Ngải núi

01/01/2025 22:00
1. Trời dần sáng. Lũ trâu thi nhau cọ sừng vào cột chuồng côồng côộc, côồng côộc nghe sốt ruột. Bầy lợn ụt ụt đòi ăn. Rét đậm. Năm nay sương muối về nhiều vô kể. Mấy luống rau cải, cà chua bị sương muối ướp rũ nhũn, thâm quầng.

Ếm Sao vừa cầm đũa cả đảo đều xôi trong chiếc chõ trên bếp vừa dụi mắt thổi lửa. Mắt vẫn nhìn vào chõ xôi, ếm cất giọng:

- Còn không dậy mà đi làm à?

Vẫn không có tiếng đáp lại, ếm lại gọi tiếp:

- Nèn à!

Có tiếng trở mình trên liếp nứa nghe khọt khẹt, khọt khẹt rồi lại im bặt. Ếm Sao vẫn cần mẫn đồ xôi, giọng ếm vẻ ngao ngán pha chút bực dọc:

- Nằm mãi mà không sợ thối người ra à?

Pi đang ngồi sưởi cạnh ếm. Hai bàn tay ông đan chéo nhau huơ huơ trên mấy thanh củi cháy dở, khói mắt cay xè. Pi ngoảnh lại nhìn vào góc nhà, nơi có chiếc chăn con công đỏ chót đang cuộn thành một đống kín mít. Pi lắc đầu rồi buông một câu ề à:

- Chạn bẳng lay à! (Nó lười như con lươn rồi!).

Nằm trong chăn, Nèn nghe hết. Hắn đã thức từ lâu nhưng hắn không buồn dậy. Con gà gáy mãi cũng rát cổ. Con mang toác nhiều rồi cũng phải im. Mặc kệ ếm gọi. Mặc kệ pi nói. Nói chán thì ắt mỏi mồm. Hắn cứ nằm ì trong chăn. Đêm qua hắn nốc nhiều rượu. Miệng đắng ngắt. Mùi rượu ngô chưa kịp tiêu từ cái dạ dày rỗng tuếch bốc lên quyện với mùi trong miệng mới ngủ dậy hôi như phân trâu. Mặc kệ. Hắn cứ lim dim mắt ngẫm nghĩ. Nèn cảm thấy chán nản vô cùng. Cái đồi trúc đang xanh tốt trên kia rất cần bàn tay chăm sóc của hắn.

Chiếc máy xát gạo trước nhà đang mong hắn vận hành để giúp bà con trong bản. Pi, ếm rất muốn hắn lên nương nhổ rau đem ra chợ bán sớm kẻo sương muối nhiều sẽ làm hỏng hết thành ra công toi chăm trồng. Bỏ mặc tất cả. Bây giờ hắn chẳng thiết tha gì ngoài việc uống rượu rồi lang thang một cách vô định. Làm với chả ăn bây giờ chẳng có nghĩa lí quái gì. Hắn chỉ muốn uống rượu nhiều, thật nhiều để quên đi những u uất, những nỗi buồn như bầy quạ đen đang tranh nhau rỉa rói trái tim hắn, làm cho hắn đau buốt khôn nguôi. Nèn cảm thấy mình quá trơ trọi như cây nứa khô giữa cái bản Khẳn đáng ghét này. Cả bản chỉ có một nhúm người vậy mà chẳng ai hiểu được nỗi buồn của hắn, kể cả pi, ếm và mấy đứa em trong nhà. Đúng là người với người bây giờ bỗng trở nên xa lạ, khô khan như những hòn đá trên núi Lũng Pẳng.

Ai cũng nhìn hắn như nhìn một kẻ bị gàn dở. Cả bản đồn ầm lên rằng hắn bị con ma nó làm cho mụ mị đầu óc. Hắn sắp thành kẻ điên. Bản Khẳn này nguy to rồi! Lão Chẩy “chột” còn tung tin với mọi người rằng, thằng Nèn một mình dám cả gan mò vào suối Két gần cửa hang Mòi để bắt cá. Nó bị con ma nữ trong hang nhập vào người hút hết sinh khí rồi bắt phải đi theo phục vụ cho những cơn cuồng tình của ma nữ nên thân xác, tinh thần của Nèn mới đến nông nỗi ủ rũ, bạc nhược thế kia. Muốn khỏi bệnh bây giờ chỉ còn cách sang bên kia núi Lũng Pẳng mời bằng được thầy mo tên Sầu nổi tiếng cao tay về lập đàn cúng bái trừ tà ma thì mới mong sống sót. Bằng không, thằng Nèn sẽ héo hon từng ngày như cái cây khô thiếu nước rồi chết mà thôi. Hừ, đúng là lão Chẩy “chột” thối mồm. Không lẽ ông lại chạy sang táng cho mày một quả cho mày gãy hết răng để chừa cái thói đơm đặt, hù doạ mọi người. “Đồ cứt nát!”. Nèn thầm nguyền rủa lão Chẩy “chột” rồi nuốt cục nước bọt đắng nghét như lá ngón vào trong.

Tia nắng yếu ớt lách qua đám mây ủ dột để trườn qua ngọn Lũng Pẳng rồi bò xuống bản Khẳn. Nắng len qua kẽ vách chui vào nhà. Nhà vắng hoe. Thằng Lượng đã đi học từ lâu. Pi, ếm và con Mủa cũng lên nương cả rồi. Bếp lửa giữa nhà chỉ còn những sợi khói leo lét bay lên. Nèn nhỏm dậy, chui ra khỏi chăn, đảo mắt nhìn xung quanh. Hắn ngao ngán thở dài đánh thượt một cái rồi với tay lên vách lấy chiếc áo bông khoác vào. Nèn uể oải đứng dậy bước xuống cầu thang. Hắn trèo lên con Ware Tàu đỏ chót, bết bê bùn đất đang dựa cột dưới gầm sàn, đạp mấy phát mới nổ rồi rỉn ga phành phạch lao đi.


Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

2. Vẩn vơ suy nghĩ, mải mê đi, chiếc xe máy như con trâu cày bị đau chân cà nhắc đưa Nèn đến phố huyện từ lúc nào không hay. Con đường từ bản Khẳn xuống phố huyện lổn nhổn đá dăm, có đoạn còn bị nước từ mấy cơn mưa đợt trước cuốn trôi. Chiếc xe máy gằn lên, lảo đảo vượt qua. Nèn nhớ, cũng đã vài lần chở người yêu của mình xuống phố huyện đi chơi. Qua mỗi đoạn đường có ổ gà hay xuống dốc, Nhèng ngồi sau xe cứ bám chặt hai bờ hông của Nèn. Thỉnh thoảng đôi bầu vú căng tràn nhựa sống của Nhèng lại cọ vào lưng Nèn làm cho Nèn có cảm giác lâng lâng khó tả. Mỗi lần cùng nhau cưỡi xe máy xuống huyện chơi là một lần Nèn cảm thấy vui. Đến khi trở về bản rồi vẫn cảm thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Nèn và Nhèng quen nhau trong một lớp học dạy nghề làm chiếu trúc xuất khẩu do huyện tổ chức cách đây hơn ba năm. Nhà Nhèng ở bản Hồi, cách bản Khẳn già nửa ngày đường. Nhèng không cao lắm nhưng có nước da trắng phau, đôi mắt trong veo như nước suối Mường Hoa. Chính đôi mắt biết cười đó đã hút hồn Nèn, làm cho Nèn mê đắm lúc nào không hay. Dường như cảm nhận được tín hiệu từ chàng trai vạm vỡ truyền cho mình, đôi mắt Nhèng chỉ biết cười đáp lại. Đầu xuân vừa qua, Nèn đã dắt Nhèng đi chơi hội Lồng Tồng. Đôi trẻ say mê trong các trò vui như tung còn, múa xòe, đánh đu, kéo co, múa kiếm. Nhèng như một bông hoa nổi bật giữa hội xuân. Bọn con trai bản bên nhìn Nèn vẻ hậm hực. Mặc kệ, Nèn lấy làm hãnh diện vì điều đó. Nèn tính rồi, hết hội Lồng Tồng năm nay xong là Nèn sẽ bảo pi, ếm sửa soạn vài con gà, ít rượu và gạo nếp để sang nhà Nhèng làm lễ Xam lùa (*). Sang tháng năm sẽ làm lễ Khát cằm (**). Đến tháng mười thì sẽ làm lễ Hết lẩu (***). Lúc đó hai đứa mới chính thức được ở cùng nhau. Hai đứa sẽ là con một nhà. Nhèng sẽ đẻ cho Nèn thật nhiều con, vừa trai vừa gái. Con trai sẽ khoẻ mạnh giống Nèn. Con gái sẽ phải xinh như mẹ nó. Ôi, cứ nghĩ đến ngày đó Nèn lại ngẩn ngơ thèm khát...

Vậy mà, như con chim đang bay trên nương bất ngờ bị một mũi tên thuốc độc. Như ngọn lửa đang bừng bừng cháy bỗng dưng bị dội nước làm tắt lịm. Tuần trước, Nèn sắp xếp công việc ở nhà rồi háo hức sang bản Hồi để thăm người yêu. Đến nhà, gặp ếm May đang ngồi đan giữa sân. Ngó mắt vào trong nhà thấy vắng lặng. Nèn nhìn ếm May như muốn hỏi Nhèng đâu? Ếm May thủng thẳng nói: “Con Nhèng đi nước ngoài bốn hôm nay rồi!”. Nèn chết lặng, đứng giữa sân như trời trồng. Nước ngoài? Sao lại đi nước ngoài? Ai đưa đi? Tại sao Nhèng lại đi? Sao Nhèng ra đi lại không nói với Nèn một lời? Hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong đầu làm cho Nèn ngác ngơ, uất nghẹn. Nèn lảo đảo quay về trong cái lạnh như cứa vào da thịt. Trái tim Nèn như đang có hàng ngàn hàng vạn mũi kim đâm. Nèn bỗng nhớ ra và ghé vào nhà con Kim là bạn cùng bản của Nhèng để hỏi cho ra sự thật. À, thì ra là vậy! Nhèng cùng một đứa nữa ở bản Hồi đã nghe theo lời dỗ ngon ngọt của mụ Phấn (là chủ hàng ở dưới xuôi hay lên đây làm ăn) để đi lao động bên Malaysia. Việc làm thủ tục sang bên đó cùng số tiền để chi phí mụ Phấn đều lo hết. Khi nào về thì trả cho mụ. Tất nhiên mụ sẽ tính lãi cao. Kim bảo, Nhèng nói với Kim rằng Nhèng rất yêu Nèn. Nhèng rất muốn làm đám cưới nhưng nhìn lại thấy hai đứa còn nghèo. Nhèng muốn đi một thời gian để kiếm chút vốn về làm ăn. Đây là cơ hội tốt nhất đến với Nhèng. Ba năm là có bao xa, chỉ là một giấc ngủ trưa thôi mà. Lúc đó về sẽ có nhiều tiền. Nhèng bảo nếu còn yêu Nhèng thì Nèn hãy gắng đợi chờ. Đừng giận Nhèng. Nhèng sẽ về. Ôi cuộc đời, ôi tình yêu sao lại có những lúc đau đớn như thế này, Nhèng ơi! Tiếng Nèn gào lên giữa không trung như con thú lạc bầy.

3. Dựng chiếc xe máy trước cửa, Nèn co ro bước vào quán. Một gian nhà bé tẹo, ẩm mốc được kê lèo tèo vài chiếc bàn thấp tẹt. Trên vách gỗ có dòng chữ viết bằng than nguệch ngoạc “Cháo lòng tiết canh - Kính mời!”. Nèn ngồi xuống gọi một đĩa lòng và chai rượu. Bên cạnh, có mấy gã dáng vẻ cóc cáy, ăn mặc lôi thôi, đội mũ len sùm sụp đang sì soạt húp cháo. Mỗi lần xuống phố huyện Nèn thường ghé quán này để ăn uống. Quán nằm ngay cổng chợ huyện. Tuy trông có vẻ cũ kỹ nhưng được cái bà chủ phục vụ rất đon đả, rượu ngon nên Nèn thích. Tiết canh, lòng luộc là món khoái khẩu của Nèn. Một chai rượu trắng và đĩa lòng bốc hơi nghi ngút được bà chủ bê ra. Chà, cái đói bây giờ mới bắt đầu hành hạ Nèn. Nèn gắp mấy đũa lòng ăn ngấu nghiến. Dừng gắp, Nèn tợp một chén rượu cay cay vào họng. Nèn nhớ lần đầu tiên chở Nhèng xuống phố huyện và ghé vào quán này, Nhèng bẽn lẽn gắp thức ăn và rót rượu cho Nèn. Nèn thấy mình thật hạnh phúc. Vậy mà bây giờ lại ngồi thui thủi uống rượu một mình ở chốn này. Cả tuần lễ nay Nèn không tài nào lí giải được tại sao Nhèng lại đột ngột bỏ mình để ra đi? Nhèng ra đi để mơ một cuộc đổi đời nơi đất khách hay đó chỉ là cái cớ để rũ bỏ mình? Tại sao lại thế Nhèng ơi? Giàu ở hai bàn tay, do mình tạo ra chứ còn ở đâu nữa hả Nhèng? Nèn thầm rên rỉ trong tim. Nèn đánh ực chén rượu cuối cùng vào họng. Ánh mắt lờ đờ nhìn vào khoảng xa xăm...

Con Nokia nứt mặt rung lên bần bật trong túi quần rồi phát ra đoạn nhạc chuông não nề ai oán. Nèn đang dựa đầu vào bức tường của quán chào lòng tiết canh lim dim ngủ bèn giật mình choàng tỉnh. Móc vội chiếc điện thoại ra xem thì thấy số lạ. Ai vậy nhỉ?

- A lô?

- Chào Nèn nhé!

- Ai đấy?

- Tao đây!

- Tao là ai?- Nèn bắt đầu bực.

- Nghe giọng mà không biết ai à?- Đầu kia hỏi lại vẻ trêu ngươi.

- Chịu!

- Phóng đây!

- Thằng Phóng? Sao lại không hiện tên?

- Mày ngu lắm! Tao dùng sim khuyến mãi!

À, thì ra là thằng Phóng. Nó là thằng bạn thân của Nèn. Hai đứa ở cùng bản. Phóng xuống Hà Nội làm ăn đã mấy năm nay. Tết vừa rồi nó về quê trông oách lắm. Hỏi nó làm gì ở dưới đấy, nó bảo đang làm ở “Rét tau rừn Lon Man”. Quái lạ, mày làm ở cái gì mà nghe khó hiểu quá? Nèn thắc mắc. Mày ngu lắm, thời buổi này tiếng Anh không biết một câu thì làm ăn thế chó nào được. Bí mật, tao không nói đâu. Nèn đành ngậm ngùi biết vậy.

- Mày bây giờ làm gì? - Phóng hỏi.

- Đang chán đời đây! - Nèn thủng thẳng đáp.

- Sao lại chán? Chiếu trúc dạo này đang lên giá cơ mà? Sắp cưới chưa? Con vợ của mày nhìn đẹp thật đấy, cứ nghĩ là tao thèm...! Hô...hô!

- Thôi câm cái mồm thối của mày lại đi!- Nèn gắt.

- Thì thôi vậy, tưởng đùa nhau tý chơi...! - Phóng cười trừ.

- À Phóng này..! - Nèn ngập ngừng.

- Sao?

- Mày cho tao xuống làm với mày được không? Việc gì cũng được, miễn là đi khỏi nơi này!

- Thật á? Có chuyện gì vậy? - Phóng hỏi lại.

- Thôi đừng hỏi, lúc nào tao sẽ kể. Mày có cho tao xuống làm không?

- Thôi được, để tao bảo với bà chủ đã. Chắc là được. Tao sẽ báo cho mày sớm nhất. Chào nhé!

- Ừ...

Đút điện thoại vào túi, Nèn bừng tỉnh. Khuôn mặt rạng ngời. Đúng là đang buồn ngủ thì gặp chiếu manh. Thằng Phóng sẽ giúp Nèn. Đúng rồi, ta phải đi khỏi đây, đi khỏi mảnh đất đã bắt Nèn chịu khổ đau. Nèn sẽ về Hà Nội. Nèn mỉm cười rồi dắt xe ra hướng bản Khẳn lao đi.

4. Vậy là Nèn vào làm ở cái “rét tau rừn Lon Man” này đã được hơn hai năm. Nhanh thật. Xuống đến nơi Nèn mới vỡ lẽ cái “rét tau rừn Lon Man” mà thằng Phóng cứ úp úp mở mở đó chính là nhà hàng lợn Mán. Có thế thôi mà thằng Phóng nó cũng chê mình là ngu, bị điếc tiếng Anh. Mẹ kiếp, bố cần đếch gì tiếng anh với chả tiếng em. Nhà hàng lợn Mán thì nói quách đi cho rồi lại còn bày đặt “rét tau rừn Lon Man” cho nó thêm rối rắm, phức tạp. Cũng may với ngoại hình khoẻ mạnh, dễ coi và đậm chất hoang dã, mộc mạc của người miền núi nên Nèn đã được bà chủ chấm ngay vào vị trí chạy bàn. Có Nèn bưng bê tiếp khách, nói đôi câu tiếng Tày mua vui khi khách yêu cầu, uống vài li rượu khi khách mời làm tăng thêm hương vị của bàn tiệc toàn các món ăn của núi rừng. Bà chủ khoái lắm.

Bà chủ tên Phượng, ngoài bốn mươi, trông phốp pháp đẫy đà. Nghe nói đường tình duyên của bà ta lỡ dở. Bà có một cô con gái học cấp ba đang ở với ông bà ngoại ở quê. Còn bà một mình ra thủ đô mở nhà hàng này cũng được dăm năm rồi. Khách của nhà hàng đủ loại thành phần nhưng đông nhất vẫn là người nhà nước. Nèn đoán thế bởi ngày nào cũng có khách ăn mặc quần áo công sở đi ô tô đến nhà hàng. Không hiểu họ say cái món lợn Mán của nhà hàng hay say ánh mắt lúng liếng đưa tình, say tiếng gọi mời đon đả của bà chủ? Thằng Phóng là bếp trưởng lúc nào cũng tất bật, lúi húi chế biến các món ăn. Nó dặn: “Nếu khách bo thì phải biết lịch sự xin họ, khéo léo nịnh họ để họ vui nghe không mày!”. “Biết rồi, mày cứ làm như tao ngu lắm hả?”. Nèn gắt lại Phóng nhưng trong mắt ánh lên niềm vui.

Nhờ trời, công việc của hai đứa cũng tạm ổn. Ăn ngủ ngay tại nhà hàng, công việc bận rộn tối ngày nên Nèn cũng ít khi ra phố. Nèn để dành được một khoản tiền, định bụng hôm nào ra bưu điện gửi một ít cho pi ếm. Pi ếm bây giờ đã già yếu, thằng Lượng, con Mủa đều đang đi học, mình là anh cả mình phải có trách nhiệm lo cho chúng nó. Nhiều lúc nằm một mình gác tay lên trán Nèn nghĩ, cứ tưởng bỏ quê ra đi càng nhanh càng tốt để quên đi nỗi khổ nhưng bỏ được nó nào dễ dàng gì. Dẫu sao thì cái bản Khẳn, mảnh đất Bảo Xuyên đã nuôi Nèn lớn đến chừng này. Nơi đó Nèn đã có một tình yêu thật đẹp với người con gái bản Hồi. Cho dù tình yêu đó đem lại cho Nèn biết bao cay đắng nhưng Nèn vẫn nhớ tới nó. Nèn vẫn ngóng trông và vẫn tin một ngày nào đó Nhèng sẽ trở về.

Hôm nay trời mưa to, vắng khách, nhà hàng nghỉ sớm. Đám nhân viên phục vụ mặc áo mưa lục tục kéo nhau về khu nhà trọ gần đấy. Nhà hàng bây giờ chỉ còn lại ba người, bà chủ, Nèn và Phóng.

Chỗ ngủ của Nèn và Phóng là một góc tầng một. Đến tối, khi khách khứa về hết thì quét dọn rồi trải tấm chiếu ra ngả lưng. Thế là quý hoá lắm rồi. Ở cái đất này chí ít cũng tiền triệu mỗi tháng. Nèn tự an ủi mình như vậy. Thằng Phóng thỉnh thoảng vẫn tâm sự với Nèn rằng bao giờ có người yêu thì cũng sẽ ra ngoài thuê nhà trọ ở như đám nhân viên ở đây. Nó nói bằng giọng đầy tự tin: “Tao sẽ quyết tâm ở lại Hà Nội kiếm tiền chứ không về quê đâu!”. Nèn nghe vậy mà cảm thấy lòng mình chênh chao một nỗi buồn sâu thẳm. Buồn như chính Nèn đang phải sống cảnh cô độc trên núi Lũng Pẳng. Con mang, con nhím nhìn thấy Nèn đều vội bỏ Nèn mà đi chỗ khác. Đã có lúc Nèn muốn rũ bỏ tất cả để về với bản Khẳn. Nèn sẽ vào tận hang Mòi kết thúc cuộc đời mình, kết thúc những tháng ngày u ám não nề, để được về với Phạ(****). Nhưng kỳ lạ thay, mỗi lúc thấy Nèn buồn hay trầm ngâm một mình thì bà chủ Phượng đều nhận ra ngay và bà liền đến bên nhẹ nhàng tâm sự với Nèn để Nèn vơi bớt nỗi buồn. Những lần như thế làm Nèn lại thôi ý định bỏ về. Sao bà chủ lại tốt và thương mình thế nhỉ? Nèn tự hỏi.

Ừ, đúng là bà chủ thương người thật. Nèn nhớ lại. Những ngày mới ngáo ngơ xuống đây, Nèn được bà Phượng chỉ bảo công việc tận tình. Bà tỏ thái độ quý mến Nèn hơn hẳn những nhân viên khác trong nhà hàng này. Cũng có thể là bà thương Nèn là người dân tộc. Nhưng thằng Phóng nó cũng là người bản, lại làm ở đây lâu hơn tại sao bà chủ có vẻ như không quý bằng Nèn? Đáng lẽ bà ấy phải có một cuộc sống hạnh phúc, phải có một người chồng chung tay gánh vác cuộc sống. Vậy mà tại sao bà ấy vẫn đơn côi lẻ bóng vậy nhỉ? Nèn nghĩ mãi mà vẫn chưa có câu trả lời.

Ngoài trời vẫn mưa. Phố phường vắng ngắt. Những cơn gió se lạnh thổi vào làm cho chiếc chuông gió treo ở cửa kêu leng keng. Nèn và Phóng đang chìm trong giấc ngủ. Tiếng chuông báo tin nhắn kêu lên như tiếng cười trẻ con làm Nèn giật mình. Nèn với tay lên gối lấy con Nokia nứt mặt ra xem. Đã mười hai giờ đêm. Tin gì thế này? “Em len phong chi co viec. Len mot minh, khong de Ph biet!”. Nèn ngồi bật dậy dụi mắt đọc lại tin nhắn. Thôi chết, bà chủ bị gì hay sao mà lại gọi mình lên lúc này? Nèn đứng dậy mặc quần dài rồi rón rén bước lên cầu thang. Thằng Phóng vẫn ngủ say sưa. Tiếng ngáy của hắn như tiếng sơn tràng đang xẻ gỗ trong rừng.

Cửa phòng khép hờ. Ánh đèn màu hồng bao phủ căn phòng làm cho mọi thứ mờ mờ ảo ảo. Nèn mở nhẹ cửa rồi lách vào. Nèn chợt run lên khi thấy bà chủ mặc chiếc áo ngủ mỏng tang ngồi trên chiếc ghế đệm kê ở góc phòng. Trên bàn có chai rượu ngoại còn vơi nửa. Bà chủ mỉm cười nhìn Nèn rồi nói nhỏ:

- Chốt cửa vào rồi lại đây, em!

Nèn ngoan ngoãn làm theo lời bà chủ. Lần đầu tiên Nèn được thấy bà Phượng ăn mặc như thế này. Chiếc áo ngủ xẻ rộng cổ để lộ một vùng ngực trắng nõn nà. Chiếc rãnh chia đôi bộ ngực chạy sâu hun hút. Ngồi cạnh bà Phượng mà đầu óc Nèn cứ bấn loạn cả lên. Tim đập liên hồi. Mùi thơm của mĩ phẩm, mùi hương của da thịt từ cơ thể người đàn bà ngoại tứ tuần toả ra thơm nức. Nèn run run hỏi:

- Chị gọi em lên có việc gì ạ?

Phượng không nói, chỉ nhìn Nèn bằng ánh mắt long lanh. Phượng với tay lấy chai rượu rót ra li rồi đưa cho Nèn.

- Uống đi Nèn!

- Em xin chị! - Nèn đỡ lấy li rượu từ bàn tay mum múp của Phượng.

- Nào uống đi! - Phượng giơ li lên cụng cùng Nèn rồi ngửa cố uống một hơi cạn li.

Chờ cho Nèn uống xong li rượu, Phượng nhìn Nèn tình tứ:

- Nèn không biết tôi gọi Nèn lên đây để làm gì à?

- Dạ... em biết...!

Nèn chậm rãi trả lời. Mắt nhìn trân trân vào chiếc bóng đèn đang phả ra thứ ánh sáng gợi tình. Nèn hiểu, trong làm ăn giao tiếp hàng ngày có thể Phượng sẽ phải cười những nụ cười giả lả đong đưa để chiều khách nhưng khi đêm đến, bà ta lại trở về với chính con người thật của mình. Phải đối mặt với sự cô đơn. Những thèm khát bản năng của con người trỗi dậy hành hạ thân xác Phượng như thửa ruộng khô cằn đang thèm một trận mưa lớn. Và Phượng gọi Nèn lên đây để muốn chia sẻ những nỗi niềm cô quạnh đó.

Phượng vừa nhẹ nhàng cầm tay Nèn kéo vào mình vừa nói khẽ:

- Ngồi gần vào đây Nèn!

Nèn làm theo như một cái máy, ngồi sát vào người bà chủ. Cơ thể Phượng như một bếp than rực hồng tỏa hơi nóng ra xung quanh. Trong Nèn cũng có một con thú hoang đang lồng lộn. Nèn đang chờ đợi một điều gì sẽ đến với mình trong giây lát. Hai tay Phượng đặt lên vai Nèn. Phượng cũng run run nói trong hơi thở:

- Nèn! Chúng ta là hai kẻ cô đơn. Tôi cần Nèn...!

- Chị...! Em... không..!

- Đừng Nèn...! - Phượng nói trong gấp gáp.

Con thú hoang trong Nèn đã gầm lên tức giận. Nèn vội ôm lấy cơ thể nần nẫn đang nóng ran của Phượng rồi bế thốc lên giường. Cả đất trời cuồng quay chao đảo. Nèn lần tay cởi chiếc áo ngực màu đen rồi úp mặt vào bầu vú căng mọng của Phượng. Cả hai thân xác quyện chặt vào nhau trong cơn hoan lạc đê mê. Phượng bám chặt tay vào mép giường, miệng phát ra những âm thanh ma quái trong cổ họng. Tiếng kêu vừa mãn nguyện, vừa rên rỉ, lại như van nài rất đặc trưng của giống cái. Tiếng kêu đầy thương hại như tiếng của những con mang trên núi Lũng Pẳng đến mùa động dục.

Ngoài trời mưa vẫn rơi.



- Uống đi mày. Hôm nay được nghỉ, uống no đi! Nào cạn nhé!!- Phóng rót rượu ra li giục Nèn.

- Uống thì uống!

Một đĩa mực khô chỉ còn bộ râu. Một vỏ chai nằm lăn lóc trên vạt cỏ trong góc công viên. Chai kia còn vơi nửa. Hai tay nhân viên “rét tau rừn Lon Man” mang hai tâm trạng khác nhau cùng ngồi uống rượu. Mặc cho tiếng xe cộ inh ỏi vang lên phá nát sự tĩnh lặng của buổi chiều muộn.

Nèn vẫn trầm ngâm ngồi uống mặc cho thằng Phóng đang hoa chân múa tay nói về một con bé mới quen. Những giọt rượu vẫn đang chảy vào cổ họng. Đắng ngắt. Nèn buồn. Vậy là Nèn trở thành người tình của Phượng. Mỗi khi Phượng khát thèm đều được Nèn phục vụ đầy đủ. Với sức trai như con trâu mộng của mình, Nèn đã làm bà chủ thoả mãn. Phượng cho Nèn nhiều tiền. Cầm những đồng tiền của Phượng trên tay mà Nèn thấy nghẹn ngào. Chẳng lẽ ta lại phải đi làm cái việc này để đổi lấy những đồng bạc sau những cuộc truy hoan với người đàn bà hơn ta gần hai con giáp ư? Liệu rồi sẽ đi đến đâu? Ta có còn là ta nữa không? Nhục nhã quá, khốn nạn quá Nèn ơi! Nèn thầm kêu lên trong cơn tủi hận. Nhưng, có lẽ một sự thật còn phũ phàng hơn mà Nèn vừa mới biết được. Sự thật như cơn gió độc từ núi Lũng Pẳng lao xuống quật ngã Nèn, làm cho Nèn choáng váng đến nghẹt thở. Lúc nãy, trong cơn vui của cuộc rượu, thằng Phóng buột miệng kể cho Nèn nghe bí mật của nó. Nó dặn Nèn cấm nói với ai. Nếu Nèn kể lại với ai thì đời nó sẽ tàn như rừng Lũng Pẳng bị cháy trụi, như suối Két bị cạn khô. Thằng Phóng bắt Nèn thề độc. Thì ra, hồi mới xuống đây, nó cũng có một thời gian làm người tình của bà chủ Phượng. Ban đầu nó cũng thích vì được ăn, được ngủ với bà chủ. Được bà chủ cho tiền. Nhưng sau nó sợ. Một nỗi sợ mơ hồ nào đó đè nặng cái đầu của nó mà nó không thể nói ra được. Thằng Phóng bèn tự nghĩ cách buông lơi dần. Đến khi Nèn xuống “rét tau rừn Lơn Man” ở cùng nó thế là nó thoát.

Phóng nâng li rượu lên giọng lè nhè:

- Uống đi Nèn! Li này tao cảm ơn mày vì nhờ có cái mặt mày ở đây mà tao thoát khỏi cảnh làm con trâu cho bà Phượng!- Phóng lườm Nèn rồi cười- Mày cẩn thận đấy... kẻo lại giống tao! Hố... hố... hố!

“Ực!”. Nèn dốc cả li rượu vào họng rồi đưa tay chùi mép. Mắt Nèn rưng rưng. Hơi thở dồn dập, có lúc nấc lên. Cái miệng Nèn bắt đầu kêu lên: “Bản Khẳn ơi! Bảo Xuyên ơi! Nhèng ơi, có nắt noọng! (anh yêu em!)”. Nèn khóc. Nước mắt chảy dàn dụa như cọn nước đầu bản. Thằng Phóng trố mắt nhìn Nèn một lúc rồi lắp bắp: “Đờ lai mò?Mơu nắt pây lườn mi? (Mày mệt à? Mày muốn về nhà không?)”. Nèn khẽ gật đầu. Ánh mắt Nèn nhập nhoà cùng ánh đèn đường vàng ung ủng ngoài kia.

Hai gã trai bản khoác vai nhau hòa vào dòng người dày đặc trên phố. Người và xe chen chúc nhau ken dày như cây rừng quê họ.

Một ngôi nhà ba tầng sơn màu xanh nhạt, tường cao vót. Cánh cổng sắt hình vòng cung đóng im lìm. Bên phải trụ cổng có chiếc biển nhỏ ghi số 76. Nèn giở mảnh giấy nhỏ ra đối chiếu. Đúng rồi. Bà chủ dặn đem đồ ăn đến nhà cho khách ở số 76, ngõ..., phố.... Nèn dựng xe trước cổng, tháo dây đỡ chiếc thùng xốp đựng đồ ăn xuống. Nèn khệ nệ bê chiếc thùng xốp lại sát cánh cổng rồi rón rén nhấn chuông. Người có tiền quả sướng thật. Không muốn ra nhà hàng thì chỉ cần một cú điện thoại là có người phục vụ đầy đủ tận nơi chẳng thiếu gì. Nghe bà chủ nói hôm nay chủ của ngôi nhà này tổ chức sinh nhật tại nhà, đặt mấy chục suất ăn để mời khách khứa. Ông chủ này là khách quen của bà Phượng.

Có tiếng dép đi ra. Nèn nhỏm dậy khỏi yên xe. Cánh cổng hé mở, một khuôn mặt con gái trắng trẻo ló ra nhìn Nèn. Bỗng cô gái kêu lên một tiếng “Ớ” kinh ngạc. Nèn sững người nhìn kỹ. “À lối!”. Nèn hoảng hồn. Chân tay Nèn như rụng rời. Mắt mũi Nèn hoa lên như có hàng triệu con đom đóm đang vờn phía trước. Trước mặt Nèn không ai khác mà chính là Nhèng. Trời, tại sao lại gặp nhau ở cái hoàn cảnh trớ trêu này? Nèn lắp bắp:

- Nhèng..!

- Không, không phải... anh nhầm rồi!

Nhầm, sao lại nhầm? khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, giọng nói ấy thì làm sao mà nhầm được. Đích thị là Nhèng, Ma Thị Nhèng của bản Hồi rồi. À, thì ra nó lừa mình đi nước ngoài lao động để xuống đây làm vợ một kẻ giàu sang? Đồ con quỷ. Mày chê tao nghèo à? Mày đã lừa dối tình yêu của tao dành cho mày. Trái tim Nèn muốn nổ tung. Hai tay Nèn nắm chặt lại, mắt long lên sòng sọc. Nèn khẽ rít qua kẽ răng:

- Mơu lăng dú nẩy? (Sao mày ở đây?)

Cô gái run rẩy, nước mắt lã chã rơi từng giọt trên khuôn mặt bợt bạt.

- Đừng mà, Nèn đừng làm tôi sợ! Tôi chết đấy!

- Sợ à? Còn biết sợ cơ à?

- Sợ, sợ lắm! Rồi tôi kể cho Nèn nghe! Tôi khổ lắm Nèn ơi!

Nhèng quỳ xuống chân Nèn van lơn, đôi mắt ầng ậng nước. Hai bờ vai Nhèng rung lên theo từng tiếng nấc. Bờ vai này đã từng là điểm tựa của Nèn, đã cho Nèn niềm tin và những khát khao cuộc sống. Vậy mà hôm nay bờ vai này bỗng trở nên xa lạ. Nó thật sự nhỏ thó trong chiếc áo hai dây rộng thùng thình. Bỗng dưng trong lòng Nèn trào lên một nỗi cảm thương. Hai nắm tay Nèn dần buông lơi. Cái đầu đang sôi sục bắt đầu hạ nhiệt. Chắc là Nhèng đã gặp phải uẩn khúc gì đây. Nèn nói cộc lốc:

- Đứng dậy!

Nhèng quệt vội nước mắt rồi quay người nhìn vào trong nhà. Nhèng nói nhanh:

- Đứng ở đây không tiện. Bây giờ Nèn bê thùng đồ ăn này vào trong nhà giúp tôi rồi tôi thanh toán tiền. Nếu Nèn thương tôi thì xin Nèn hãy về đi. Sáng mai Nèn hãy xin nghỉ một buổi làm, tôi sẽ gặp Nèn ở quán cà phê ở cạnh chợ đầu phố này để kể cho Nèn nghe chuyện của tôi. Chuyện dài lắm. Nèn đi đi, tôi xin Nèn đấy!

Nèn lảo đảo bước ra khỏi cổng. Đây là thực hay mơ? Thế này nghĩa là sao? Phạ ơi!

8. Cả Nèn và Nhèng cùng ngồi cạnh nhau trong quán cà phê “Hoài niệm” đầu phố. Im lặng. Mỗi người đang có một ý nghĩ riêng. Nèn đang chờ câu trả lời của Nhèng về sự có mặt của cô tại ngôi biệt thự này.

Nhèng kể trong nước mắt:

- Mấy lần từ dưới xuôi lên Bảo Xuyên lấy hàng, mụ Phấn đều úp mở nói rằng mụ là giám đốc một công ty xuất khẩu lao động. Nếu ai có nhu cầu đi thì mụ sẽ giúp. Mụ còn vẽ ra cảnh sang bên đó sẽ làm được nhiều tiền, ăn sung mặc sướng chứ không như ở nhà phải làm quần quật như con trâu cày. Vả lại, mọi chi phí từ làm thủ tục đến tiền vé máy bay nếu ai chưa có thì mụ sẽ lo cho, khi nào về trả cho mụ sau cũng được. Trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của mụ Phấn cộng với ước mơ làm giàu, em và Xay nghe theo. Hồ sơ thủ tục được mụ Phấn làm rất nhanh chóng. Bọn em hí hửng chờ ngày lên đường. Sở dĩ em giấu anh là vì em sợ khi nói ra chuyện này anh sẽ ngăn cản không cho em đi. Em muốn sang đó một thời gian chăm chỉ làm việc để kiếm ít vốn rồi trở về quê cùng anh mở một xưởng sản xuất chiếu trúc. Em muốn anh bất ngờ. Không ngờ, vừa đặt chân xuống sân bay Kuala Lumpur, bọn em đã bị vỡ mộng. Hoá ra cái công ty xuất khẩu lao động của mụ Phấn chính là một đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp. Bọn em lúc ấy về cũng không được, ở cũng chẳng xong vì nếu về thì lấy tiền đâu mà về, vả lại bọn em lại nằm trong sự kiểm soát của bọn chúng trong khi trong tay mình không có một thứ giấy tờ gì. Vậy là bọn em bị đưa vào một xưởng dệt. Phải làm việc quần quật mười sáu tiếng một ngày. Vừa làm lại vừa nơm nớp lo sợ bị kiểm tra, truy bắt của cảnh sát địa phương nên đứa nào cũng mỏi mệt bơ phờ.

Nhèng lấy tay quệt nước mắt, khuôn mặt nhợt nhạt ngước lên nhìn Nèn:

- Cuối cùng thì điều gì đến cũng phải đến. Ở xưởng dệt được gần nửa năm thì xảy ra chuyện. Đêm đó, cả xưởng đang làm việc thì bất ngờ cảnh sát địa phương ập vào kiểm tra. Cả xưởng tán loạn chạy vào rừng thoát thân. Em chậm chân nên bị bắt. Cùng bị bắt với em còn có bốn người Lào, hai người Thái và một người Indonexia. Cả bọn bị tống lên xe rồi chạy về đồn. Em hoảng loạn vô cùng. Bị nhốt trên đồn cảnh sát được hai hôm thì em có lệnh được tha vì có người bảo lãnh. Đến đưa em về là một người đàn ông Việt Nam. Em hết sức bất ngờ và không thể nào hiểu nổi tại sao ông ấy lại cứu mình. Ông ấy đưa em về khách sạn và bảo rằng mình là chủ một doanh nghiệp dệt ở Việt Nam. Ông thường hay sang đây làm ăn. Cách đây gần một tuần, ông chủ nơi em làm việc đưa ông ấy vào thăm xưởng dệt của mình. Giữa mấy trăm công nhân đang làm việc, ông ấy chợt để ý tới em. Hôm qua ông ấy quay lại, biết được sự việc vừa xảy ra ở xưởng và người bị bắt chính là em nên ông ấy quyết tâm bỏ tiền ra cứu em. Ông ta bảo sẽ đưa em về Việt Nam với một điều kiện là em sẽ phải làm vợ ông ta. Lúc đầu em không chịu nhưng sau nghĩ lại, nếu ông ta không đưa mình về thì biết đến khi nào mới có cơ hội được hồi hương. Không khéo lại phải bỏ xác nơi đất khách quê người. Ông ta vừa là ân nhân cứu em lại muốn đưa em trở về nên không còn đường nào khác, em đành nhắm mắt gật đầu. Ngôi nhà này ông ấy mua để ở với em, còn mấy bà vợ nữa thì mỗi người ở một nơi khác. Em rất ít khi được ra ngoài. Sáng nay em lấy cớ xin đi chợ để được ra đây. Nèn ơi, không ngờ em lại gặp anh. Em biết mình không còn xứng với Nèn bởi em là kẻ phụ tình anh. Nhưng thật lòng, lúc nào em cũng nhớ tới Nèn, rất yêu Nèn. Vì lòng tham, vì ước mơ được đổi đời nên em đã bỏ Nèn, bỏ đất Bảo Xuyên ra đi. Em đáng tội chết. Em chỉ khẩn khoản xin anh một điều rằng, cho dù Nèn có còn yêu em hay không thì anh hãy thương mà tìm cách cứu em ra khỏi đây để em được trở về quê. Dẫu có chết em cũng cam lòng. Nèn cứu em đi Nèn nhé!

Tiếng khóc của Nhèng vang lên nức nở. Lòng Nèn quặn thắt nỗi đau. Không ngờ người mình yêu lại phải chịu đựng nỗi đau đớn giày vò suốt gần hai năm nay rồi chăng? Ôi cuộc đời sao lại trái ngang như thế này hả Nhèng ơi? Ta phải cứu Nhèng thôi!

Nèn quay sang kéo Nhèng vào lòng. Nèn khóc. Tiếng nấc uất nghẹn của Nèn rung lên hoà vào tiếng sụt sùi của cơn mưa đang đổ ngoài trời buồn thê thiết.

Vĩ thanh

Chiều muộn. Chiếc xe khách biển số vùng cao rời bến xe Lương Yên uể oải chuyển bánh. Không khí ngột ngạt, ồn ào. Hai bên đường, từng dòng người và xe nối đuôi nhau kìn kìn như kiến. Đèn đỏ. Tất cả dừng lại. Đèn xanh. Cả cái khối đặc quánh kia rùng rùng chuyển động. Những toà nhà cao tầng nghễu nghện trong ánh nắng còn sót lại như khoe khoang với mọi người vô số những cục máy điều hoà bám vào toà nhà như đàn ve chó đang bò lổm ngổm đến rởn da gà.

Ngồi ở dãy ghế sau cùng, người con gái dựa đầu vào vai chàng trai, mắt nhìn xa xăm.

Xe ra khỏi thành phố, không khí trở nên thoáng đãng lạ thường. Trời tối sẫm. Tiếng gió vi vu thổi bên tai nhẹ nhàng. Mùi thơm của những thửa ruộng mới gặt xong toả hương dìu dịu. Cả chàng trai và cô gái đều lim dim ngủ. Khuôn mặt hai người chất chứa niềm vui. Bên tai họ vẳng đâu đây tiếng gió lao xao từ rừng trúc quê nhà.

Tổng hợp nhiều nguồn

Xam lùa (*): Lễ dạm ngõ
Khát cằm (**): Lễ ăn hỏi
Hết lẩu (***): Lễ cưới
Phạ (****): Trời

Tác giả: Lê Mạnh Thường

Tin xem thêm

Lý do 'ca sĩ tỷ phú' Ánh Tuyết không bao giờ bán căn nhà trong hẻm nhỏ

Giải trí
04/01/2025 14

Đầu năm mới, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ về tổ ấm đầu tiên và hôn nhân viên mãn bên chồng Tây - ông Michel Jarnie.

Soái ca trong phim 'Hà Nội trong mắt em' hoá ra là MC Thời sự

Giải trí
04/01/2025 09

Phùng Đức Hiếu - chàng soái ca văn phòng đốn tim nữ tổng tài xinh đẹp và giàu có trong phim ''Hà Nội trong mắt em'' hoá ra còn là MC Thời sự điển trai của Đài Hà Nội.

Đừng bao giờ cúi đầu

Giải trí
04/01/2025 09

Danh ngôn bốn phương

Chỉ cần em hạnh phúc

Giải trí
04/01/2025 08

Chào buổi sáng nha!

Giải trí
04/01/2025 08

Mỗi ngày một ‘ranh ngôn’

Phi công 'dính' nồng độ cồn khiến chuyến bay bị hoãn nhiều giờ

Giải trí
04/01/2025 06

Một chuyến bay khởi hành từ Melbourne của hãng Japan Airlines đã bị hoãn hơn 3 giờ đồng hồ sau khi 2 phi công bị phát hiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Nước đổ thôi đành

Giải trí
03/01/2025 22

Bằng hí húi dưới bếp. Con Xuân chợt gọi: Mẹ ơi! Lại đây! Xem này! Có một trang Fây búc tên Băng Băng. Có cả ảnh! Nom đúng dì Băng! Không sai!


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media