Chưa đến ngày ông Công, ông Táo lên chầu Trời nhưng Thào Sính Lùng nghe lời giục của vợ, đã cùng em gái Lẫm đến nhà thầy mo Triệu bàn việc mở hội Gầu Tào để “cầu con”, cầu cho gia đình “người yên, vật thịnh”.
Thầy mo Triệu thắp một tuần nhang trên bàn thờ, xin âm dương sau đó bảo:
- Năm nay nhà cô chú làm Gầu Tào là được đấy!
Nói rồi Triệu bầy cho Lùng cách thức chuẩn bị. Trước hết lễ hội sẽ quy tụ đông người nên cần chọn một địa điểm rộng rãi và tương đối bằng phẳng để có nhiều bãi vui chơi. Thầy bảo:
- Nên chọn khu đất bằng ở đầu bản Nùng Xín. Chỗ ấy gần đường đi lối lại, hợp với phong thủy người H’Mông, lại được thần rừng, thần núi ưng bụng. Tốt lắm đấy. Chú về cho người đánh bớt gốc, dọn sạch các bụi cây lúp xúp đi là đẹp.
Rồi thầy lại hỏi:
- Cô chú định tổ chức lễ hội suốt ba năm liền hay chỉ tổ chức gộp một lần?
Nghe giọng nói du dương của thầy Triệu, Lẫm vội hỏi:
- Làm suốt hoặc làm gộp thì khác nhau thế nào?
- Làm suốt ba năm liền thì mỗi năm chỉ dựng một cây nêu. Còn nếu lễ hội tổ chức gộp ba năm một lần, thì phải dựng ba cây nêu theo hình tam giác ở giữa.
Sính Lùng đưa mắt nhìn em gái rồi thống nhất:
- Làm gộp một lần thầy ạ.
- Thế thì trước tết ông Công ông Táo, phải đẵn ba cây mai to và dài để đến trước ngày 30 Tết làm lễ dựng nêu. Ba cây nêu được dựng chụm đầu vào nhau ngay trên đỉnh đồi. Trên ngọn treo 3 miếng vải lanh màu đen, trắng, đỏ khác nhau. Phía dưới treo một bầu rượu ngon và một dây tiền bằng giấy bản. Thầy sẽ giúp gia chủ chỉ đạo việc này.
Sính Lùng vâng dạ rối rít, rồi kéo Lẫm về chuẩn bị.
Tranh của họa sĩ Trần Thắng
Chiều ngày 30 Tết, sau khi cúng tổ tiên trong nhà, Sính Lùng làm một mâm cỗ nhờ thầy mo Triệu đến cúng dưới gốc cây nêu, cầu xin tổ tiên, thần rừng, thần núi những điều mình cần mà chưa có. Trong lễ cúng, thầy mo Triệu dùng toàn những từ hoa mỹ, thanh cao mà người H’Mông gọi là pàng lỳ, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ đẹp đẽ gọi là lù txà nghe như tiếng nước chẩy róc rách, êm ru để thưa với các đấng bề trên, khiến cho anh em nhà Sính Lùng hết lòng kính phục.
Mùng 5 Tết là ngày bắt đầu khai hội. Cô giáo Bàn Thị Liên đến rủ Phó Chủ tịch xã Trần Quốc Hoàng đi chơi từ lúc đàn gà mẹ con vừa lục tục gọi nhau đi kiếm mồi.
Hoàng đang lưỡng lự thì Xã đội trưởng Tráng A Pinh đã giục:
- Chú đi đi. Không chối được đâu. Mất “rông” là đen đủi cả năm đấy. Có việc gì để anh trực cho.
Được đà, Liên nói như đã cầm chắc phần thắng:
- Em đã bảo rồi. Thế nào Pinh cũng nhường Hoàng cho em mà. Hoàng chối làm sao được anh Pinh nhỉ?
Hoàng ngập ngừng như không còn cách nào đành phải nghe theo. Thấy thế Liên bấu vào tay anh nói nhỏ:
- Thích quá đi rồi lại còn làm ra vẻ điệu bộ.
Hoàng im lặng làm như chịu tội. Ra khỏi cổng Ủy ban, anh mới mạnh mồm:
- Em chỉ được cái bắt nạt anh là không ai bằng.
- Ô hay, anh chẳng để cô giáo bắt nạt thì để ai đây?
Tiếng cười của họ ròn tan, khiến đôi cu gáy trên cành cây trước mặt giật mình, vội bay vút lên, lẫn vào không gian lơ thơ mưa bụi.
***
Hai người đến hội thì thầy mo Triệu đã lên đàn cúng tế, cầu chúc cho gia chủ “vạn sự như ý”, cho dân làng được “người yên, vật thịnh”. Từ khắp nơi, trong làng, ngoài bản, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Không câu nệ, khách ngoài họ đến, khách đường xa về tùy theo điều kiện người ống gạo, người thố ngô, người hũ rượu, người xách đôi gà đều vào làm lễ, cầu chúc cho dòng họ Thào nhà Sính Lùng mọi người yên vui, cho mùa màng ở bản Nùng Xín bội thu, dê lợn đầy chuồng, gà vịt đầy sân. Thào Sính Lùng thay mặt dòng họ đứng ra nói lời cảm tạ và biết ơn lòng hiếu thảo của thân bằng, sự hào phóng của khách quý.
Trên bãi cỏ anh em nhà họ Thào đã dựng nhiều căn lán lợp lá cho người già ăn uống chúc tụng. Các khu vui chơi được Trưởng bản Vương Thụ đứng ra sắp xếp, tổ chức. Là người thạo việc nên ông bố trí nơi nào ra nơi đấy, vừa gọn gàng, vừa thuận tiện.
Bãi bằng nhất ở góc bên phải được dành cho thanh niên đánh quay. Sân ném pao, múa khèn, hát gầu plềnh, hát tình ca, đối đáp, trao duyên, hát vui hội hè được bố trí ở chính giữa. Nơi bắn nỏ, bắn cung ở bên phải. Phía trước triền đồi là những dây ống hát được chăng lên để các đôi nam thanh, nữ tú trổ tài. Còn đường đua ngựa được bố trí ở xung quanh để các kỵ sĩ thi đấu.
Gia chủ Thào Sính Lùng có quyền thống lĩnh toàn hội. Bên cạnh Sính Lùng còn có Trưởng bản Vương Thụ thạo đường ăn, tiếng nói thay mặt giải quyết các việc phát sinh. Vương Thụ cắt cử người quán xử mà người ta vẫn gọi là chủ sự để quản lý mỗi sân bãi. Ngoài ra còn bố trí xừ quan tức là người quản lý chuyên chăm lo việc ăn uống, hấu pầu tờ trông coi củi đuốc, hấu pầu giê trông nom việc xay giã dần sàng cùng với xừ quan để lễ hội diễn ra được quy củ và chu đáo.
Khách gần, khách xa, người già, người trẻ ai thích chơi trò gì thì đến sân ấy. Sân chơi nào cũng nườm nượp. Gia chủ và thầy mo Triệu sau những cuộc đón khách thân tình đầm ấm bắt đầu công bố mở hội. Rồi họ cùng xừ quan, quán xử cùng đi đến các sân khai mạc từng đám chơi. Đến đâu thầy mo Triệu cũng tươi tỉnh khuôn mặt, nói năng dịu dàng, khiến cho anh em nhà họ Thào của Sính Lùng cũng mát lòng, mát dạ.
Trò chơi trong lễ hội có nhiều. Nào là vặn gậy, nhảy sào, chơi đu quay, nhảy ngựa, đánh yến, đánh cầu, mi-mi-nào-tẩu-si như trò bịt mắt bắt dê của nhiều dân tộc khác. Song nổi bật nhất, hào hứng nhất đối với cánh con trai vẫn là trò đánh quay. Các con quay làm bằng gỗ cứng với đủ cỡ được trưng ra, thu hút những thanh niên trong lễ hội. Thào Sính Lùng đam mê trò chơi này từ ngày còn trẻ, cả thi quay tít và chọi quay. Anh rủ người khách họ Vương cùng thả quay, chọi quay ra chiều tâm đắc lắm.
Để thi quay tít, người ta vẽ một vòng tròn trên đất bằng, cách vạch đứng thi khoảng ba sải tay. Mọi người dàn hàng ngang đứng ở vạch thi đấu. Chủ trò hô lên một tiếng, những con quay lao vút vào vòng quay, phát ra những tiếng kêu vù vù và quay tít, con quay nào quay lâu nhất sẽ thắng.
Trò chọi quay bao giờ cũng thu hút được nhiều người chơi. Một người thả con quay ra để làm mồi. Những người khác vung tay lên, bổ quay của mình từ trên xuống, giáng mạnh vào con quay mồi khiến nó bị lảo đảo, có khi bị vỡ toác ra. Nếu chọi trúng thì thôi, còn chọi không trúng thì con quay chọi lại phải thay thế con quay mồi.
Bàn Thị Liên rủ Hoàng sang bên sân múa khèn. Làm như mình là chủ nhà, đôi môi mịn đỏ như cánh hoa đào của Liên giảng giải cho Hoàng:
- Múa khèn được coi như môn chơi tài tử cao sang nhất, thể hiện tài kinh bang tế thế của người con trai H’Mông đấy. Anh muốn lấy vợ ở đây thì phải học cho giỏi điệu múa khèn này nhé!
- Nhưng đã có ai dạy anh đâu. Để anh nói với bố cho em dạy anh nhé?
- A, cũng bắt đầu biết dẻo cái miệng rồi đây. Kiểu này con trai người H’Mông Nùng Xín này mai kia bắt gái thua anh cho mà xem.
Liên đấm thùm thụp vào vai Hoàng, cười nghiêng ngả.
Mọi người quây quanh người khách họ Vương từ Chí Sần xuống xem anh ta múa khèn. Ai đã chiêm ngưỡng những đường lượn, đường vòng mà người khách này đang thể hiện đều trầm trồ trước những thế đi, nước lùi của Vương. Anh ta múa lúc như con nai ngơ ngác, lúc như cơn gió mát nhẹ nhàng, khi như con công chụm chân xòe cánh, khi lăn tròn, lộn nhào, quay tít như vũ bão. Người họ Vương múa xong bài khèn, đám thanh niên xô đến, tay bắt, tay mừng, rót rượu mời, lại chúc tụng anh ta bằng những lời pàng lỳ (hoa mỹ) mà người H’Mông chỉ để dành riêng cho người có tài năng, được dân bản quý trọng.
Xem hết múa khèn, hai người lại dắt tay nhau sang đám hát gầu plềnh. Liên bảo Hoàng:
- Đây là đám thường có mặt những thanh niên trai gái đang độ thanh xuân hát tình ca đốí đáp. Họ hát vừa để thi thố tài nghệ, vừa để tìm hiểu nhau. Nhưng đám hát này cũng không thiếu những người đã yên nơi chốn, bởi luật chơi cho phép họ được như vậy.
- Thế vợ chồng họ không ghen nhau à?
- Ô hay. Nếu cấm thì họ mới ghen chứ, còn cuộc vui này có cấm đâu. Ở đây thoải mái như trên sân khấu ấy. Ai cũng cứ hát tự nhiên, mắt cứ đưa tình, lời cứ âu yếm. Nhưng nếu ai có ý sáp lại gần nhau thì lập tức sẽ có ngay chiếc gậy trúc của xử quan chỉ vào nhắc nhở.
Liên còn đưa Hoàng đi qua triền núi dìu dặt tiếng kèn lá bay bổng của những đôi trai gái gọi mời nhau, đến xem những người chơi nhị, thổi sáo bịt và sáo lưỡi đồng, gẩy đàn môi. Đám người này được tùy thích nhập đám hoặc chơi riêng một mình. Nghe họ thả ra những âm thanh dìu dặt, quyện vào nhau như những lời thề non, hẹn biển mà Hoàng thấy lòng mình cũng bồi hồi như đang xao xuyến cùng tâm tư, tình cảm của họ vậy.
Đám thi bắn nỏ qui định tiêu điểm bằng một chiếc lá nhỏ, di chuyển nhanh như chim bay hay sóc lượn. Lần lượt từng người một vào bắn để phân thắng bại. Người thiện xạ sẽ được ban thưởng một bầu rượu ngon. Ở đám này người khách họ Vương cũng thể hiện tài năng xuất chúng. Anh ta bắn phát nào trúng chiếc lá phát ấy, khiến ai ai cũng ngưỡng mộ. Cả hội quây lấy người họ Vương này, mời mọc như bạn bè đồng tộc gần gũi và thân tình.
Đi vòng một lượt, Liên và Hoàng lại về chỗ ba cây nêu chụm vào nhau. Các vò, các chum rượu cần được đặt xung quanh hoặc trong những căn lều, ở những gốc cây. Có chiếc chứa rượu chua, có chiếc chứa rượu nếp thơm. Mỗi chiếc đều cắm sẵn cần, ai muốn uống bao nhiêu tùy thích. Lại có cả những chum mở nắp để ai thích thì múc ra bát mời nhau, vừa tình cảm, vừa trân trọng.
Liên đưa cái ống hút cho Hoàng kèm theo ánh mắt tinh nghịch:
- Hai anh em mình làm một hơi nhé?
- Anh chịu thôi. Say chết.
- Rượu cần mà. Không say đâu. Anh thử đi.
Nói rồi Liên ngậm vào đầu ống hút, má hóp lại, rít một hơi. Hoàng cũng bắt chước làm theo. Cảm giác ngòn ngọt, chua chua êm ái trôi qua cuống họng khiến lòng anh lâng lâng. Hoàng không biết sự êm ái, lâng lâng ấy đến từ đâu? Từ men rượu? Từ ánh mắt, nụ cười, làn môi, khuôn mặt của người con gái đi bên anh? Hay từ tất cả? Những bụi mưa xuân ngập ngừng đậu vào má anh và ý nghĩ vui vui kia chợt đến làm Hoàng như người say rượu.
***
Đêm hôm đó những đống lửa được đốt lên tại bãi hội để mọi người tiếp tục cuộc vui. Khách đường xa được mời về gia chủ nghỉ ngơi. Liên và Hoàng theo chân đám nhẩy vào nhà thầy mo Triệu làm lễ nhảy người H’Mông gọi là đha thàng hoặc nhảy đồng tức là nhảy tập thể tốp nam hoặc tốp nữ.
Mở đầu thầy mo Triệu đánh chiêng phía sau lưng tốp nhảy. Khi cả tốp đã đồng loạt cùng nhảy lùi, rồi nhảy tiến theo bốn hướng thì độ nhặt khoan của tiếng chiêng càng lúc càng vang lên rộn rã, khiến đám đông cũng mỗi lúc một run rẩy nhẩy theo. Trong lúc nhảy, người nam có thể nắm tay một người nữ cùng nhảy cho vui. Khi tiếng chiêng đến độ cao trào mà ai nhẩy không run lên được, thầy mo Triệu sẽ phải ra tay bằng cách đệm quẻ bói dưới chân, đốt một thẻ giấy, lấy tro hòa nước, phun vào người, buộc người đó phải nhảy. Họ nhẩy cho đến lúc mệt. Cánh đàn ông lần lượt quì lạy trước bàn thờ, lạy ba lạy theo ba hướng phía trước, bên phải và bên trái người lạy, cánh đàn bà chạy ra ngoài hoặc ra phía bếp lò. Lúc đó đám nhẩy mới tạm dừng nghỉ.
Thấy Hoàng ngơ ngác, Liên kéo ra một góc giảng giải:
- Nhảy đồng là điệu nhẩy mang tính chất của lễ hội sa-man giáo. Đó là một hình thức tôn giáo cổ xưa thông qua những người môi giới để giao tiếp với thần linh, nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn. Ý nghĩa của nó là cầu mong sức khỏe, cầu mong mùa màng tốt tươi, cầu mong đất trời thuận hòa, cầu mong thần linh ma quái không gây ra những điều oan trái. Nhẩy đồng làm con người như được thôi miên, hồn chập cheng ra ngoài thân xác, khiến người nhẩy có cảm giác được bay bổng vào cõi mơ.
Hoàng tỏ ra khâm phục:
- Sao cái gì em cũng biết thế?
- Ô hay! Em là cô giáo mà. Với lại đây là những nét văn hóa dân tộc của em, em không biết hóa ra mất gốc à?
Hai người cùng nắm tay nhau, cười.
***
Qua ba ngày là hết hội. Thầy mo Triệu cùng gia chủ Thào Sính Lùng làm lễ hạ cây nêu xuống. Họ chọn một đôi nam nữ đứng tuổi, đông con cùng rước cây nêu về nhà Sính Lùng. Trên đường về thầy mo Triệu đốt thẻ giấy lấy than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại nhấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo thầy mo, cũng phun rượu theo. Mảnh vải đỏ được mang về treo trong nhà Thào Sính Lùng, cầu mong hồng phúc cho dân bản. Còn cây nêu được bổ ra làm giát giường cho vợ chồng nằm, để mong sang năm mới sớm có con.
Thế là kết thúc lễ hội Gầu Tào, một lễ hội mà bất cứ ai ở Nùng Xín này đều mong ngóng suốt cả một năm trời bắt đầu từ mùa hoa đào năm ngoái.
Tổng hợp nhiều nguồn
Mùa xuân gọi cái Tết đến rất gần. Nụ đào núi đã chúm chím khoe mầu trên những sườn núi đá, bất chấp cơn gió lạnh tái tê tràn về, qua yên ngựa rồi hút xuống thung lũng Bìn...
Diễn viên Huỳnh Anh Tuấn trải qua cơn đột quỵ "thập tử nhất sinh". Sau hơn 10 ngày nằm viện, sức khỏe anh tiến triển tốt, được phép xuất viện về nhà theo dõi.
Mới đây, tạp chí Travel+Leisure (T+L), một trong những ấn phẩm hàng đầu thế giới về du lịch và trải nghiệm, đã đăng bài ca ngợi giá trị du lịch, sinh thái của hang Sơn Đo...
Series 'mẹ bầu đi biển mặc gì' của Joyce Phạm khiến nhiều người phải xuýt xoa với phong cách thời trang đa dạng của cô nàng dù ở những tháng cuối thai kỳ.
Tại buổi họp báo, mẹ ca sĩ Jack - J97 bật khóc khi tiết lộ con trai từng bị trầm cảm vì scandal đời tư.
Tiến sĩ Sơn Cao Thắng của Trường Đại học Trà Vinh được nhiều sinh viên thán phục nhờ cách giảng dạy nghệ thuật truyền thống Khmer đầy cảm hứng.
Diễn viên Midu giới thiệu web drama "1314 - Đợi em ở ngày cũ" trong vai trò nhà sản xuất, diễn viên chính.