Bà Ngân dựa vào thành giường thở dốc. Bệnh cao huyết áp và những biến chứng của bệnh tiểu đường hành hạ bà Ngân cả tuần nay, nhưng bà Ngân không được nhập viện vì bệnh viện huyện vừa phát hiện nhiều người nhiễm Covid-19, đã ngưng hoạt động.
Thời điểm này đang cao điểm chống dịch Corona, Chỉ thị Mười sáu của Chính phủ với nội dung nghiêm khắt, chặt chẽ. Hoạ vô đơn chí, mấy ngày trước bà lui cui sau bếp, hụt chân thềm nhà nên trật chân, bong gân, phải nằm một chỗ. Người hàng xóm tốt bụng đã tặng bà chiếc xe lăn cũ để di chuyển trong nhà. Hồi sáng, anh Hải, công an viên thị trấn trùm đầu trùm cổ kín mít, chỉ hai con mắt là thấy rõ qua tấm kính chống giọt bắn, ghé hỗ trợ cho nhà bà Ngân một túm thực phẩm, trong đó có miếng thịt nạc heo, ưu tiên cho người bệnh. Hải nói với Nguyệt từ xa: Chị lưu số điện thoại của tui, có gì cần thiết cứ gọi nghen.
Bà Ngân nuốt từng muỗng cháo Nguyệt đút như cái cối xay bị nghẹn. Được một phần ba tô cháo, bà ngừng lại lắc đầu.
- Để chút vú ăn tiếp, bây đậy lại để đó đi. Ờ, có tin tức gì thằng Hai Đen chưa con, Nguyệt?
- Chắc tuần sau ảnh về tới vú à. Tình hình còn căng lắm. Vú lo dưỡng bệnh đi đừng lo cho ảnh, ảnh không sao đâu, mạnh cùi cụi mà.
Bà Ngân nhướng đôi mắt mờ đụt, uể oải nhìn ra cửa.
- Chỉ sợ nó về không kịp...
***
Tranh của họa sĩ Lê Sa Long
Bà Ngân lụm Hai Đen trên chiếc đò liên tỉnh. Đêm đó, như thường lệ, bốn giờ sáng bà đón đò đi chợ Giản buôn bán trái cây. Xuống đò, sau khi sắp xếp đồ đạc vào khoan đò, bà leo lên mui đò ngồi hóng gió. Đêm mùa hè oi bức, từng đợt gió sông Cổ Chiên hất vào người bà, mát rười rượi. Bỗng nhiên bà nghe tiếng khóc trẻ con, rất khẽ, lẫn trong tiếng gió, tiếng máy đò. Bà quay ngang quay dọc định hướng tiếng khóc và bò dài theo mui đò tìm kiếm. Tiếng khóc rõ dần khi bà tiến tới gần đuôi đò. Đây rồi. Bà bấm đèn pin luôn đem theo người khi đi ban đêm. Một cái mền trông rất tồi tàn cùng tụm đồ trẻ sơ sinh trong chiếc túi ni long dơ bẩn nằm kế đó. Bà giở mền ra, trước mắt bà là sinh linh còn đỏ hỏn được quấn sơ sài cái tả bèo nhèo chòi đạp một cách vô thức, bản năng. Lòng bà Ngân quặn đau. Bà ẵm đứa bé bò xuống khoan đò, dò hỏi các hành khách có ai là cha, mẹ hoặc người thân đứa bé không? Nhiều người tò mò đến nhìn đứa bé một cái rồi lắc đầu quày quả bỏ đi. Không phải hầu hết họ vô tâm, mà họ sợ. Trên gương mặt đứa bé bụ bẫm kia, tạo hoá chơi khăm, chẻ chính giữa môi trên nó một đường dài, mà y học gọi là hở hàm ếch.
***
Nguyệt đỡ bà Ngân xuống xe lăn rồi đẫy ra thềm ba ngồi hóng mát. Hôm nay bà có vẻ tươi tỉnh hơn mọi ngày. Bà Ngân nhìn thăm thẳm vào những đám mây xám xịt trôi ngang trên bầu trời ảm đạm. Chút heo may sớm liu riu thổi qua sông, buồn bã. Đối diện với bà, phía bên kia sông là khu hành chánh cũ của huyện. Tính đường chim bay, từ chỗ bà ngồi qua bên ngôi nhà hai tầng của cơ quan huyện uỷ cũ chỉ hơn trăm mét. Nhưng nếu muốn đến đó phải đi một đường vòng qua cây cầu bắt ngang sông, gần cây số. Nguyệt nói: Bên đó giờ là nơi cách ly những người bị nhiễm Covid - 19 đó vú. Bà Ngân có nghe người ta nói về đại dịch toàn cầu, bà có nghe người ta khuyên không nên ra đường trong thời gian này, nghe nói nó lây ghê gớm lắm... Bà nghe vậy, biết vậy, già cả như bà có đi đâu đâu mà sợ, mà lo. Bà lo là lo cho thằng Hai Đen. Hôm quyết định quảy giỏ lên Sài Gòn phụ hồ do một người bạn rủ rê, Hai Đen đến ôm đôi vai gầy guộc của bà, thủ thỉ:
- Vú chịu khó ở nhà một mình thời gian, chuyến này đi làm, con dành dụm ít tiền, sắm cặp nhẫn và đôi bông về cưới dâu cho vú. Rồi vợ chồng con cố gắng mần ăn để trả hiếu cho vú.
Bà Ngân ngạc nhiên. Xưa nay Hai Đen vốn kiệm lời, ít bày tỏ tình cảm, kể cả với bà, nay nói như người ta hát cải lương, ngộ! Hồi bà lụm Hai Đen dưới đò, thấy nó bị sứt môi, hở hàm ếch, ai nhìn cũng lắc đầu quầy quậy, bà thương một sinh linh bé bỏng, tật nguyền nên đem về nhà trình với cơ quan công quyền địa phương làm thủ tục xin nó làm con nuôi. Bà lấy sự đen đủi của cuộc đời nó để đặt tên cho nó: Hai Đen. Bà Ngân bị chồng bỏ theo vợ bé, bà hận và quyết không đi bước nữa. Ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thị trấn này gắn liền với tuổi thơ bất hạnh của bà. Hồi đó, ba má bà là dân thương hồ với đàn con nheo nhóc trôi trên các dòng sông miền Tây buôn bán tạp hoá và nhuộm đồ. Khi ghe tạp hoá của ba má bà tấp vào thị trấn này thì tài chánh cạn kiệt, năm đứa con ăn cháo trắng sống cầm chừng. Rồi ba má bà có một quyết định đau lòng: kêu bán bớt một đứa lớn tuổi nhất để “cứu” các đứa còn lại. Mẹ nuôi bà goá chồng, không con, đồng ý mua bà với giá hai đồng tám, tương đương với một cây vàng bây giờ. Lúc ghe hàng của ba mẹ bà rời bến, bà vùng vẫy khỏi tay mẹ nuôi, chạy ào theo chiếc ghe thương hồ đang dần trôi về phía vô định mà lồng lộn, mà gào khóc, mà kêu la van nài thảm thiết, nhưng, phía xa kia, dưới sông, chỉ có những cái ngoái nhìn bất lực, những giọt nước mắt nuốt ngược vào trong, sông cứ chảy và người cứ trôi.
Người ta nói ngôi nhà bà Ngân đang ở là ngôi nhà “cô đơn”. Mấy đời rồi nhà này không có đàn ông. Trước mẹ nuôi bà Ngân ở là một bà cụ độc thân, đến đời mẹ nuôi của bà Ngân thì chồng chết do đột quỵ khi mới cưới nhau được ba ngày. Còn bà Ngân, sống với chồng được một năm thì ông đi biền biệt, không một lời từ giả. Từ khi bà lụm được Hai Đen trên đò đem về nuôi, ngôi nhà ấm cúng hẳn lên. Bà đã chạy vạy tiền bạc để vá môi cho Hai Đen, để con bớt mặc cảm, tự ti. Hai Đen lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà và chòm xóm vì thằng nhỏ dù tật nguyền nhưng ngoan ngoãn, lễ phép, rất có hiếu với bà Ngân. Sáu, bảy tuổi là Hai Đen lủn đủn theo bà Ngân đi thu mua trái cây để lên chợ Giản bán lại kiếm lời. Lớn lên một chút, Hai Đen vừa đi học, vừa phụ hợ hàng xóm những công việc lặt vặt để kiếm thêm chút tiền, phụ tiền chợ với mẹ. Hết lớp chín, Hai Đen xin nghỉ học, theo mẹ xuống đò dọc buôn bán. Đến khi đò dọc miền Tây bị gần như bị “khai tử”, Hai Đen phóng lên bờ đi phụ hồ, đi đóng rổ trái cây, đi sửa hoa kiểng, đi vác mướn ở các cơ sở vật liệu xây dựng.
Nói chung, làm cái gì ra tiền một cách chân chính là Hai Đen nhận làm ngay. Ông trời làm khó, khi có dư dã chút đỉnh là bà Ngân đỗ bệnh, lại hết, lại cố công “cày” ngày cày đêm để kiếm tiền thuốc thang cho mẹ và có cái ăn, cái uống hàng ngày. Trước khi đi Sài Gòn phụ hồ, Hai Đen có một chuyến đến Vĩnh Long phụ nuôi cá bè cho một người quen. Và ở đây Hai Đen gặp Nguyệt, cô gái bán thức ăn dạo trên bờ, như một sạp hàng di động. Bốn giờ sáng Nguyệt ra chợ bổ hàng, mỗi thứ một ít, cá, thịt, bánh các loại, cây trái, rau quả... rồi đạp xe đạp đi bán khắp xóm. Nguyệt không đẹp nhưng thuỳ mị và chịu khó. Tình yêu nẩy nở giữa họ trong những lần Hai Đen bơi xuồng từ bè cá vào bờ đón Nguyệt để mua thức ăn. Tình yêu đến một cách tự nhiên và thật đẹp. Nguyệt cũng mồ côi, sống với cậu mợ.
Đột nhiên, chủ bè cá tuyên bố ngưng hoạt động vì thị trường biến động xấu. Đêm chia tay để Hai Đen trở về nhà, ngồi trên bờ đê dưới ánh trăng sáng vằng vặc, sông nước hữu tình, Hai Đen kéo Nguyệt vào vòng ngực ấm áp của mình, nói khẽ:
- Em cố gắng chờ đợi. Kỳ này về anh cố gắng làm lụn, chắc phải đi Sài gòn một chuyến, thằng bạn vừa rủ lên trển làm hồ, dành dụm ít tiền sẽ nói vú trầu cau lên gặp cậu mợ hỏi cưới em.
Nguyệt run rẫy trong đôi tay nồng nàn của Hai Đen. Cô nép vào vòng ngực rắn chắc của chàng, thỏ thẻ:
- Em đâu cần lễ lộc gì rườm rà đâu anh, được bên anh là em hạnh phúc rồi. Nè, anh nói địa chỉ cụ thể đi, lúc anh vắng nhà, em đạp xe xuống thăm bác gái, bác ở nhà một mình chắc buồn lắm.
Hai Đen ghì chặt Nguyệt vào lòng, hôn lên tóc nàng, mùi bồ kết, mùi thiếu nữ trinh nguyên làm từng mạch máu trong người Hai Đen bung vỡ. Và họ đã thuộc về nhau.
***
Anh Hải, công an viên thị trấn lại trùm đầu kín mít, để trước sân nhà bà Ngân một giỏ thức ăn, nói vọng vào trong:
- Chị Nguyệt có cần gì thêm cứ điện thoại cho tôi nghen. Tình hình căng quá rồi, không nên ra đường vào thời điểm này.
Bà Ngân trở mình, rên nhẹ. Nguyệt bưng ly sữa bột đậu nành để bên chiếc bàn nhỏ cạnh giường bà Ngân. Vậy là Nguyệt ở đây với bà Ngân được chín ngày. Hôm đạp xe đạp từ cù lao An Bình xuống tìm nhà để thăm mẹ Hai Đen, Nguyệt không định ở lại. Nhưng khi tìm được nhà, thấy bà Ngân trong tình trạng suy kiệt, Nguyệt thương và lo, không đành lòng về nên quyết định ở lại một đêm để chăm sóc bà. Không ngờ, chiều hôm trước còn Chỉ thị Mười lăm thì sáng hôm sau đã có thông báo mới, Chỉ thị Mười sáu. Nội dung Chỉ thị Mười sáu gắt gao hơn Chỉ thị Mười lăm, trong đó, người dân muốn di chuyển từ xã này qua xã khác phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương. Còn trong xã thì hạn chế đi lại và không tập trung quá hai người. Thế là, Nguyệt bị kẹt lại ở nhà bà Ngân do Nguyệt và bà Ngân ở hai tỉnh khác nhau dù cách nhau chỉ tám cây số.
Bà Ngân nắm tay Nguyệt, giọng chân thành và xúc động.
- Thôi thì bây ở lại đây với vú, khi nào tình hình bớt căng thẳng, hẳn về. Ở với vú có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, nghen con. Mà nè, con có nghe tin tức gì của thằng Hai Đen không, sao vú thấy trong lòng bất an quá.
Nguyệt an ủi bà Ngân.
- Không sao đâu vú, hồi sáng anh Hai Đen có điện về cho con, nói một thời gian nữa dịch bệnh lắng xuống, ảnh sẽ về.
Bà Ngân thở dài, mệt mỏi. Gần đây bà hay mất ngủ, nếu có ngủ được chút ít thì thấy toàn ác mộng, hoặc là lảng vảng những gương mặt thân quen đã mất. Bà lo sợ một điều gì đó mơ hồ sắp đến với bà, với Hai Đen. May là trong thời gian này có Nguyệt bên cạnh hủ hỉ, an ủi, động viên, không thì chắc bà sẽ chết dần chết mòn vì cô đơn và bệnh tật. Trong cái rủi có cái may, dịch bệnh căng thẳng khiến Nguyệt “kẹt” lại với bà, để bà thấy ấm áp trong những ngày cả nước, cả thế giới đang gồng mình chống chọi với con Corona quái ác, đang làm hàng trăm triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh, hàng triệu người ra đi trong đau đớn và hiu quạnh. Riêng ở Việt Nam, tin tức mỗi ngày cho biết, có hàng ngàn, thậm chí có ngày lên tới hàng chục ngàn người đang nhiễm bệnh; hàng trăm, hàng ngàn người chỉ còn là một núm tro tàn trong cái hủ sành mỗi ngày. Bệnh viện quá tải, các cơ sở y tế công, tư quá tải, khu cách ly tập trung quá tải, lò thiếu khắp nơi quá tải... mọi hoạt động của xã hội bị ngưng trệ, các thành phố nhỏ, lớn im lìm, lạnh tanh với những góc hè và những con phố xơ xác, như đời sống này đang đứng chựng lại.
Dọc theo các con đường là các chốt chặn dù thảng hoặc mới có một chiếc xe Honda chạy ngang, vội vã. Còn các vùng quê thì tiêu điều, hoang vắng, trường học không học sinh, sân trường quạnh quẽ, chợ không người, làng xóm lặng như tờ, nhà cửa đóng kín mít từ sáng tới tối, những con đường không bóng người lai vãng, các dòng sông không một chiếc ghe, xuồng. Tới tiếng chó sủa và tiếng chim hót cũng xa xỉ trong thời điểm này. Thỉnh thoảng người ta bắt gặp đâu đó những ánh mắt hoảng loạn, sợ hãi, lấm lét, nó ngột ngạt hơn cả thời chiến tranh. Những cái nhìn nghi ngờ, thăm dò lẫn nhau giữa hàng xóm, có khi cả người trong gia đình khi có tiếng nhảy mũi hay một tiếng ho bất ngờ phát ra đâu đó. Không gian đặc quánh, bệnh tật và chết chóc như đang rình rập đâu đó, sẵn sàng chụp xuống con người bất cứ lúc nào. Bất chợt đâu đó trong một gia đình giữa vùng quê có những tiếng khóc thét lên, khuấy động xung quanh. Đó là lúc người nhà nhận được hung tin, rằng người nhà họ đã mất, nhưng họ không được gặp mặt lần cuối, không được đi viếng, không được tiễn biệt. Con mất cha mẹ, vợ mất chồng, ông bà mất cháu, người thân mất nhau không đầy một cái chớp mắt. Đau. Nỗi đau của hàng trăm ngàn gia đình người Việt trong giai đoạn khốc liệt, tan thương này. Người nhiễm bệnh bị mang đi đã đành, người không bị nhiễm bệnh cũng bị cách ly, dồn chung một chỗ với người nhiễm bệnh, thế là lây nhiễm chéo, thế là bệnh dồn bệnh. Và, trong những người rời khỏi nhà đi cách ly, có người mãi mãi không được về với gia đình.
Bà Ngân bảo Nguyệt đỡ bà dậy, bà hớp chút sữa, đôi mắt bà đăm chiêu nhìn xa xôi qua phía bên kia sông, thiểu não.
- Không biết có đợi được thằng Hai Đen trở về...
***
Nguyệt bị kẹt ở lại nhà bà Ngân tới ngày thứ mười lăm thì dịch Covid-19 nâng cấp từ Chỉ thị Mười sáu lên Mười sáu cộng. Nghĩa là mọi thứ được kiểm soát gắt gao hơn, không ai được bước ra đường dù là đi mua thuốc uống hay đi cấp cứu. Mọi thứ tê liệt, sự ngột ngạt bao trùm không gian sống. Bệnh tiểu đường và cao huyết áp hành hạ bà Ngân từng giờ, từng ngày. May, nhờ Nguyệt kẹt lại nhà bà Ngân, để bà có người hủ hỉ, lo lắng, chăm sóc. Nhà cửa lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ, ngăn nắp. Nguyệt ngẫu nhiên là thành viên của gia đình.
Nguyệt gọi điện thoại cho Hai Đen, anh bảo, ngày mai anh cùng một số người trong khu nhà trọ, chỗ anh ở, quyết định sẽ “vượt rào” để về quê. Anh nói trong hoảng loạn:
- Trên đây chết chóc rùng rợn lắm em ơi, bằng mọi giá phải rời khỏi cái nơi khủng khiếp này. Em cố gắng lo cho vú dùm anh. Trên đường về chắc gặp không ít trở ngại, những cái trạm giăng ngang giăng dọc khắp nơi, nhưng đi về may ra, còn ở lại đây không chết vì dịch bệnh cũng chết vì sợ hãi.
Nguyệt báo với bà Ngân rằng Hai Đen sắp về nhà để bà yên tâm. Đôi mắt bà Ngân sáng lên những tia hy vọng. Và rồi, một ngày, hai ngày, ba ngày... bà Ngân cứ ngóng miết ra cửa, mà ngoài sân, chỉ là một không gian vắng lặng, đến có thể nghe được tiếng lá rơi, tiếng gió lướt thướt qua hiên, tiếng thời gian đượm buồn trôi chầm chậm ở chiếc đồng hồ cổ lỗ treo trên vách. Anh Hải công an thị trấn đều đặn hai ngày ghé hỗ trợ thực phẩm cho bà Ngân và Nguyệt một lần. Anh giờ còn hơn cả người thân trong gia đình. Bà Ngân lên cơn ho hay mệt thì Nguyệt bấm điện thoại gọi anh Hải, dù anh chỉ đứng ngoài rào với khẩu trang kín mít cùng đồ bảo hộ, nhưng hai người trong nhà vẫn thấy yên tâm.
Nguyệt nhận được điện thoại của Hai Đen báo anh đã về tới Mỹ Tho, thì bị chốt kiểm dịch chặn lại. Anh nói gấp gáp trong điện thoại rồi tắt máy. Nguyệt vừa mừng, vừa lo. Tin tức từ chiếc radio mi ni cũ của bà Ngân cứ làm cho Nguyệt nôn ruột nôn gan. Số người bị lây bệnh Covid-19 trong cả nước dâng cao từng giờ; số người chết thì không đếm xuể, sinh mệnh con người chưa bao giờ mong manh như lúc này. Ngày thứ hai mươi Nguyệt kẹt lại nhà bà Ngân, cũng là ngày thứ tư Nguyệt nhận được cuộc điện thoại cuối cùng của Hai Đen thì mọi liên lạc với anh bị cắt đứt. Nguyệt thử liên lạc nhiều lần, nhiều thời gian trong ngày với hy vọng nghe một tiếng chuông điện thoại, nhưng đáp lại Nguyệt chỉ một câu gọn lỏn được lập trình sẵn: “Thuê bao quí khách hiện không liên lạc được...”. Từ lo lắng Nguyệt chuyển qua sợ hãi, đã có gì đó bất thường xảy ra với Hai Đen? Không ai trả lời cho Nguyệt câu hỏi đó trong thời điểm này. Nguyệt thăm dò chỗ anh Hải công an, anh cũng lắc đầu. Bà ngân thấp thỏm:
- Sau rồi con, có tin tức gì thằng Đen không?
Nguyệt trấn an bà:
- Không sao đâu vú, rồi ảnh sẽ về mà...
***
Nguyệt báo với bà Ngân tin vui, rằng Hai Đen đã về tới thị trấn của mình. Nhưng, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, và chủ trương phòng chống dịch bệnh chung, Hai Đen phải bị cách ly tập trung mười lăm ngày theo đúng qui định. Bà Ngân đuối dần vì tuổi tác và bệnh tật, ngày ăn được vài muỗng cháo loãng và uống chút sữa. Hôm bà mệt nhiều, Nguyệt điện cho anh Hải nhờ gọi cấp cứu, tổ bác sĩ trực bệnh viện đến nhà test nhanh Covid cho bà và thăm khám rồi kết luận: Bà Ngân không nhiễm Covid, bà yếu là do biến chứng tiểu đường và huyết áp cao, giờ chỉ ở nhà uống thuốc và dưỡng sức, chứ không thể nằm viện hoặc chuyển tuyến trên. Bác sĩ về, bà Ngân nắm tay Nguyệt thật chặt, thủ thỉ:
- Cho vú nhìn qua bên kia sông một chút, thằng Đen ở bển mà.
Nguyệt đẩy chiếc xe lăn ra thềm ba, chỉ tay qua bên kia sông, chỗ cơ quan huyện uỷ cũ, nói với bà Ngân:
- Đó vú, anh Hai Đen đã về tới bên kia rồi, trên lầu đó vú. Ảnh ở bên đó chỉ nửa tháng rồi về với vú, vú đừng lo lắng nữa nghen, ráng uống thuốc và ăn uống nhiều vô để đợi ảnh về.
Bà Ngân nhướng đôi mắt mờ đục, kèm nhèm nhìn qua phía bên kia sông, bên đó lờ mờ một dãi nhà hoang phế. Và, bên đó, lảng vảng một bóng người, một cánh tay giơ ra vẫy vẫy về phía bà. Bà Ngân lẩm bẩm:
- Cuối cùng nó cũng về với vú.
Lúc đó là năm giờ chiều, gió trên sông đang đưa hoàng hôn vào tối.
Cứ vậy, như một qui ước, đúng năm giờ chiều mỗi ngày, Nguyệt ẵm bà Ngân lên xe lăn đẩy ra trước thềm ba, chờ cái vẫy tay trên lầu của khu hành chánh cũ, phía bên kia sông. Bà Ngân đưa bàn tay gầy guộc lên vẫy lại, lẩm nhẩm: Hôm nay là ngày thứ hai rồi, vậy là còn mười ba ngày nữa, nó về. Ba ngày, bốn ngày..., những cái vẫy tay vẫn xuất hiện điều đặn lúc năm giờ chiều. Khoảng cách chỉ hơn một trăm mét, mà thời đoạn này, nó xa vời vợi. Cho đến chiều ngày thứ mười bốn, đó là một buổi chiều ảm đạm, như thường lệ, Nguyệt đẩy bà Ngân ra thềm ba, đúng năm giờ chiều, một cơn mưa ầm ập kéo đến. Gió quăng quật dữ dội, hất những đợt nước trắng xoá vào thềm ba, nhưng bà Ngân cương quyết không vô nhà. Bà chờ cái vẫy tay phía bên kia sông. Mưa ngớt dần, gió cũng nhẹ đi, bà Ngân nhìn không chớp mắt qua phía bên kia sông, nhưng tuyệt nhiên không có cánh tay nào giơ lên, vẫy vẫy về phía bà. Khoảnh khắc năm giờ chiều trôi qua trong mưa gió tơi bời, trong nôn nóng và chờ đợi. Bà Ngân thất vọng nhìn dài theo mặt sông còn sót những giọt mưa muộn, dai dẳng và buồn hiu.
Trong nhà, chiếc radio cũ kỹ léo nhéo bản tin thời sự buổi chiều, nội dung đại loại: Dịch Covid-19 lây lan rất nhanh, phức tạp, làm hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn người chết mỗi ngày, mọi người hãy tự bảo vệ chính mình. Và rằng, cũng có hàng ngàn người mạo hiểm vượt qua các chốt chặn chạy về miền Tây, nhằm tìm cho mình một con đường sống, mong manh. Mòn mỏi, bà Ngân bảo Nguyệt đẩy bà vào nhà, như nuối tiếc, bà ngoái lại nhìn lần cuối qua phía bên kia sông, thì kìa, bên đó loáng thoáng một cánh tay vẫy về phía bà, gấp gáp, bà xoay người để nhìn cho rõ hơn. Đúng là có một cánh tay hướng về phía bà, vẫy vẫy. Nước mắt bà trào ra, bà ôm cánh tay Nguyệt, nức nở. Sau cơn mưa chiều, phía tây bừng sáng, đỏ ối, phản chiếu xuống sông làm cho sông hoàng hôn thật lung linh và huyền ảo. Ngày mai là ngày thứ mười lăm Hai Đen bị cách ly. Trong nhà, chiếc radio cũ kỹ chuyển qua chương trình ca nhạc, những ca từ trong “Bài ca hy vọng” được cất lên từ một giọng ca nữ, thật đằm thắm, dịu dàng.
Tổng hợp nhiều nguồn
Có một vấn đề rằng ở xã hội ngày càng hiện đại, người trẻ càng cảm thấy bớt hạnh phúc, lạc lõng hơn. Do đó, dẫn tới nhiều hành vi cực đoan hoặc dại dột hơn. Điều đó đến t...
Ngày 17/12, phim điện ảnh "Chị dâu" có Hồng Đào, Việt Hương... chính thức ra mắt giới truyền thông.
Bán kết Miss Charm 2024 diễn ra vào tối 18/12 vừa qua tại Nhà Thi đấu Nguyễn Du, TPHCM.
Có hai đứa trẻ đang ngồi quanh lò sưởi trong một đêm lạnh mùa đông. Bỗng cả hai nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Một đứa chạy ra mở cửa.
Câu danh ngôn này nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, mỗi hành động, dù nhỏ nhất, cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn.