Ngưỡng đời

31/03/2025 22:00
Tôi thi đỗ đại học ở một trường kinh tế, ngày tựu trường vào đúng vụ gặt mùa. Tuy cha bận, nhưng vẫn cố gắng đưa tôi lên tận trường.

Vừa sớm tinh mơ, đồng áng vẫn còn thưa thớt bóng người. Tôi xách túi du lịch đi theo cha trên con đường vắng. Trời se lạnh. Hơi sương ươn ướt trên ngọn cỏ xanh mềm. Vừa đi, cha vừa nói chuyện. Thời cha còn nhỏ, mỗi năm chỉ thu hoạch hai vụ, gặt mùa thường vào tháng mười âm lịch. Bây giờ, lúa được lai tạo giống ngắn ngày nên thời gian cấy cày của một vụ được rút lại. Thường thì cuối thu, lúa đã chín vàng.

Cha bảo, cái nghề làm ruộng thật vất vả, suốt đời lăn lộn, khổ sở, thế mà cũng chẳng đủ được cái miếng ăn. Bây giờ là còn khá hơn nhiều rồi, chứ thời cha còn nhỏ, con người chả bằng con vật, củ chuối, lá sắn cũng phải ăn để mà sống.

Nghe cha kể, tôi không thể hình dung nổi chuyện của thời xa vắng ấy. Đầu óc tôi đang ngổn ngang biết bao nhiêu chuyện. Thì cái tuổi học trò, bao giờ mà chả thế. Nhớ nhớ, thương thương, trăn trở, hoài bão... vốn là lẽ đương nhiên cứ mỗi lần bước sang cái ngưỡng mới của cuộc đời.

- Đi nhanh chân lên con, kẻo nhỡ chuyến ô tô đầu tiên thì phải đợi đến trưa đấy! Lên Hà Nội muộn quá, lạ nước lạ cái, rồi biết xoay xở vào đâu?

Tiếng cha giục, cắt ngang dòng tâm sự của tôi. Tôi vội vàng tăng tốc thêm cho kịp cha. Cha mạnh khỏe. Trước đây, cha vốn là lính, nên vẫn giữ được tác phong của người lính. Cha mặc bộ quân phục được phát trước lúc về phục viên. Cha ít khi mặc đến, trừ những ngày đại lễ của quân đội nên vẫn còn khá mới. Trên lưng cha đeo chiếc ba lô con cóc đựng hai yến gạo, lương thảo của tôi dùng trong những ngày đầu. Cha đi như hành quân. Tôi bước theo cha, cứ phải chạy gằn từng chặp mà vẫn chẳng kịp.

Lúa chín vàng hai bên con đường. Làng tôi lùi xa dần, đến lúc chỉ còn một vệt dài, mờ nhạt, xa tít. Phố huyện đã hiện ra trước mắt. Khi còn đi học, ngày nào tôi cũng hai lượt đi về qua lối này. Gọi là phố, nhưng thực ra chỉ là một dãy nhà lá liêu xiêu, nép dưới tán lá bàng đỏ quạch. Vài căn nhà xây, mái bê tông, chưng biển cửa hàng tạp hóa, quán cơm bụi, giờ này vẫn còn đóng im ỉm.

Bỗng cha cuống cuồng, miệng giục, tay chỉ:

- Kìa, xe tới từ bao giờ rồi kia kìa, nhanh nhanh chân lên con!

Chiếc xe khách đậu ngay bên lề đường quốc lộ. Đó cũng là bến xe đi thị xã của cái phố huyện này. Cha con tôi vừa kịp tới nơi thì xe cũng vừa nổ máy. Chiếc cánh cửa cũ mèm được khép lại, rung bần bật. Tiếng còi “èn ẹt” như người ngạt mũi, báo hiệu xe bắt đầu chuyển bánh. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, ghi vội vài hình ảnh quen thuộc đã trở thành kỷ niệm...


Tranh của nhà văn Thế Đức

Tôi ngồi tựa lưng trên chiếc ghế da đã sờn quanh mép, thở hắt ra một cái như để xả hơi. Người tôi nóng ran. Bên cạnh là cha. Cha đưa tay phanh cúc áo ngực, tay kia ngả chiếc mũ cối phẩy phẩy lên khuôn mặt đỏ nhừ của tôi. Cũng may, chuyến xe đầu thường vắng khách nên cũng thoáng. Cha hồ hởi cười, có vẻ rất mãn nguyện. Tôi cũng mỉm cười nhìn cha rồi lấy khăn tay thấm mồ hôi đang chảy thành dòng trên má. Chiếc xe tăng tốc dần, nhanh chóng rời khỏi thị trấn. Tôi chợt lặng lẽ. Bắt đầu từ những giây phút này, cuộc đời tôi được đánh dấu bằng một sự đổi thay rất đỗi lớn lao...

Cha con tôi đến thị xã thì gặp xe đi Hà Nội ngay nên không phải chờ đợi lâu. Trước lúc ra đi, cha tìm hiểu rất cặn kẽ một số thông tin cần thiết nơi đô thành. Vừa xuống bến xe, cha vội hỏi thăm tới một văn phòng nhà đất. Qua đó, cha tìm thuê cho tôi được một nơi trọ cũng khá dễ dàng. Tôi được chủ nhà ghép với hai nữ sinh cùng trường. Họ học trước tôi một khóa. Khởi đầu, xem ra như thế là rất thuận lợi. Cha có vẻ yên tâm lắm!

Tôi chưa bao giờ đi xa hơn lũy tre làng, trừ ba năm học ở trường huyện và mấy buổi đi thi đại học. Thế mới biết, thành phố chật chội quá so với quê tôi. Cứ đem cái nhà trọ tôi ở để làm ví dụ cũng đủ thấy. Nhà có sáu phòng, xây đơn giản, mái lợp tôn xi măng. Mỗi phòng của căn nhà ấy choen hoẻn chỉ được hơn mười mét vuông, mà ít thì cũng hai người ở. Như phòng tôi thì ba. Cả sáu phòng được chia thành hai dãy, úp vào nhau, giữa là cái sân gạch rộng gần hai mét, chạy miết từ cửa tới hai phòng toilet ở phía cuối. Trừ việc đại tiểu tiện, và riêng cánh con gái chúng tôi khi tắm giặt phải dùng tới toilet, còn tất cả mọi sinh hoạt phụ đều đổ tuốt ra cái sân ấy.

Ngày hôm sau, tôi nhập trường, làm xong mọi thủ tục thì cha về. Tôi tiễn cha ra cổng. Nhìn bóng cha đi tất tả, chiếc ba lô lép kẹp đưa đẩy trên lưng cha mà lòng tôi bỗng quặn lại. Tôi thương cha quá. Con mắt tôi bỗng cay xè. Đôi bờ mi yếu đuối không sao ngăn nổi những giọt nước mắt cứ thi nhau tuôn trào.

Tôi quay ngoắt lại, chạy ào vào phòng, rồi nằm vật ra giường. Tôi nấc lên, bao ý nghĩ cứ đuổi theo cha hoài. Cha tôi vất vả lắm. Bắt đầu từ cái sự kiện tôi sinh ra trên cõi đời này. Mẹ tôi hiền lành, sinh tôi xong thì lâm bệnh hiểm nghèo, chữa chạy mãi mới qua được. Cũng từ đó, mẹ bị vô sinh. Mẹ vô sinh, cha bỗng trở thành kẻ tội nghiệp trong con mắt của anh em, họ mạc, làng xóm... Ở quê tôi, đàn ông mà không có con trai thì cái hèn đeo vào cổ cả đời. Mỗi khi cỗ bàn, họ đều xếp cha ngồi mâm dưới...

Nhưng cha tôi vốn có máu lì. Cha phớt lờ, chẳng thèm để ý làm gì. Cha thương mẹ con tôi lắm. Cũng may, tôi học giỏi, luôn đứng đầu lớp. Bởi thế, tuy cha phục tùng cái lề thói của làng xóm, nhưng lại rất kiêu hãnh về tôi trước mọi người. Lúc tiễn tôi đi, cha bảo: “Cả làng ta, chưa một người đàn bà nào thành đạt bằng con đường học hành đâu. Cố gắng mà học con ạ!”

Tối hôm ấy, tôi và hai người cùng ở chung phòng mới có dịp làm quen nhau. Thủ tục ban đầu không thể thiếu phần giới thiệu về bản thân. Tôi gọi họ bằng chị, bởi họ đều hơn tôi một tuổi. Người có dáng dong dỏng cao, da trắng mịn, quê ở ngoại thành Nam Định, tên Huệ. Còn người kia tên Thắm, quê ở miền trong, từ dáng người, ăn nói, sinh hoạt, trộn cũng chẳng thể lẫn vào đâu được.

Đến lượt tôi giới thiệu về mình. Hai người kia cứ khen tôi vừa xinh, lại vừa có duyên. Huệ hỏi tôi:

- “Đằng ấy” có người yêu chưa?

Tôi cười:

- Chưa!

Huệ bảo:

- Yêu đi, tớ làm “mai” cho nhé? Xinh thế mà không yêu, để tuổi xuân trôi uổng phí, tiếc lắm!

Tôi bảo:

- Thôi, em sợ lắm, phải học xong đã!

Huệ phá lên cười, nói:

- Quê vừa vừa thôi “bồ” ơi! Có ai bảo “đằng ấy” không học đâu. Mà yêu cũng là động cơ thúc đẩy mình học ghê lắm đấy “bồ” ạ!

Tôi chưa bao giờ có cảm giác yêu đương, nên mới chỉ nghe mà đã ngượng chín cả mặt. Tôi ngồi im, chẳng nói thêm được câu gì nữa. Huệ tưởng tôi đồng ý, tiếp tục tấn công:

- Hắn đẹp trai hết ý nhé. “Đằng ấy” gặp hắn, rồi không chừng chết đứ đừ ngay cho mà xem!

Huệ lại cười ngặt nghẽo, khiến cả tôi và Thắm cũng bật cười theo.

Suốt cả tuần, tôi lo ổn định chỗ ăn ở, quên hẳn cái chuyện “mối mai” mà Huệ vừa nói với tôi hôm nọ. Lần đầu tiên, tôi phải đối mặt với cuộc sống tự lập, lo đủ thứ trên đời, từ lọ tương, quả cà, chai mắm, hạt muối, đến việc quan trọng nhất là học tập và tự quản lấy bản thân.

Tôi tập làm quen với bầu không khí mới. Nói cho đúng, thì đó là một mớ hỗn tạp nơi đô thị. Sự đối lập với hoàn cảnh sống quen thuộc càng làm tôi thêm nung nấu nỗi nhớ quê nhà. Quê hương tôi là một bản tình ca, đậu ngọn câu thơ với biết bao nỗi niềm được chắt từ hương vị ngọt ngào của từng bông lúa. Tôi nhớ từ con đường làng gạch đỏ, đến cái sân đình có cây đa cổ thụ và giếng nước trong vắt...Kể cũng lạ, những thứ ấy, hồi còn ở nhà, chẳng mảy may gây cho tôi một chút ấn tượng gì!

Tôi đang vẩn vơ suy nghĩ thì Huệ ào vào. Mới ở với nhau được hơn một tuần, nhưng tôi đã phát hiện Huệ là người có rất nhiều cá tính khá kỳ cục. Huệ hỏi tôi đã ăn uống gì chưa. Tôi nói chưa. Huệ bảo:

- Giờ này mà con Thắm chưa về, chắc lại có thằng nào rước đi rồi. Kệ nó! Tớ với “đằng ấy” đi ăn thôi!

Huệ rủ tôi đi ăn “cơm bụi”. Tôi chưa biết “cơm bụi” là gì nên cũng muốn thử xem sao. Tôi đi theo Huệ ra quán ăn. Khách của những quán “cơm bụi” rất ô hợp, thường là dân lao động phổ thông hoặc sinh viên như chúng tôi. Huệ bảo, đứa nào ăn thì tự mà trả tiền. Tôi cũng chưa quen lắm với cái lệ ấy. Huệ gọi thức ăn, gồm rau muống xào, đậu phụ và một con cá kho bằng hai ngón tay. Tất cả được bày trong một chiếc đĩa, dưới là cơm. Mỗi đĩa cơm như vậy được coi là một xuất, có kèm theo tô nhỏ nước rau luộc miễn phí. Nước chấm, ai cần thì tự rót lấy. Huệ gọi thêm mấy quả cà rồi bảo tôi thích ăn gì thì cứ gọi. Tôi gật đầu, bắt chước Huệ kêu vài món dân dã tương tự...

Thế là tôi đã được nếm mùi “cơm bụi”. Về thực chất thì cũng giống như tất cả những quán ăn, dịch vụ khác, mua bán sòng phẳng, ăn xong trả tiền, nhưng vì sao lại sinh ra cái thuật ngữ “cơm bụi” thì phải mãi về sau tôi mới hiểu được!

Lúc ăn xong, tôi cứ tranh trả tiền cho cả hai xuất. Huệ rỉ tai tôi:

- Đã bảo rồi, cần phải quen dần với cuộc sống sinh viên đi!

Rồi như muốn để làm gương cho tôi, Huệ lấy tiền trả cho xuất cơm của mình. Tôi đành trả tiền cho xuất cơm của tôi.

Hai chúng tôi đứng dậy, định ra về. Bỗng Huệ đổi ý, rủ tôi đi chơi. Huệ bảo, mới đầu năm học còn rỗi rãi, tranh thủ mà đi cho biết đó biết đây, chứ vài hôm nữa vào học chính thức thì bận lắm, rồi biết bao giờ mới thăm thú Thủ đô được.

Tôi hỏi đi đâu, Huệ bảo:

- Đi công viên! “Đằng ấy” có thích không?

Tôi chưa biết công viên bao giờ, nên nghe thế thì thích lắm. Tôi bảo có, nhưng vẫn còn hơi ngần ngại. Ở cái đất này, cái gì mà chẳng mới, chẳng lạ. Cái gì mà chẳng kích thích sự khám phá của tôi!

Huệ thấy thế, liền bảo:

- Phải mạnh dạn lên, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, đứa nào mới ra thành phố cũng cứ vờ vịt như thế, rồi thành giặc lúc nào không biết ấy mà!

Huệ nhoẻn miệng cười rất tươi. Tôi chợt cảm như ở Huệ có cái gì đó cũng dễ mến, nên bỗng dưng thấy thân thiết với Huệ ghê lắm. Tôi khoác tay Huệ. Huệ cũng khoác tay tôi. Hai chúng tôi bách bộ như đi dạo mát về phía công viên...

Bữa ấy, Huệ mặc quần trắng, áo đỏ bó chẽn, lộ rõ bộ ngực căng đầy nhuệ khí. Tôi bảo Huệ có cá tính kỳ cục, bởi sự thay đổi tâm tính rất bất thường của Huệ. Có lúc, Huệ nhẹ nhàng, dễ thương như con mèo nhỏ. Có lúc, Huệ như một bông lan rừng thơm ngát, làm bao chàng sinh viên của trường cứ ngẩn ngơ, ao ước. Lại cũng có lúc, nhìn Huệ thật dữ dằn. Có người còn bảo trông Huệ chẳng khác gì con hổ cái...

Hai chúng tôi đi tới một bán đảo nằm trong quần thể của khu công viên. Cổng vào bán đảo nằm ngay bên đường Giải Phóng, qua một chiếc cầu nhỏ uốn cong hình bán nguyệt. Bên trong là khu vườn trồng rất nhiều loại cây cho bóng mát, thỉnh thoảng, có xen lẫn một vài cây dừa, xanh biếc.

Tôi thật sự ngỡ ngàng. Lần đầu tiên, tôi được chiêm ngưỡng một phong cảnh vừa lạ, vừa đẹp mê hồn đến vậy. Tôi bước tới, nửa ngồi, nửa quỳ bên mép hồ. Bầu trời mùa thu thẳm thẳm. Nắng vàng óng, vãi tràn. Tôi khẽ nghiêng người, đưa tay khỏa nhẹ trên mặt nước. Bóng tôi đang in rõ mồn một cùng với đất trời, hoa lá, cỏ cây bỗng vỡ tan thành trăm ngàn mảnh. Từ ký ức ấy, tự nhiên, tôi thấy trong lòng cứ nao nao một nỗi niềm rất khó tả.

Bỗng tôi nảy ý định gấp một con thuyền bằng giấy. Trên cánh buồm trắng muốt, tôi viết thêm mấy chữ, kỷ niệm, nhớ mãi, rồi thả xuống mặt nước. Tôi muốn gửi lại một chút tâm sự riêng tư lần đầu tới đây bằng con thuyền ấy. Con thuyền bồng bềnh, lơ đãng trôi. Tôi cứ ngơ ngẩn nhìn theo mãi. Bỗng Huệ phá lên cười:

- Lãng mạn quá em ơi, anh chàng nào vớt được, không chừng tương tư đến chết mất thôi.

Tôi ngượng quá, nhưng cũng gượng cười theo. Huệ rủ tôi tìm một ghế đá ngồi hóng mát. Gió hây hây, tạt nhẹ qua chỗ chúng tôi. Tôi còn chưa hết mơ màng, mắt vẫn cố dõi theo con thuyền khi ấy đã khá xa bờ, rồi kể với Huệ:

- Ở quê em cũng có cái hồ nước chạy dọc con đường làng, đẹp ghê lắm chị Huệ ạ. Thế mà vừa rồi, chính quyền xã, thôn ra quyết định san lấp hết để bán. Tôi chép miệng - Tiếc quá! Cả làng em, ai cũng bảo thế. Giá mà...

Huệ hiểu ý tôi, bảo:

- Mày định liên hệ với cái công viên này đấy à?

Tôi chưa kịp trả lời, Huệ đã nói oang oang như mắng tôi:

- Hoang tưởng vừa vừa chứ, đây là Thủ đô mà lại mang nhà quê ra mà so bì?

Tôi cãi lại:

- Nhà quê hay thành thị cũng thế cả thôi, nếu con người được sống trong một môi trường giáo dục đúng đắn, thì ở đâu mà chẳng ý thức giống nhau. Đã đành, nhà quê mình nghèo thật, có thể không kè lát được như ở đây, nhưng giữ gìn dòng nước trong sạch, trồng thật nhiều cây quanh bờ, vừa đẹp, vừa mát, thì có gì mà không làm được!

Huệ thấy tôi nói có lý, liền ừ ào, gật đầu cho qua chuyện, rồi bảo:

- Mà thôi, nói chuyện ấy làm gì, nhanh già lắm, chuyển đề tài khác đi!

Rồi Huệ bỗng nhớ lại cái ý định “làm mai” cho tôi, bèn nhắc:

- Trang này, khi nào anh chàng ấy nghỉ hè lên, nhất định tớ sẽ giới thiệu cho cậu đấy nhé!

Năm nay, trường bên ấy nghỉ hè muộn hơn trường tôi một tháng, nên họ cũng tựu trường muộn hơn. Nghe Huệ nói, tôi chợt nhớ lần gặp đầu tiên, Huệ đã nhắc tới chuyện ấy rồi. Tôi bảo Huệ:

- Đừng, em chẳng thích đâu, chị Huệ đừng đưa tới nhé!

Huệ bảo:

- Hắn là bạn thân, cùng học một lớp với “chàng” của tớ đấy. Hễ lần nào về quê lên, hai chàng cũng hẹn nhau cùng đến chơi, mang cho tớ khối quà đấy nhé! Huệ nháy mắt tinh nghịch, nói tiếp - Mà tớ đoán chắc, cậu và hắn nhìn thấy nhau lại chẳng như đôi bướm trắng đậu chung một cành, cứ gọi là mê tít nhau ấy chứ! Huệ cười.

Buổi chiều, thu về đầy ắp công viên. Hai chúng tôi ngồi tựa lưng trên ghế đá, y hệt đôi tình nhân. Gió se lạnh, lay động những tàu dừa. Gió lùa trên mái tóc hai chúng tôi. Những sợi tóc vờn nhẹ trên má, khiến tôi như thấy cả tiếng lòng mình, nghe cứ mênh mang mênh mang...

***

Chiều chủ nhật ấy, vẫn chỉ tôi và Huệ ở nhà. Thắm đi vắng. Thắm bận đi làm thêm công việc gì đó để kiếm tiền, nên vẫn thường xuyên đi vắng thế.

Lúc này, tôi và Huệ cũng đã khá thân nhau. Tôi kê chiếc hòm tôn trên giường của Huệ ở tầng hai, đang ngồi học thì hai tên kia vác mặt đến thật. Mỗi tên xách một túi may bằng vải dứa, nặng trịch. Một tên, mồm miệng cứ bô bô từ ngoài cổng vọng vào:

- Có ai ở nhà không đấy? Có khách đến chơi đây này!

Huệ đang nằm cạnh tôi, nghe tiếng, cuống cuồng bật dậy, tay đập đập lên vai tôi, nói khẽ:

- Kìa Trang, bọn hắn đến rồi đấy, nhớ nhé!

Tôi vừa nghe, đã thấy mặt nóng bừng bừng. Tâm trạng tôi bỗng đột ngột rơi vào trạng thái mất ổn định. Tôi bảo:

- Không, chị Huệ đừng nhé, em không thích đâu đấy!

Vừa nói, tôi vừa vội vàng đẩy dịch chiếc hòm tôn, rồi đổi hướng ngồi quay ngoắt vào trong. Mặt tôi xị ra. Tuổi mới lớn, nhất là bọn con gái chúng tôi, nhiều khi có những động thái bản năng kỳ quặc như vậy. Huệ là người nhạy cảm. Tôi nhận thấy trên nét mặt của Huệ thoáng lộ vẻ không được dễ nhìn cho lắm.

Huệ thoăn thoắt trèo xuống, theo bậc lên xuống của chiếc giường tầng. Hai tên đã đứng lù lù, chặn ngay cửa phòng. Vẫn tên ấy, vẫn cái miệng bô bô như kiểu mời khách của mấy tay hoạn lợn ở quê tôi, làm tôi suýt bật cười. Huệ bảo:

- Vào đi!

Hai tên vứt hai túi quà chồng lên nhau vào một góc nhà, rồi vẫn tên ấy vanh vách gọi ra từng thứ đựng bên trong túi quà của mình, ngô, khoai sọ, chuối, đu đủ... Hắn bảo:

- Toàn là đặc sản quê anh đấy!

Phòng chúng tôi ở chẳng có bàn ghế gì cả. Huệ chỉ chiếc giường một của tôi, bảo hai tên ngồi ở đó. Bọn họ đã chơi với nhau rất thân, nên cũng dễ thông cảm, và dường như không có thủ tục xã giao nào.

Họ cười, nói, đủ thứ chuyện, tự nhiên như chẳng hề có mặt tôi trong phòng. Thì sinh viên nghỉ hè, vừa ở quê lên, gặp gỡ nhau, thế cũng là thường tình thôi.

Tôi vẫn ngồi học. Ít phút đầu, không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Kệ! Việc ai người nấy. Đó cũng là cái nguyên tắc tất yếu của sinh viên khi phải sống chung kiểu này. Huệ thì có vẻ như đã tự ái với tôi, nên không thèm nói gì với tôi nữa. Càng tốt! Tôi vốn là đứa vẫn ương ngạnh, bướng bỉnh thế mà.

Nhưng thật khổ, căn phòng của chúng tôi nhỏ hẹp quá. Mấy gã kia thì ngồi dai cứ như chão ấy. Họ nói chuyện, không thiếu từ nào mà lại không chui vào tai tôi. Tôi bắt đầu cắn bút. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng như tôi vẫn đang tập trung học bài. Nhưng thực ra, tâm trí tôi thì đang bị tản mạn. Tôi chẳng thể nhồi nhét được chữ nào vào đầu nữa. Sau lần ấy ít lâu, tôi mới hiểu ra rằng, việc tụ tập tán gẫu cũng là cái lệ quen vào mỗi ngày chủ nhật của họ. Tôi đến sau, ắt phải nhập gia tùy tục chứ còn biết làm sao nữa!

Nhưng lúc này, tôi còn chưa hiểu gì về cái thói quen ấy thì đúng là họ đang làm khó cho tôi quá.

Tôi bắt đầu thấy khó chịu dần, rồi lúc sau thì không thể chịu đựng thêm được tý nào nữa. Tôi gấp sách, xếp tất cả mọi thứ vào một góc cạnh đầu giường, rồi nằm vật ra. Tiện tay, tôi kéo luôn chiếc chăn chiên cực mỏng của Huệ, trùm kín từ chân lên đầu. Cũng may, chỗ này là tầng trên của chiếc giường tầng, khuất tầm nhìn nên cũng đỡ ngại.

Tôi nằm mãi, muốn ngủ, nhưng chỉ nhắm mắt để đấy. Có trời mà ngủ được! Tôi nghĩ miên man, quá khứ, tương lai, ước mơ, hoài bão...hình ảnh mẹ cứ bịn rịn mãi lúc tôi sắp ra đi. Rồi cả cha nữa. Vẫn cái bóng cha đeo chiếc ba lô lép kẹp trên lưng... Tất cả, cứ như dòng suối chảy vào não bộ của tôi, và đọng mãi ở đó.

Tôi bắt đầu thấy ghét Huệ. Huệ quá đáng quá. Việc gì phải cư xử với tôi kiểu như vậy chứ? Đã thế, tôi cũng cóc cần!

Tôi định tung chăn, vùng dậy, đi ra ngoài phố cho đỡ căng thẳng. Đằng nào thì cũng sắp đến giờ ăn tối rồi, tôi sẽ đi ăn cơm bụi một mình ở cái quán mà Huệ đã đưa tôi đi ăn bữa nọ.

Trong khi tôi còn chưa đủ can đảm vượt qua khoảng cách từ chỗ đang nằm ra tới cửa, trước sự án ngữ của ngần ấy bộ mặt, thì vẫn lại tên ấy cất lời:

- Nhà có khách, sao Huệ không giới thiệu cho bọn anh biết nhỉ?

Lúc ấy, tôi còn chưa phân biệt được tên nào là bạn trai của Huệ, tên nào Huệ đã có nhã ý giới thiệu cho tôi. Lòng tự ái của tôi đột ngột tăng hết cỡ. Mấy lần, tôi định vùng dậy, nhưng bản lĩnh của tôi vẫn còn non nớt quá...

Rồi Huệ cũng đã chịu mở miệng. Huệ giới thiệu với hai tên kia về tôi, nhưng cũng chỉ được mấy câu:

- Cái Trang, vừa nhập trường đấy. Nó ngủ rồi, kệ nó!

Cái giọng của Huệ trở nên khó nghe quá. Tôi bỗng thấy mặt nóng ran. Huệ nói vậy, có khác gì bảo tôi cứ việc mà nằm đấy cho đến tối. Hai tên kia đang thì thầm với nhau cái gì đó. Tôi nghe không rõ. Chúng cười nhăn nhở. Hình như chúng đang nói giỡn đến tôi thì phải. “Đồ mất lịch sự!” Tôi thầm rủa cả cái lũ chúng như thế.

Rồi vẫn tên ấy, vẫn cái giọng nịnh đầm:

- Mời Trang xuống chơi với bọn anh đi nào, Trang ơi!

Tôi nghe, thấy buồn nôn quá. Nếu Huệ mà giới thiệu cho tôi nhân vật này thì tôi sẽ vái hắn cả nón. Bỗng Huệ “hữ” một tiếng khô như đập đá. Tôi cũng chẳng biết là Huệ muốn ném tiếng “hữ” ấy về phía tôi, hay muốn xiên vào mặt cái tên vừa nịnh đầm kia. Nhưng tôi nghe tiếng hắn cười trừ, thì đoán được ngay. “Cho chết, ai bảo vô duyên thế, cái miệng gì mà cứ như không nắp đậy ấy!”. Tôi lại thầm rủa hắn thế.

Trong khi tôi còn đang rất bức xúc thì bỗng Huệ tru tréo:

- Nào, tiểu thư ơi, tối rồi, có dậy cơm nước không thì bảo, hay muốn nhịn đấy hả?

Huệ đứng lật ngửa người trên tầng một cái giường, một tay bám lấy thanh chắn ở tầng hai, mồm nói, tay kia túm lấy cái chăn tôi đang đắp, lôi tuột ra. Tôi bị bất ngờ, không kịp đối phó gì cả. Cái dáng tôi đang nằm thẳng cẳng bị phơi trần ra, chẳng biết bọn chúng có nhìn thấy không, làm tôi xấu hổ quá! Ở cái nhà này, Huệ luôn là người lấn át với tất cả mọi người. Mặt tôi nóng bừng bừng. Tôi vùng dậy, định phản ứng lại thái độ bất nhã ấy của Huệ. Nhưng khi nhìn thấy Huệ, tôi bỗng hoảng hồn. Bộ mặt Huệ lúc này trông ghê gớm quá. Thảo nào, có người bảo Huệ là con hổ cái cũng chẳng ngoa tý nào. Tất cả mọi sự căng thẳng của tôi bỗng chùng hẳn xuống. Theo bản năng, tôi đưa hai bàn tay đan vào nhau, giơ về phía trước, người cứ uốn éo, uốn éo, như thể đứa em gái đang làm nũng với chị. Động thái ấy, thế mà cũng có tác dụng làm ngưng lại cơn thịnh nộ của Huệ đang chuẩn bị trút xuống đầu tôi. Hồi ở nhà, mỗi khi bị mắng mỏ, tôi cũng hay làm bộ kiểu như thế, và cũng xí xóa được khối chuyện.

Huệ quay lại, xách chiếc bếp than tổ ong ở góc nhà ra sân nhóm lửa. Đây là cơ hội tốt nhất để tôi làm lành với Huệ. Tôi vội trèo xuống, chạy ra ngồi cạnh Huệ, bảo:

- Chị Huệ để em làm cho!

Huệ cũng không muốn căng thẳng với tôi nữa, liền đưa tôi chiếc quạt, rồi chỉ cái xoong nước bên cạnh, nói:

- Than hồng thì đặt lên mà nấu cơm!

Huệ đứng dậy, lấy vài thứ đồ đã được chuẩn bị sẵn để làm thức ăn cho bữa cơm chiều. Tôi ngoan ngoãn quạt lửa. Khói cay xè cả mắt. Mấy thằng con trai phòng bên cạnh chịu không nổi, kêu ầm lên. Tôi còn đang lúng túng chưa biết xử lý ra sao thì bỗng một tên bước đến, ngồi bên cạnh. Tên này từ lúc vào, chưa hề mở miệng lấy một câu. Hắn khẽ nói:

- Trang đưa anh làm cho, phải quạt thật mạnh, khi lửa cháy to thì sẽ hết khói ngay!

Hắn quạt tít mù. Một lát, lửa bùng lên, cả đụn khói đặc quánh tản đi sạch. Hắn lại thủ thỉ:

- Để anh cùng làm với Trang cho vui nhé!

Tôi không nói gì, ngồi tránh sang một bên nhìn hắn làm. Thế mà hắn cũng được việc ra phết. Trước hết, hắn đã giúp tôi giải tỏa được mọi bức xúc, dồn nén suốt mấy tiếng đồng hồ. Giọng nói của hắn trầm ấm, và có vẻ là người lịch lãm.

Bữa cơm hôm ấy thật vui, mà chính Huệ lại là người vui nhất. Huệ cười nói luôn miệng. Và cũng rất may cho tôi, trong suốt cả bữa ăn, tuyệt đối Huệ không nhắc gì tới chuyện “mối mai” cho tôi nữa...

***

Tên ấy, từ sau lần gặp tôi, càng chăm chỉ đến chơi hơn. Nếu trước đây, hắn chỉ tụ tập cùng bọn Huệ nấu nướng, ăn uống vào bữa chiều chủ nhật, thì bây giờ, hầu như chẳng mấy ngày là hắn vắng mặt. Huệ cũng chỉ là cái cớ để hắn lấy chỗ đi lại mà thôi.

Hắn tên Tuấn, cao trên mét bảy, da ngăm đen. Nói chung, về mặt hình thức, Tuấn được hết thảy giới nữ ở đây xếp vào loại đàn ông đạt tiêu chuẩn “miễn chê”.

Một lần, Tuấn gợi ý, nói xa gần đến chuyện tình cảm rồi đánh liều rủ tôi đi xem phim. Tôi khước từ. Sau lần ấy, tôi thấy Tuấn cũng hơi buồn nhưng không hề tự ái. Tôi biết Tuấn là người có tố chất khá thông minh. Khi được biết điểm tổng kết các môn học của Tuấn trong mấy năm học đại học, tôi càng khẳng định sự đánh giá đó không phải chỉ bằng cảm tính.

Tuấn thay đổi bằng chiến thuật “trường kỳ kháng chiến” để chinh phục đối phương. Tôi đọc được vị của hắn. Mặc! Việc ai nấy lo. Tôi quả quyết thế.

Nhưng Tuấn càng chứng tỏ tố chất thông minh bẩm sinh qua sự khôn khéo, tế nhị, và rất biết kiềm chế. Hắn không ồn ào như gã bạn trai của Huệ. Tôi cũng không lý giải nổi tại sao hai người lại có thể chơi thân với nhau được?

Bỗng một hôm, Tuấn nói với tôi:

- Em rất xứng đáng được ghi tên vào cuốn Sách Đỏ đấy Trang ạ!

Tôi không hiểu, tưởng hắn nói có ý gì. Tôi vặn lại. Hắn giải thích:

- Nghị lực sống, tính ham học và ý thức phấn đấu của em thật hiếm có trong thời buổi hiện nay. Em đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tình cảm của anh rồi đấy!

Hắn nói như đã từng uống xong cả vỉ thuốc liều rồi. Mà hắn cũng chỉ nói được đến thế, rồi bỗng ngồi ngây ra như kẻ bị mất phần hồn. Lát sau, hắn khẽ cười. Tôi nhận thấy hắn cười có vẻ thành thật. Tôi nghĩ, trong câu đùa ví von kia của hắn, còn mang một hàm ý khác, tế nhị hơn. Từng ấy nữ sinh trong cái nhà trọ này, chỉ mình tôi là không bồ bịch, yêu đương gì cả.

Tôi cũng cười, hỏi lại Tuấn:

- Thế anh không cho là em bị “hâm” à? Ở đây, đứa nào chả bảo em thế!

Tuấn khẳng định:

- Không! Rồi cái giọng y như cán bộ tuyên giáo, hắn nói tiếp - Ngược lại, anh đánh giá rất cao lối sống như vậy. Ở trường anh, nơi anh ở trọ cũng chẳng khác gì ở đây. Thế mới biết, trong bất cứ môi trường nào, nếu là ngọc thì sẽ không bao giờ bị hoen ố cả!

Tuấn nhìn tôi, đôi mắt sáng long lanh. Cũng từ đó, Tuấn đã làm tôi phải động não suy nghĩ đúng mức hơn về hắn. Chỉ có hắn mới có cách nhìn nhận, đánh giá công bằng những gì mà tôi đang cố gắng. Trước đó, tôi cứ nghĩ, hắn chinh phục tôi âu cũng chỉ giống như thứ tình cảm đại trà của lũ vịt giời kia thôi. Chúng lượn lờ kiếm ăn, đến rồi lại đi, chóng vánh, như kiểu những câu chuyện tiếu lâm, vui cười thời hiện đại. Tuấn là người duy nhất đã làm cho tôi cảm động.

Tối hôm ấy, sau giờ học bài, tôi lại ghi nhật ký. Tôi đã dành phần lớn trang viết với những lời bình đầy mĩ từ về hắn. Quả thật, hắn đúng là một thằng đàn ông khác thường. Tôi đã bắt đầu thấy mến và thật sự coi trọng hắn.

Chiều hôm sau, hắn lại đến. Trong lúc vui chuyện, tôi đùa, bảo hắn có thích làm đồng minh thân thiết của tôi không. Hắn chớp luôn cơ hội, hai tay nắm chặt, giơ lên trời:

- Rất vinh dự!

Và hắn nhanh chóng biến tôi thành kẻ thụ động, cùng ngoắc tay với hắn, khi hắn đưa ngón trỏ cong như cái móc câu ra. “Xong rồi nhé!”. Cả hai chúng tôi cùng cười, rất vui vẻ.

Nhưng đến lúc hắn ra về, tôi nghĩ lại, bỗng thấy lo lo. “Liệu mình có đi quá xa không nhỉ? Cũng cần phải cảnh giác, không được tiến thêm một milimet nào nữa. Biết đâu, đó chỉ là cú hích hiểm, hắn giăng bẫy để nhử tôi vào. Hắn thông minh hơn tôi hẳn một cái đầu mà!”. Tôi tự hỏi, rồi tự nhủ mình như thế.

Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, tôi giở lại trang nhật ký vừa viết hôm qua, ghi thêm mấy chữ ở phía dưới: Hãy tỉnh táo nhé, Thu Trang ơi!

Đêm ấy, quả là một đêm rất khó ngủ. Hắn như cỗ xe bánh xích cứ chà xiết trong đầu tôi. Phải mãi tới khuya, tôi mới lùa được hắn ra khỏi đầu, khi bỗng dưng tôi thấy nhớ cha mẹ da diết. Vẫn là hình ảnh mẹ trước lúc tôi đi nhập trường. Mẹ phờ phạc vì bệnh mất ngủ triền miên, cố níu lấy tay tôi, dặn dò: “Bố mẹ chỉ có mình con, liệu mà giữ gìn. Làm thân con gái, “nhỡ ra” thì khổ cả một đời đấy...”. Sau lời mẹ dặn là câu nói mang đầy ý nghĩa của cha: “Cả làng ta, chưa một người đàn bà nào thành đạt bằng con đường học hành đâu. Cố gắng mà học con ạ!”.

Đến lúc tôi thiếp đi, tất cả những điều trăn trở ấy đã găm chặt vào giấc ngủ sâu nồng, rồi len lỏi trong từng hạt máu của tôi, để mãi mãi về sau, tôi mang theo như một thứ hành trang vào đời...

***


Tranh của nhà văn Thế Đức

Cái dãy nhà trọ ấy có sáu phòng, thì chiếm tới bốn phòng là nữ. Chỉ còn hai phòng dành cho cánh nam giới ở. Người ta có câu ví, hai người đàn bà và một con vịt đã thành cái chợ nho nhỏ rồi. Nếu đem suy luận từ câu ví von ấy, thì cái nhà trọ này, rõ phải là một cái chợ cũng vào loại kha khá.

Ban ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, “cái chợ” ấy hầu như vắng vẻ, bởi các thành viên chính đều bận cả. Nhưng bắt đầu từ chiều tối mỗi buổi, và trọn cả ngày thứ bẩy, chủ nhật, người qua kẻ lại cứ rình rịch. Mặt hàng ở cái chợ ấy không là bất kỳ một thứ hữu hình nào, mà người ta ví nó giống như cái chợ cũng bởi nhiều lẽ. Chỉ cần nhìn bề ngoài, thì cứ từng ấy con người thuê trọ, sống ổn định, có trật tự, thì cũng đã quá đủ rồi. Đằng này, lại thêm bọn “vịt trời” từ khắp bốn phương kéo đến kiếm mồi đông như vỏ hến. Mỗi đứa một vẻ, một dạng, kèm theo là sự ồn ào, hỗn độn, gây ra đủ thứ phức tạp hết chỗ để nói. Thế nó chả là cái chợ thì còn là gì nữa?

Tuổi mười tám, đôi mươi, không ai kèm cặp, giáo dục, con người tự nhiên bộc lộ rất rõ bản năng. Cũng ở cái tuổi ấy, đang bừng bừng khí thế, bắt đầu thời kỳ thu nạp năng lượng cho cả một đời người. Có thể rất hay, nhưng cũng có thể rất dở. Bọn chúng tôi thường cãi vã, tranh luận nhau, và chưa thể ngã ngũ được cái đề tài: Thế nào là lối sống đúng đắn, lành mạnh đối với thế hệ trẻ? Chỉ đơn giản, theo cách nhìn của tôi và Huệ, cũng đủ bộc lộ đầy dẫy sự mâu thuẫn. Huệ: yêu, và hết mình với tình yêu cũng là động cơ thúc đẩy học tập được tốt hơn. Còn tôi thì khác. Quan điểm của tôi, cứ nhất thiết phải gác lại cái thứ tình cảm dứt da, dứt thịt ấy vào một bên cái đã. Tuổi trẻ bây giờ, khi bập vào yêu là dâng hiến, trao nhận. Nói thẳng toẹt ra, khi đã yêu là đòi hỏi sự thỏa mãn về xác thịt một cách tối đa từ cả hai phía. Rốt cuộc, cả tôi và Huệ đều có sự lý giải riêng của mình, và đều cho rằng, chỉ có cái lý của mình mới thật là đúng. Mặc dù, nó biểu hiện sự khác nhau hoàn toàn cả về mặt bản chất.

Cứ sau mỗi cuộc tranh luận, thế nào cũng phải có ai đó làm trọng tài, tuyên bố cả hai đều đúng. Đó là một cách giải quyết tình huống không mấy thỏa đáng. Nhưng phải thừa nhận, trong thực tế, cái quan điểm của tôi hình như đã quá lỗi thời, nên luôn bị coi là thiểu số. Mà chính tôi, cũng chưa có lý lẽ gì sắc bén để khẳng định một cách thật thuyết phục. Cuộc thử nghiệm “chân lý” của tôi, mới chỉ như người trồng cây vừa mới bắt đầu gieo hạt. Tôi bị khối kẻ cho là gàn dở, thích bơi ngược dòng. Thậm chí, có kẻ độc mồm còn bảo tôi là “hâm” nữa!

Liền kề với phòng tôi ở là phòng của Anh Trâm và Huyền. Cả hai nhân vật này đều rất xinh đẹp, lại có nhiều nét hao hao giống nhau, má đỏ hây hây, mũi cao, dài, nhỏ, thẳng tắp, miệng lúc nào cũng chín mọng, dấu hiệu của sự khao khát, thèm muốn tới tột cùng. Nhà Anh Trâm và Huyền đều ở Hải Phòng. Họ là dân thành phố thứ thiệt, nên cách sinh hoạt, ăn nói, đi đứng, đều tỏ ra ra rất sành điệu.

Cả hai đều yêu hai anh chàng đi xe máy phân khối lớn. Họ đều là người Hà Nội, lại con ông to trên bộ, thành phố gì đó. Anh Trâm là hiện thân của mẫu người thời hiện đại. Mỗi lần, Anh Trâm đi chơi về, lại y rằng cái mồm cứ bô bô khoe với Huyền đủ thứ chuyện. Thậm chí, cả chuyện cái nhà nghỉ này đẹp, hay cái nhà nghỉ khác mới thật là tuyệt vời. Giữa hai phòng chúng tôi là một bức tường xây đơn, lại có lỗ thông gió khá rộng ở phía trên. Tôi nghe những chuyện ấy nhiều, thành khổ cái tai quá.

Mặc dù vậy, cuộc sống giữa chúng tôi vẫn phải giữ lấy hòa khí. Hơn nữa, họ cũng hay sang phòng tôi chơi và đối xử với tôi rất thân thiện. Tối hôm ấy, Anh Trâm bảo tôi:

- Trang này, thằng Tuấn yêu mày thế, sao không nhận lời? Tao thấy nó cũng là mẫu đàn ông lý tưởng đấy chứ!

Tôi chưa kịp trả lời thì Huyền chêm vào:

- Cứ cành cao mãi, nó mà phé đi với con khác thì có mà...

Anh Trâm nháy mắt tinh nghịch, bảo:

- Mày cứ yêu đi rồi sẽ thấy, sướng lắm!

Giọng Anh Trâm kéo dài, tạo nên âm ngữ đặc biệt với cụm từ “sướng lắm” khiến cả Anh Trâm và Huyền cùng phá lên cười.

Huệ đang ngắm nghía, chọn bộ đồ ưng ý để chuẩn bị đi chơi cũng bật cười theo, rồi quay sang góp chuyện:

- Chúng mày không biết à? Nó vừa được tặng danh hiệu “động vật quý hiếm” đấy! Cái ông Tuấn ngu như bò đực ấy, muốn chinh phục được người tình trong mộng, lại khuyến khích nó giữ lấy một đời trinh nữ mới hâm chứ!

Cả lũ lại cười rú lên. Tiếng cười của họ làm tôi thấy rợn cả xương sống.

Huệ đã thay xong bộ đồ. Nàng đưa hai tay nâng nâng bầu vú trong bộ su chiêng màu thẫm, được lần áo tím nhạt, mỏng tang ôm chặt. Huệ quay đi, quay lại, ngắm nghía một hồi, rồi bảo:

- Các cậu ở nhà với cái Trang cho nó đỡ buồn nhé, tớ đi đây!

Nhưng Anh Trâm và Huyền cũng đứng dậy luôn. Huyền nói:

- Thôi, bọn tớ cũng về để cái Trang nó còn học bài chứ!

Họ đi rồi. Tôi ở lại một mình, bỗng thấy trống trải quá. Toàn là giọng chọc quê, kháy đểu, nghe thật đắng đót. Hình như ở cái nhà trọ này, một mình tôi là một thế giới khác biệt với tất cả mọi người. Đột nhiên, tôi thấy mong Tuấn, giá lúc này mà hắn đến thì tốt biết mấy.

Nhưng rồi tôi giật mình. Tôi chợt cảm như đang nhớ hắn thì phải. Tôi bỗng hoảng hốt. Không, không phải! Đừng nhé, Thu Trang ơi! Tuấn là cái thá gì mà tôi lại phải nhớ đến hắn. Người ta bảo, khi nhớ là đồng nghĩa với yêu đấy. Không! Đó chỉ là một ảo giác chứ làm gì có chuyện tôi nhớ hắn! Tôi tự nhủ và tự trấn an mình như thế.

Tôi lại nghĩ đến cha mẹ. Cha mẹ luôn là cái bùa hộ mệnh của tôi, để tôi có thể vượt qua trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tôi khép cửa lại, lấy sách, trèo lên tầng hai cái giường, lãnh phận của Huệ để học bài. Ngồi ở chỗ này, tôi luôn thấy yên tĩnh hơn. Bớt được rất nhiều cảm giác ồn ã bởi tiếng hò hét điên loạn của rượu, của hội đánh bài ăn tiền từ hai phòng nam giới. Những dãy số, tính toán, hệ thống, logic...làm tôi tập trung cao độ, vùi lấp tất cả mọi sự hỗn độn vào đó. Kể cả bóng hình của Tuấn.

Bỗng bên phòng của Anh Trâm và Huyền có tiếng lè nhè, ồm ồm. Đúng là giọng của thằng say. Tôi nhận ra đó là bạn trai của Anh Trâm. Chắc hắn say sỉn ở đâu rồi lại mò về quấy rầy người tình.

Tiếng Anh Trâm rít lên như xé vải:

- Lại say rồi!

- Say là say thế... thế nào, còn lâu mới say nhé! Hắn nói.

Anh Trâm hỏi:

- Xe đâu?

Giọng gã say:

- Ở... ở hàng cầm đồ ấy!

Anh Trâm lại rít lên:

- Đặt rồi phải không, anh cần tiền làm gì mà phải đặt xe?

Hắn bảo:

- Để đánh bài, mai chuộc, mất thế đếch nào mà sợ!

Giọng Anh Trâm cằn nhằn:

- Ngã bây giờ này, nằm xuống đây ông tướng!

Tôi đoán là gã đứng không vững nữa. Anh Trâm đang đỡ cho gã nằm. Gã cười, giọng méo xệch:

- Ngã... ngã thế đếch nào được. Anh không say đâu, cho...cho hôn cái nào! À, từ từ, cho xin...cốc nước đã. Khát quá!

Có tiếng gõ cửa phòng tôi cộc... cộc làm tôi giật thót tim. Tôi hỏi:

- Ai thế?

Tiếng Huyền trả lời:

- Tớ đây!

Tôi nhẹ cả người

- Vào đi!

Huyền đẩy cửa bước vào:

- Cho tớ tá túc nhờ tí nhé, “bò” lại về chuồng rồi. Hắn say, ghê bỏ mẹ ý!

Huyền cài cửa, rồi lắc lắc cái chốt để kiểm tra lại cho chắc chắn, sau đó mới trèo lên chỗ tôi đang học. Huyền nằm xuống bên cạnh, im lặng. Một lát sau, bỗng nàng nhổm dậy, nói:

- Cậu chăm học thế nhỉ, tớ chịu đấy!

Tôi mất hẳn sự tập trung, đành gấp sách lại, nằm xuống với Huyền. Huyền tâm sự:

- Học kỳ nào tớ cũng phải mua điểm mấy môn. Đầu tiên cũng hãi, bây giờ quen rồi. Sinh viên mà không phải thi lại môn nào thì không phải là sinh viên đâu! Huyền cười.

Bên phòng của Anh Trâm và Huyền có tiếng giằng co, vật lộn trên giường. Anh Trâm nói:

- Có từ từ không nào, để cài cửa đã!

Giọng Anh Trâm có vẻ đã nhũn lại. Mà chả thế cũng chả được. Hắn quen rồi, lại đang say nữa.

Gã:

- Cần đếch gì, khuya rồi, đứa nào vào đây mà sợ!

Anh Trâm:

- Mới có 8 giờ thôi ông tướng ạ!

Anh Trâm vùng dậy, tiếng then cửa kêu kẹt kẹt.

Gã cười, vẫn cái giọng méo xệch:

- Cẩn thận thế, nhà mình mà cứ như là... ở nhà nghỉ ấy! Hí hí...

Rồi hắn bắt đầu thở hổn hển như bò kéo gỗ. Tiếng giường kêu ọt ẹt. Tiếng rên hoang rợ chui qua lỗ thoáng sang phòng tôi...

Huyền có vẻ ngại với tôi quá, bảo:

- Thôi, mày ngủ đi Trang ạ! Rồi nàng nhổm hẳn dậy, chõ qua cái lỗ thoáng rít lên - Lũ điên kia, có khe khẽ thôi không nào!

Tôi chẳng lạ gì cuộc sống ở cái nhà trọ này. Những ngày đầu thì cũng ghê thật đấy, chứ bây giờ thì tôi đã quen rồi. Chuyện bồ bịch, yêu đương, chỉ Anh Trâm và Huyền là may mắn yêu được hai thằng con nhà giàu mới có tiền đi nhà nghỉ, chứ những đứa con gái khác, bạn trai đến chơi, tiện thể ngủ lại qua đêm là chuyện bình thường, nhưng phải chứng kiến tận mắt thế này, thì quả thật, tôi ghê sợ quá.

Huyền ôm chặt lấy tôi, giục:

- Thôi, ngủ đi, đừng chấp gì cái lũ ấy nhé!

Tôi gỡ tay Huyền, vội bịt chặt lỗ tai. Tôi thở dài, rồi tôi bật khóc!

***

Kết thúc năm học đầu tiên, tôi về quê chơi. Độ ấy, tiết trời đang ngả dần sang thu.

Vừa xuống xe, tôi vội đi thật nhanh. Con đường về làng bấy lâu đã quá quen thuộc, thế mà lúc này, tôi bỗng thấy bồi hồi quá. Cánh đồng lúa mênh mông đang chuyển dần sang màu vàng. Mùi lúa thơm thơm làm tôi khoan khoái, dễ chịu vô cùng. Trời! Sao mà sung sướng đến thế cơ chứ! Tôi như vừa thoát được cảnh địa ngục, tù đầy, để trở về với bầu không khí tự do. Tôi căng lồng ngực, hít từng hơi thở thật sâu vào lá phổi đang thiếu oxy trầm trọng.

Thấm thoát đã một năm trôi qua. Nhanh thật đấy!

Ấy là nhìn lại thì vậy, chứ một năm, xâu chuỗi tất cả những sự kiện đã xảy ra, đối với tôi thì lại không nhỏ chút nào. Điều lớn lao nhất là việc tôi đã trở thành một sinh viên đại học. Điểm tổng kết năm đầu của tôi đạt kết quả khá tốt đẹp...

Nhưng song song với những điều đó lại là vô số thử thách không nhỏ. Có thể nói là vô cùng gian khổ đối với một đứa con gái ở độ tuổi mới lớn như tôi.

Tôi mong được gặp mẹ quá, cứ vừa đi vừa chạy, vừa tưởng tượng đến lúc được nhìn thấy mẹ. Tôi định bụng sẽ gào thật to “mẹ ơi” rồi sà vào lòng mẹ cho thỏa nỗi lòng. Chắc mẹ sẽ vui lắm, và thế nào mẹ chả khen con gái của mẹ lớn quá, lại đẹp hơn hồi ở nhà bao nhiêu nữa. Chuyện! Và mẹ cười. Tôi cũng chợt buồn cười vì ý nghĩ hơi lẩm cẩm ấy.

Không biết liệu tôi có thể cầm nổi nước mắt không nhỉ?

Rồi tôi sẽ kể cho mẹ nghe biết bao điều đã xảy ra từ một năm qua, nhất là những chuyện tôi phải gồng mình chịu đựng, làm quen với kiểu sống đầy ngang trái, nhìn mà chẳng muốn thấy gì...

Nhưng không! Tôi vội nghĩ lại. Tôi sẽ không kể gì cho mẹ nghe nữa. Mẹ biết chuyện, chắc sẽ lo lắm. Người nông thôn không thể hình dung nổi lối sống nơi đô thành như thế nào đâu. Tôi không thể tạo ra vật cản, chặn ngang nỗi niềm của mẹ và gieo vào lòng mẹ một sự thất vọng được!

Vừa về đến đầu làng, tôi đã gặp ngay một đám đàn bà con gái đang ngồi tụ tập, tán chuyện gẫu. Ấy cũng là cái thói quen bấy lâu của phụ nữ quê tôi vào những lúc nhàn rỗi. Cái nếp nghĩ, con gái chỉ cần sự an phận, khi lớn lên, lấy được tấm chồng là coi như xong, đã ăn sâu vào tận óc mọi tầng lớp già trẻ ở quê tôi mất rồi.

Bỗng cả đám người ấy cùng nhao lên:

- Ô kìa, cái Trang về kia kìa!

Thế là tất cả quây chặt lấy tôi, cứ như tôi vừa ở bên Tây về ấy. Cho đến thời điểm này, tôi là người con gái duy nhất ở trong làng được đi học đại học. Ai cũng suýt xoa, khen tôi đủ thứ. Tôi chào hỏi mọi người. Một cuộc phỏng vấn có một không hai đã xảy ra ngoài ý muốn của tôi. Cả một đống câu hỏi, chẳng câu nào ra câu nào, khiến tôi phải trả lời đồng thời, dồn dập, đến sái cả quai hàm. Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới về được đến nhà.

Cha tôi đi làm vắng. Đúng như những gì tôi đã suy nghĩ trên đường. Vừa nhìn thấy mẹ, tôi đã gọi toáng lên, mẹ ơi, rồi bật khóc hu hu. Mẹ tôi đang băm bèo cho đàn lợn nái, vội buông con dao, lao tới, ôm chầm lấy tôi. Mẹ cũng khóc. Mẹ rút chiếc khăn trên dây phơi lau nước mắt cho tôi.

Cha được tin, cũng bỏ công việc, tất tả chạy về. Cha vác chiếc cuốc trên vai, nhìn thấy mẹ con tôi mắt mũi đỏ hoe thì cha bật cười.

Tối hôm ấy, làng xóm kéo đến đông lắm, cứ như tôi đã mang cả Hà Nội về theo để họ đến xem. Mẹ trải mấy manh chiếu ở sân để tiếp khách. Vẫn là những lời khen ngợi như hồi chiều. Nào là, trông con Trang đẹp cứ như tiên ấy nhỉ. Nào là, sao mà nó cứ trắng ngồn ngộn ra chứ nị. Nào là... nào là.... cả trăm cái “nào là” nghe buồn cười lắm. Nhưng quả thật, tôi nhận thấy sự chân thành, mộc mạc của những người dân quê tôi là rất quá đỗi.

Khi mọi người ra về hết, cha mẹ và tôi vẫn ngồi trò chuyện đến tận khuya.

Trăng thu sáng như ngọc, lay động cả tâm hồn. Tôi chợt nhớ, một năm qua, tôi đã không nhìn thấy ánh trăng. Hình như ông Trăng cũng không không muốn hiển hiện ở nơi phương trời ồn ào, chật hẹp như nơi đô thành thì phải.

Tôi ở nhà tới ngày thứ ba, bỗng nhiên chiều hôm ấy, Huệ, bạn trai của Huệ, tên Thắng và Tuấn kéo nhau về chơi. Tôi cảm động quá. Họ đã phải đi một chặng đường hàng trăm cây số để tới đây chơi với tôi. Mấy ngày liền, chúng tôi ở bên nhau. Thật vui quá là vui! Tôi đưa ba người đi thăm thú bạn bè tôi. Trên đường đi, tôi kể cho mọi người nghe về phong cảnh xưa kia của làng tôi vốn là một làng cổ rất đẹp, chứ bây giờ trông cứ nửa tỉnh nửa quê thế nào ấy. Người ta đập phá phần lớn những ngôi nhà mái ngói rêu phong, để xây lên đó những căn nhà mái bằng, chất liệu bê tông, và lộn xộn nhất là khu đất mới do lấp cái hồ nước mà có.

Tôi vừa nói vừa chỉ cho mọi người biết với giọng đầy xót xa. Huệ là người đồng cảm với tôi nhất, bởi trước đó, đã có lần tôi tâm sự với Huệ khi kể chuyện về quê hương.

Đến ngày hôm sau nữa, Tuấn và Thắng xung phong đi cuốc đất cùng cha tôi. Huệ và tôi theo mẹ đi trồng đỗ ở thửa ruộng vừa gặt lúa sớm. Có lẽ, đây là những kỷ niệm đẹp, đáng ghi nhớ nhất của đời tôi và cả mãi mãi về sau này!

Gần một tuần sau, chúng tôi chia tay. Tôi tiễn ba người ra bến ô tô. Trên đường đi, Huệ rỉ tai nói chuyến đi này là do ý tưởng của Tuấn. Chàng sốt ruột đến mức không thể chậm hơn được một ngày nào nữa.

Lúc Thắng và Huệ đã yên vị trong xe rồi, Tuấn vẫn còn chần chừ mãi. Phải đến lúc xe nổ máy, chàng mới vội dúi vào tay tôi một lá thư, rồi rưng rưng nói lời tạm biệt.

Xe chạy, tôi giở ra đọc. Lá thư chỉ vẻn vẹn là một bài thơ:

Tôi đi tìm hạnh phúc giữa mùa xuân.

Hay tìm em trong thung lũng vắng?

Tôi mải miết đi, mải miết tìm.

Xa tít chân trời, tím sẫm hoàng hôn.

Tôi ngạc nhiên, Tuấn là dân kỹ thuật mà lại làm được cả thơ. Bài thơ rất hay, đầy cảm xúc, có chứa đủ cả hình tượng, màu sắc, tâm sự, đã kích thích mạnh mẽ trái tim đang ngủ yên của tôi. Tôi đọc đi đọc lại như muốn nuốt từng lời vào dạ. Nhưng rồi tôi bỗng giật mình, hình như bài thơ lại có ý tứ muốn ám chỉ về một sự bất hạnh, tan vỡ gì đó thì phải. Tôi không hiểu lắm về thơ, nhưng thơ tình gì mà cứ tan với vỡ thế thì sợ lắm. Trong tâm tư của tôi bỗng dưng bị xáo trộn một cách ghê gớm.

Từ lúc bọn họ ra về, tôi đâm ngẩn ngơ thế nào ấy. Tôi nhớ mọi người quá. Nhất là bài thơ của Tuấn đã gieo vào lòng tôi một nỗi tương tư, khắc khoải. Mẹ là người cảm nhận điều đó rõ nhất. Mẹ hỏi tôi về Tuấn. Mẹ cứ vặn đi vặn lại như muốn “tra khảo” để tôi phải nói ra một điều mà hình như mẹ đã đoán biết được. Ánh mắt của mẹ đầy lo âu, như muốn cầu khẩn, van xin tôi hãy để tâm vào việc học hành đã.

Cha có vẻ cũng đồng tình với ý kiến của mẹ. Nhưng ngay lúc ấy, cha không phản ứng gì. Cha có ý, muốn để cho kỳ nghỉ hè của tôi được thoải mái, vui vẻ, nên cố nén lòng. Chính vì vậy, tôi đã rất chủ quan, cứ tưởng mọi việc rồi cũng êm xuôi thôi.

Tối hôm ấy, tôi lại ngồi ghi nhật ký.

Tiện thể, tôi lật xem lại một lượt những trang đã viết lúc còn ở nhà trọ. Bất giác, tôi đã tỏ ra rất ngớ ngẩn khi hôn lên cái tên “Tuấn” của hắn. Rồi tôi bật cười, ngượng nghịu vì cái trò lãng mạn quá đáng kiểu tiểu thuyết ấy, nhưng lòng thì thấy dưng dưng một điều gì rất khó tả!

Từ đây, đến suốt cả tháng hè, bản lĩnh của tôi đã thật sự bị chao đảo. Tôi nhớ Tuấn cồn cào. Có lúc, tôi đã nghi ngờ cái quan niệm mà tôi cứ ra sức bảo vệ. Hình như nó trái với quy luật tự nhiên của con người thì phải? Như vậy, cũng có nghĩa là tôi thừa nhận Huệ đã đúng. Nếu bây giờ tôi nhận lời yêu Tuấn, thế nào chả có đứa “hì” mũi, cười vào mặt tôi. Mặc! Rồi họ sẽ hiểu. Tôi có quan điểm riêng của tôi chứ! Nếu yêu để tiếp thêm động lực cho việc học tập, mà vẫn giữ gìn được sự trong sáng của mình thì tôi cũng chả sợ!

Lòng tôi phơi phới bay. Phải chăng, đã đến lúc tôi cần được chắp đôi cánh để tung mình vào bầu trời tự do? Chưa bao giờ tôi có được những ngày hè vừa vui vẻ, lại đầy đủ ý nghĩa như kỳ nghỉ hè lần này!

***

Không ngờ, trước ngày tôi tựu trường, cha mẹ đã dành cả một buổi để truy cứu tôi. Cha phân tích cho tôi rất nhiều vấn đề. Mẹ còn nói, trai gái thời nay yêu nhau thực dụng lắm. Đã mắc vào “chuyện ấy” thì rất khó giữ gìn, rồi “nhỡ ra” thì khổ cả một đời chứ chẳng phải chuyện chơi.

Tôi như người bị hụt bước. Nhưng cả cha và mẹ đều nói đúng. Tôi đã tận mắt chứng kiến lối sống của tuổi trẻ thành thị, hễ cứ nhận lời yêu nhau là lập tức ăn nằm với nhau chẳng khác gì vợ chồng. Cha còn vận dụng đến cả chuyện “nhân tướng học” nữa để cảnh báo cho tôi rất nhiều vấn đề về Tuấn. Tôi không ngờ cha lại thành thạo môn này đến thế. Cha nói về phong cách, tính nết của Tuấn không sai một ly. Cha bảo, Tuấn là người có nhiều mưu mô, thủ đoạn, và sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích riêng. Về vấn đề mưu mô, thủ đoạn thì tôi chưa thấy Tuấn có biểu hiện gì. Cha còn phân tích nhiều đặc điểm khác về Tuấn. Chẳng hạn, Tuấn có đôi mắt được xếp vào loại “Giám sát quan trung cách”. Loại con mắt này, bất kể đàn ông hay đàn bà đều rất đẹp, là biểu tượng cho cuộc sống khá vinh hiển, nhưng thuộc loại tâm tính thực ít, hư nhiều, khó tin cậy. Đặc tính trội yếu nữa của loại mắt này, trai cũng như gái là dâm loạn, đĩ điếm. Mắt càng sáng thì đặc tính ấy càng phát triển, có khi đến độ cuồng loạn...

Tôi nghe những điều cha nói về Tuấn, thấy tai cứ ù ù như sấm rền trong cơn mưa. Thú thực, tôi cũng không tin lắm. Nhưng ngay lúc ấy, tôi không dám phản ứng lại cha. Tôi hiểu cha. Cha là người đàn ông tình cảm thật đấy, nhưng lại rất kiên quyết. Biết làm sao bây giờ? Tôi ôm mặt than thở một mình. Vẫn biết, từ ngày tôi thi đỗ đại học, cha mẹ vẫn kèn kẹt nhắc nhở tôi phải chú ý. Thế nhưng, câu chuyện cha vừa nói thật oái oăm quá, lại xảy ra đúng vào thời điểm tôi đã yêu Tuấn thì quả là không thể tưởng tượng nổi.

***

Tôi trở lại nhà trọ, chuẩn bị bước vào năm học thứ hai với một tâm trạng hết sức ngổn ngang. Cùng với việc tôi đã yêu là sự khuyên can của cha mẹ. Từ đây, cuộc đấu tranh, vật lộn với chính bản thân mình cứ như đám sương mù vây chặt lấy cuộc đời tôi.

Huệ và Thắm đã lên từ chiều hôm trước. Họ bắt đầu bước sang năm thứ ba. Thắm vẫn yên vị với cuộc sống và công việc của mình. Cũng có một vài thành viên trong nhà trọ không thấy trở lại nữa. Tôi nghe Huệ nói, năm nào mà chẳng một lần xáo trộn vì chuyện kẻ đến, người đi. Những người có tâm hồn nhạy cảm, khó tránh khỏi những giây phút xao lòng. Anh Trâm, Huyền, cũng bước vào năm học cuối.

Chiều hôm sau, Tuấn, Thắng vừa từ dưới quê lên, đã vội tới ngay. Năm nay, hai người bước vào năm học thứ năm, chuẩn bị làm tốt nghiệp. Các trường thuộc ngành kỹ thuật, khóa học của họ kéo dài hơn dân kinh tế chúng tôi một năm.

Chúng tôi ngồi hàn huyên lúc lâu thì Thắng và Huệ nháy nhau đi chợ, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Hình như đó là sự bố trí của hai người, có ý tạo cơ hội để Tuấn được tiếp cận với tôi.

Bình thường như trước thì chẳng nói làm gì. Nhưng dạo này, tình cảm giữa chúng tôi đã chuyển sang một cung bậc khác. Bỗng nhiên gặp tình huống như thế, nên cả hai đều bị động, đều lúng túng quá. Tuấn phải khó khăn lắm, mới nói với tôi được vài lời nhưng có vẻ rất khách khí.

Tôi chợt nhớ tới bài thơ Tuấn đã tặng tôi hôm nọ. Nhân cơ hội này, tôi lôi ra để chất vấn. Tuấn nhìn tôi đắm đuối, rồi nói:

- Anh đã yêu một người, và tình yêu anh dành cho người ấy là bất tận nhưng không được người ấy đáp lại...

Tuấn vừa nói đến thế, tôi đã vội chặn ngang, hỏi:

- Người ấy là ai vậy?

- Người ấy đang ngồi trước mặt anh đây này! Tuấn trả lời.

Rồi chàng khe khẽ đọc lại, đúng là bài thơ hàm chứa đầy ẩn ý của một nỗi đau da diết. Tuấn tài thật. Giọng Tuấn thỉnh thoảng lại rưng rưng, đứt quãng, cứ như bị dồn nén đến tột cùng vậy.

Tôi bỗng thấy con tim mình nghẹn lại, như bị một bàn tay vô hình nào đó bóp thật chặt. Tôi nhìn Tuấn, đôi mắt lộ rõ sự biểu cảm của tâm hồn. Tuấn là người nhạy bén nên đã không bỏ lỡ cơ hội. Hắn nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay tôi. Bàn tay nhỏ nhắn, trắng ngần của tôi ngoan ngoãn nằm im trong tay hắn. Tuấn được thể, đưa nốt tay kia quàng qua eo lưng tôi. Cánh tay hắn thật là mầu nhiệm, làm cả thân thể tôi như được truyền một năng lượng hết sức kỳ diệu. Xương cốt tôi bỗng chốc bị tan vữa ra hết cả, và thế là tôi đổ ập vào ngực hắn.

***

Sau lần ấy, tôi đã từng ngồi một mình để suy ngẫm về tình yêu. Tôi là đứa con gái mới lớn, vừa yêu lần đầu, nên chỉ rút ra bài học về tình yêu vẫn chủ yếu là qua sách vở mà thôi. Tôi thiết nghĩ, tình yêu tuyệt đối không phải là vấn đề đàn ông hay đàn bà, mà nó là một thứ tình cảm đặc biệt được hợp thành từ cả hai phía, nhưng vô cùng khó lý giải. Tình yêu! Không phải ai cũng có thể vươn tới nó, để cầm nắm được nó một cách dễ dàng. Tình yêu cứ như lá bùa linh thiêng. Nó có thể là niềm hạnh phúc, kiêu hãnh đến tột cùng của một đời người. Nhưng cũng có thể, tình yêu bỗng chốc hóa thành một thứ rất mơn trớn, quái gở, chẳng khác nào tấm lưới vô hình, bủa vây, giăng mắc... Chẳng thế, từ kim cổ, đông tây, đã có biết bao đấng anh hùng, hào kiệt, danh tiếng lẫy lừng khắp thiên hạ, thế mà chỉ bỗng chốc đã trở thành kẻ yếu đuối, tầm thường, rồi tự dấn thân đến chỗ cùng đường, tuyệt vọng, không làm sao mà thoát ra được nữa!

Tôi cảm như mình đang bị nghẹt thở.

Cái việc tôi bị Tuấn khuất phục, cũng đồng nghĩa với sự tôi đã phủ nhận quan điểm của chính tôi là một đề tài nóng hổi, dấy lên một dạo để mọi người trong nhà trọ bình luận, rốt cuộc, rồi cũng cho qua nhanh chóng.

Nhưng cũng từ đó, tôi luôn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Ở quê tôi, chữ “trinh” vẫn còn đáng giá ngàn vàng. Cái thuật ngữ “nhỡ ra” không chỉ là câu nói cửa miệng của mọi thế hệ cha mẹ khi răn dạy con cái, mà nó còn liên quan đến phẩm hạnh, đạo đức, gắn liền với sinh mệnh của mỗi người con gái khi bước vào cái ngưỡng yêu đương, không thể đùa giỡn được. Cứ nghĩ đến, tôi lại thấy gai rợn cả người.

Như vậy, tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất khi chấp nhận yêu Tuấn, đó là giữ gìn sự trinh trắng của chính mình.

Giáp tết dương lịch năm ấy, Tuấn đưa tôi về quê chơi. Gọi là quê, nhưng thực ra chỉ là nơi cha mẹ Tuấn lập nghiệp, rồi sinh ra Tuấn ở đó.

Tuấn kể, cha mẹ Tuấn là người cùng quê ở dưới xuôi. Thời đất nước bị chia cắt, chiến tranh bùng nổ ác liệt, cha Tuấn là sĩ quan quân đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam, rồi bị thương. Tuy không nặng lắm, nhưng ông cũng bị coi là mất sức chiến đấu. Ông được rút ra Bắc điều trị. Sau khi bình phục, cấp trên điều động ông về làm cán bộ ở một đơn vị sản xuất vũ khí gần biên giới phía Bắc.

Cha Tuấn gặp mẹ, cũng là nữ chiến sĩ Quân giới cùng phân xưởng do ông làm thủ trưởng. Khi hai người nhận ra nhau là người cùng làng, cùng xã, tình cảm của họ đã nhanh chóng bén rễ. Họ yêu nhau, và trở thành vợ chồng. Tuấn được sinh ra với danh hiệu rất đỗi tự hào: “Bố mẹ bộ đội, con là chiến sĩ!”

Khi quân đội Sài Gòn sụp đổ, cha mẹ Tuấn đều được nghỉ mất sức. Họ tính toán, quyết định rời căn nhà chật hẹp đơn vị phân cho, tới phát quang một góc chân đồi ở ngay phía sau đơn vị, dựng nên một căn nhà gỗ khá đẹp, rồi đưa nhau về đó cư trú.

Chẳng biết bằng cách nào, ông đã hợp thức hóa được sự quản lý cả một quả đồi liền kề với căn nhà của ông rộng hàng chục hecta. Lúc ấy, ông được mọi người trong đơn vị coi như một hiện tượng đặc biệt, không dễ noi theo.

Khi chiến tranh biên giới xảy ra, đơn vị chuyên sản xuất vũ khí, được xem là lớn nhất của cả nước mà ông đã từng công tác, phải di dời về phía trong để bảo đảm an toàn. Hàng ngàn cán bộ, nhân viên cũng phải theo đơn vị về nơi an tọa mới. Thế là nhà ông bỗng chốc bị lạc lõng giữa nơi đèo heo hút gió, lẫn với một số ít người bản địa thuộc dân tộc thiểu số.

Cha mẹ Tuấn thấy chúng tôi về thì mừng lắm. Niềm vui không thể kể xiết lộ rõ trên khuôn mặt của bà mẹ. Bà đon đả, nói:

- Thằng Tuấn viết thư về nhắc đến cháu nhiều lắm, thế mà hôm nay bác mới được gặp mặt. Rồi bà cười tươi giòn - Chắc đi đường xa mệt lắm, cháu ngồi nghỉ một lát để bác lấy nước nóng rửa mặt mũi chân tay tạm cái đã, cơm nước xong, tắm rửa, rồi sẽ khỏe ngay thôi mà!

Tôi thấy bối rối về sự vồn vã của bà. Cha Tuấn thì có vẻ ít nói. Trong khi mẹ Tuấn quấn quýt với tôi thì ông lui ra phía sau nhà. Một lát, tôi nghe tiếng gà kêu quang quác. Tuấn thủ thỉ kể với tôi:

- Ở đây tuy buồn, nhưng sống lâu cũng thành quen. Được cái thức ăn “nhà trồng được”, “sạch” một trăm phần trăm chứ không bị “nhiễm” như ở dưới Hà Nội.

Bữa cơm hôm ấy quả là thú vị. Đúng như Tuấn nói, tôi ăn gì cũng thấy ngon. Từ món đậu đũa xào ngọt lịm, đến miếng thịt gà vàng ươm, thơm phức. Mẹ Tuấn tay gắp thức ăn cho tôi, miệng giục:

- Cháu cứ ăn cho thật nhiều vào, gà nhà bác thả rông trên đồi đấy, chỉ ăn sâu ăn bọ mà lớn chứ chẳng phải chăm sóc gì đâu. Bác thấy người ta bảo, ở thành phố, thứ gà này được gọi là đặc sản, hiếm lắm, mà chắc gì đã phải là gà được thả rông trên đồi thật, phải không cháu?

Mẹ Tuấn thật thà, kể hết chuyện này đến chuyện khác. Ba Tuấn cười, bảo:

- Sao hôm nay bà lắm chuyện thế, có để cháu nó ăn không nào? Ông nhìn tôi - Cháu thông cảm nhé! Bà ấy được dịp hiếm có, mà lại là đối tượng đặc biệt thế, làm gì mà chẳng dốc hết bầu tâm sự.

Tôi bỗng đỏ mặt, cười gượng. Tuấn đang ngồi nhá cái chân gà, nghe ba nói vậy, bèn đưa mắt nhìn tôi. Ánh mắt chàng lấp lánh như ngôi sao thượng ngàn vào lúc nửa đêm, thật tuyệt!

Mẹ Tuấn vẫn tiếp tục:

- Thằng Tuấn nhà bác thật phúc đức lắm mới gặp được người như cháu, vừa đẹp người, lại đẹp nết...

Bà cười, lộ rõ vẻ rất mãn nguyện.

Ba Tuấn cũng tủm tỉm cười, nhưng rất hiền lành, kín đáo. Tôi đảo mắt nhìn ông. Chắc Tuấn được thừa hưởng cái tố chất thông minh từ cái trán hói kia. Phần lớn thời gian tiếp xúc với tôi, ông luôn giữ thái độ im lặng. Nhưng tôi nghĩ, chắc không một cử chỉ nào của tôi lọt qua được sự phán xét hết sức tinh đời nằm dưới đôi mắt sâu thẳm kia.

Cơm nước xong thì vừa tối. Mẹ Tuấn tranh hết phần dọn dẹp, cứ bắt tôi phải vào nhà tắm. Khi mọi việc xong xuôi, cả nhà cùng ngồi quanh đống lửa ở dưới bếp để trò chuyện. Điện đóm phập phù, thỉnh thoảng lại cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Ba Tuấn bảo:

- Dân đồng rừng các bác sống bằng đèn dầu là chính. Cháu chưa quen, chắc là khó chịu lắm nhỉ?

- Mãi khuya, chúng tôi mới chấm dứt cuộc trò chuyện để đi ngủ. Gió rét lùa qua khe cửa ù ù. Đêm ấy, tôi mệt quá, nên ngủ rất ngon lành.

Hôm sau, Tuấn đưa tôi lên thăm khu đồi của nhà Tuấn. Chàng vừa đi vừa kể, khi chuyển về ở chỗ này Tuấn còn rất nhỏ, quả đồi chỉ những cây hoang dại mọc um tùm. Ba Tuấn, có mẹ giúp sức, hàng mấy tháng trời mới phát quang hết. Thời gian đầu, khi nền kinh tế đói kém, ba Tuấn đã bỏ biết bao công sức để trồng sắn, nhưng trồng sắn thì thu hoạch cũng giống như mùa màng ở dưới xuôi, chẳng có gì đáng kể mà cực kỳ vất vả, có khi trả tiền thuê nhân công xong là tay trắng luôn.

Quả đồi nhà Tuấn trở thành vườn cây ăn quả lưu niên lớn như bây giờ là nhờ kết quả sự đổi mới tư duy của ba Tuấn. Thu nhập từ vườn cây khá cao. Có thế, thời phổ thông trung học của Tuấn mới có điều kiện để ba mẹ gửi về học ở trường dưới thị xã.

Tuấn đi trước. Tuấn khỏe, lại quen với lối đi dốc ngược, nên chẳng đáng gì. Tôi chỉ leo được một đoạn mà chân đã như bị ai đánh. Tuấn chìa tay cho tôi:

- Để anh dắt Trang đi nào!

Tôi lắc đầu:

- Không cần đâu, em đi được mà!

Tôi đã rút ra kinh nghiệm, kể từ lần đầu Tuấn đặt nụ hôn lên môi, tôi biết là không thể dễ dãi đụng chạm đến da thịt của đàn ông được. Cực kỳ nguy hiểm!

Tuấn cũng biết ý. Chàng đưa tôi đi men sườn đồi theo hình xoáy trôn ốc. Đó là kinh nghiệm của dân đồng rừng, rất đỡ mất sức. Tuấn bảo với tôi như thế.

Đứng trên đỉnh đồi, nhìn ra xung quanh mới thấy toàn là rừng rậm, từng mảng lá rất lớn đang ngả dần sang màu vàng đậm. Gió thổi rào rào, táp vào mặt như thể bị ai cào cấu, làm da thịt tôi buốt tê tái.

Tuấn kể tiếp, ngày ấy, thú rừng vẫn còn khá nhiều. Nhất là loài rắn. Chẳng mấy sáng ngủ dậỵ mà lại không thấy một hai con rắn nằm quận khoanh dưới gầm giường. Có lẽ chúng vẫn coi rừng là lãnh địa riêng của chúng, nên chẳng tội gì lại không tìm chỗ ấm cúng như thế mà làm giấc ngủ say sưa khi đã no mồi. Ba Tuấn trở thành tay bắt rắn khá thiện nghệ, mà ông cũng rất giỏi chế biến các món ăn từ rắn. Thế là cả nhà lại được bữa chén ra trò. Tuấn nhoẻn miệng cười.

Tôi rùng mình, hỏi:

- Thế anh có sợ không?

Tuấn bảo:

- Tất cả mọi loài vật đều không bao giờ tấn công con người nếu chúng không bị đe dọa đến tính mạng!

Rét ngấm sâu vào da thịt, không thể chịu đựng thêm được nữa, tôi bèn đòi về. Chúng tôi đi bên nhau. Tôi luôn giữ một khoảng cách vừa phải. Tuấn hiểu ý tôi nên cũng tỏ thái độ rất đúng mực.

Tôi đưa mắt nhìn sang sườn núi phía bên kia. Mây trắng đục lởn vởn quanh những vòm lá thưa thớt. Tuấn nhìn tôi, khẽ nói:

- Trang à, anh vừa làm được bài thơ về rừng để tặng em đấy. Anh đọc xem Trang có thích không nhé?

Tôi mừng quýnh:

- Có, anh làm thơ hay lắm!

Tuấn nhìn tôi, khẽ đọc:

Rừng thì thầm trăn trở

Lạnh hơi sương đầu mùa

Mình nghẹn ngào nức nở

Trao nồng nàn cho nhau...

Tôi đang dỏng tai nghe thì bước hụt xuống một hõm đất trũng, được phủ kín lá cây y hệt như cái bẫy. Đang đà xuống dốc, tôi chỉ kịp kêu “ối” một tiếng, rồi văng cả người về phía trước. Tuấn như con chim cắt, lao đến, quắp chặt lấy tôi. Chắc chỉ có dân đồng rừng mới có đủ bản lĩnh để xử lý một tình huống nguy cấp trong địa hình như vậy.

Tuấn xuýt xoa:

- Em có sao không?

Tôi kêu đau, suýt nữa thì bật khóc.

Cú ngã vừa rồi, làm ống đùi của tôi va đập mạnh vào một gốc cây. Cũng may mà không bị gẫy xương. Tuấn bế thốc tôi lên, nhẹ bẫng như một đứa trẻ. Tôi rên rỉ. Tuấn ngồi xuống một thân cây khá lớn bị đốn từ trước, nằm ngay bên cạnh, rồi đặt tôi lọt thỏm trong lòng. Vì quá đau, nên tôi đã quên tất cả, chẳng còn biết e dè là gì nữa. Tuấn cuống cuồng, một tay vẫn ôm chặt lấy tôi, tay kia vội vàng xoa bóp lên chỗ tôi kêu đau.

Giây lát sau, tôi bỗng có cảm giác rất lạ. Dưới vùng lưng của tôi như có cái gì làm tôi thấy nhột nhột. Bất giác, tôi nhớ tới câu chuyện Tuấn vừa kể. Tôi giật bắn mình, hét toáng lên:

- Rắn!

Rồi tôi quên béng luôn cả sự đau đớn, lấy hết đà vùng dậy. Tuấn ngồi chênh vênh trên thân cây, bị cú gạt bất ngờ của tôi, ngã lăn kềnh xuống đất. Tôi hoảng hồn nhìn quanh, cố tìm kiếm con rắn khốn kiếp ấy nhưng nào có thấy con rắn nào ở đó. Tuấn vẫn nằm im, không hề nhúc nhích. Nhìn mặt Tuấn cứ bần thần như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang. Tôi chưa hiểu đầu đuôi thế nào, nên bỗng thấy ân hận vì đã làm Tuấn ngã. Rồi cũng là vô tình, tôi nhìn thấy “chỗ ấy” của hắn dựng ngược lên như cái cột “trời trồng”. Tôi chợt hiểu, cái sự gian xảo của đàn ông đã bắt đầu nổi loạn trong hắn.

Tôi vừa xấu hổ, vừa ức nghẹn, không nói được nên lời. Thế là tôi bật khóc hu hu, rồi vùng căng chạy. Tuấn cũng vùng dậy, vừa đuổi theo tôi, vừa gọi:

- Trang ơi, Trang, cho anh xin lỗi nhé, Trang ơi!...

***

Tôi giận Tuấn lắm, không thèm nói năng gì với hắn. Tôi luôn kiếm cớ ở bên cạnh mẹ Tuấn, không để chàng có cơ hội bén mảng tới gần nữa.

Tối hôm ấy, tôi và mẹ Tuấn lại hí húi ngồi gẩy than, sưởi ấm bên bếp lửa. Tuấn mon men tới ngồi cạnh. Mẹ Tuấn không biết chuyện chúng tôi giận nhau, nên thấy Tuấn đến thì ý tứ đứng lên. Tôi nhìn mặt Tuấn buồn rượi. Hắn tỏ ra rất ân hận. Lúc này, tôi thấy sự thông minh của Tuấn đột nhiên biến đâu mất sạch. Tôi bỗng thấy thương quá. Trước khi đi ngủ, tôi đã hứa xí xóa cái chuyện ấy cho hắn.

Tôi nằm bên cạnh mẹ Tuấn, rất khuya rồi, nhưng vẫn chẳng thể nào ngủ được. Trời lại làm mưa. Tiếng mưa rơi lộp bộp. Đêm rừng, mưa rừng, buồn tê tái. Nỗi buồn đặc quánh, tưởng sờ thấy, nhìn thấy, ngửi thấy được. Ai đã từng một lần đến rừng mà gặp trời mưa thì mới thấu hiểu.

Mẹ Tuấn thở đều đều. Ở giường bên kia, ba Tuấn ngáy ò ò như kéo gỗ. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng trở mình, tiếng giường kêu ọt ẹt. Tôi biết là Tuấn cũng không ngủ.

Tôi chợt nhớ đến cha mẹ. Bỗng nhiên, tôi có sự liên hệ giữa những người lớn là phụ huynh của hai chúng tôi. Giữa ba Tuấn và cha tôi. Giữa mẹ tôi và mẹ của Tuấn. Ba Tuấn đạo mạo, trầm tĩnh. Cha tôi giản dị, nhanh nhẹn. Tuy thế, họ cũng có chung một đặc điểm là rất mạnh mẽ, quyết đoán, bởi họ cùng mang trong mình dòng máu của người lính chiến. Còn mẹ tôi và mẹ của Tuấn thì khác nhau hoàn toàn. Mẹ tôi trầm mặc, cam chịu, khao khát. Mẹ Tuấn vô tư, hồ khởi, và đầy mãn nguyện...

Ở giường bên kia lại có tiếng ọt ẹt, ọt ẹt. Mấy giây sau, chiếc điện thoại di động của tôi bỗng sáng đèn, báo có tin nhắn. Tôi biết là tin của Tuấn, bởi chiếc điện thoại này, Tuấn vừa mua tặng tôi trước hôm lên tàu về đây, nên chưa một người nào biết được số thuê bao còn mới toanh ấy. Tôi mở máy đọc. Một tin nhắn rất mùi mẫn: “Trang ơi, ngủ đi em! Hãy ngủ thật ngon trong tiếng ru da diết của lòng anh Trang nhé!”

Chúng tôi về đến Hà Nội thì cũng vừa lúc bước vào kỳ học sau, Tuấn chuẩn bị làm tốt nghiệp, nên rất bận. Chúng tôi thường liên hệ với nhau bằng điện thoại, mỗi tuần chỉ có dịp gặp gỡ một lần vào chiều chủ nhật. Tôi đang học bài thì nghe phòng bên cạnh có tiếng thút thít. Trước đó, tôi đã nghe Anh Trâm kể về mối tình của nàng đang có vấn đề trục trặc. Linh cảm mách bảo, tôi đoán, chắc cái chuyện chẳng lành ấy đã đến.

Bỗng Anh Trâm bật khóc như bị đứt hơi thở. Huyền dỗ dành:

- Thôi, tiếc làm gì cái đồ sở khanh ấy!

Anh Trâm nghẹn ngào:

- Tao... chẳng tiếc, nhưng mà ức lắm, nó lừa mình, nó chiếm đoạt...

Nàng chỉ nói được đến thế, rồi nghẹn lại trong tiếng nức nở. Huyền không hiểu ý Anh Trâm, vội hỏi:

- Nó chiếm đoạt cái gì, nó lừa gì của mày, nói đi, để tao đến tận nơi cho nó biết tay. Đàn ông mà lừa đảo đàn bà thì đúng là đồ hèn!

Sau này, Anh Trâm tâm sự với tôi, nàng không hề tiếc vì mất sự trinh trắng của mình. Anh Trâm là người có lối sống thực dụng thời hiện đại. Nhưng nàng đã rất nuối tiếc vì để mất với một thằng sở khanh như hắn. Hắn sắp cưới vợ, con một ông to làm cùng với bố hắn. Anh Trâm nắm tay tôi, bảo:

- Cứ như Trang lại hay. Đàn ông, chừng nào chúng nó còn thèm khát, thì còn tôn trọng, chiều chuộng mình. Nó đã chiếm đoạt được thể xác mình rồi thì tự nhiên mình sẽ biến thành nô lệ tình dục của nó!

Tôi nghe, bỗng thấy lòng buồn se sắt!

Câu chuyện tình của Anh Trâm vừa dịu đi thì cũng là lúc chúng tôi chia tay nhau để về quê ăn Tết Nguyên đán. Sau dịp nghỉ ấy, chúng tôi lại bắt đầu bận rộn với công việc thi cử. Tuấn vùi đầu vào việc làm đề án tốt nghiệp. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa chàng bắt đầu bảo vệ. Một buổi chiều, Tuấn đột nhiên gọi điện cho tôi, báo tin vừa hoàn thành công việc phỏng vấn việc làm ở một công ty đang làm ăn phát đạt. Mức lương thỏa thuận, lý tưởng, với điều kiện điểm tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi. Tuấn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Việc dành được tấm bằng đỏ là trong tầm tay anh rồi!”. Tôi cũng thấy Tuấn có đủ cơ sở để nói chắc chắn như vậy.

Tuấn có vẻ như đang rất phấn khích. Tôi nghe tiếng cười của Tuấn vang lên trong máy cũng đủ biết điều đó. Tôi vội nói với Tuấn những lời chúc mừng rồi bảo Tuấn báo tin ngay cho ba mẹ biết. Công việc là điều mơ ước của bất kỳ phụ huynh và sinh viên nào vừa ra trường, mà lại là một công việc “đẹp” như thế thì không phải dễ chút nào.

- Anh đến với Trang ngay bây giờ nhé?

Tuấn nói, rồi không kịp đợi tôi trả lời đã vội cúp máy. Tôi mừng quá. Vậy là Tuấn sắp có việc làm. Tương lai của Tuấn đã ở trong tầm tay rồi. Sự thành công của Tuấn, khác nào là sự thành công của chính bản thân tôi.

Bỗng dưng, tôi liên tưởng đến sự phán xét của cha ngày nào. Có thể cha tôi đã lầm chăng? Tuổi trẻ bây giờ có nhiều khác biệt với lớp người đi trước lắm cha ạ. Tôi thì thầm nói với cha những suy nghĩ của mình. Tôi ước gì cha cũng hiểu được Tuấn!

Tôi không thể giấu nổi tin mừng ấy với mọi người. Tuấn xin được việc làm khi còn chưa tốt nghiệp đã nhanh chóng trở thành một đề tài sôi sục trong cái nhà trọ này. Mọi người chúc mừng tôi, như chính tôi là đương sự của vụ việc ấy. Tôi thầm cám ơn ông Trời đã cho tôi cái hạnh phúc lớn lao đến như vậy!

Chừng độ nửa tiếng sau thì Tuấn đến. Chàng khoác một túi ni nông to như cái bao tải con, đựng đầy bánh kẹo, bim bim và nhiều thứ khác nữa. Từ lâu, mọi người đã coi Tuấn như thành viên của cái nhà trọ này rồi. Vừa nhìn thấy Tuấn, tất cả ùa lại, quây chặt lấy chàng. Tuấn bảo:

- Hôm nay, tớ khao cả nhà. Lý do sẽ tuyên bố sau.

Bọn nam giới có vẻ điềm đạm hơn, bắt tay chúc mừng Tuấn. Còn lũ con gái thì nhao lên, chọc quê Tuấn:

- Biết rồi, biết rồi, vào cầu đậm mà chỉ khao thế thôi à, xoàng quá!

Mấy đứa còn hì hì mũi bảo không thèm. Nhưng khi Tuấn vừa đặt cái túi xuống, cả lũ đã nhao vào, cướp lấy cướp để. Ở cái nhà trọ này, tuy mỗi đứa mỗi tính mỗi nết, lúc thế này, lúc thế nọ, nhưng do cùng cảnh ngộ nên vẫn coi nhau như anh em, chẳng nề hà việc gì cả.

Tuấn mua thêm chai rượu, dành riêng cho bọn con trai. Hôm nay là một ngày ngoại lệ, Tuấn cũng uống. Trong lúc cao hứng, Tuấn kể về cuộc phỏng vấn vừa rồi cho mọi người cùng nghe bằng giọng hài hước:

- Bà giám đốc nghe mình trả lời, cứ gật đầu lia lịa. Lúc mình chào để ra về, bà ấy còn khen đẹp trai hết xảy nữa mới chết chứ!

Tuấn nhìn tôi, nháy mắt cười rất mãn nguyện...

***

Thời gian không bao giờ quay trở lại. Chúng tôi, mỗi người một phận. Tuấn và Thắng đi làm được gần một năm thì tôi cũng bước vào thời kỳ cuối của năm học thứ ba. Huệ, Thắm đang chuẩn bị làm tốt nghiệp. Vì là năm cuối cùng, nên Thắm không đi làm thêm nữa, để dành thời gian cho việc ôn luyện bài vở.

Tuấn được đề bạt phụ trách mảng kỹ thuật của công ty. Chàng được giám đốc dành cho rất nhiều sự ưu ái vì tài năng của chàng.

Tuấn thường xuyên đi công tác, trong Nam, ngoài Bắc cứ như cơm bữa. Chuyện gặp gỡ giữa chúng tôi cũng vơi dần. Mới đầu, tôi cũng hơi buồn, sau nghĩ cũng là điều tất nhiên. Cũng đúng vào dịp chúng tôi vừa thi xong thì Tuấn có một chuyến đi công cán nước ngoài, dự kiến thời gian cũng khá lâu. Tuấn tổ chức một chuyến du lịch trước khi chia tay mọi người gồm tôi, Thắng, Huệ và Thắm. Thắm nhất định từ chối. Chúng tôi đều hiểu Thắm từ chối chỉ vì một lý do tế nhị. Tôi hứa khi về sẽ mua thật nhiều quà cho Thắm.

Bốn chúng tôi đi ra biển. Năm ấy, thu về sớm hơn. Tôi rất thích thú. Nhưng trong chuyến đi lần này có nhiều điều khác biệt so với chuyến về chơi quê Tuấn. Chàng không còn được vô tư mà luôn bị áp lực của những cú điện thoại nóng.

Biển chiều hiu hắt, không gian đang chuyển dần sang mầu tím sẫm, lãng mạn như chỉ có trong giấc mộng. Gió thổi vi vút qua hàng phi lao, khiến tôi như được thấy cả khoảng rộng của bầu trời. Một đàn chim lặng lẽ, bay miết về phương Nam tìm tổ ấm.

Thắng, Huệ dắt tay nhau đi trên cồn cát trắng ở phía trước. Tôi nói với Tuấn:

- Trông họ đẹp đôi như trong phim Hàn Quốc ấy, anh nhỉ?

Tuấn lơ đãng nhìn, rồi bỗng kêu mệt. Chúng tôi quay trở về phòng trọ. Vừa đến nơi, Tuấn nằm vật ra giường. Tôi nghĩ chàng bị cảm lạnh, vội lấy dầu gió định xoa lên thái dương chàng cho ấm.

Tôi vừa ngồi xuống cạnh chàng. Bất ngờ, Tuấn nắm lấy cánh tay tôi kéo rất mạnh khiến tôi đổ ập xuống người chàng. Tuấn vùng dậy, ôm chặt lấy tôi, rồi trút tới tấp xuống môi tôi những nụ hôn sét đánh.

Tôi không kịp phản ứng gì, đành nằm bất động. Mắt tôi nhắm nghiền lại. Tuấn thì thào, run rẩy:

- Trang, Trang ơi!... Bàn tay hắn từ từ đưa xuống phía dưới...

Tôi chợt thấy lạnh ngắt khi chiếc cúc quần bật tung. Bàn tay hắn đã lần mò tới sát vùng “cấm chỉ” của tôi. Tôi choàng tỉnh. Bất giác, tôi nghĩ tới Anh Trâm. Bài học của Anh Trâm, tôi còn chưa quên được. Tôi hoảng hốt:

- Không, anh Tuấn đừng làm thế!

Tôi co chân, mình oằn lại, lấy hết sức định hất tung hắn ra khỏi thân thể tôi. Nhưng Tuấn to lớn quá. Tôi đã lấy hết sức mà cái tảng thịt của hắn vẫn không hề nhúc nhích.

Tuấn co tay lại, ghì tôi chặt hơn. Giữa hai chúng tôi xảy ra một cuộc vật lộn. Nói cho đúng thì đó là một cuộc giãy giũa, tuyệt vọng của tôi. Một lát sau, tôi thấy mệt lử. Chẳng lẽ lại chịu để hắn khuất phục! Tôi thoáng nghĩ như vậy, nhưng trong tình thế này, tôi còn biết làm gì với hắn nữa đây? Tôi gào lên:

- Anh Tuấn! Không được làm thế! Buông ra! Buông ra ngay! Rồi cứ thế, tôi đấm lên người hắn thùm thụp.

Tuấn vẫn hổn hển với cái điệp khúc:

- Trang ơi, anh yêu em...! Cục yết hầu của hắn chồi lên to tướng, chuyển động liên hồi, chèn ngang mũi tôi, làm tôi như bị nghẹt thở.

Tuấn lại hổn hển:

- Trang ơi, chiều anh nhé! Anh... anh...

Cả thân thể tôi bỗng mềm nhũn, buông thõng như một xác chết, lạnh ngắt. Tuấn thấy tôi nằm im, hắn hí hửng, bàn tay bạo liệt của hắn lại di chuyển thật nhanh xuống phía dưới...

Bỗng Tuấn hét lên một tiếng như bị điện giật. Cả người hắn bật tung lên như chiếc lò xo. Cùng lúc ấy, ngoài hành lang có tiếng chân người chạy rất gấp, rồi tiếng gõ cửa phòng dồn dập...

Vẫn là bốn chúng tôi. Thắng, Huệ ngơ ngác. Tuấn nhìn mọi người lạnh lùng:

- Không có chuyện gì đâu!

Nhưng cả ngần ấy cặp mắt bỗng đổ dồn nơi yết hầu của hắn, in rõ mồn một hàm răng tôi dính máu đỏ lòe.

Tuấn lại có điện thoại. Hắn nghe xong, quay lại nói với chúng tôi vẫn bằng cái giọng rất lạnh lùng:

- Xin lỗi, kế hoạch thay đổi đột xuất. Mọi người chuẩn bị đi, lát nữa sẽ có xe đến đón về Hà Nội. Sáng sớm mai tôi phải ra sân bay rồi!

***

Theo đúng lịch trình công tác thì Tuấn đã phải về từ hai tuần trước, nhưng tin tức của chàng thì vẫn bặt âm vô tín. Thắng và Huệ đang chuẩn bị làm đám cưới. Ba chúng tôi quyết định đến công ty của Tuấn để hỏi tin tức về chàng.

Chúng tôi không gặp Tuấn. Tiếp đón chúng tôi là vị nữ chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm giám đốc công ty. Người đàn bà này có khuôn mặt rất xinh đẹp, ăn nói nhã nhặn. Trong câu chuyện, chúng tôi được biết bà ta đã ba mươi hai tuổi, hơn Tuấn và Thắng tám tuổi. Bà cho biết, Tuấn đã về nhưng còn đang bận chuẩn bị việc riêng.

Huệ giới thiệu với bà về tôi. Tôi bỗng nhận ra nét mặt bà thoáng một giây trầm lại, nhưng rồi lại tươi cười ngay. Bà nói:

- Mình đã nghe Tuấn nói về Thu Trang rồi. Quả là một cô gái xinh đẹp!

Chúng tôi chào bà ra về. Bỗng cả ba chúng tôi cùng nhìn trên bàn làm việc của bà ngổn ngang một đống thiếp mời cưới còn đang viết dở. Bà giám đốc vẫn tươi cười, bảo:

- Công việc bận quá, mình đang chuẩn bị làm đám cưới đấy! Rồi bà mời chúng tôi bớt thời gian tới dự.

Cả ba chúng tôi đều kinh ngạc, khi nhìn tên của Tuấn in trên tấm danh thiếp bà đưa. Bà giám đốc thản nhiên, không một lời khiếm nhã, không một lời khiêu khích, ánh mắt vẫn đẹp long lanh, quyến rũ mê hồn. Bà nói, đấy là chồng sắp cưới của mình đấy.

Tôi rơi bịch xuống ghế như một cái xác lạnh tanh. Không biết có phải lúc ấy tôi đã ngất xỉu? Huệ vội đỡ lấy tôi. Trước mắt tôi, tất cả bỗng tối tăm mù mịt. Trời đất sụp đổ tanh tành. Tôi nghe mang máng tiếng Huệ nói:

- Thưa bà giám đốc, nhờ bà nói với hắn hãy đừng bao giờ quên câu nói của chính hắn, trong bất cứ môi trường nào, nếu là ngọc thì vẫn sáng long lanh, không bao giờ bị hoen ố cả!

Cả nhà trọ xôn xao tin Tuấn sắp cưới vợ. Thắm, Anh Trâm, Huyền, Huệ và hầu hết các nữ sinh ở cái nhà trọ này thay phiên nhau kèm tôi không rời nửa bước. Anh Trâm nắm lấy bàn tay tôi, dịu dàng nói:

- Em vẫn đẹp như một bông hoa đồng nội vậy, Thu Trang ạ!

Ít lâu sau, câu chuyện tình của tôi và Tuấn chỉ còn đọng lại trong tôi như một kỷ niệm đầu đời. Đó cũng là cái ngưỡng đầu tiên trong lộ trình hướng tới tương lai mà chẳng mấy ai lại không một lần vấp phải. Nhưng đối với những người quanh tôi, từng sống trong cái nhà trọ thời kỳ ấy, thì lỗi của Tuấn là không nhỏ và không thể tha thứ. Họ đã phán xử Tuấn như một kẻ phạm trọng tội của những câu chuyện yêu đương tình ái, và dư âm của nó còn vọng mãi đối với những lớp người đến ở trọ sau này.

Tôi trở về quê nghỉ để chuẩn bị bước vào năm học cuối. Làng tôi vốn làm nghề thuần nông. Khi ấy, cánh đồng lúa mênh mông đang chuyển dần sang màu vàng. Mùi lúa thơm thơm làm tôi khoan khoái, dễ chịu vô cùng...

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Thế Đức

Tin xem thêm

Cả đoàn phim ngả mũ thán phục diễn viên Võ Hoài Nam

Giải trí
02/04/2025 10

Diễn xuất xuất sắc của NSƯT Võ Hoài Nam trong một cảnh phim bùng nổ cảm xúc ở "Những chặng đường bụi bặm" khiến đoàn phim ngả mũ.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể hậu trường khủng khiếp của phim lịch sử 55 tỷ 'Địa đạo'

Giải trí
02/04/2025 09

Mất 11 năm đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mới có thể đưa "Địa đạo" lên màn ảnh. Anh từ chối hãng phim nước ngoài để thực hiện bộ phim tại Việt Nam. "Địa đạo là bộ phim vất vả n...

Bộ Văn hoá chỉ đạo tìm hiểu vụ ồn ào mạng xã hội của ViruSs

Giải trí
02/04/2025 08

Chánh văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Hoàng Việt thông tin tới PV VietNamNet rằng "đã chỉ đạo Cục Phát thanh truyền hình tìm hiểu vụ ồn ào của ViruS...

Đổi gió

Giải trí
02/04/2025 08

Bạn với chả bè

Giải trí
02/04/2025 07

Rút kinh nghiệm khi đang học bài, có bạn gọi đừng bao giờ thưa.

Phát hiện 95,5kg vàng trong căn hộ chung cư của 2 bố con

Giải trí
02/04/2025 06

Một cặp bố con đã bị tịch thu 95,5kg vàng cùng các vật phẩm có giá trị khác vì bị nghi ngờ về nguồn gốc.

Suy nghĩ bằng bụng

Giải trí
02/04/2025 06

Chiếc hòm gỗ thông

Giải trí
01/04/2025 22

Ngày ấy, bố tôi dạy học ở trường nằm cuối huyện, huyện nằm cuối tỉnh giáp chân đèo. Đèo vắng thường ít người qua lại, lâu lâu thấy một chiếc xe tải bụi băm ì ạch leo dốc.

Truyện ma: Con gái quỷ Medusa

Giải trí
01/04/2025 21

Người đàn ông dìu cụ bà đi 40 tầng để thoát thân trong động đất được khen ngợi

Giải trí
01/04/2025 19

Người đàn ông được ca ngợi là anh hùng khi dìu một bà cụ xuống 40 tầng cầu thang trong trận động đất mạnh tấn công Myanmar và ảnh hưởng tới Thái Lan.


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media