Như đã hẹn, một chiếc thuyền con ghé đến. Sư cô Đàm Thanh cùng người lái đò xách những bịch cá xuống đò. Con đò nhẹ nhàng lướt ra giữa dòng. Đàm Thanh nhanh tay mở những bịch cá thả chúng ra sông. Từ cõi bị giam cầm chờ chết, nay được phóng sinh. Những con cá quẫy đuôi phóng đi trong niềm vui sướng rạo rực. Có con quẫy mạnh đến nỗi làm văng nước sông lên mặt, lên áo Đàm Thanh nhưng sư cô lấy thế làm mãn nguyện lắm. Trước đây thì thả ở ven bờ. Những con cá liền bị bọn người tham dùng lưới và cần câu bắt lại. Chúng được đem bán ngay trong buổi sáng ngày hăm ba đó, để rồi lại được phóng sinh đến mấy lần trong ngày đưa ông táo. Từ ngày thả cá ra giữa dòng, sư cô cảm thấy như nàng đã tác phúc dầy hơn cho cuộc đời này.
Đàm Thanh sửa lại khăn áo toan bước vào chính điện cùng sư thày trụ trì chuẩn bị cho buổi lễ cầu siêu phổ độ thì sân chùa xuất hiện một người đàn ông mập mạp, ăn mặc bảnh bao tiến lại. Hoài Thanh. Em nhận ra anh không? Đàm Thanh lùi lại nhìn sững ông ta vài giây. Hai tay nàng đang tự nhiên bỗng cứng đờ như đeo trì. Nhưng cũng sau vài phút, Đàm Thanh định thần trở lại. Khuôn mặt nàng bình thản. Nàng giơ tay ra hiệu cho người đàn ông chớ tiến lại gần hơn. Ông Đức. Hơn ba mươi năm trước đây, ông đã thẳng tay rũ bỏ mẹ con tôi, trong khi chúng tôi không nơi nương tựa. Thiệt tình, ông đã coi chúng tôi không hơn gì một một mớ giẻ rách. Tôi đã đem thân nương nhờ cửa Phật. Pháp danh tôi là Đàm Thanh. Nợ trần gian tôi đã trả hết. A di đà Phật. Xin ông để tôi yên.
Sư cô định bước đi nhưng người đàn ông tỏ ra hốt hoảng, vội vã. Khoan đã Hoài Thanh. Vì tình thương của em đối với con, xin em cho anh được gặp thằng Bình, con trai của chúng ta. Lưỡng lự vài giây. Nét mặt sư cô như nhìn về quá khứ xa xăm. Rồi nàng nhìn người đàn ông. Thằng Bình nó đã có cuộc sống của nó. Nó nhìn nhận ông hay không là do nó. Thôi được. tôi sẽ cho ông địa chỉ của nó. Sư cô trao cho ông ta một mảnh giấy ghi: Đỗ Xuân Bình, Công ty... đường...
Đến đây, bạn đọc phần nào hiểu lờ mờ quan hệ của người đàn ông, sư cô Đàm Thanh, và Đỗ Xuân Bình...
Quá khứ tưởng đã được vùi chôn. Nào ngờ... mọi việc như một cuốn phim âm bản quay chậm nhưng khá rõ. Những năm bảy mươi, bảy hai chiến cuộc giữa hai bên lúc quyết liệt, lúc giằng co. Đức lúc đó là nhân viên của một trạm quân nhu quân giải phóng, yêu Hoài Thanh, một cô gái Bến Tre đi tham gia cách mạng. Hoài Thanh đẹp như một bông hoa rừng, nước da trắng ngần như bông bưởi, mũi cao như Tây. Đôi mắt sáng long lanh huyền ảo. Ai gặp cũng phải khen. Cánh đàn ông thì mê mệt, trong đó có đại đội trưởng Hai Tương. Tương là cán bộ quân sự hồi kết đã luống tuổi. Đã mấy lần Tương ngỏ lời nhưng Hoài Thanh không chấp nhận. Hoài Thanh yêu Đức một tay Bắc kỳ chính cống. Đức đang học giở lớp mười, điển trai và bẻm mép. Hồi đó trong cứ đã có câu: “một yêu bát sứ bỏ bồng, hai yêu văn hóa tinh thông lớp mười...” Đức có gần như đủ. Họ làm đám cưới chính Hai Tương làm chủ hôn. Họ sống những ngày trăng mật tại căn cứ ở Miền Đông. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười lâu với họ. Khi Hoài Thanh đang hoài thai cu Bình thì Đức bị An ninh giải phóng bắt quả tang khi đang bán gạo cho dân ở Bù Đốp. Đức bị bắt giam. Hồi đó không có xử án mà cứ tạm giam chưa biết đến bao giờ sẽ được tha. Hoài Thanh sụp đổ về tinh thần và cả thể xác. Hai Tương là người nhân đạo. Anh móc với đường dây tìm cách đưa Hoài Thanh về quê Bến Tre để cha mẹ cô nuôi dưỡng và sinh con.
Sáng nay khi ghi địa chỉ của Bình cho Đức, Hoài Thanh có dịp nhìn kỹ mặt ông ta một lần nữa. Con người đã từng tay ấp má kề cùng nàng trong chiến tranh mà sao nỡ đành đoạn, bạc bẽo...
***
Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương
Sau giải phóng vài ba năm, bằng nhiều nguồn tin xác tín, nàng biết ông ta đã ra chiêu hồi chính quyền Sài Gòn. Nhưng người ta không khai thác được gì ở Đức một anh lính coi kho. Thế là họ thả anh ta như một con chó hoang. Vôn là tay giảo hoạt, Đức tìm được ngay một người cùng làng là dân di cư năm 1954 để tá túc. Chủ nhà là một ông thiếu tá Sài Gòn đã giải ngũ trước 1972 nên sau 1975, ông thiếu tá chỉ trình diện. Không phải đi cải tạo. Đức nhận ông ta là dượng có họ xa xa. Do máu đào hoa, cộng với đẹp trai, Đức tán tỉnh được Lan con ông dượng. Cô này có bầu với Đức. Sau giải phóng vài tháng thì họ làm đám cưới.
Mặc dù không hy vọng gì, nhưng mẹ con Hoài Thanh lúc đó đang cùng quẫn. Nàng bèn lên Sài Gòn nhờ những người đồng đội cũ dẫn đường tìm đến nhà Đức tại khu chợ Bà Chiểu. Hai lần trước, Đức cho người giúp việc đứng trong lỗ mắt cáo nói ra. Cô là ai. Cô có nhầm địa chỉ nào không? Đến đây thì nàng ớ ra. Thôi phải rồi. Người bạn cũ đã dặn rằng, ông ta bây giờ có tên rất kêu là Minh Quang. Hoài Thanh năn nỉ. Dạ chị ơi. Ông Quang đó. Cho tôi gặp ông Quang. Ông Quang đi công chuyện. Người giúp việc sập lỗ mắt cáo nghe xoảng một cái rồi đi vào. Từ một người tên Đức nguyên là quân giải phóng nhưng thời cuộc thay đổi, bây giờ ông ta có tên là Minh Quang với hồ sơ cùng nhân thân khác. Chỉ là một gia đình di cư như hàng ngàn gia đình di cư khác của miền Nam sau giải phóng lúc đó.
Vẫn không hết hy vọng. Hoài Thanh lên Sài Gòn tìm gặp Đức một lần nữa. Biết đâu tình cha con máu mủ có làm ông ta hồi tâm..? Có câu, hổ dữ không ăn thịt con kia mà.
Cố ôm nỗi bẽ bàng, nàng ngồi vào một góc vỉa hè đợi cho Đức trả tiền cà phê xong. Hơn nữa vào quán làm ồn thêm lớn chuyện lộ quá khứ của hai người không hay ho gì. Bấy giờ Hoài Thanh mới dắt cu Bình đến trước mặt Đức khi ông ta chuẩn bị lên xe hon đa. Anh Đức. Anh không yêu em nữa cũng không sao. Còn cu Bình, hòn máu của anh đây. Em cầu xin anh hãy bao bọc nó. Cho nó đỡ phần tủi cực. Hình như không còn sự trốn tránh nào khác, Đức xuống giọng. Do hoàn cảnh mà duyên số mình đã không thành. Bây giờ chúng ta ai cũng có một hoàn cảnh khác. Em thông cảm cho tôi. Ông ta không hề xưng là anh. Đây. Đức vội nhìn xung quanh. Ông ta rút một nắm tiền đặt vào tay nàng. Em cầm để về xe và uống nước. Như sét đánh bên tai. Hoài Thanh hoa mắt suýt ngã. Nàng vội rụt tay lại và ôn lấy cu Bình để giữ thăng bằng. Đức nhân cơ hội đó phóng vụt đi. Hoài Thanh tìm một quán nước mua cho con chai nước ngọt. Còn nàng kêu một ly trà đá uống cho đỡ cơn khát cháy cổ. Trong khi uống nước, cu Bình hỏi mẹ. Má ơi. Ba không thương má con mình hả má? Ừa. Không phải ba con đâu. Má nhận lầm. Ba con chết rồi. Hai mẹ con dắt nhau về quê. Con đường về lại Bến Tre đối với nàng dài như vô tận. Hoài Thanh có cảm giác như mình không còn chút sức lực mà lê bước.
***
Bình. Có thể con chưa sẵn tình cảm để nhận ba. Nhưng ba vẫn muốn đến thăm con. Theo địa chỉ sư cô Đàm Thanh ghi trong giấy, Đức không khó khăn gì để tìm ra Công ty chế biến lâm sản An Vĩnh. Mới gặp lại đứa con đã hơn ba mươi năm nay chối bỏ, nhưng ông ta sẵn sàng rào đón khá bài bản để đánh vào tình cảm của anh. Tôi không có ba nào cả. Ba tôi chết rồi. Người chiếm đoạt mẹ tôi, đẻ ra tôi trong chiến tranh. Đẩy tôi vào hoàn cảnh một đứa con hoang vô thừa nhận, đã chết rồi. Chuyện của ba với mẹ con dài lắm... Đức nhìn quanh...con không mời ba ngồi sao. Vậy mời ông ngồi. Bình miễn cưỡng chỉ ghế sa lon. Và anh tự hỏi không hiểu sao một con người tàn nhẫn, vô cảm như vậy, hôm nay lại từ Mỹ về đây để muốn nhận lại đứa con rơi này? Đức lúng túng không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào. Thì Bình nhớ lại...
Sau khi sang Mỹ cùng gia đình nhà vợ theo diện HO... Bấy giờ đã đã là công dân Mỹ, Đức về thăm quê. Ông ta trở lại Sài Gòn để chuẩn bị cho chuyến bay về Cali. Vẫn khát khao tình máu mủ. Khát khao có được một người cha để con anh có ông nội dù không hề cần người đó phải cho anh một đồng đô la nào. Qua sự khích lệ của những người có lương tâm chỉ dẫn, Bình một lần nữa cầu xin tình cha con. Vậy là sao hả ba. Sao ba đành chối bỏ con? Ba biết không, ngay đêm đó con phải lên tầu về Nam trong nỗi bơ vơ, tuyệt vọng...
Hai người im lặng vài phút. Chiếc quạt trần trong phòng quay vù vù như giúp hai người xua đi nỗi ngột ngạt và gượng gạo. Mặc dù là ngày hăm ba giáp tết, công ty rất bận nhưng người giúp việc văn phòng vẫn đặt trên bàn hai ly nước lọc. Cả Bình và ông Đức không ai uống.
Ba về lần này muốn cùng con khép lại quá khứ. Ông ta lên tiếng trước. Con biết đấy, cũng do hoàn cảnh cả thôi...Hơn nữa, ngay hai nước bây giờ cũng khép lại quá khứ rồi. Ai chả có những lúc lỗi lầm. Con hãy cho ba một cơ hội để ba chuộc lỗi với mẹ con và con. Và điều thứ hai không kém quan trọng, ba muốn giúp con trong chuyện làm ăn... Hàng hóa của con sang Sanjose qua nhiều trung gian quá, sẽ không có lời. Nhất là mặt hàng bằng gỗ xoan đào, như tủ đứng, và ghế phô tơi giá cao gấp bốn lần gỗ keo tràm. Ba sẽ... ông ta ngập ngừng. Bình chột dạ. Làm sao ông ta biết công ty của anh có đồ gỗ xuất khẩu qua Sanjose...?
Thì ra ông về đây vì chuyện làm ăn. Bình giận run người. Anh cố kiềm chế để không nói những câu hằn học. Về chuyện làm ăn của tôi, xin không bàn đến. Còn quá khứ tình cảm giữa mẹ tôi với ông và tôi. Xin ông quên luôn nó đi. Tự nhiên Bình đứng bật dậy. Hai ly nước trên bàn vẫn còn nguyên. Chiếc quạt trần dường như quay nhanh hơn. Hẳn ông còn nhớ lần gần đây nhất...Bình ngừng lời như để cố nhớ thêm chi tiết nào đó. Phải rồi. Tháng mười năm hai lẻ hai. Ông lúc đó đã là người Mỹ. Ông ra Bắc về Nam thoải mái và tự tin lắm. Tôi xin gặp ông ở nhà bạn ông tại Tân Bình. Chỉ xin ông hồi tâm nhận lại núm ruột của mình. Để tôi được có cha mà ngửng mặt nhìn thiên hạ cho bằng người ta. Tôi thề không xin ông một đồng xu nào kia mà. Lần ấy ông về cũng không có vợ ông đi kèm. Thế mà ông vẫn nhẫn tâm bảo rằng “Cậu là con thằng đại đội trưởng Hai Tương. Cậu không phải con tôi. Đi đi. Cậu đừng làm phiền tôi nữa.” Đó ông xem. Còn cách nào mà ông dám nhận tôi là con? Nói xong, Bình nhìn thẳng vào mặt Đức như để chờ đợi câu trả lời.
Để Bình tạm lắng cơn bức xúc, Đức phân trần. Thì ba biết ba là người có tội với mẹ con và con. Nói sao cho con thông cảm bây giờ? Lúc mới giải phóng, quá khứ nhân thân ba như vậy, làm sao ba dám nhận con. Lúc nào ba cũng nơm nớp lo sợ chính quyền phát giác, xử lý... Bà Lan với ba giờ đã không còn gì. Ba ra khỏi gia đình đó rồi... Họ khinh rẻ ba là một tên Việt cộng chiêu hồi, lại không làm ra đô la như họ muốn... Ba về lần này không muốn làm phiền con về tiền bạc. Đã có một vài người bạn cùng thời với ba muốn giúp ba về lại Việt Nam...
Sau lời giãi bầy của Đức, trong thâm tâm Bình đã có một cái gì đó chưa thể gọi là tình cha con nhưng cũng tự trong sâu thẳm tâm linh bởi những sợi dây giao cảm về máu mủ. Anh nghĩ, dù ông ta bạc bẽo nhưng vẫn có công sinh ra mình. Nhưng quá khứ của mẹ con anh tủi nhục, bẽ bàng quá...Thôi. Quá khứ chôn sâu vẫn hơn. Anh không thể...Ông sống thế nào thì cuộc đời cho ông như vậy. Bình cũng không căng thẳng như trước. Ý anh muốn cuộc hội ngộ không mong muốn kết thúc.
Đức đứng lên phác một cử chỉ như tạm biệt. Tùy con. Ba chào con. Chúc con sang năm mới sức khỏe và luôn thành đạt.
Chiếc taxi chở Đức biến vào dòng xe cộ trên đường phố ngày cuối năm. Bình còn ngồi yên vài phút suy nghĩ. Ông ấy về đây để mong nối lại tình cha con, vì bây giờ bơ vơ đơn độc, hay vì sản phẩm từ gỗ xoan đào bán có giá..? Ông ấy biết gì về loại gỗ xoan đào? Đấy là loại gỗ ở các tỉnh phìa Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng. Nghệ An. Đất càng cằn khô sỏi đá, thớ gỗ càng hồng, vân càng đẹp.
Mẹ. Con chào mẹ. Mẹ cho địa chỉ làm chi để ông ấy tìm con..? Bình phóng xe đến chùa Bửu trúc tự gặp mẹ anh ngay sau khi ông Đức đi khỏi. Đàm Thanh từ tốn. Ông ấy muốn con cho ông ấy nối lại tình cha con phải hôn? Dạ phải. Ý con sao? Đàm Thanh nhìn Bình. Mẹ ơi, con thấy quá khứ của mẹ con ta nặng nề tủi nhục quá. Con... không thể...Mẹ biết con đang bị quá khứ tủi cực ám ảnh. Nhưng ông ấy đã sám hối. Con cũng nên tha thứ. Mẹ biết, đây là một khó khăn đối với con... Mẹ à, con chưa thể... con cũng không muốn chạm vào nỗi đau của mẹ một lần nữa. Lỗi lầm của người ta một phần cũng do hoàn cảnh. Sau giải phóng ông ấy cũng chịu nhiều áp lực. Sống với bà Lan thì không có tự do tối thiểu. Việc của mẹ với ba con coi như đã xong.
Đàm Thanh đã thay đổi cách xưng hô. Nàng gọi “ba của con” chứ không gọi bằng ông Đức nữa. Mẹ muốn nhắc lại cho con lời Phật dạy, nên hỉ xả con à. Cởi bỏ, không nên thắt buộc. Tha thứ con sẽ nhẹ lòng để hướng đến nhiều việc tốt hơn. Bình đỡ lời mẹ. Con chưa thể thành người của nhà Phật được. Nhưng con xin suy nghĩ về lời mẹ dạy. À mẹ. Bữa nào mẹ về thăm nhà, thăm các cháu nội của mẹ để con cho xe tới đón? Bình nhìn mẹ tỏ ý chờ đợi. Mẹ sẽ báo cho con sau.
Hai mẹ con chia tay trước cửa chùa trong chiều giáp tết. Trong lòng Bình lại cồn lên bao ý nghĩ về việc gặp ông Đức và những lời mẹ anh vừa gợi mở.
Tổng hợp nhiều nguồn
Với Trần Xuân Đam, thành công không phải là đích đến, mà là hành trình. Đó là kim chỉ nam tạo động lực, giúp em xuất sắc trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp TH...
Diễn viên Hoàng Sơn chia sẻ về đam mê sân khấu sau 40 năm, việc tạm ngưng phim để kinh doanh 5 năm, quyết định trở lại với vai diễn khác lạ trong "Nhà mình thôi đi".
Có lẽ đây là biểu tượng cung cấp nhiên liệu cho phương tiện giao thông trong tương lai vì môi trường xanh.
THÁI LAN - Lực lượng chức năng đã giải cứu cậu bé sống cùng bầy chó, 8 tuổi không biết nói, chỉ biết sủa.
Đã thành lệ, sáng nay 23 tháng chạp mọi nhà cúng đưa ông Táo về trời. Khi cúng xong, hàng chục người dân đem cá chép đến chùa Bửu trúc tự nhờ sư cô Đàm Thanh đem cá ra gi...
Drama kiss cam ở concert Coldplay đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho mạng xã hội, đã vài ngày trôi qua nhưng "sự cố" ngoại tình này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho biết sẽ rà soát nội dung buổi họp báo của ca sĩ Jack. Trước đó, anh xin phép tổ chức họp báo ra mắt dự án mới nhưng phần lớn thời...
Mùa hè càng thêm sôi động khi cặp bài trùng Tiktoker đình đám Xuân Ca và Quỳnh Như 'đốt mắt' fan với loạt ảnh khoe dáng với giao diện 'hoang dã' đầy cuốn hút.