muốn tìm đến cái chết nhưng không đủ can đảm.
TS Thu Hương bày tỏ, điều đau đớn nhất trong câu chuyện của Y. và rất nhiều vụ tương tự khác là các bạn nhỏ không biết mình là nạn nhân của một trong những tội ác kinh khủng nhất. Nhiều bạn nhỏ nghĩ bản thân dơ bẩn khi bị xâm hại và chính lý do này đã ngăn các bạn tố cáo thủ phạm.
“Có gì đau đớn và đáng sợ hơn với 1 đứa trẻ khi nghĩ rằng con bơ vơ, không ai bảo vệ, bao bọc khi con vừa bị xâm hại. Đã có cháu tự tử chỉ vì lý do này. Cũng có rất nhiều cháu bị xâm hại nhiều năm tháng mà không ai phát hiện ra.
Do vậy, cha mẹ là người cần có kiến thức để phát hiện ngay lập tức, ngăn chặn các vụ việc tương tự và tố giác kẻ phạm tội”, TS Thu Hương nói.
Theo đó, chuyên gia tâm lý chỉ ra một số biểu hiện của trẻ khi bị xâm hại để cha mẹ nhận biết:
- Việc ăn uống, sinh hoạt của con có nhiều nét bất thường. Ví dụ: Con vốn là trẻ ham ăn thì đột ngột bỏ ăn. Con đang lười ăn bỗng đòi ăn nhiều hơn. Con ham ngủ hơn bình thường.
- Với các bé gái, khi thấy con tỏ thái độ né tránh người khác, đặc biệt là nam giới hoặc đột nhiên thấy con né tránh bố, không gần gũi như bình thường, các mẹ nên đặt câu hỏi ngay lập tức về việc con có bị xâm hại hay không.
- Con đột nhiên tắm rất nhiều và tắm rất lâu. Đây là một biểu hiện đặc thù của những nạn nhân xâm hại tình dục. Các con có cảm giác cơ thể mình bẩn nên muốn tắm. Thậm chí có con còn tắm đến bợt da.
- Con đột ngột có những biểu hiện bất thường. Ví dụ: Con chưa bao giờ tè dầm hay khóc đêm nhưng đột nhiên hiện tượng đó xuất hiện, con đột nhiên yêu thích móng tay và ngồi gặm suốt cả ngày…
- Khóc, la hét, hoảng hốt bật dậy trong đêm. Hiện tượng này là rõ nét nhất. Nếu cha mẹ thấy con khóc hờn liên tục trong vài đêm liền, ngồi dậy la hét và ai động vào thì vung chân tay loạn xạ… chắc chắn chúng ta cần đặt câu hỏi ‘con có bị xâm hại không?’.
“Chúng ta không ai mong chuyện xấu xảy ra với trẻ em nhưng nếu có các kiến thức trên, cha mẹ có thể phát hiện sớm, tránh những điều đáng tiếc xảy ra như bị xâm hại thời gian dài hay trẻ tự tử...”, chuyên gia tâm lý nói.
Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ bị xâm hại cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần có kiến thức để kịp thời giúp con điều trị cơ thể, tâm lý, để các con tiếp tục vui sống sau này.
TS Thu Hương đưa ra một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh trong trường hợp này:
- Gia đình cần trấn an con, giúp con bình tâm lại sau vụ việc. Sự chăm sóc cần có những hiểu biết về tâm lý trẻ, đặc biệt là trẻ vừa bị xâm hại để không gây ra các cú sốc tâm lý tiếp theo với các con.
- Cha mẹ cần ngay lập tức đưa con đến cơ sở y tế để khám chữa, làm các xét nghiệm sàng lọc, điều trị phơi nhiễm các căn bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục.
- Gia đình cần thay đổi lại toàn bộ hình ảnh trong nhà, thay đổi vị trí các vật dụng, sơn sửa mới, tạo mầu sắc tươi sáng để giúp các con không bị gợi nhớ lại các kí ức kinh hoàng.
- Gia đình cân nhắc việc thay đổi chỗ ở, thay đổi chỗ học tập của các con nếu các vụ việc xảy ra tại những nơi này. Việc này là rất cần thiết để các con không bị gợi nhớ đến các kí ức đó.
- Gia đình nên tạo thêm các hoạt động vui chơi thoải mái giữa các thành viên để con quên dần những thời khắc kinh hoàng của cuộc đời.
- Cần tuyệt đối cấm các thành viên tạo ra hoạt động gợi nhớ những kí ức cũ để trẻ không bị rơi vào khủng hoảng.
“Cha mẹ cần vững vàng tâm lý để làm chỗ dựa cho các con, những nạn nhân vô cùng đáng thương”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet