VCCI đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 200 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với doanh nghiệp, đồng thời cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế tại cửa khẩu.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý thuế về tạm hoãn xuất cảnh của Bộ Tài chính.
Nâng ngưỡng nợ thuế lên 200 triệu với cá nhân và 1 tỷ với doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI rằng ngưỡng số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh được quy định tại Điều 1 của Dự thảo - 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp - là quá thấp.
Trong đa số trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đi nước ngoài không phải để trốn tránh nghĩa vụ thuế, mà là vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy có thể giúp doanh nghiệp có doanh thu, từ đó tiếp tục đóng thuế. Nếu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên mức 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Mặt khác, cần cân nhắc lại Điều 1.3 trong dự thảo quy định trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người đại diện theo pháp luật bị tạm hoãn xuất cảnh bất kể giá trị số tiền thuế là bao nhiêu.
Trên thực tế, có những trường hợp số thuế còn thiếu rất nhỏ, phát sinh sau khi doanh nghiệp đã dừng hoạt động (như lệ phí môn bài). Với giá trị nhỏ như vậy thì chi phí để hành thu sẽ lớn hơn so với số tiền thu được.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về ngưỡng số tiền thuế còn thiếu trong trường hợp này, ví dụ 3 triệu đồng (bằng với mức lệ phí môn bài cao nhất trong một năm).
Chỉ tạm hoãn xuất cảnh sau khi có quyết định hành chính về quản lý thuế
VCCI cũng lưu ý, Điều 1 của dự thảo quy định cụ thể về ngưỡng nợ và thời gian nợ thuế đối với các đối tượng khác nhau, trong đó Khoản 1 áp dụng đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và Khoản 2 áp dụng đối với cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đối với cá nhân, chỉ cần đang nợ thuế quá thời hạn và số tiền là đã bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, mà không cần có quyết định hành chính về quản lý thuế. Còn đối với doanh nghiệp thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật chỉ áp dụng sau khi có quyết định hành chính về quản lý thuế. Việc quy định khác nhau như vậy là chưa thực sự phù hợp, và bình đẳng.
Mặt khác, việc xác định một cá nhân/chủ hộ kinh doanh nợ thuế hoàn toàn dựa trên thông tin lưu trữ nội bộ tại cơ quan thuế, chứ chưa phải là một quyết định hành chính thể hiện ra trước người dân.
Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không ít trường hợp thông tin lưu trữ tại cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn hoặc không đầy đủ dẫn đến việc xác định nghĩa vụ thuế chưa thực sự chính xác. Chỉ khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế và ra quyết định hành chính thuế thì các thông tin này mới được tra soát, đối chiếu và xem xét kỹ lưỡng theo một trình tự thủ tục đầy đủ.
“Việc hạn chế quyền đi lại (xuất cảnh) của người dân là một biện pháp khá nghiêm trọng, do đó cần được thực hiện theo trình tự thủ tục chặt chẽ hơn, tức là cần có một quyết định hành chính về quản lý thuế do người có thẩm quyền ký ban hành để tránh những nhầm lẫn không đáng có”, VCCI khuyến nghị.
Khi nào dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh?
Điều 2.3 của Dự thảo quy định về việc cơ quan thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định về việc dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Điều này có thể là khoảng trống pháp lý gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng ngay khi người nợ thuế đã nộp thuế thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được dỡ bỏ ngay lập tức.
Đồng thời nghiên cứu cơ chế cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế hoặc nộp một số tiền tạm ứng tương đương số thuế nợ ngay tại cửa khẩu. Qua đó, giúp Nhà nước sớm thu được tiền, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người nợ thuế có thể ngay lập tức được dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để được đi lại bình thường.
Tổng hợp nhiều nguồn