Hội quán văn hóa nằm day mặt ra con sông đang dềnh dàng nước. Nước sông mùa này đục lờ một màu nâu vàng của trầm tích phù sa. Trời chiều đầy gió, gió lùa mặt nước tạo thành từng đợt sóng vỗ bờ nghe sàn sạt.
Trong hội quán, trên bàn tiệc, món nào cũng lưng quá nửa. Chị Ngọc Thi, giám đốc hợp tác xã nông nghiệp xã vẫn còn hứng khởi với câu chuyện về trái sầu riêng. Gương mặt tràn trề hạnh phúc, chị say sưa nói về những trái sầu riêng mang thương hiệu Ngọc Thi của Hợp tác xã được xuất ra thị trường thế giới.
Chiều tháng 10 chưa cười đã tối. Cuộc liên hoan tổng kết vụ mùa năm 2023 của bà con Tổ hợp tác sầu riêng Vàm Luông bây giờ mới vào cao trào. Dàn nhạc sống đã chuẩn bị xong, mấy thùng ampli cỡ lớn được bố trí quay ra sông. Tiếng nhạc nổi lên xập xình. Giọng cô bí thư chi đoàn thanh niên kiêm MC xinh đẹp cất lên trong trẻo… Một khoảng sân được dọn trống để làm “sàn” khiêu vũ… Tất cả hứa hẹn diễn ra một chương trình ca múa nhạc cây nhà lá vườn vô cùng hấp dẫn.
***
Nhạc mở lớn quá nên mọi người trong hội quán không ai phát hiện ra tiếng cano của anh Điền - chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân tỷ phú - đang giảm tốc độ tấp vô bờ. Trong một lần đi giao lưu với Câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở Cà Mau, thấy người ta lái cano đi thăm… cá. Ham quá, Điền về gom tiền mua chiếc Yamaha 85 mã lực mang về chạy… lấy le. Hồi chiều chuẩn bị đi dự liên hoan tổng kết theo lời mời của chị Ngọc Thi thì nhà có khách bất tử nên giờ này Điền mới tới.
Từ dưới bến sông nhìn lên, Điền bắt gặp Thi trong tà áo bà ba màu xanh da trời, đang đi tới, đi lui, nói nói, cười cười, cụng ly với khách. Mặc dù đã xấp xỉ 40 nhưng Thi còn rất mượt; Vẫn làn da nâu phớt mịn màng, khỏe khoắn; Vẫn đôi mắt biết cười; Vẫn mái tóc xoăn nhẹ tự nhiên buông hờ nửa lưng… Vẫn là người con gái hơn hai mươi năm trước đã cùng Điền xây đắp mối tình đầu đời đẹp đẽ, hồn nhiên và ngây ngô như lá cỏ.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Tiến Quân
Hồi đó, Vàm Luông chưa phải là xứ sở của “tỷ phú sầu riêng” như bây giờ. Vàm Luông nằm chơi vơi giữa ba bề là nước. Ngoài vô số bần, mắm, trâm bầu và ô môi, còn lại là những cánh đồng lúa mỗi năm một vụ với năng suất một công chục giạ là mừng.
Cởi được sợi dây bao cấp cấm chợ ngăn sông trói chặt cuộc sống người dân tròn trèm một thập kỷ, từ lúa chuyển sang trồng cây ăn trái, trậm trầy trậm trật theo chủ trương chuyển đổi cây trồng: Chặt, rồi trồng, rồi chặt… người dân Vàm Luông đã từng có một thời gian dài bỏ nhà “lên kinh” cắt lúa mướn. Con nít học hết lớp trường làng là theo cha mẹ xuống ghe đi kiếm ăn. Cho nên, việc Thi và Điền đậu lớp 10 trường chuyên của tỉnh khiến cả xóm ai cũng vui lây.
Hôm xuống thị xã chuẩn bị nhập học, Điền còn nhớ, bữa đó, là một buổi chiều lay lắt mưa. Khi chiếc ghe gắn máy yanmar vừa khuất ngả ba Bến Rớ thì nước mắt Thi ứa ra, nàng tấm tức khóc.
Ngôi trường trung học chuyên duy nhất của tỉnh nằm ngó ra bờ hồ Chung Thủy. Vòng quanh hồ người ta trồng phượng vĩ xen với me tây. Mỗi bận mùa sang, màu đỏ của hoa phượng xen lẫn màu hồng phơn phớt của bông me tây làm bừng sáng cả một góc trời thị xã. Ở đó, Điền - Thi đã có những ngày cùng chia nhau nỗi nhớ nhà thắt thẻo…
Những buổi chiều tan lớp, Điền hay rủ Thi ra bờ hồ, ngồi trên ghế đá nhìn bóng chiều lùa vạt nắng chạy dần sang bên kia bờ, nói với nhau hàng tỷ chuyện trên đời. Nhưng phải đến mấy chục lần kìm nén cho trái tim mình đừng nhảy lung tung như mấy trái banh lông trong lồng quay của gánh hát lô tô ngoài hội chợ, Điền mới hồi hộp thố lộ với Thi là Điền yêu Thi… Thi ngồi nghe Điền nói, một tiếng được, ba tiếng mất vậy mà nàng cũng… “gật bừa”.
Chỉ còn ba tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp cấp ba thì gia đình Thi xảy ra biến cố. Thời điểm đó “phong trào” bể hụi như vết dầu loang làm điêu đứng không ít bà con nông dân ở Vàm Luông. Mẹ Thi là trường hợp đầu tiên nổi đình nổi đám với con số nợ lên đến hàng tỷ đồng. Có bao nhiêu đất bà bán đổ bán tháo chỉ còn lại cái nền nhà nhưng vẫn trả không hết nợ.
Thi bỏ học về quê. Còn lại một mình, chiều nào Điền cũng ra bờ hồ ngồi nhìn vạt nắng lịm dần cho đến khi hoàng hôm trùm kín mặt hồ mà trong lòng nhớ Thi thắt thẻo.
Điền thi đậu đại học, đang học chưa hết năm nhứt thì nghe tin lấy chồng Đài Loan. Mọi niềm tin và hy vọng trong anh như cái tim đèn cầy uống hết giọt sáp cuối cùng và tắt ngúm.
***
Dòng hồi tưởng của Điền bị cắt ngang bởi tiếng con bìm bịp trôi lặn ngụp trên mặt nước sông đầy. Tiếng nó nghe nặng trĩu một nỗi niềm riêng: khắc khoải và tiếc nuối. Mỗi lần nghe bìm bịp kêu, Điền thường nhớ đến câu chuyện cổ tích về một nhà sư vì trót vứt xuống dòng sông quả tim dâng lên Phật tổ của tên cướp mà phải chết đi biến thành con bìm bịp. Rồi anh đâm buồn ngang. Nỗi buồn của một người luôn mang trong lòng sự hoài vọng, tiếc nuối một bóng hình, một khung trời đã mất, đã trở thành ký ức rong rêu lẫn một chút nỗi niềm ân hận.
Vừa đúng lúc Điền định bước lên bờ thì anh thấy Thi bước ra “sàn” cùng với điệu Rumba vang lên, thân hình Thi uyển chuyển theo điệu nhạc với những đường “đưa” điêu luyện của bạn nhảy. Anh bần thần, ngồi lại.
Từ ngày trở về, bên cạnh chức danh giám đốc hợp tác xã nông nghiệp, Thi còn là người sáng lập nhiều mô hình phụ nữ làm kinh tế gắn liền với trái sầu riêng. Cũng chị là người sáng lập “hội quán văn hóa”; Tổ chức, vận động, tuyên truyền bà con “làm hết sức, chơi hết mình”. Vàm Luông trở thành “cù lao tỷ phú” phải kể đến sự góp công rất lớn của chị Ngọc Thi.
Thương yêu, quý trọng, hàm ơn và ngưỡng mộ… đó là những mỹ từ người Vàm Luông dành cho chị Ngọc Thi. Với họ, chị là biểu tượng của phụ nữ bản lĩnh, tự tin, mạnh mẽ, kiên cường, không đầu hàng số phận, rơi vào hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt nhưng chị đã quyết chí mạnh mẽ vượt qua, trở về phụng sự cho cộng đồng, quê hương, đất nước. Câu chuyện cuộc đời chị giống như một câu chuyện cổ tích. Bà con Vàm Luông ai cũng biết, cũng thuộc, cũng rơi nước mắt khi kể lại:
Không thể để mẹ sống trong cảnh nợ nần ngập đầu, ngày nào cũng có người đến mắng nhiếc sỉ vả. Thi tính với mẹ: “Ruộng đất đã bán hết. Còn lại một ít vàng trang sức của con, nhiêu đó cũng không đủ trả, mẹ để con tìm cách…”.
Chị cầm một ít tiền lên Sài Gòn học tiếng Quan thoại. Chị học ngày, học đêm, chỉ mấy tháng đã nói được rành rẽ. Chị tự đăng ký lấy chồng Đài Loan. Ngày đi phỏng vấn. Thi nổi bật trong 20 cô gái “thí sinh” không chỉ vì Thi đẹp mà còn vì chị biết nói chuyện với mấy ông Đài Loan bằng tiếng của họ.
Ngọc Thi trải qua cuộc thi và trúng tuyển một cách rất dễ dàng. Chồng cô là một người đàn ông lớn hơn cô 8 tuổi, giám đốc một công ty xuất nhập cảng.
Một tuần sau, đám cưới Ngọc Thi với chồng Đài Loan diễn ra ở công viên Đầm Sen, Sài Gòn. Thi không cho ai lên đưa tiễn, kể cả mẹ của chị. Đêm trước bữa theo chồng, Thi đi qua lại mấy lần ngang ký túc xá nơi Điền đang ở. Chị ngước mắt nhìn lên trong vô vọng: “Điền ơi! Em xin lỗi. Vĩnh biệt anh!”.
Nói rành rẽ tiếng Quan thoại là một lợi thế của Thi. Nàng cảm thấy may mắn khi biết mình không bị gạt. Peng, chồng Thi, đúng là giám đốc một công ty xuất nhập cảng. Nhà ba mẹ Peng là một ngôi nhà ba tầng khang trang ở tại thành phố Đào Viên. Nhà tuy ít người nhưng cũng thuê giúp việc. Ba má Peng tỏ ra thân thiện khi thấy Thi biết nói tiếng của họ. Thi như trút được gánh nặng ngàn cân. Nàng tin rằng do mình biết “tận nhân lực” trước khi “tri thiên mệnh”. Nhưng thử thách mà ông trời dành cho Thi không dừng lại ở đó.
Suốt tuần đầu tiên, Thi nhận thấy mọi người cứ thậm thà thậm thụt, cô người làm thì đã được cho nghỉ việc, cảm giác không khí trong nhà luôn căng thẳng. Vì biết tiếng nên chỉ cần để ý và khéo léo “khai thác” một chút, Thi đã biết toàn bộ sự thật.
Peng sang Việt Nam cưới vợ không phải cho Peng mà là cưới vợ cho Kao, anh trai sinh đôi của Peng. Hồi mới sinh, hai anh em Peng dính nhau và có chung hai chân. Khi mổ tách ra, hai chân được dành cho Peng. Tuy không thể đi đứng, cũng không nghe, không nói được nhưng đầu óc Kao lại rất tỉnh táo. Thuê giúp việc thì Kao đòi con gái trẻ nhưng không ai ở được lâu vì suốt ngày bị Kao quấy rối.
Mấy tháng nay Kao nổi cơn đòi vợ, đập phá, không chịu ăn uống. Nghe nói cưới được vợ Việt Nam về, Kao rất thích, đòi mang lên phòng cho Kao. Khổ nỗi, từ khi gặp Thi, Peng đã thấy vừa ý. Họ cũng đã động phòng từ hồi còn ở Việt Nam trong mấy ngày chờ chuyến bay về nước. Ngay lần đầu tiên, Peng đã phát hiện Thi còn con gái. Peng nhất định không trả vợ cho anh trai mà giữ lại cho mình. Mấy bữa nay nhà họ xảy ra xung đột là vì thế.
Một lần nữa, Thi thấy mình may mắn, chị thầm cảm ơn Peng và bắt đầu thấy con tim mình rung động với người đàn ông này. Sợ đêm dài lắm mộng, Thi xúi Peng ra riêng. Hai người ra ngoài thuê nhà ở. Bước đầu, Peng đề nghị Thi về làm trợ lý cho anh. Tuy có hơi lo nhưng Thi muốn thử sức mình và cái chính là chị muốn mau kiếm được nhiều tiền.
Cũng có nhiều lúc Thi cảm thấy rất buồn, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình và nhớ cả Điền nữa, nhưng nghĩ mình được như thế này so với các cô gái Việt lấy chồng Đài đã là may mắn lắm rồi. Nàng không quan tâm đến chuyện làm ăn của công ty cũng như các mối quan hệ của Peng ra sao. Trong đầu Thi chỉ nghĩ tới số tiền mỗi tháng gửi về nhà và nung nấu ý định, khi nào phụ mẹ trả hết nợ, kiếm thêm được một ít vốn phòng thân, Thi sẽ trở về Việt Nam.
Chưa kịp hình dung công việc của một trợ lý giám đốc cụ thể là những công việc gì, thì một bữa nọ, Peng kêu Thi chuẩn bị thật đẹp, tối anh đưa đi dự một cuộc gặp khách hàng để tập làm quen với công việc mới.
Nơi Peng tiếp khách là một nhà hàng sang trọng. Anh dặn Thi không cần phải nói gì, cứ ngồi yên quan sát cách mọi người chào hỏi, trao đổi, ăn uống với nhau. Peng cần mẫn mỗi ngày chỉ bảo Thi từng chút một. Từ cách nâng ly thế nào cho đúng điệu, nói năng làm sao cho phù hợp. Thì ra Peng muốn Thi tiếp đối tác làm ăn của Peng. Thi không còn con đường tháo lui bởi vì món nợ mẹ Thi phải trả và việc học hành, tương lai của em trai Thi đều nhờ vào sự chu cấp của nàng.
Mỗi lần xong việc, Thi đều được Peng hết lời khen ngợi và cho rất nhiều tiền. Đôi lúc Thi băn khoăn hỏi: “Anh không ghen sao?”. Peng trả lời: “Ghen gì mà ghen, chỉ là xã giao thôi. Em có lên giường với người ta đâu mà ghen”. Rồi Peng hềnh hệch cười: “Nhưng nếu lên giường mà kiếm được tiền thì cũng xứng, miễn sao anh vẫn yêu em…”. Thấy Thi ngạc nhiên. Peng giả lả: “Anh đùa thôi mà”.
Có những đêm sau khi đi tiếp khách về, say rũ riệt, Thi lăn ra giường không kịp tẩy trang, chừng tỉnh giấc, bụng đói cồn cào, nước mắt tuôn ra. Thi tự an ủi mình, dẫu sao nàng lấy Peng cũng chỉ để đổi lấy tiền, hơn nữa Peng đã có ơn mang nàng ra khỏi người đàn ông tật nguyền đó.
Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở kề vai áp má, để thắng một vụ thầu hàng trăm triệu, Peng nhẫn tâm lừa Thi vào bẫy. Đúng lúc tấm thân đồ sộ với cái bụng to đùng căng cứng như cái trống chầu của lão nọ vất sang một bên, Thi mới biết mình còn sống. Thi vùng dậy, vơ lấy quần áo, mặc vội vàng, tông cửa ra ngoài. Hành lang khách sạn vắng tanh, dài hun hút.
Kể từ khi bước chân sang Đài Loan, đây là lần đầu tiên Thi không nghĩ đến món nợ phải trả, không nghĩ đến tương lai thằng em trai, không nghĩ đến tuổi già của mẹ chị. Lần đầu tiên, Thi nghĩ cho mình. Và cũng lần đầu, chị quay quắt nhớ thương mối tình trong trẻo hồn nhiên đầu đời của chị. Thi quyết định rời bỏ con người thủ đoạn, dã tâm ấy.
Nhờ tư vấn từ vị chủ tịch hội đồng hương Việt Nam ở thành phố, Thi “ngoan ngoãn” chờ đủ thời gian quy định đổi quốc tịch, sau đó xin ly hôn. Nhờ số tiền Peng hậu hĩ trả công cho chị mỗi lần đi tiếp khách, Thi đã gửi về cho mẹ chị trả hết số nợ. Nhưng giấc mơ trở về trong chị đã khép lại.
Ba năm, vết thương mới đè lên vết thương cũ, nỗi đau trước chồng lên nỗi đau sau, mà nỗi đau nào cũng riết róng… làm Thi sợ. Chị như con chim sợ cành cong. Chị sợ gặp lại Điền. Chị muốn dành cho mình một khoảng trống để thở. Thi quyết định ở lại Đài Loan. Chị ra Đài Bắc xin vào làm việc trong một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô.
Tháng 12 năm đó, Đài Bắc chớm đông. Gió mang hơi lạnh từ biển lùa vào kèm theo những cơn mưa rả rích. Một buổi sáng, Điền từ đâu hiện ra ngang cửa phòng Thi. Chị tưởng mình đang mơ. Cho đến khi Điền lao đến ôm chặt Thi trong tay, nghe tiếng con tim anh vỗ trong lồng ngực, cảm nhận hơi ấm từ cơ thể anh truyền sang, Thi mới biết không phải mình đang chiêm bao. Chị khóc ngất trên vai Điền.
Điền mang Thi trở về Việt Nam. Ngôi nhà chị tràn ngập tiếng cười. Vàm Luông đón nhận Thi về mang theo trái tim nồng nàn khát khao cống hiến cho quê hương. Nhưng chỗ trống trong trái tim Điền đã hơn 10 năm vẫn còn trống trải. Nhiều lần Điền hỏi: “Em còn yêu anh không?”. Lần nào Thi cũng nhìn Điền, đôi mắt chị vời vời nỗi buồn: “Em không xứng đáng. Em không còn gì cho anh”. Cứ thế, Điền lặng lẽ đi bên Thi. Bao năm rồi, họ lặng lẽ đi bên nhau.
***
Trong kia tiệc đã tàn, cô bí thư đoàn kiêm MC phát hiện ra chiếc cano của Điền đậu ở bến sông. Cô dắt tay Thi đi ra: “Anh Điền, cho em gửi chị Thi về. Bả xỉn rồi”. Điền dìu Thi bước xuống.
Mặt nước sông đầy loang loáng ánh trăng, chiếc cano xé nước bay trong màn đêm. Tới ngã ba sông, nó từ từ ngừng lại, tấp vào, núp dước bóng cây gừa ngả ngọn.
Tổng hợp nhiều nguồn
Chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2024 diễn ra tối 20/4 có sự góp mặt của 41 thí sinh. Ngoài trình diễn trang phục dạ hội, áo dài, các thí sinh còn nóng bỏng với bikini.
Showcase ra mắt album "Theater of dreams" của Đông Nhi tại TPHCM do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh làm tổng đạo diễn. Anh từng đồng hành với Đông Nhi ở 2 liveshow "It's show time" v...
Cô gái Bình Dương tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình nhờ 2 tháng làm thêm trong kỳ nghỉ hè.
Tuy phải nhường ngôi dẫn đầu cho phim "Tìm xác: Ma không đầu" của NSND Hồng Vân nhưng "Địa đạo" vẫn kịp làm nên lịch sử phòng vé.
Người dân trong một ngôi làng nhỏ ở miền nam Tây Ban Nha có cuộc sống yên bình và vui sướng. Trẻ em suốt ngày vui chơi dưới những tàng cây xum xuê lá trong những khu vườn...
MALAYSIA - Người phụ nữ có hơn 1,2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội TikTok đăng tải video chia sẻ chuyện mang một vali tiền đi mua vàng khiến cộng đồng mạng xôn xao.