Ở đầu dây bên kia, em gái tôi báo rằng đêm qua bà ngoại vừa nhập viện.
“Bà bị viêm phổi. Có vẻ nguy hiểm đấy.”
Người bà đã bước sang tuổi 93 ấy đang sống cùng mẹ của chúng tôi. Một thời gian trước bà vừa bị ốm, nhưng khuya hôm qua bà đột nhiên khó thở, mẹ tôi cuống quýt gọi em gái, con bé liền gọi xe cấp cứu.
Tôi hỏi địa chỉ bệnh viện rồi cúp máy.
Tôi lay người đàn ông đang nằm thẳng cẳng, mặc độc chiếc quần đùi dậy. Phòng ngủ oi bức, lưu cữu mùi hôi của rượu và thuốc lá, không khí trong nhà tù túng.
“Này, dậy đi. Bà em mới vào viện. Có khi sắp mất rồi. Em phải đến viện đây.”
Bởi một tay tôi lay anh ta dậy, một tay cầm cốc nên hồng trà bị sánh ra ngoài chút ít. Đằng nào phòng cũng bẩn quá rồi nên tôi chẳng để tâm.
“Anh có nghe không đấy?”
Anh ta ậm ờ, vươn người dậy rồi ôm lấy hông tôi.
“Không biết mấy giờ em mới về được, vì còn phải xem tình trạng của bà. Khi nào đến viện rồi thì em gọi.”
Tôi vừa vén những sợi tóc lòa xòa trên trán anh ta vừa nói. Người đàn ông thất nghiệp, nhõng nhẽo trong căn phòng bày bừa vỏ rượu bia, theo lời mẹ tôi là “một gã vô tích sự”, tôi đặt môi hôn lên vầng trán lấm tấm mồ hôi của anh ta.
Trước lúc đi, chúng tôi có cuộc ái ân chóng vánh. Trong phòng ngủ buông rèm dù đương là buổi sáng, trong nỗi u sầu của bầu không khí lên men và tấm ga giường âm ẩm.
Người đàn ông thất nghiệp, nhõng nhẽo trong căn phòng bày bừa vỏ rượu bia, thế nhưng lại hòa hợp với tôi về thể xác. Hòa hợp tới mức gần như đáng sợ. Tựa hồ bị bỏ bùa mê thuốc lú, tôi thèm muốn, khát khao điều ấy. Càng được thỏa mãn càng truy hoan. Sáng cũng như đêm. Tôi đã sống như vậy được năm năm.
Khi tôi tắm xong và trở vào, anh ta đã lại ngủ thiếp đi. Cố hết sức để không gây tiếng động, tôi lục tục chuẩn bị đồ đạc trong căn phòng mờ tối. Đeo kính râm, cầm chìa khóa xe, tôi ra khỏi nhà.
Chuyện của bà, tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Bởi bà đã có tuổi, hơn nữa khi còn ở nhà, đã bao nhiêu năm nay, quá nửa ngày bà chỉ nằm bẹp trên giường.
Bà đã sống đủ rồi. Tôi nghĩ vậy trong lúc lái xe. Chẳng có gì phải sầu não.
Tranh của họa sĩ Lê Kiệt
Gặp phải đoạn đường ùn tắc nên gần trưa tôi mới đến bệnh viện Kamakura. Tôi đánh xe vào bãi đỗ, tháo kính râm bỏ vào túi. Gom hết đống vỏ McDonald và cốc giấy ở ghế phụ vừa mua tại trạm đồ ăn nhanh, tôi ôm túi xách và rác ra khỏi xe. Bãi đỗ xe không một bóng người, mặt trời trên cao chói chang, khung cảnh thật yên bình. Đột nhiên nhớ ra bệnh viện cấm hút thuốc, tôi vừa bê đồ vừa dựa vào tường, ngậm một điếu thuốc rồi châm lửa. Bầu trời mùa hè trải rộng tít tắp. Đến lúc này, có khi bà tôi đã chết rồi cũng nên.
Hành lang hẹp và tối, bao trùm là không khí ảm đạm. Hỏi quầy lễ tân thì được biết bà tôi vừa được chuyển về phòng bệnh thường sau khi ở phòng trị liệu. Tôi vứt rác rồi vào thang máy, tìm phòng bệnh vừa được chỉ dẫn.
Bệnh nhân ở tầng ấy, phòng nào cũng vậy, tất cả đều là người già. Tản bộ ngoài hành lang cũng là người già, tôi bị thu hút bởi những gương mặt cứng nhắc in hằn bao nếp nhăn, trái ngược với màu sắc mềm mại của bộ pyjama như quần áo cho trẻ sơ sinh. Dường như họ đã nhập viện từ lâu rồi, đều đang ăn gì đó hay xem tivi, tạo nên khung cảnh giống nhà dưỡng lão hơn là bệnh viện.
Bà tôi nằm ở phòng có tám giường.
Đứng ở giường thứ hai, bên phải từ trong ra là mẹ và em gái, nên chắc hẳn người đang nằm ngủ là bà tôi. Tôi xua tan hình ảnh người bà mà tôi vẫn biết ra khỏi đầu. Tôi cố nghĩ rằng nằm trên giường là một thực thể nào đó không liên quan gì tới tính cách và cuộc đời của bà tôi, một sinh vật đã già cốc đế và đang mong cầu sự nghỉ ngơi.
“Bà còn sống không ạ?”
Trước nhất tôi nhỏ giọng hỏi mẹ và em gái, nó trả lời “Còn chứ” song mẹ khẽ cau mày. Tôi cũng cau mày đáp lại rồi tiến đến giường bệnh.
“Con không nói cách khác đi được à?” Từ đằng sau, mẹ nói.
Thế mà người nằm đó đích thị là bà tôi. Vốn có dáng người thấp bé, lúc này bà như teo tóp lại phải đến hai lần - người bà của chúng tôi giờ đang đeo máy thở và ống dẫn gắn vào toàn thân, nhưng mắt vẫn mở thao láo. Khuôn mặt bà ngẩn ngơ, không phải vẻ mặt đang truy cầu giấc ngủ vĩnh hằng ngay lúc này. Khi tôi cúi thấp người để chạm mắt với bà, bà còn chậm chạp gật đầu.
“Bất ngờ thật đấy.”
Tôi buộc phải thừa nhận rằng người đang nằm trước mắt, đầu nghiêng sang một bên là bà ngoại mà tôi biết rõ.
“Trông bà cũng khỏe đấy chứ?”
Câu nói ấy rõ ràng là một lựa chọn tồi. Vì bà tôi nhìn thế nào cũng giống một người đang bệnh nặng.
“Nhìn giống miệng con thân mềm[1] nhỉ.”
Vừa săm soi cái máy thở nhỏ có hình dáng kỳ quặc đang ôm lấy mũi và miệng bà, em tôi vừa nói.
“Đúng thế thật.”
Tôi cũng nhìn theo và đáp lại. Một thoáng chăm chú, tôi đứng đó, ngây như phỗng.
“Nhưng thế là tốt rồi. Kiểu gì bà cũng hồi phục lại thôi. Từ xưa bà đã có trái tim khỏe rồi mà.”
Nghe mẹ nói, cả tôi và em gái đều nghĩ đúng là như vậy.
Bác sĩ lại cho rằng, dẫu thế, bà không thể xuất viện. Rằng chỉ việc vượt qua cơn nguy kịch lần này đã là kỳ tích rồi. Rằng không phải bây giờ nhưng có thể là ngày mai hay một tháng nữa, dù gì thì chuyện ấy cũng sẽ sớm đến, tiến trình không thể khác đi được.
“Nghĩa là sao?”
Sau câu hỏi của tôi, một khoảng im lặng trống rỗng mở ra, mẹ và em gái tôi cùng nghiêng đầu. Như muốn nói rằng chẳng hiểu gì hết.
Thành thử tôi lên tiếng.
“Tức là thế nào? Tôi chẳng hiểu gì hết.”
Dứt lời, cả ba chúng tôi tủm tỉm cười, so với nỗi buồn thì nụ cười ấy khô khốc và tươi sáng hơn, giống như chiếc lá rời cành.
“Mà các con nhìn lại mình xem, ăn mặc dị hợm như mọi khi. Đến bệnh viện mà vẫn nổi bần bật, thật hết nói nổi.”
Mẹ nói làm hai chị em tôi săm soi quần áo của nhau, rồi nhăn nhó thấy đúng là vậy thật.
“Kun-chan ơi, cái tóc là góc con người đấy.”
Tôi nói. Em gái tôi để kiểu tóc như Cleopatra. Mái tóc đen dày thẳng đuột, được nuôi dài quá đà.
“Vì phần đầu to nên nhìn người em càng gầy guộc.”
Dọc theo hai cánh tay khẳng khiu vươn ra từ áo sát nách màu tím, em gái tôi đeo phải đến mười hai chiếc vòng bằng bạc.
“Hazu-chan đừng chó chê mèo lắm lông. Ai đời có tuổi rồi mà mặc váy ngắn tũn, tóc lại còn dập sóng.”
Tôi uốn tóc kiểu xoăn sóng lọn nhỏ. Dù cắt ngắn nhưng chất tóc rễ tre nên tóc tủa ra giống bờm sư tử.
“Nhưng trông thế nào thì cũng không dị hợm bằng bộ đồ bơi ấy được đâu.”
Em gái tôi nói. “Bộ đồ bơi ấy” là kỷ niệm mà nó yêu thích.
Ba mươi năm trước (bà tôi không xuất hiện trong câu chuyện này. Chuyện này xảy ra trước khi bố tôi mất và ba mẹ con phải chuyển đến nương nhờ nhà bà), mẹ tôi làm cho bốn người - bố, mẹ và hai chị em tôi - mấy bộ đồ bơi kiểu đồng phục gia đình. Được đan bằng len nên chúng có họa tiết kẻ sọc với cách phối màu phức tạp. Nhìn riêng từng cái thì không đến nỗi, nhưng khi cả nhà mặc cùng lúc thì trông thật kỳ quặc. Chưa hết, khi bị ướt thì sợi len nặng trĩu làm hai dây váy của tôi và em gái rủ xuống, khiến phần ngực lộ hết cả ra.
Dẫu vậy, những năm tháng đó, chúng tôi đã mặc bộ đồ bơi ấy mà tắm biển vô số lần. Bộ của mẹ có dáng bikini, của bố là chiếc quần đùi ngắn.
Vì là phòng bệnh chung nên chúng tôi cố nhỏ giọng, song chắc hẳn chúng tôi vẫn là những người thăm bệnh ồn ào. Tôi và em gái hiếm khi về nhà nên lâu lắm gia đình mới tụ họp đông đủ.
Kaoruko em gái tôi từng kết hôn một lần rồi ly hôn, từ đó sống độc thân. Khi gọi điện cho nó, đôi khi người nghe máy là đàn ông, nhưng con bé khẳng định tất cả bọn họ chỉ là “bạn.”
“Hôm nay em nghỉ làm à?”
Nghe tôi hỏi, em gái trả lời vâng, nó nghỉ. Con bé là lập trình viên máy tính. Vì giỏi tiếng Anh nên hình như nó cũng làm nghề tay trái là dịch sách máy tính chuyên ngành.
“Công việc của Hazuki dạo này thế nào? Viết lách có thuận lợi không?”
Mẹ tôi cắt lời.
“Ổn cả ạ. Cái gì con cũng viết mà.”
Công việc chính của tôi là viết tiểu thuyết.
Nhớ ra đã nói với anh ta rằng mình sẽ gọi khi đến viện, tôi ra hành lang và gọi về nhà bằng điện thoại công cộng. Khi đếm đến hồi chuông thứ 12, tôi bỏ cuộc và trả ống nghe vào máy. Dù đã lường trước được phần nào nhưng tôi vẫn không khỏi thất vọng. Anh ta chưa từng gặp bà tôi nhưng nếu nghe tôi báo bà vẫn bình an, anh ta cũng nên vui mừng chứ. Tôi muốn sớm báo tin với anh ta. Bởi tôi có cảm giác, việc nói với ai đó rằng bà chưa chết sẽ làm tin ấy trở nên xác tín hơn.
Khi thẻ điện thoại được nhả ra với âm thanh chói tai, tôi định bỏ vào ví thì nhận ra tiền trong ví đã bị lấy sạch.
Lại thế rồi.
Tôi ngẩng mặt nhìn trần nhà.
Lần này phải chia tay với hắn, tống cổ hắn ra khỏi nhà, chia tay, tống cổ. Tôi nhét cái ví rỗng không vào túi xách, thầm sỉ vả hắn trong đầu. Song ngược lại, tôi thấy một cảm giác gần như là thanh thản. Chẳng phải hơn cả nỗi sợ điều gì đó, việc nỗi sợ nảy sinh chí ít cũng làm ta thấy an tâm hơn sao?
Sau đó, cơn giận bùng phát.
Đây không phải lần đầu tiên. Khi dùng ô tô, tôi thường để một ít tiền mặt ở cánh xe, nên khi bị lấy tiền trong ví tôi không nhận ra ngay.
Lại thế rồi.
Lại thế, lại thế. Tôi nguyền rủa chính mình. Như một con ngốc. Bị chơi xỏ từng ấy lần thì phải biết đường từ bỏ chứ.
Để bình tâm tĩnh trí, tôi tìm chỗ hút thuốc, leo lên tầng thượng. Có thể nhìn thấy núi và nhà dân phía sau hàng rào thép. Nỗi buồn lấn át đổ ập đến. Lúc này hẳn anh ta đang tiêu số tiền ấy ở đâu đó dù biết chắc tối nay sẽ bị tôi chì chiết. Tôi nghĩ về nỗi cô đơn như một hố đen của người đàn ông ấy.
Tôi trở lại phòng bệnh vừa đúng lúc mấy bác sĩ và y tá đang nâng giường của bà lên.
“Bà không cần máy thở nữa rồi.”
Mẹ tôi nói, vẻ vui mừng.
Sức hồi phục của bà thật đáng kinh ngạc, dù vẫn chỉ nằm yên nhưng khi cả nhà khom lưng ngang tầm mắt với bà, bà khẽ mỉm cười, còn muốn nắm tay. Chúng tôi lần lượt nắm lấy tay bà.
Mẹ tôi chậm rãi lấy cái bảng trắng cỡ nhỏ đặt ở đầu giường - vì bà bị lãng tai nên lâu nay cái bảng này vẫn giúp chúng tôi giao tiếp với bà. Mẹ tôi đã mang nó đến đây khi cùng bà lên xe cấp cứu - viết lên đó bằng cái bút có sợi dây gắn liền với bảng, “Mẹ có đau không?”, rồi cho bà xem. Bà cau mày, mất kha khá thời gian mới đọc được, rồi mỉm cười và lẳng lặng lắc đầu. Tôi và em gái vỗ tay vui mừng.
“Hai đứa cũng viết gì đó đi.”
Bị mẹ thúc giục nhưng tôi chẳng thể nghĩ ra gì, đành bất lực viết “Cháu chào bà.” Bà lại chậm chạp đọc với vẻ nghiêm túc, và từ từ gật đầu như muốn đáp “Ừ, chào cháu.”
Em gái tôi cũng không biết nói gì, lúng túng viết “Bà ơi” bằng chữ viết to như chữ trẻ con. Bà khẽ vỗ bộp bộp vào tay nó.
Mẹ đứng bên cạnh với đôi mắt rưng rưng, rồi đột nhiên nhớ ra “Phải rồi, mẹ đi cảm ơn bác sĩ đây” và tức tốc lao khỏi phòng bệnh.
“Đúng là mình chẳng bao giờ đuổi kịp mẹ nhỉ.”
Em gái tôi cười khổ. Mẹ là kiểu người nghĩ gì thì sẽ hành động ngay lập tức.
“Vừa thấy yên tâm là mẹ thấy đói rồi.”
Mẹ nói lúc quay về, thế là chúng tôi quyết định ăn bữa trưa muộn vì mẹ và em gái chưa có gì bỏ bụng từ tối qua. Khi tôi bảo rằng ban nãy tôi đã kịp ghé trạm đồ ăn nhanh, em gái tôi nói “Không thể tin được”, nhưng mẹ đáp “Mẹ thì tin được.”
“Từ xưa Hazuki đã lạnh lùng mà. Chắc lúc mẹ sắp chết nó cũng ăn hamburger được đấy.”
Có nhà hàng mà mẹ muốn đến, nhưng tôi chợt nhớ mình không mang tiền mặt, chỉ biết cầu nguyện rằng cửa tiệm đó thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Chúng tôi bắt chuyến xe bus đến nơi có nhà hàng ấy. Bởi mẹ đã đề xuất rằng nên uống gì đó để ăn mừng. Theo lời mẹ, những người đi đến nơi thế này bằng ô tô “thật thiếu suy nghĩ”.
Nhà hàng mới mở, rộng rãi và ngăn nắp, lại nằm trên khu đất cao nên có thể nhìn ra biển. Đang là mùa cao điểm nhưng có lẽ vì xa bãi tắm và đã quá giờ ăn trưa, cộng thêm việc dù phục vụ những món bình dân như pizza và xúc xích song giá cả lại khá cao, nên nhà hàng vắng hoe. Ngồi ngoài trời thì nóng nên chúng tôi chọn bàn trong nhà, ngay sát cửa sổ. Ngoài khăn trải bàn xanh dương thì cái gì trong nhà hàng cũng màu trắng. Sau khi gọi một chai vang trắng, mẹ và em tôi lần lượt gọi mì Ý sò điệp, Chef Salad và hành tây chiên giòn.
“Đẹp quá.”
Ngắm biển và núi qua cửa sổ, mẹ nói.
“Đã bao nhiêu năm rồi ba người mới cùng đi ăn hàng thế này nhỉ?”
Chúng tôi nhìn thế nào cũng không giống người đang phải trông nom cho người thân cận tử. Cả ba đều đeo kính râm, uống vang trắng, cứ năm phút lại rộ tiếng cười. Thực tế là ai cũng khấp khởi trong lòng. Có thể nói là vui vẻ cũng đúng. Việc bà vừa thoát khỏi cơn nguy kịch và việc bà sắp bước vào cửa tử, cả hai điều ấy làm chúng tôi cao hứng đến lạ lùng. Dù bác sĩ nói gì, gương mặt mỉm cười của bà dường như chẳng hề đau đớn. Bà là người ăn khỏe nhất nhà, luôn mặc kimono một cách tao nhã với cổ áo kéo trễ đằng sau, và cứ chập tối là lại uống bia không sót ngày nào. Bà đã sống qua chiến tranh và bao trận động đất, nên chúng tôi tự tin rằng bà sẽ không phải lệ thuộc vào bác sĩ. Nếu bác sĩ không hiểu thì đành chịu thôi, nhưng chắc chắn người bà ấy sẽ không chết một cách lặng lẽ. Cả ba chúng tôi đều nghĩ vậy. Điều ấy gần như là một niềm tin xác tín. Và cũng bằng niềm xác tín ấy, cùng với một thái độ lạnh lùng kỳ lạ mà không chút mâu thuẫn, chúng tôi biết rằng bà rồi sẽ chết.
“Kaoru-chan, bây giờ em hẹn hò với ai à?”
Khi hỏi vậy, con bé dạn dĩ gật đầu “Vâng”. Dù chỉ là bạn thôi, nó nói thêm.
Khi hỏi hai người có sống cùng nhau không, em gái tôi nghiêng đầu đáp “Thì cũng đi qua đi lại thôi.” Tôi cười, mẹ nói “Không phải chuyện để cười đâu”, nhưng rồi cũng bật cười.
“Lại thế nữa à. Hai đứa mày, sao có mỗi việc giữ chặt đàn ông thôi mà kém thế.”
“À, nhắc mới nhớ.”
Ra vẻ vừa mới nhớ ra, tôi nói.
“‘Thằng vô tích sự’ nhà con gửi lời chào mẹ đấy. Anh ấy cũng lo cho bà, còn muốn đi theo con hôm nay nữa.”
Tôi nói dối không chớp mắt.
“Thôi mà, cần gì phải đến.”
Mẹ tôi nhón một miếng hành tây chiên.
“Con cũng nghĩ thế nên chỉ đi một mình thôi.”
“Rốt cuộc, người may mắn gặp được đàn ông tốt chỉ có mẹ thôi nhỉ.”
Mẹ tôi nói, đó là câu nói mà mẹ luôn đắc ý, nên chị em tôi bỏ ngoài tai.
Vậy nhưng người “đàn ông tốt” ấy - bố của chúng tôi - đã mất từ hai mươi năm trước rồi. Một thân một mình, mẹ đã sống đến giờ khi phải chăm sóc hai đứa con gái và bà ngoại. Đôi khi, tôi nghĩ điều ấy thật nghiệt ngã. Rằng bố không được bỏ lại mẹ mà đi như thế.
“Mùi thơm quá.”
Ngửi thấy mùi cà rốt thoang thoảng trong không khí, em gái tôi hau háu nói.
Ở góc mắt trái của nó có một vết sẹo nhỏ lồi lên trên da. Đó là vết thương do bị chồng cũ người Anh chỉ kết hôn được hai năm ném điện thoại vào mặt. Mẹ và tôi thì muôn phần giận dữ, nhưng con bé mạnh mẽ gọi vết sẹo ấy là “Kỷ niệm tình yêu” và lấy đó làm chuyện để cười khúc khích.
Em gái tôi có chút điên khùng ở đâu đó, chẳng hạn như ban nãy ngồi trên xe bus, nó hỏi tôi “Này, miệng con thân mềm là cái gì?”. Tôi bối rối, nhắc nó nhớ lại “Vừa nãy chính em nói mà, là nhìn như miệng con thân mềm ấy.” Em gái tôi gật đầu với vẻ ngây thơ, giải thích “Trước khi chị đến, mẹ nói với em như thế, rằng cái máy thở kia giống miệng con thân mềm nhỉ. Nên em chỉ nói lại thôi.” Kaoruko là đứa em như thế. Tôi nghi hoặc nói “Miệng con thân mềm là cái gì, ai biết đâu” rồi cười vang. “Không biết thật, nhưng cái máy thở đó, chắc chắn là giống nhỉ.”
Nghe vậy con bé bật cười, rồi mẹ tôi cũng cười. Hẳn là chúng tôi nhìn như những kẻ ngốc. Không biết thật à, không biết đâu, chúng tôi cứ lặp lại với nhau như thế khi đang ngồi trên xe buýt, và được một trận cười no nê.
Dù sao, đó chính là cách sống của chúng tôi. Bằng cách ấy, chúng tôi đã vượt qua không biết bao nhiêu nỗi buồn trong đời.
It’s not safe or suitable to swim.
Đột nhiên, tôi nhớ đến tấm biển cắm bên bờ sông mà tôi đã thấy ở một thị trấn nước Mỹ khi đi du lịch. Tưởng như là biển báo cấm bơi, nhưng chính xác hơn thì đó không phải là cấm. Chỉ là nơi này không an toàn hay thích hợp để bơi.
Đó chẳng phải biển báo mà tất cả chúng ta đều mong được thấy trong cuộc đời mình sao?
Tôi hồi tưởng lại cảnh gia đình mình mặc bộ đồ bơi kẻ sọc kỳ dị mà mẹ đan, bơi trong dòng sông, ùa về phía trước.
Bố gầy sọp. Mẹ có dáng người nhỏ nhắn, tôi vóc dáng trung bình, còn em tôi lại gầy nhẳng.
Trong tưởng tượng của tôi, bầu trời trầm đục và lạnh buốt. Chúng tôi đi bộ trên bờ sông, môi tím tái, tay nổi da gà.
“Sóng đánh cao quá nhỉ.”
Sau bữa ăn, mẹ tôi nói khi uống cà phê. Thấy tôi rút điếu thuốc, mẹ nói “Con lại hút à? Hại người lắm.” Bỏ ngoài tai, tôi châm lửa. Bà ngoại lẫn mẹ đều đã mất chồng từ sớm. Bình thường thì tuổi thọ của phụ nữ đã cao hơn đàn ông rồi. Nếu không hút thuốc thì sẽ sống lâu quá mất.
Tôi nghĩ về người bà đang phải nằm một mình trong phòng bệnh.
“Hazuki, hôm nay con có ngủ lại nhà mình không?”
Tôi lắc đầu.
“Con phải về thôi.”
Lạnh lùng quá, mẹ tôi nói rồi thở dài.
“Bây giờ quay lại viện, chào bà một lần rồi con mới về.”
Tôi dập tắt điếu thuốc, cầm hóa đơn đứng lên. Chẳng có vị khách nào khác ngoài chúng tôi. Trong ánh tà dương của buổi chiều muộn, những chiếc bàn không người ngồi được phủ khăn xanh dương trông thật chán chường.
“Khi nào bà xuất viện, mình cùng dẫn bà tới đây nhé.”
Mẹ tôi thì thầm.
Tổng hợp nhiều nguồn
Chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2024 diễn ra tối 20/4 có sự góp mặt của 41 thí sinh. Ngoài trình diễn trang phục dạ hội, áo dài, các thí sinh còn nóng bỏng với bikini.
Showcase ra mắt album "Theater of dreams" của Đông Nhi tại TPHCM do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh làm tổng đạo diễn. Anh từng đồng hành với Đông Nhi ở 2 liveshow "It's show time" v...
Cô gái Bình Dương tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình nhờ 2 tháng làm thêm trong kỳ nghỉ hè.
Tuy phải nhường ngôi dẫn đầu cho phim "Tìm xác: Ma không đầu" của NSND Hồng Vân nhưng "Địa đạo" vẫn kịp làm nên lịch sử phòng vé.
Người dân trong một ngôi làng nhỏ ở miền nam Tây Ban Nha có cuộc sống yên bình và vui sướng. Trẻ em suốt ngày vui chơi dưới những tàng cây xum xuê lá trong những khu vườn...
MALAYSIA - Người phụ nữ có hơn 1,2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội TikTok đăng tải video chia sẻ chuyện mang một vali tiền đi mua vàng khiến cộng đồng mạng xôn xao.