"Lược sử về bình đẳng" giúp độc giả hiểu được quá trình ra đời và phát triển của các phong trào hướng tới bình đẳng trong lịch sử nhân loại, từ đó rút ra những bài học để tiếp tục cuộc chiến này ở tương lai.
Thomas Piketty là nhà kinh tế học hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng. Ông là tác giả cuốn Tư bản thế kỷ 21 được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam.
Trong Lược sử về bình đẳng (NXB Trẻ), Thomas Piketty nhìn lại lịch sử quá trình vươn tới bình đẳng của loài người, sự ra đời và phát triển của phong trào hướng tới bình đẳng trong xã hội - kinh tế - chính trị. Trong thời đại dễ làm chúng ta thấy bi quan, cuốn sách bộc lộ một cái nhìn rất lạc quan: loài người đang tiến gần hơn đến sự bình đẳng, dù quá trình này chẳng hề suôn sẻ.
Tác giả khảo sát sự bất bình đẳng và bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, thể hiện qua chính trị và các thước đo chất lượng cuộc sống con người (tuổi thọ bình quân, cơ hội giáo dục, tỷ lệ mù chữ, quyền bầu cử...).
Tuy bất bình đẳng vẫn đang tồn tại ở mọi phương diện nhưng sự thực là các xã hội tiến đến gần hơn tới một hệ thống phân phối thu nhập và tài sản công bằng, giảm bất bình đẳng giới tính và chủng tộc, đồng thời mang đến nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quyền công dân cho mọi người.
Thomas Piketty thể hiện sự nghiêm cẩn khoa học khi dẫn ra vô số các nghiên cứu kinh tế - xã hội - lịch sử bao quát nhiều chủ đề: chủ nghĩa tư bản, cách mạng công nghiệp, sự phân công lao động, chế độ thuộc địa, đế quốc thực dân, sự phân phối của cải giữa các giai tầng, giá cả và tiền lương, thu nhập và lợi nhuận từ đất đai, tài sản, thuế thu nhập.
Ông còn sử dụng Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới (WID.world) với sự tham gia của 100 nhà nghiên cứu liên quan đến 80 quốc gia trên mọi châu lục. Do đó, cuốn sách có rất nhiều biểu đồ minh họa tình hình kinh tế - xã hội trong các giai đoạn nhất định và một phần chú thích phong phú để mở rộng chủ đề.
Tác phẩm được bình chọn là Sách hay nhất của năm theo Public Books, Editors’ Choice theo New York Times Book Review.
Theo Vietnamnet