Đôi mắt lạnh lùng, không chút cảm xúc của cô bé tên là Bích Ngân cứ như xoáy vào cô, như thách thức sự kiên nhẫn ở cô. Đáng lí ra cô sẽ quát vào mặt cô bé:
- Sao em lì lợm đến thế? Đừng có mà thi gan với tôi!
Vậy nhưng cô chẳng thể nào làm được. Cô chạy như để thoát khỏi cơn giận dữ khi còn mười phút nữa mới hết tiết học.
Thời sinh viên, Lan thường mơ thấy mình đứng trên bục giảng. Trước mặt cô là những cô cậu học trò ngoan ngoãn và đáng yêu. Vậy mà khi ra trường, thực tế như một gáo nước lạnh dội vào những ý nghĩ của cô. Hóa ra lũ học trò thật quái quỷ. Có thể, chúng là những con mèo ngoan nhưng cũng có thể chúng là những con nhím, sẵn sàng chĩa những chiếc gai nhọn về phía người đối diện... Khi gặp những vi phạm của học trò thì các thầy cô thường chọn một hình thức phạt nào đó, hoặc có thể là buông xuôi, phớt lờ cho qua. Nhưng trường hợp của Lan với cô bé này lại khác. Sau hai lần xử lí bằng cách chép bài thì cô chẳng biết làm gì hơn được nữa.
Cô bé ngồi ở dãy bàn gần cuối lớp. Suốt cả tiết học, cô bé không chịu ghi chép, dù trên mặt bàn, cuốn vở bộ môn vẫn mở ra chờ đợi.
- Tại sao em không chép bài?
Im lặng.
Lan hỏi lại lần nữa:
- Tôi hỏi em: Tại sao em không chép bài?
Vẫn im lặng. Mọi cặp mắt đều nhìn về cô bé. Dằn cơn nóng giận xuống, Lan bắt cô bé đứng lên và cô tiếp tục bài giảng trong sự ấm ức. Cuối tiết học hôm ấy, Lan đã cho cô bé về nhà chép lại bài. Vậy mà đến tiết học tiếp theo, cô bé cũng không chép bài. Lan không thể nào chịu được nên bắt cô bé viết bản tự kiểm điểm. Và hôm nay có tiết sinh hoạt cuối tuần. Trước bao cái nhìn của các bạn trong lớp, khi Lan hỏi lí do thì khuôn mặt của cô bé cũng lạnh lùng tưởng như hình phạt của Lan là điều mà cô bé đang chờ đợi. Thật không thể nào hiểu nỗi.
Chuyện gì thế này? Phải chăng Lan không đủ trình độ để hiểu tâm lí học trò? Phải chăng Lan quá nóng nảy và khắt khe? Một chút nghi ngờ vừa thoáng qua.
Tranh của họa sĩ Uyên Thao
Mưa. Những cơn mưa cuối thu dai dẵng đến lạ lùng. Trong căn phòng nhỏ, Lan hết nằm lại ngồi. Trên bàn, màn hình máy tính còn mở, lời nhắc nhở của email báo hiệu cô có tin nhắn cần đọc. Nhưng Lan chưa mở vội, cô còn mãi đăm chiêu với cuốn học bạ.
Lan đã đọc đi đọc lại. Những con chữ mang tính khẳng định khiến cô day dứt: “Chăm, ngoan, học giỏi. Cần phát huy!” “Là một cán bộ lớp năng nổ, gương mẫu. Kết quả học tập tốt...” Điểm số trung bình năm lớp sáu: 8,3, năm lớp bảy: 8,8.
Có thể nói, đây là một cuốn học bạ có chỉ số “đẹp”. Vậy mà sự thực đang nói lên cái điều ngược lại. Những điểm số đầu năm, không chỉ một và nhiều bộ môn đều thấp. Một sự nhầm lẫn? Một sự tụt dốc hay là gì?
Có một cái gì đó đang hối thúc. Phải làm gì đây? Lan lục cặp và lấy ra tờ giấy ghi địa chỉ của từng học sinh. Mắt cô dừng lại ở cái tên Huỳnh Thị Bích Ngân. “Số điện thoại... số nhà...” Lan đứng dậy đi về phía cửa. Một chút ngần ngại thoáng qua khi cô nhìn ra. Từng dòng nước vẫn chảy miên man trước hiên nhà. Thỉnh thoảng, một cơn gió thổi qua, những dòng nước từ mái hiên đổ xuống bắn tung tóe. Lời của Phượng, cô giáo cùng tổ còn văng vẳng bên tai: Việc gì phải đi cho nó mệt! Cứ gửi giấy triệu tập phụ huynh đến trường. Gia đình họ phải có trách nhiệm!
Lan lấy điện thoại di động và bấm số. Đầu dây là giọng của một phụ nữ:
- Ai đó?
- Dạ thưa... Đây có phải là nhà của em Bích Ngân không ạ?
- Phải! Nó lại bỏ học đi chơi phải không cô? Tôi biết thế nào rồi cũng có ngày này mà! Để tôi gọi cho bố nó...
- Hóa ra chị... chị không phải là mẹ của em ạ?
- Thế mới khổ! Ai đời con cái, cứ đẩy vào cái thân của bà cô này... Tôi đã nói rồi mà bố nó đâu có nghe. Bỏ nhau mà cứ dành nuôi con cho bằng được. Nó về đây, không phải là tôi không nuôi được nó nhưng mà... Nói cô thông cảm... Mẹ nó thế, trước sau gì nó cũng như mẹ nó thôi... Báu gì!
- Em xin lỗi...
Lan buông điện thoại. Một cuộc đối thoại nằm ngoài dự tính. Trong sự bất ngờ, Lan đã tắt máy mà chẳng nghĩ rằng mình có thể là kẻ bất lịch sự. Giọng nói the thé, chua chát của người xưng là bà cô vẫn nhoi nhói bên tai. Chợt nhớ ra bóng áo trắng ở góc lớp khi đi ngang qua. Rất có thể cô bé vẫn chưa về nhà. Lan choàng vội tấm áo mưa và dắt xe ra để đi đến trường mặc cho cơn mưa càng lúc càng nặng hạt.
Dựng chiếc xe ở khu hiệu bộ, cô tháo tấm áo mưa rồi nhanh chân bước về phía cầu thang. Lòng cô vương vất một nỗi lo lắng, vừa mơ hồ mà cũng như đang hiện hữu. Có phải Bích Ngân vẫn ngồi lại lớp sau giờ tan trường không? Cô chẳng dám nghĩ được gì hơn là phải kiếm cho ra cô bé ngay lúc này. Bác bảo vệ đi kiểm tra phòng học tươi cười khi thấy cô:
- Cô quên gì ở lớp sao?
- Dạ! Cháu muốn tìm một em học sinh...
- Giờ này chúng nó về hết rồi!
- Thế ạ?
Lan quay trở ra, nhưng vừa được mấy bước thì cô quay ngược trở lại, cô muốn đến tận lớp để khẳng định lại một lần nữa, rằng Bích Ngân đã về. Qua mười lăm bậc cầu thang, Lan đã đứng trước cửa lớp học. Cánh cửa lớp chỉ khép hờ. Cô vội vàng mở ra và nhìn về phía cuối lớp. Chẳng có ai ở đó cả. Vậy là Bích Ngân đã về. Nhưng cô bé đi đâu mà không chịu về nhà giữa cơn mưa thế này?
Lan lên xe mà chẳng biết đi đâu. Về nhà ư? Không thể! Hay là đến nhà Bích Ngân? Nếu gặp “bà cô” lúc nãy thì Lan phải nói sao?
Gió. Và mưa. Những giọt nước mưa quất vào mặt, vừa đau, vừa rát. Tới đoạn đường gồ ghề, Lan cố giữ tay lái để vượt qua những hũng nước vừa đọng lại. Đến ngã ba, Lan ngập ngừng rồi chuyển tay lái. Thôi! Cứ về nhà cái đã, có gì thì chiều rồi tính.
Dắt xe lên mái hiên, buông chiếc áo mưa ở cửa, Lan bước nhanh.
Bất ngờ đến kinh ngạc, Bích Ngân ngồi đó, trên chiếc ghế sa lông đã cũ ở phòng khách nhà Lan. Chiếc áo trắng mỏng của cô bé bị ướt còn bết dính vào người. Hai đôi mắt của hai cô trò nhìn nhau đầy cảm xúc.
- Cô đi đâu giờ này mới về? Em chờ cô mãi...
- Bích Ngân! Sao em lại ở đây?
- Thưa! Em... Em đến để xin lỗi cô...
- Em đi giữa mưa thế à? Ướt hết rồi kìa! Để cô lấy cho em cái khăn...
Lan vội đi vào trong và mang ra cho cô bé một cái khăn và bộ quần áo:
- Em vào trong thay đồ đi cái đã...
- Dạ! Nhưng...
Ngại ngần một lúc rồi cô bé cũng ôm bộ áo quần và bước vào trong.
Sau một lúc cả hai cô trò cùng ngồi đối diện trong phòng khách. Trong bồ đồ ở nhà của Lan, Bích Ngân có vẻ già dặn hơn:
- Thưa cô! Em... em đã làm phiền đến cô phải không ạ?
- Thực sự cô rất buồn. Hình như em có vấn đề gì khó nói phải không?
- Cô cho em ở lại đây ít bữa được không ạ?
- Nhưng còn gia đình của em...
- Em... Em không muốn về đó nữa...
- Em đang ở với gia đình bà cô phải không?
- Vâng! Đó là cô, em gái cùng cha khác mẹ của bố em.
Đôi mắt Bích Ngân mệt mỏi, những ngón tay khẳng khiu miết trên mặt ghế. Chợt nhớ ra, Lan bảo cô bé ngồi yên và đi xuống bếp. Một lát sau, cô đi lên với tô mì đang bốc khói.
- Em ăn đi rồi chúng ta nói chuyện...
Và rồi cuộc chuyện tò đã diễn ra sau đó.
- Cô... Bố mẹ cô yêu thương cô chứ ạ?
- Đó là điều hiển nhiên. Mà sao hả em?
- Em... Em sinh ra không phải để dành cho bố mẹ...
- Em đừng nói thế!
- Sự thật là thế cô ạ...
Giọng Bích Ngân nhỏ dần, tưởng chừng như có thể tan ra trong tiếng mưa rền rỉ.
... Gia đình em ở Đồng Nai cô ạ. Em là con một. Bố em làm công tác tổ chức ở một công ty nhà nước, mẹ em làm nghề buôn bán. Cuộc sống của em rất đầy đủ về vật chất. Bất chợt Bích Ngân dừng lại và hỏi:
- Ở nhà cô, mẹ là người yêu thương chăm sóc cho cô. Đúng không ạ?
Rồi không đợi Lan trả lời Bích Ngân nói tiếp:
- Với em, người lo lắng cho em từ miếng ăn giấc ngủ là bà ngoại. Bố em thường xuyên đi công tác. Mẹ em chạy theo những chuyến hàng. Ở lớp, các bạn thường ghen tỵ với em... Các bạn bảo em sướng! Nhưng... các bạn ấy không biết rằng, em đang thèm được như các bạn ấy, thèm được mẹ đưa đến trường, thèm được bố chở đi chơi...
Cô có tin là em rất ghét tiền không? Vì tiền mà bố và mẹ đã chưa bao giờ tham gia bất kỳ một cuộc họp phụ huynh nào cho em. Vì tiền mà bố mẹ em xa nhau cô ạ...
Mắt cô bé ngân ngấn, những giọt nước đang bị ngăn lại. Lan chẳng biết làm gì hơn ngoài việc nắm lấy bàn tay nhỏ bé, lạnh ngắt của Bích Ngân.
- Bố mẹ em luôn bận cô ạ! Bố em bảo rất thương em. Vậy mà bố lại chia tay mẹ. Vậy là em ở với bà ngoại trong căn nhà rộng thênh. Rồi bố mẹ ra tòa. Bà ngoại can ngăn, níu giữ nhưng không được. Ngoại buồn nên... về nhà cậu của em ở luôn.
Em cuối cùng phải theo bà cô về đây. Cô em khó tính. Hay la mắng... Em chán, muốn bỏ học về nhà cậu ở với ngoại nhưng bố không cho. Bố bắt em ở đây học hết cấp hai rồi bố chuyển về trường gần cơ quan của bố. Em chán học cô ạ! Vì em học chẳng vào... Em biết em học sút lắm cô... Em xin lỗi...
Cô bé òa khóc sau những lời tâm sự bị ngắt quãng.
Một câu chuyện không nằm trong tình huống sư phạm mà Lan đã được học. Phải xử lí sao đây? Bản năng của một trái tim nhạy cảm không cho phép Lan thờ ơ. Lan nắm lấy bàn tay lạnh lẽo của cô bé. Những bực dọc chán nản từ sáng tự nhiên tiêu tan đâu hết, chỉ còn lại một sự thông cảm và sẻ chia. Cô chẳng biết làm gì hơn là bảo cô bé hãy bình tĩnh. Sau khi gọi điện bao tin với gia đình, Lan dìu cô bé vào phòng.
Lan chẳng thể ngờ rằng, một cô bé có vẻ mặt lạnh lùng lại cất giấu bên trong nhiều tâm sự đến thế. Hóa ra, trong cuộc sống của con người, vật chất chưa phải là tất cả.
Tranh thủ lúc cô bé ngủ, Lan mở hộp thư. Là lời nhắn của Dương, anh họ của Lan. Anh khuyên Lan nên nghỉ dạy để đến làm công ty cùng anh và hỏi. “Em suy nghĩ kĩ chưa? Đây là cơ hội để em thoát khỏi những căng thẳng vì đám học trò quái quỷ. Quyết định sớm đi nhé!”
Đúng ra khi nhận được tin này thì Lan vui mới phải. Vậy mà cô chẳng thể vui. Anh Dương lúc nào cũng bảo Lan là người chưa thức thời, tự chui mình vào rọ. Cũng chẳng thể trách Dương khi anh đã cố chạy cho Lan một việc làm vừa có thu nhập lại vừa nhàn nhã, bởi nhiều lần Lan đã kể với anh về những trò nghịch ngợm của đám học trò với một giọng chán nản.
Nếu như nhận được lời nhắn của anh sớm thì Lan đã chẳng ngần ngại gì mà gửi lời cảm ơn anh và hẹn ngày nhận việc. Nhưng lời nhắn của Dương đến với Lan ngay lúc này, khi cô bé nằm trong kia, thảnh thơi ngủ trên chiếc giường của Lan, sau những giãi bày với người tin cậy. Hơn lúc nào hết, cô bé đang cần một nơi che chở. Mà người ấy bây giờ, còn ai ngoài cô nữa đâu.
Thật khó để gửi một quyết định có tính vô ơn đến anh lúc này, Lan đóng hộp thư và nằm dài bên cạnh cô bé. Hơi thở cô bé đều, chứng tỏ cô bé đã trãi qua cơn sốc.
Mồ côi cha từ nhỏ, Lan quá hiểu nỗi cô đơn của cô bé. Biết trách ai trong câu chuyện này. Mẹ, bố, hay là cô em cùng cha khác mẹ của bố cô bé? Hẳn ai cũng có lỗi trong việc đẩy cô bé từ một học trò ngoan trở thành một học trò tự ti và chán nản. Lan vừa nghĩ đến chuyện sẽ xin phép gia đình cô bé cho cô bé được ở lại với cô, ít nhất là hết năm học này. Dù sao thì căn phòng này cũng còn quá rộng cho một người sống độc thân như cô.
Quyết định ấy làm cho Lan cảm thấy phấn chấn. Cô vùng dậy và ra sân. Nắng vừa lên. Cơn mưa đã dứt.
Tổng hợp nhiều nguồn
Có một vấn đề rằng ở xã hội ngày càng hiện đại, người trẻ càng cảm thấy bớt hạnh phúc, lạc lõng hơn. Do đó, dẫn tới nhiều hành vi cực đoan hoặc dại dột hơn. Điều đó đến t...
Ngày 17/12, phim điện ảnh "Chị dâu" có Hồng Đào, Việt Hương... chính thức ra mắt giới truyền thông.
Bán kết Miss Charm 2024 diễn ra vào tối 18/12 vừa qua tại Nhà Thi đấu Nguyễn Du, TPHCM.
Có hai đứa trẻ đang ngồi quanh lò sưởi trong một đêm lạnh mùa đông. Bỗng cả hai nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Một đứa chạy ra mở cửa.
Câu danh ngôn này nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, mỗi hành động, dù nhỏ nhất, cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn.