Khai bút

03/02/2025 22:00
Chiều muộn. Nghĩa trang đã thưa vắng người thăm viếng. Các quán coi xe cũng đã thu dọn, không nhận xe gửi. Nhật đi thẳng vào nghĩa trang. Anh dựng xe, lặng lẽ cầm bó hương hoa và giấy tiền đi vào nhà chờ.

Chiếc lư đồng cắm hương khói tỏa nghi ngút. Chân hương trong lư đã tầng tầng lớp lớp, đầy ắp, như không thể cắm thêm được nữa. Những đốm lửa trên đầu các que hương cháy dở đỏ lịm trong chiều muộn. Từ xa nhìn vào, chúng hòa vào nhau thành một mâm lửa đỏ, lung linh trong lớp khói huyền ảo. Anh có cảm giác chỉ cần một cơn gió nhẹ, cả lư hương sẽ bốc cháy thành bó đuốc lớn. Đây là nơi “trình diện” của những người mới từ giã cõi đời, trước khi “nhập khẩu” nghĩa trang. Cũng chỉ ít phút nữa thôi, âm dương đã thực sự cách biệt. Ai oán lắm! Đây cũng là nơi trình diện của bất cứ ai, khi muốn vào nghĩa trang hương khói cho người thân. Hình như người ta cho rằng càng cắm được nhiều hương vào lư đồng nơi nhà chờ, càng tỏ được tấm lòng thành của mình thì phải. Họ cứ thi nhau đốt cả bó. Nhật tin rằng trong mấy ngày giáp tết, những người trông coi nơi đây đã phải mấy lần thay chân hương trong lư.

Buổi trưa, anh Dương bảo Nhật:

- Chiều nay, chú đi sớm cùng anh chị ra thắp hương cho ba. Nghĩa trang chiều ba mươi đông lắm, vả lại có bọn “cửu vạn”, phức tạp chứ không như hồi chú còn ở nhà đâu.

Nhật xin phép anh chị đi sau, anh không thích cái không khí ồn ào nơi nghĩa trang. Theo anh, đây phải là chốn yên tĩnh tuyệt đối, phải nhuốm màu trầm lắng của cõi linh thiêng. Một thế giới sau sự sống! Vả lại, sau mười mấy năm đi xa, anh muốn được ngồi một mình bên mộ ba, yên ả trong chiều muộn. Đã từ lâu, anh thèm khát cái phong vị êm dịu của quê hương chiều tất niên. Anh khát khao một cái tết trang trọng, thành kính trong hương khói gia đình thuở xưa. Mặc dù đã khác xưa nhiều lắm, nhưng về lại căn nhà cũ của cha mẹ với những bát hương, tủ thờ, một vài đồ đạc cũ kỹ, anh tìm lại được sự ấm áp, chở che. Với anh, căn nhà là những gì còn lại của kỷ niệm, thời cha mẹ anh em còn quây quần. Những niềm vui thơ dại cứ vô tư đi vào ký ức, khiến anh nhiều khi nhớ đến thẫn thờ.

Một nén hương được cắm thêm vào lư, thắp theo nếp tâm hương là tâm tính anh trong thờ cúng. Nhật chắp tay, lâm râm khấn. Anh không tin những điều dị đoan. Nhưng vào đây, giữa chốn thanh vắng trong chiều muộn của cái ngày năm cùng tháng tận, giữa không gian như hư như ảo nơi nhà chờ của nghĩa địa khiến anh rờn rợn, lạnh lẽo. Hình như có rất nhiều cặp mắt dưới những nấm mồ ngoài kia đang hướng vào anh. Một thoáng giật mình trước ngọn lửa bùng cháy trong lư đồng. Anh lặng người, quan sát, có lẽ vì không chịu đựng nổi sức nóng, một que hương đã bùng thành ngọn lửa, trước khi gãy làm đôi rơi xuống.

Nhật lễ tạ, rồi men theo lối mòn của những dãy mộ để đến với cha mình. Trời đã nhập nhoạng tối. Những chấm lạnh mơ hồ, lãng đãng điểm vào da thịt. Mưa bụi! Ôi cái kiểu mưa huyền hoặc, ấn tượng của xứ Bắc. Những chấm lạnh lãng đãng này đã khiến anh bao năm phải cháy lòng vì nhớ. Nhật xao xuyến! Phải là đứa con xa xứ lâu ngày, trong một không gian chỉ mình anh với những người đã yên nghỉ, mới cảm nhận được đầy đủ những cảm xúc ấy. Anh đến bên mộ cha, mùi hương hoa dạ lan thoang thoảng. Chùm chân hương anh chị Dương thắp hồi chiều trông thật buồn và lạnh. Nhật lập cập đốt hương, tay run run cắm lên mộ cha và những ngôi mộ xung quanh. Anh ngồi xuống, miên man suy tưởng.


Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Cha anh ngày xưa là người rất mê truyện cổ Tàu. Ông tâm đắc với Chinh Đông, Tam Quốc, Ngũ Hổ Bình Liêu, Thuỷ Hử... Những khi cao hứng ông hay lẩy Kiều và ngâm thơ Chinh Phụ, Cung Oán Ngâm Khúc. Đặc biệt, ông hay kể về ông bà nội. Cha kể với một niềm trân trọng, cảm thông và có cả nỗi xót xa. Ngày bé anh không hiểu được những nỗi niềm của cha mình. Anh nhớ lắm cái sáng mồng một tết năm ấy, cha trang trọng thắp thêm ba nén hương, khấn vái; run run mở nắp một chiếc tráp cổ, lấy ra một vuông giấy hồng điều. Giọng trầm xuống, cha bảo cả nhà: “Đây là tờ khai bút đầu xuân duy nhất của ông nội, mà ba còn giữ được”. Qua những câu chuyện của cha, Nhật chỉ biết ông nội anh là một nhà nho tiết tháo, nhưng thất thời. Ông sống cùng cái thời “Vứt bút lông đi, giắt bút chì” của ông Tú Xương. Cha bảo đấy là thời vận nho mạt, thời chán chường, bất đắc chí của những nhà nho tiết tháo như ông nội anh. Mảnh hồng điều khai bút của ông nội đã sớn, cha gìn giữ rất cẩn thận. Anh chỉ biết năm viết của nó là 1902, được ghi ở góc vuông giấy. Những nét chữ mực Tàu sắc và mềm mại.

Cha bảo ông nội là người sành chơi chữ, rồi cha kể cho anh nghe thú chơi chữ của người xưa: Cái nghệ thuật viết bút lông, với các thể chữ theo phép tắc: Triện, Lệ, Chính, Hành, Thảo. Qua thư pháp, người ta có thể thấy được trình độ học vấn, tài năng nghệ thuật, trình độ thẩm mỹ của người viết. Nhật không biết ông mình viết chữ theo phép gì, nhưng qua nét chữ anh nhận thấy ông là một người nghiêm cẩn. Ông có đi thi nhưng không đỗ cao, chỉ đến tú tài như ông Tú Xương, rồi mở lớp dạy học ở làng. Cha bảo ông sống trầm lặng và thích chơi hoa hải đường. Chắc hẳn cuộc đời ông có nhiều tâm sự uẩn khúc, thiếu người chia sẻ. Cốt cách của ông nội ảnh hưởng nhiều đến cha anh sau này, cha không nói nhưng anh biết rất rõ điều ấy! Cha thường nhắc đến ông trong nỗi xót xa cho một con người có tài, nhưng bất đắc chí. Theo lời cha kể, Nhật cảm nhận gia đình ông nội ngày xưa là một biểu tượng của nếp sống nho giáo. Ông bà rất trọng nhau, đúng như lời người xưa, vợ chồng “tương kính như thân”. Bà nội nhu mì. Cha bảo: Bà là một phụ nữ khuôn phép, nhường nhịn, rất trọng và tâm đắc với đạo “tam tòng, tứ đức” của người phụ nữ. Lễ khai bút đầu xuân của ông đã trở thành một nếp sống đẹp, không thể thiếu trong đời bà. Thỏi mực Tàu và vuông giấy hoa tiên phải do chính tay bà chọn lựa, bà mới yên tâm...

Sáng mồng một tết, sau khi đã đèn nhang chỉnh tề trên bàn thờ tổ tiên, ông ngồi uống tuần trà sáng, bà trang trọng trong bộ lễ phục đi chùa, chuẩn bị bút và mài mực. Lúc đó, trông bà thành kính lắm. Trong mùi thơm dịu của mực mới, bà chăm chú dõi theo từng nét bút trên tay ông với nét mặt xúc động. Và bao giờ cũng thế, mỗi khi khai bút đầu năm xong, chính tay bà dùng rượu rửa lại ngọn bút rồi cất đi cẩn thận. Cây bút này bà chỉ dùng cho ông viết mỗi năm một lần vào dịp đầu năm mới. Cha anh gìn giữ cây bút cẩn thận lắm. Bây giờ nó được cắm vào chiếc nghiên, trên bàn thờ ông. Sau đó bà dùng nước ấm rửa lại bộ ấm chén, pha cho ông ấm trà mới, rồi ngồi lại cùng ông đàm đạo những câu chữ trong tờ khai bút. Câu chữ trong những tờ khai bút đầu xuân là điều tâm đắc của ông bà. Cha anh kính trọng những buổi lễ khai bút đầu năm của ông bà lắm. Cha thường nói: “Ba không theo được cái chí của ông, các con sau này đứa nào theo được, ba mừng”.

Nhật không biết mặt ông nội, khi anh được sinh ra ông đã mất lâu rồi. Song, hình như anh ảnh hưởng nhiều ở cốt cách, tư tưởng của ông qua những câu chuyện cha kể. Nhiều người đã từng nói: “Trông mày cứ như cái ông đồ! Nho nhoe quá!” Thật khổ, chính vì dáng dấp và cái tư tưởng “ông đồ” khiến cuộc sống anh chật vật, khó hòa nhập và theo kịp những “tư tưởng hiện đại thời mở cửa”. Nói đúng hơn là khả năng biến báo, kiếm tiền ở anh rất kém. Trong thời đại này thế là khổ, là nhọc nhằn nhục nhã rồi. Mà có lẽ cũng chẳng riêng gì thời này đâu, thời nào thì những người tính cách sống kiểu ấy cũng thường bị đời coi rẻ. Cốt cách ư? Nhân phẩm ư? Cái đó phù phiếm, cái đó khó làm ra tiền bạc, cái đó... khó “tiêu hoá” lắm! Tiền mới cần! Nhật đang biến dần thành kẻ tự ty trước mọi người. Người ta bảo lắm lúc trông anh như thằng đãng trí, ngơ ngác đến nực cười. Có lần vợ anh bảo:

- Anh chỉ được cái “sách vở hão huyền” - Rồi chị cười độ lượng nhìn anh.

Ấy là những lúc vợ anh vui vẻ, còn bình thường ít khi Nhật được sống yên ổn, ngay cả ở nhà mình. Suy cho cùng, Nhật thấy đây cũng là cái lẽ công bằng. Trong cái thời mọi người đua nhau làm kinh tế, họ nung nấu, bon chen với cả tâm lực để kiếm tiền thì anh lại vẩn vơ đâu đâu, với những điều vợ anh bảo là hão. Việc anh bị gạt ra lề cuộc sống cũng là lẽ đương nhiên. Anh biết điều này lắm! Anh hiểu mình chỉ có khả năng làm chuyên môn, còn chuyện luồn lách, toan tính đời thường thì rất kém. Nhưng cũng thật không may cho anh, xưa nay phàm đã là đàn ông thì tất phải là trụ cột gia đình, phải có khả năng kiếm nhiều tiền về cho vợ con, chí ít, anh cũng phải đảm bảo được cái mức kinh tế gia đình bình ổn. Không được thế thì đích thị anh là đồ vứt đi, đồ hèn. Lúc đó thì tiếng nói của anh sẽ vô giá trị, anh sẽ tuột dần khỏi cái vị trí “nóc” của người đàn ông trong gia đình. Điều ấy đúng quá! Hình như nó đang thành một chân lý?

Có lẽ là qua lâu rồi, cái thời một ông đồ tiết tháo, cốt cách thanh cao, không có khả năng kiếm tiền mà vẫn được vợ tôn kính. Người ta đã quên lâu rồi cái câu: “Đêm nằm ngẫm lại mà coi/ Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng.” Nhật nghĩ mà thấy buồn, thấy thẹn và thật đáng đời cho sự kém cỏi của mình. Trong gia đình anh Ngà là chủ, đơn giản là Ngà làm ra tiền nhiều hơn anh. Mọi khoản chi tiêu hầu như đều trông chờ vào cô ấy. Ngà buôn bán giỏi giang, lanh lợi trong đời thường. Vị trí của Nhật cứ lùi dần... thành người phụ giúp. Dịp mới cưới, những lúc vui vẻ anh cũng hay kể chuyện về ông bà nội cho Ngà nghe. Anh hy vọng, biết đâu rồi anh và Ngà cũng nẩy sinh được sự tâm đắc trong cái khai bút đầu xuân. Dù không thể bằng được ông bà nội, nhưng với anh đó là niềm an ủi. Anh cho rằng khai bút đầu xuân là một nếp sống đẹp, khiến cho đời sống tinh thần con người thêm phong phú, có hại gì đâu? Vả lại, cha anh cũng rất quý trọng điều này.

Thời kỳ đầu, Ngà chỉ cười và mặc anh viết gì thì tùy. Cô như vô cảm, không hào hứng mà cũng chẳng ngăn cản. Anh thấy buồn! Anh và Ngà là hai “loại” người khác nhau. Ngà sống sòng phẳng, hơi “trần trụi”, mọi vui buồn ở cô gần như phụ thuộc vào đồng tiền làm ra nhiều hay ít. Sức lực và thời gian cô giành cả vào đấy. Nhật thấy thương và cảm thông cho vợ nhiều hơn là giận, mặc dù nhiều khi cô cư xử không phải với anh. Suy cho cùng, Ngà vẫn yêu và trọng kiến thức của anh. Cái gốc của đời sống vợ chồng vẫn bền chặt. Cô bận rộn nhiều, nhưng lo lắng cho anh cũng nhiều. Anh cảm động! Có điều, hình như một văn sĩ nửa mùa như anh cô coi là một tai ương. Dăm bảy truyện ngắn được đăng mỗi năm, vài cái giải văn chương cô coi không là cái “đinh” gì.

Ngà thường bảo: “Tiền nhuận bút của anh, em chỉ vẩy tay cũng ra”. Anh có phần tự ái, nhưng lại giật mình thấy là mình tự ái vặt. Bởi, Ngà nói đúng quá! Dăm trăm ngàn trần trụi ấy thì có gì đáng kể? Trong anh là khoảng trống, là nỗi buồn. Cái nỗi buồn của kẻ đơn độc, của kẻ thiếu sự đồng cảm, sẻ chia. Ngà chỉ nhìn thấy số tiền ít ỏi đó, mà không chịu thấy nội tâm chồng mình, không hề biết đến những trăn trở của anh. Có lẽ vì thế mà cuộc sống giữa anh và Ngà thường nặng nề. Anh biết thế, nhiều lúc cũng muốn thay đổi, muốn bỏ quách “nó” đi cho yên ấm cửa nhà. Nhưng, quả là không thể vượt qua được, bởi, anh đã trót “là mình” mất rồi, hình như anh bị “ma ám”, không thể không viết. Có thể anh viết dở, thậm chí là rất dở, nhưng trong anh có một niềm đam mê, trăn trở, bắt anh phải viết, phải lao tâm khổ tứ. Những lúc anh lặng lẽ ngồi vào bàn, là những lúc Ngà khó chịu nhất. Kể ra, để giữ được gia đình yên ấm cho đến ngày hôm nay, cả anh và Ngà đều phải cố gắng nhiều lắm. Có lần Nhật nghe Ngà bảo con:

- Bố con là người đáng trọng. Cái gì cũng giỏi, trừ mỗi làm ra tiền.

Anh làm như không nghe thấy, lặng lẽ xoay xoay chén trà, nhưng cũng thấy ấm lòng.

Tuần hương trên mộ cha đã tàn. Trời đã tối hẳn, khu nghĩa địa mờ sáng nhờ ánh điện từ thị xã hắt ra. Nhật đứng dậy thắp thêm tuần hương rồi lạy ba để về. Vừa ra đến cổng, một chiếc xe máy đâm sầm tới anh cùng với tiếng quát hỏi:

- Nhật phải không?

- Tao đây! Sao biết tao ở đây?

- Tao vào nhà, anh Dương bảo mày ra đây, nhưng sao về muộn thế?

- Lâu quá mới về được, tao muốn ngồi lâu với cụ.

- Đi thôi! - Dũng nói và quay đầu xe đi trước. Đến đầu thị xã, Dũng rẽ vào một quán cà phê. Đây là một quán vườn, ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy - Cà phê quán “Em tôi” ngon mà cũng rất “em tôi”, mày vào rồi sẽ thấy. - Dũng nói và dắt Nhật vào một bàn tối sâu mãi trong.

- Tên quán nghe cũng đã ngon - Nhật tủm tỉm cười.

- Mày về sao không đưa vợ con về luôn?

- Các cháu mồng năm Tết đã phải đi học nên không về được. Tao định mồng ba đi Hạ Long, ra chỗ cái Loan. Mẹ tao năm nay ăn Tết với vợ chồng nó ngoài ấy, rồi quay về đây với bọn mày trước khi vào trong kia.

- Được đấy, có thể tao sẽ đi cùng mày.

- Bọn mày tình hình ra sao?

- Bận rộn cả, thằng nào cũng phải lo kiếm tiền nên cũng ít có dịp gặp nhau. Thằng Duy bây giờ khá nhất. Vợ chồng nó mở phòng mạch, mới tậu cái nhà mặt phố lớn nhất nhì thị xã. Mày tính bác sĩ như nó bây giờ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” làm gì mà chẳng khá. Con bệnh đến, nó “chém” bao nhiêu chẳng phải chịu, dám kêu à! Có bệnh không chữa, không được. - Dũng cười - Công nhân tỉnh lẻ như cái loại tao mà không cẩn thận thì đói, phải khéo chạy mới có cái đút mồm. Mày thì sao?

- Tao vẫn thế, vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

- Kể thì người như mày cũng khó hòa nhập được với thời mở cửa này. Dũng thở dài! - Bây giờ người ta chỉ có mỗi cái việc là ganh đua nhau làm tiền, kiểu “đồ gàn” như mày lỗi thời quá. Nhưng mà... tính cách mày thế, biết làm sao được? Tao vẫn quý mày nhất trong đám bọn mình. Vẻ suy nghĩ, Dũng hạ giọng nói tiếp - Tao biết mày cũng chẳng sung sướng gì. Hay là mày cố gắng thay đổi, sống khác đi. Theo tao mày nên bỏ viết, kiếm việc khác mà làm, đỡ lao tâm khổ tứ mà thu nhập lại cao hơn.

Nhật nhìn Dũng như một kẻ xa lạ.

- Mày nói đúng một nửa! Nhật lên tiếng như nói với chính mình - Tính cách tao như thế, biết làm sao được... nếu sống khác đi, tao không còn là tao nữa. Tao vẫn sống như đã từng sống. Vẫn phải viết! Vẫn khai bút đầu xuân, dẫu rằng chỉ lặng lẽ một mình.

Ly cà phê thật ngon, đúng như lời Dũng nói. Kể ra “thời mở cửa” cũng thú, ở tận cái thị xã xa lắc của anh vẫn có cà phê Buôn Ma Thuột chính hiệu. Anh uống chầm chậm, điếu thuốc trên tay luôn đỏ lửa như một kẻ đang tập trung suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc đời.

Sáng sớm hôm sau, Dũng kéo màn, Nhật vẫn nằm trong chăn, hai mắt mở to như vô cảm nhìn lên trần nhà.

- Tao muốn đọc cái khai bút đầu xuân của mày sau nhiều năm đi xa.

- Ở trên bàn - Nhật mệt mỏi.

- Sao lại thế này!

Dũng giơ lên tờ giấy vẫn còn trắng nguyên, nhưng đã nhàu...

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Nguyễn Khương Trung

Tin xem thêm

Truyện ma: Sân banh quỷ ám

Giải trí
21/04/2025 21

Hơn 1.000 người xếp hình bản đồ Việt Nam mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước

Giải trí
21/04/2025 19

Hơn 1.000 người tại Đồng Nai xếp hình bản đồ Việt Nam cùng với “50 năm” và mốc thời gian “30/4/1975 - 30/4/2025” đầy ý nghĩa, hướng về kỷ niệm ngày đất nước thống nhất.

Cơm văn phòng cho sinh viên

Giải trí
21/04/2025 16

41 người đẹp Hoa hậu Việt Nam 2024 trình diễn áo tắm nóng bỏng

Giải trí
21/04/2025 14

Chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2024 diễn ra tối 20/4 có sự góp mặt của 41 thí sinh. Ngoài trình diễn trang phục dạ hội, áo dài, các thí sinh còn nóng bỏng với bikini.

Ca sĩ Đông Nhi đặt niềm tin vào nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Giải trí
21/04/2025 14

Showcase ra mắt album "Theater of dreams" của Đông Nhi tại TPHCM do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh làm tổng đạo diễn. Anh từng đồng hành với Đông Nhi ở 2 liveshow "It's show time" v...

Cô gái Bình Dương cao 1m46 lấy chồng gần 2m, chú rể hài hước trong lễ vu quy

Giải trí
21/04/2025 10

Cô gái Bình Dương tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình nhờ 2 tháng làm thêm trong kỳ nghỉ hè.

'Địa đạo' thu 150 tỷ, phim kinh dị của NSND Hồng Vân hốt bạc

Giải trí
21/04/2025 10

Tuy phải nhường ngôi dẫn đầu cho phim "Tìm xác: Ma không đầu" của NSND Hồng Vân nhưng "Địa đạo" vẫn kịp làm nên lịch sử phòng vé.

Trái cầu pha lê

Giải trí
21/04/2025 09

Người dân trong một ngôi làng nhỏ ở miền nam Tây Ban Nha có cuộc sống yên bình và vui sướng. Trẻ em suốt ngày vui chơi dưới những tàng cây xum xuê lá trong những khu vườn...


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media