Âm thanh phố Đạo vang lên làm một khoảng trời xao động. Nền trời xám xịt của mùa đông kia sẽ có những thiên thần áo trắng bay xuống nhảy múa quanh gác chuông. Dọc phố trồng đầy cây bằng lăng. Giá lạnh đã tuốt sạch lá trên ngọn cây, chỉ còn quả khô hình chuông nâu trang trí cho cành khẳng khiu đón một mùa Noel. Chiều qua, chị trưởng nhóm thiện nguyện bên phố Đạo gọi tôi cùng chị đến nhận thai nhi ở viện về đi chôn cất. Quấn chiếc khăn xiết mạnh vào ngực hơn nữa, tôi cảm thấy cơn mệt kéo đến. Mỗi lần đi với chị, tôi là người lái xe, còn chị ôm khư khư cái làn nhỏ ngồi sau. Chở chị về ngôi chùa quen thuộc ở trong phố. Ở đó là phần việc của mọi người làm tiếp. Tôi biết chị bắt đầu từ công việc này.
Chị ở nhà suốt ngày. Sáng xách cái làn đi chợ một lúc, chiều đi dạo bên bờ sông cạnh nhà. Chị hay nhìn chăm chăm những con cá bị cắn câu ở bên bờ sông máng ấy. Trong tiếng reo vui của mấy đứa trẻ, cái thân ngắn ngủn quẫy trong không trung vài giây rồi bị quẳng lên bờ cỏ, tha hồ oằn mình loạn xạ, cho đến khi không còn vùng vẫy, âm thanh tắt lặng chỉ còn những đôi mắt cá chép lấp lánh nằm im trên cỏ xanh.
Tôi thường sang chơi với chị vào buổi chiều. Chị bảo, có con rồi chị mới đi làm. Những con cá chép nhỏ chị mua ở chợ về thả vào cái chậu đặt trước hiên, bơi từ sáng đến chiều. Chúng bơi lội vô tư với đôi mắt sáng vui vẻ trong cái chậu nước, thỉnh thoảng lại quẫy mạnh, nước bắn cả ra ngoài. Chị xì xụp nấu cá chép với cháo đỗ xanh ăn khi có thai. Chẳng mấy khi tôi gặp chồng chị ở nhà. Đứa con thứ nhất, chị không giữ được là lúc hai vợ chồng chưa có nhà ở, vẫn phải đi thuê nhà trọ. Anh nói với chị, nếu sinh con ra trong lúc này, vợ chồng còn thất nghiệp ở thành phố thì nuôi con sao nổi. Đứa con thứ hai, tự nó bỏ chị vì bị trượt ngã lúc chuyển nhà trọ. Và đứa thứ ba, nó chỉ mới có hơn hai tháng tuổi cũng tự đi ra khỏi chị. Lúc ấy, anh đi công tác. Chị vật vã một mình qua cơn đau. Và anh thường đi công tác nhiều hơn. Chị khao khát có đứa con nhiều hơn. Những nồi cháo cá chép nguội ngắt cùng gương mặt có con mắt đỏ hoe của chị và những buổi chiều nặng trĩu. Những con cá chép chưa kịp nấu tự chết trong chiếc chậu nhỏ trước hiên nhà. Tôi giúp chị vớt những con cá đó lên. Đôi mắt cá vẫn đen láy nhìn vô song.
Chị rủ tôi đi lễ chùa lúc anh đi vắng. Tôi ngạc nhiên. Chị bảo, nhớ mùi hương của chùa làng lắm. Đạo giáo nào chân chính cũng đưa người ta đến hạnh phúc, dạy con người sống nhân ái. Đi chùa Hà nhé! Vâng. Chùa Hà nổi tiếng cầu duyên. Tôi thích ngay vì chỉ nghe chứ chưa đến bao giờ. Chị bảo, đi để cầu cho tôi đẹp duyên với người mình yêu. Chị lại kể, ngày chị yêu anh, chị cũng đến chùa Hà để cầu đó. Chị tin là lời cầu nguyện được linh ứng.
Chị hớn hở khoe, tuần này anh ở nhà, mấy chị em mình đi lễ nhà thờ nhé. Tôi thích luôn vì tò mò lắm. Chưa bao giờ tôi được đến nhà thờ. Phố Đạo có nhiều chuyện lạ với tuổi mới lớn của chúng tôi. Những đôi mắt của con trai, con gái ở phố đạo học cùng trường thường mở to nhìn thẳng thánh thiện. Năm nào gần đến Noel tôi cũng được nghe câu chuyện truyền miệng chẳng bao giờ đầy đủ về chúa Je-su ra đời vào nửa đêm trong hang đá ở nhà thờ ở giữa phố Đạo ấy. Con phố tôi đi qua hằng ngày vẫn đóng những cánh cửa bí mật làm tôi tò mò suốt cả thời học sinh.
Tiếng chuông ngân nga như gọi gió. Gió cuối mùa thu sang đông phảng phất hương hoa sữa sót lại. Chúng tôi hòa vào dòng người bước vào thánh đường. Vòm nhà thờ cao lồng lộng. Tôi đứng im bên cạnh chị. Ánh mắt chị hướng lên trên nghe cha giảng kinh. Đầu tôi ù đi như có gió thổi bên tai. Kết thúc buổi lễ, người bên trái quay sang tôi mỉm cười và nói: Chúc bạn bình an! Tôi cũng mỉm cười và lí nhí: Cảm ơn - rồi theo gót chị. Từng dòng người nối nhau lên nhận bánh Thánh. Cảm giác như bao nhiêu thiên thần đang bay lượn reo vui trong tiếng nhạc thanh bình trên đầu. Họ chắp tay và cảm ơn. Tôi hỏi chị: Chị có lên nhận bánh Thánh không. Chị lắc đầu. Trên đường về, tôi hỏi: Sao chị không nhận bánh Thánh? Chị cầm chặt tay tôi thì thầm: Tuần này chị đã nói dối chồng, vì chị mong anh về quá. Lồng ngực tôi bỗng ngẹn lại. Những mắt cá sáng long lanh đầy đau đớn hiện lên. Chiều qua, tôi sang nhà chị và ngửi thấy mùi cháo cá chép. Chị đang có bầu ư?
Minh họa của họa sĩ Vũ Đình Tuấn
Để lại cho chị ít tiền, anh lại đi công tác. Tôi sang, chị không ăn cháo cá chép nữa. Cái bát cháo nguội ngắt, loãng cả hạt cơm ra. Con cá lập lờ trong bát cháo. Mắt chị đỏ hoe. Chị ôm tôi và khóc. Chưa bao giờ chị nói nhiều thế. Tiếng nấc nghẹn và òa vỡ nỗi cô đơn. Nó bỏ chị đi nữa rồi. Nó tuột ra khỏi chị đêm qua. Nó lớn bằng quả trứng vịt. Nó nhảy nhót trên tay chị gọi mẹ ơi! Chị thấy nó rất xinh đẹp em ạ! Đi mua váy cho nó nhé. Gửi cho nó cả búp bê nữa. Con bé xinh quá! Nói xong, chị nhắm mắt lại thở đều đều và ôm chiếc gối vào lòng. Tôi đứng cạnh giường nhìn trân trân vào chị, lòng loạn cả lên. Con cá chép cuối cùng nhẩy ra khỏi chậu trước hiên nằm phơi nắng chiều đông. Tôi nhấc nó lên khỏi đám kiến, mắt nó vẫn mở long lanh.
Chồng chị đang có con với một người khác. Nhưng anh không bỏ chị vì trong quy ước hôn nhân công giáo... thề trước chúa là sẽ sống với nhau trọn đời!
***
Ở nhà thờ, có một căn phòng nhỏ, một lần tôi nghé mắt tò mò nhìn vào. Người đàn ông ngồi trước một cái bàn có tấm rèm mỏng ngăn cách với người bên kia. Tôi chỉ còn nhìn thấy đôi chân đang đung đưa ung dung của người bên kia tấm rèm mỏng, và một tà áo nhà Thánh rủ xuống chân. Tôi áng chừng đó là một vị linh mục, còn người đàn ông đang làm lễ xưng tội. Chị đã từng nói với tôi: Người ta có quyền được thú nhận tội lỗi và được tha tội. Họ thanh thản và tiếp tục sống trong an nhiên. Cái ngày, anh thú nhận với chị về lòng chung thủy của mình, là ngày giông bão với chị. Đau đớn, quằn quại một mình trên chiếc giường lạnh lẽo trong đêm mưa thu. Chị chấp nhận để anh đến chăm sóc cho người đàn bà kia qua cơn đau làm mẹ. Chị không dám ăn bánh Thánh, còn anh thì bình thản bước lên nhận chiếc bánh Thánh vì mình đã sống trung thực.
***
“Nhà em ở đâu?” “Nhà em ở... đi qua phố Đạo Đường”. “À, anh biết rồi!” Tôi mỉm cười và gấp lại cuốn sách đến trả lại cho chị thủ thư, và mượn thêm một cuốn về đọc. Người đến thư viện thường là người già hoặc học sinh. Người thanh niên trẻ như chúng tôi rất ít.
Tiếng chuông cửa kêu reng reng. Tôi mở cửa. Anh chàng tôi biết ở trên thư viện xuất hiện trên tay cầm một bó hoa hồng. Sự lãng mạn quen thuộc không làm tôi ngạc nhiên nhưng làm tôi thích thú và hãnh diện. Không cần hỏi vì sao anh biết nhà tôi. Tôi nghĩ, anh là người thông minh biết tìm đường đến những gì mình muốn. Chúng tôi nói chuyện về sách. Có lẽ bắt đầu từ đó có một mối liên quan nào đó trong những cuốn sách đã đọc. Những cuốn sách trong thư viện dẫn lối đến vô vàn trạng thái khác nhau. Chúng tôi cùng thích đọc sách văn học nước ngoài. Thế là câu chuyện chuyển chúng tôi đến những miền đất rực nắng và bụi của miền Tây nước Mỹ, đến những hoàng gia có đế chế quân chủ lập hiến, rồi lại quay về cả những thời xuân thu chiến quốc... Bỗng giật mình vì đã đi quá xa thực tại khi trí nhớ không cho phép nhớ nổi những nhân vật trong cuốn truyện dài...
Nhà anh ở phố Đạo. Tôi hỏi về cái gác chuông còn lại từ thời chống Mỹ. Anh hào hứng kể rằng, cái gác chuông đầy cây dại mọc ở trên. Nó cao hơn cái cây xà cừ già trong phố. Gần nhà thờ có cái thư viện cũ giờ là nhà văn hóa của phố. Chiến tranh, bom thả làm tan nát những ngôi nhà. Mỗi lần trở về bới tìm trong đống đổ nát ấy, bọn anh thời ấy chỉ tiếc cái thư viện. Sách, truyện bay tả tơi. Trẻ con thích thú nhặt nhặn và cất làm của riêng. Trèo lên gác chuông đọc sách vào những chiều thu mát rượt và đến tối mịt mới trèo xuống... Nhà thờ xây từ lâu đã bị nát vụn dưới trận bom của cuộc chiến lần thứ hai. Người dân trong xóm Đạo hồi ấy tin rằng, Chúa đã che chở cho gác chuông cao vút ấy qua khỏi những lần bom dội và sấm sét. Cái gác chuông trở lên linh diệu trong tiếng bing boong. Còn với bọn trẻ và đàn chim sẻ thì là nơi tuyệt nhất để đến gần bầu trời lộng gió.
Chiều, tôi đi làm về qua phố Đạo, từng hồi chuông ngân nga. Phố trang hoàng lộng lẫy sắc đỏ. Điện thoại của tôi báo tin: Sáng mai có rảnh không đến bệnh viện với chị nhé? Trong tiếng chuông hiển hiện những đôi mắt cá!
Trời bắt đầu nổi gió. Mưa bụi lây phây. Giá buốt ùa về!
Tôi uể oải và lòng bỗng trĩu nặng, chán nản. Biết bao giờ mình mới không phải đi cùng chị nữa. Tôi không còn muốn gặp chị trong cái tình cảnh cứ ôm con của người ta đi chôn làm phúc mãi. Nước mắt tôi trào ra, thương chị chưa có được con mà phải đi làm mãi cái việc đau khổ này. Còn tôi, tôi là một cô gái chưa có chồng mà phải đi làm công việc gọi là từ thiện này, tôi thấy mình hãi hùng và như tự thấy giá lạnh đóng băng trong lòng. Bấm máy điện thoại cho chị, tôi định quyết từ chối, và cũng khuyên chị đừng đi làm việc này nữa. Nó như mũi dao tỉa dần vào nỗi đau vốn chưa lành của tâm trạng người phụ nữ khao khát có con.
Chị hỏi: “Đến chưa em? Vào phòng khám sản với chị nhé.” Đang ngập ngừng muốn nói suy nghĩ của mình, chị lại tiếp: “Hôm nay chị đặt phôi, anh nhà chị lại đi công tác rồi. Em đến đi, chị hồi hộp lắm!” Tôi lao đến bệnh viện ngay. Cái cảm giác khác thường vô cùng.
Người đàn ông mặc blu bước ra, nhìn tôi mỉm cười: Chờ lát nữa, đỡ chị em ra nhé. Một cái dáng quen quen mặc blu trắng đi đến phía tôi. Giọng nói quen quen: Em đợi ai đó? Anh! Anh là bác sĩ ở trong khoa vô sinh hiếm muộn này sao? Khẽ gỡ chiếc khẩu trang trên mặt hé ra một chút. Anh mỉm cười, rồi bước vào sau cánh cửa phòng khám. Ôi, anh là bác sĩ sản ư!
Tôi dìu chị ra taxi cùng về. Hơi ấm từ chị tựa vào tôi như lan tỏa ra niềm hạnh phúc, hy vọng. Tiếng điện thoại gọi vào máy chị. Chị khẽ khàng trả lời chồng, hẹn anh về sớm. Xe chúng tôi đi ngang qua phố Đạo, phố bắt đầu trang hoàng rực rỡ. Chị đưa tay sờ lên bụng: Nếu thành công, em bé sẽ đón Noel vào năm sau đây!
Chị à? Chị biết tôi định hỏi gì. Chị ôm khẽ tôi và nói: Vượt qua được những ngày đau khổ như vượt qua ngọn núi cao, sang bên kia núi sẽ thấy được con đường mới, có thể là một cuộc sống mới. Anh ấy đã biết sai. Đứa con ấy không phải là con anh ấy khi có kết quả xét nghiệm AND. Khoa học đã tìm ra sự thật và cứu được hạnh phúc của con người!
Một năm sau, tôi đang bận rộn chuẩn bị đi học thạc sỹ, còn anh chàng bác sĩ sản kia đang học lên chuyên khoa về vô sinh hiếm muộn. Chúng tôi vẫn lững lờ như hai cái dây, lúc gió nổi thì dập dờn cạnh nhau, lúc bận rộn thì lặng thinh xa cách. Tôi cảm thấy khó thuộc về anh bởi anh thuộc về một nơi khác của đam mê nghề nghiệp. Trong lòng tôi ngưỡng mộ trân trọng niềm say mê của anh nhưng không thể đi cùng anh trên con đường ấy. Chị gọi: Đến đi, chị sắp sinh rồi. Tôi lại chạy vào viện. Lúc tôi đến. Chồng chị đang đón em bé. Tôi đứng lặng mà lòng vui mừng quá. Một cánh tay chạm khẽ vào bờ vai tôi: Em bé đã an toàn rồi em ạ! Là anh! Rồi anh lại biến mất như gió sau tiếng chuông cửa cầu thang máy. Tôi cũng bị lẫn vào tiếng vui mừng của gia đình anh chị đón em bé.
Tôi ngập ngừng không biết có nên đưa gửi cho anh chàng bác sĩ ấy tấm thiệp mời cưới của tôi không?! Bởi ngày hôm đó, anh đi lễ nhà thờ, chủ nhật, ngày 24 tháng 12. Mỗi chúng tôi đều tìm thấy hạnh phúc riêng trên đường đi ngang qua vòm cao Thánh đường.
Tổng hợp nhiều nguồn
Hà Nội và Huế là 2 điểm đến của Việt Nam lọt vào danh sách 50 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới năm 2024 - 2025 do tạp chí danh tiếng Taste Atlas bình chọn.
Angelina Jolie tươi cười rạng rỡ khi xuất hiện trong bộ đồ trắng và kiểu tóc mái lạ mắt bước trên thảm đỏ LHP Palm Springs ngày 3/1 sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn kéo dà...
Dù chưa có bạn trai nhưng Yến My - vai Hạnh trong phim "Không thời gian" coi bạn diễn như người yêu thực, diễn cảnh hôn không ngượng ngùng.
Buồng vệ sinh trên máy bay chở khách của hãng hàng không American Airlines bất ngờ gặp sự cố khiến nước tràn ra khắp khoang hành khách.
“Mời ngài dùng trái cam này!”, nói thế này không đúng kiểu luật sư, vậy phải mời cam thế nào mới chuẩn con nhà luật?
Nếu nói rằng Sâng bỏ nhà đi cũng đúng. Nói rằng anh đi làm ăn, cũng đúng. Lại có người nói Sâng đi tìm mẹ đẻ, cũng không sai. Tóm lại, Sâng đã rời làng mấy tháng nay...