Se sẻ nó đẻ cột đình...

13/05/2025 22:00
Mấy hôm nay chị nghe lòng dạ bồn chồn, nóng ruột lạ thường. Gọi điện chị em nó ậm ừ nói hai đứa vẫn bình an. Cơm nghỉ hè rồi, nhưng đang đi dạy kèm cho một em lớp bốn. Em bé nghỉ hè ba mẹ đi làm không ai coi, nên người ta nhờ trông coi dùm vài bữa, cũng có thêm tiền hơn là về nhà chơi!

Chị chậm rãi thả tầm mắt ra xa, bầu trời đen ngòm với ngàn ngôi sao lấp lánh. Nhiều khi chị ước gì có thể biết hết được tên của chúng. Để trong những lúc một mình như thế này, có thể gọi tên các ngôi sao, nói chuyện như nói với các con.

Chị nghĩ bao giờ mình biết tên một người và gọi họ trong một cuộc nói chuyện thì bức tường xa lạ cũng được nhấc lên. Khi ai đó gọi tên sẽ truyền qua cho người đối diện cảm giác rằng đã ở trong tâm trí họ rồi vậy! Nhưng, chị vẫn không biết tên một ngôi sao nào. Và vì thế bầu trời đen kịt kia vẫn lạ lẫm với chị. Chỉ có tiếng máy Kohler kêu tành tạch giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng mũi xuồng rẽ nước là quen thuộc. Ý nghĩ về các con cũng như âm thanh loang ra mặt sông miên man bao bọc vỗ về lấy chị.

Hôm nay là mùng mấy rồi? Nhà cũng có tờ lịch treo hờ hững gần bàn thờ, nhưng chị không có thói quen xài và nhớ ngày tây. Chị chỉ biết bấm đốt ngón tay nhẩm mùng một, mùng hai, rằm, mười sáu như cách của ông bà xưa giờ. Một năm, chỉ có tháng chạp là các con mới đếm ngày với chị. Còn những tháng khác, mẹ một đằng con một nẻo. Chị và các con là những người không cùng ngồi một chuyến ghe phải không? Chị tự nhiên như thấy rất rõ từng từ trong đầu chợt nhanh chóng kết dính lại như có một phép mầu, rồi tuôn ra thành một câu hỏi không dự tính trước như vậy. Câu hỏi nhiều lần thoáng qua tựa ngôi sao băng ngang bầu trời, không mấy khi nhìn kịp.

Bóng tối có vẻ như đã loãng dần, áng chừng chắc hơn bốn giờ sáng rồi. Chị phải tranh thủ đốn đầy ghe dừa trước khi trời sáng hẳn. Chỉ cần mặt trời chênh chếch khỏi ngọn dừa cỡ sải tay người lớn là oi nồng khủng khiếp. Trên nắng dội xuống, dưới nước mặn hắt lên, con người cỏ cây ở giữa lay lắt thở, lay lắt sống. Có những ngày mải cho ghe đi qua tận Vàm Cái Thia miệt Trà Vinh, chui khỏi những con xẻo hun hút ra được cửa sông quen thuộc về nhà, chị tưởng xung quanh là một cái bếp lò hừng hực đỏ, còn mình như củ khoai, trái bắp bị ai đó ném thẳng tay vào nướng. Mưa mãi không về, nước mênh mông lấp lóa xanh lè trong leo lẻo kia nhưng như thể đã chết! Có cái gì tuyệt vọng đau đớn cho bằng tứ bề xung quanh là nước mà đêm nằm ngủ trở mình gãi cơn ngứa ngáy rít rắm sau lưng, thèm muốn vô cùng được một cơn tắm cho thỏa thích! Sẽ có những lúc nào đó, đôi lần trong cuộc đời mình, một vài thứ nhỏ bé tầm thường thôi, nhưng với mãi cũng không tới sao?

Chị nghe thật thương đám dừa nước quê mình. Nước mặn nước ngọt, nước lớn nước ròng kiểu gì nó cũng sống được. Không ai trồng, cũng không cần ai chăm sóc. Thậm chí không thuộc về ai! Những buồng dừa già chín, rơi ra, trôi dập dìu theo dòng nước. Sóng nước đưa đẩy đến chỗ triền sông, bãi đất nào dang tay giữ lại là đâm chồi, hồn nhiên lớn lên, sinh con đẻ cái. Rồi trả ơn cho đất bằng cách mang thân ra chắn sóng chắn lở giữ đất ở lại với người!

Hồi trước, dừa nước chỉ có con nít ở quê ăn, người lớn ít khi vì không có mấy thời gian ngồi ăn lắt nhắt. Từng trái nhỏ bằng nắm tay, chẻ rồi nạo cái dừa ra. Miếng cái dừa lớn hơn ngón chân cái một chút, trắng phau. Dừa nước nếu chẻ ra ăn vậy cũng không ngon lắm, không so được với trái dừa xiêm có tên có tuổi được săn đón nâng niu. Nó không có nước để uống, chỉ có chút nước trong ruột như trái thốt nốt. Ăn dừa nước là ăn cơm dừa. Cơm dừa phải canh vừa chín tới, non quá mỏng lét chua lè, già quá lại cứng khừ lượng sượng. Sau này, người ta dầm với đường và nước đá thì nó trở thành món ăn khoái khẩu, kiểu như hạt đác ở miền Trung vậy! Nhưng bởi vì mọc hoang, sinh sôi nhanh, khỏe, chẳng thuộc về ai, chẳng ai bỏ công ra tưới tắm chăm sóc, nên nó là thức quà cho tất cả. Người miền tây ai đi đâu thấy buồng dừa nâu sầm căng mẩy, chặt thử mấy nhát dao lên một trái, vừa nạo tới, thích ăn thì đốn.

Thức quà thơm thảo đó của sông nước quê nhà là cứu tinh một đời của chị!

Chị xòe bàn tay cụt ngủn to bè, chi chít những vết dao, vết xước chồng lên nhau với những cái móng đen ngòm mủ dừa, đất cát, lẩm nhẩm đếm. Bống bao nhiêu tuổi là chị có bấy nhiêu năm một mình lầm lũi quần nát những con sông, những con xẻo, kiếm tìm, khệ nệ ôm từng buồng dừa nước để nuôi con! Những tháng năm đầu, không có máy, chị bơi chiếc xuồng nhỏ. Bơi từ xóm này qua xóm khác, thậm chí qua xã khác. Từng nhát dầm bỏ xuống mặt nước vang lên bì bõm dội vào chị một nỗi cô đơn rã rượi. Những lúc sữa về căng tức, ngực đau nhói, kẹp cây dầm bên nách, chị vạch áo vắt dòng sữa trắng muốt nhỏ tong tong từng giọt tròn trịa trắng ngần xuống dòng sông hoang vắng, nghĩ đến con gái ở nhà uống sữa Ông Thọ mà nước mắt ở đâu cứ chảy dài không dừng lại được. Đối với người đàn bà mà nói, sinh ra một đứa con, thì sinh tử vui buồn, sướng khổ gì cũng xoay quanh con mà thôi, còn có gì quan trọng nữa! Ghê gớm nhất kiểu như sinh ly tử biệt ở đời người ta còn có thể quen, gánh mưu sinh bằng cách này hay cách khác, nặng hay nhẹ ai mà chẳng phải gánh một lần?


Tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu

Con gái nông dân nghèo, nhà vắt vẻo ở mom sông, đất cát một mảnh hương hỏa nhỏ xíu từ thời ông bà để lại, học hành dở dang chưa hết lớp sáu trường làng, không có nhan sắc như người ta, lấy chồng sinh con dựa vào cái gì để có cuộc sống khá hơn đây? Chị biết mình đâu phải là công chúa ngủ trong rừng đâu mà mong có ngày hoàng tử đến đánh thức. Cho dẫu là Lọ Lem cũng phải là một cô gái xinh đẹp. Vậy nên, có một người chồng đã nghèo lại sáng say chiều xỉn với chị không có lạ lẫm, không nhiều thất vọng. Có cái gì đó giống như sự cúi đầu an phận của không ít đàn bà xứ chị thì phải. Họ mặc định việc mình mình làm, đời mình mình lo, con mình mình nuôi. Từ đời bà ngoại, bà nội, má cô dì rồi đến chị. Ba chị đó thôi, một năm ba tỉnh được bao lần, một đời bao lần ngồi tính toán làm ăn, sinh kế cho nên nhà nên cửa với người ta? Không biết từ lúc nào, chị mặc nhiên nỗi cơ cực này là một phần đời mình. Không một chút oán trách hay than van, miễn các con được ăn no, được có một ngày mai khác hơn. Không phải mưu sinh dựa vào lòng hào phóng của thiên nhiên sông nước. Không phải một mình nằm vật xuống lòng ghe ướt át trơn trượt bùn sình, mắt thấy chấp choáng toàn những ngôi sao li ti vì nắng, đói, khát và mệt như chị đã từng là được!

Không dưng chị muốn cất tiếng hát ru một mình trên sông nước hoang vắng. “Ầu ơ... dí dầu.../Con chim se sẻ nó đẻ cột đình/Bà ngoại đẻ má má đẻ mình chớ ai”.

***

Bốn năm Bống lên Sài Gòn học đại học, rồi đến Cơm, lần này là lần thứ hai chị lên thăm con. Sài Gòn với chị rộng còn hơn con sông cái ở nhà. Con sông nhánh nào cũng giống hệt nhau, rặng dừa nước nơi nào cũng lùi lũi xanh như nhau, buồng dừa nâu sầm căng mẩy nào cũng hệt nhau, để tìm đúng đường, để chọn đúng quày dừa vừa nạo tới, cơm vừa dẻo vừa ngọt, không phải ai sống ở sông nước miền Tây cũng có thể làm được. Mỗi một người có một nơi để thuộc về. Có một thứ gì đó nhất định phải thành thạo. Một nơi, một thứ người ta cảm thấy tự tin nhất, bất luận trong mắt người khác nó có hình khối như thế nào không quan trọng. Quan trọng là người đó cảm thấy vừa vặn. Chị vừa vặn với cuộc sống của chị. Những sáng tinh sương chị có thể vừa đốn dừa, vừa nói chuyện với con chim sẻ đứng hớ hênh trên bãi lau sậy. Nói với bầy thòi lòi lách chách nhảy nhót xung quanh. Đôi khi dõi theo cặp chuồn chuồn chờn vờn đưa đẩy như đôi trẻ mới phải lòng tán tỉnh nhau.

Sài Gòn lộng lẫy, nhộn nhịp, đông đúc ồn ào và xa lạ quá. Đứng giữa Sài Gòn những phút ban đầu chị thấy mình choáng váng, như cái lần do hạ canxi tụt huyết áp, chị ngã xuống lòng ghe nhầy nhụa bùn sình trơn trợt, gai dừa nước cào lên bắp chân xước da rướm máu. Cảm giác những đầu ngón chân căng tức đau buốt khi cố dùng hết sức bám vào giày, lúc đi trên sàn gạch bóng loáng của trung tâm thương mại khi Bống và Cơm dẫn đi “cho biết với người ta” hơn một năm trước vẫn còn nguyên trong chị. Ngay trong khoảnh khắc đó chị nhận ra, có trong tay cái đẹp đẽ lóng lánh, nhưng nó không thuộc về mình, quá tầm tay mình chưa hẳn là phúc! Chị muốn nói với hai đứa con gái về suy nghĩ đó, về những thứ vừa tầm với con, với gia đình mình. Nhất là khi nhìn Cơm, mái tóc đen thẳng mới có một năm đã loe hoe hai ba màu, những ngón tay với bộ móng xanh lè dài loằng ngoằng như bà phù thủy trong phim hoạt hình, áo thun đen dài che mất cái quần đùi ngắn cũn cỡn nhìn như không có mặc quần. Nhưng chị không biết mở lời làm sao, đành lặng thinh. Tình yêu thương con vỗ về chị suốt nhiều ngày sau đó! Mỗi đêm trước khi thả tấm lưng tê cứng xuống giường, phớt lờ cơn đau nhức âm ỉ ở sống lưng đầu gối, chị tự nói với mình rằng con ở thành thị phải giống chúng bạn, con đi học đi hành phải ăn theo thuở ở theo thì, chứ nào giống chị - một người đàn bà nông thôn lầm lũi trong kênh rạch mương xẻo đốn dừa nước đâu!

Chiếc ghe dừa nước, lênh đênh trôi nổi với bùn sình, nắng gió, câm lặng trong một vùng mênh mông sóng nước, một mình chị ngồi thôi, đâu có mong con gái cũng sẽ ngồi cùng. Mấy hôm nay chị nghe lòng dạ bồn chồn, nóng ruột lạ thường. Gọi điện chị em nó ậm ừ nói hai đứa vẫn bình an. Cơm nghỉ hè rồi, nhưng đang đi dạy kèm cho một em lớp bốn. Em bé nghỉ hè ba mẹ đi làm không ai coi, nên người ta nhờ trông coi dùm vài bữa, cũng có thêm tiền hơn là về nhà chơi! Chị nghe biết vậy, nhưng có ai lý giải được dạ thương nhớ con của đàn bà. Chân chị muốn đi gặp chúng một bữa rồi về.

Một tay ôm cái túi đựng mấy bộ quần áo, tay còn lại xách cái giỏ đựng đầy đồ ăn cho hai đứa nhỏ, chị vừa đi vừa dợm ngó coi có ông xe ôm nào già già coi bộ khắc khổ hiền lành thì gọi chở. Từ bến xe buýt đến khu trọ của con gái không xa lắm. Đi bộ một, hai cây số với chị có hề gì, chỉ ngại xe cộ sượt qua người này người kia họ nhìn...

- Hẻm 62 hả bà?

- Dạ! Bao nhiêu tiền ông?

- Đây đó gần xịt. Bà cho tui 15 ngàn.

- Dạ!

- Cha, cái giỏ nặng dữ thần ôn! Mấy bà mẹ... Đi lên con gái phải hôn? Tui chở hoài. Già, yếu không có bì với tụi nhỏ công nghệ, tui ngồi đây canh chở mấy bà già quen đi chợ, hay ở quê lên thăm con. Hẻm trọ đó đông lắm. Nhà số mấy tui đưa vô tận nơi cho đỡ nặng.

Chị lặng thinh nghe người đàn ông liên thiên kể chuyện làm quà. Nghe vui vui, tưởng ngồi lên xe của ông xe ôm ở chợ Cái Quao nhà mình.

Cửa phòng không khóa.

- Bống ơi! Cơm ơi!

Tiếng cửa nhôm già nua rên lên lộc xộc.

- Ơi, ơi, ủa ủa mẹ! Mẹ lên sao không gọi con? Ủa ủa, sao không ai nói gì?

- Nói làm gì, trông ngóng đưa rước đồ. Kéo cái giỏ đồ ăn vô con. Cơm đâu?

- Mẹ vô đi, con đóng cửa lại.

- Mẹ...

- Cơm bịnh hả con?

- Mẹ...

Trên miếng nệm kê sát tường, cô con gái nhỏ của chị mặc áo khoác màu đen, trùm cái nón che kín cả đầu, yếu ớt ngồi dậy tóc tai rã rượi, hai môi tái nhợt. Nó xanh mướt. Chị buông cái túi xách, tất tả ngồi xuống đưa bàn tay khô cứng rờ lên trán con, như một phản xạ từ hồi chúng hãy còn nhỏ.

- Mát, không có nóng. Em bịnh mà không nói mẹ một tiếng á Bống?

- Dạ...

- Thôi, mở cái giỏ lấy đồ ăn ra. Đủ thứ trong đó. Có miếng heo quay bánh hỏi, mẹ mua ở chợ Ngã Tư, hai đứa đem ra ăn liền. Cơm đi rửa mặt ăn miếng đi con. Rồi chiều mẹ đi mua lá xông về xông cái hết à. Có cái gì phải báo mẹ chớ! Hèn chi ruột nó cứ nóng hai ngày nay.

- Mẹ, mẹ... tránh con qua cái...

Cơm lướt qua chị ào vào nhà tắm.

Căn phòng trọ kín mít, mùi thịt heo quay tỏa ra thơm lừng lẫn trong mùi nhãn, mùi khô, mùi tép rang... Tiếng nôn ói không nén được của con từ bên trong nhà tắm chưa kịp đóng cửa dội ra như búa gõ vào thái dương chị. Có những nỗi lòng thầm kín của một người đàn bà, của một người mẹ chị chưa từng nói ra với ai. Chỉ âm thầm như ôm một miếng dầm mắc ngang tim không rút ra được. Những đứa con gái con đứa yếu ớt mong manh, vụng dại. Tiếng nôn ọe nghe quen như chị đã từng nghe ở đâu đó trong ký ức chưa xa lắm, lại như tiếng búa gõ vào thái dương chan chát.

- Mệt thì lại đây nằm. Không cần ngồi đó đâu con! Lại đây!

Con bé rón rén như con mèo ăn vụng bị bắt quả tang đổ người xuống cái gối hãy còn hơi ấm, vương vãi mấy cọng tóc dài loe hoe như râu bắp.

Cả ba mẹ con im lặng như tiếng nói đã rời bỏ họ đi từ lúc nào. Cơm cong người lại như con tôm luộc, cái khăn mặt chặn ngay cổ như muốn ngăn cơn nôn ói có thể trào ra bất cứ lúc nào. Chị nắm lấy bàn chân lạnh ngắt của con.

- Bầu chắc chừng hai hay ba tháng rồi phải không?

Lời của chị như tiếng dầm bì bõm rơi vào sông nước mênh mông. Mất hút.

Chị với tay lấy hai chiếc vớ ở góc nệm, lộn lại cho ngay ngắn, từ từ tròng vô hai bàn chân lạnh ngắt, chực run lên của Cơm.

- Ngủ chút đi con!

Chị để bàn tay ấm sực sau tấm lưng rung lên nhè nhẹ của Cơm. “Ầu ơ... dí dầu.../Con chim se sẻ nó đẻ cột đình/Bà ngoại đẻ má má đẻ mình chớ ai”.

Tiếng hát ru tự nhiên rơi ra. Ba mẹ con không ai nói gì, không ai nhìn ai. Ai cũng cố giấu nước đang chảy trên má mình. Thinh lặng và ướt đẫm, tiếng khóc như lặn mất giữa bốn bức tường lạnh lẽo.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Triệu Vẽ

Tin xem thêm

Se sẻ nó đẻ cột đình...

Giải trí
13/05/2025 22

Mấy hôm nay chị nghe lòng dạ bồn chồn, nóng ruột lạ thường. Gọi điện chị em nó ậm ừ nói hai đứa vẫn bình an. Cơm nghỉ hè rồi, nhưng đang đi dạy kèm cho một em lớp bốn. Em...

Truyện ma: Gánh hát ma

Giải trí
13/05/2025 21

Thanh Hóa sắp có tượng Phật lớn nhất thế giới trong quần thể Am Tiên

Giải trí
13/05/2025 19

Trên đỉnh núi Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) dự kiến sẽ được xây dựng tượng Phật Như Lai lớn nhất thế giới. Đây sẽ là một kiệt tác kiến trúc phật giáo mang tính biểu tư...

Ngày nay, mọi thứ đều có thể nhờ trí tuệ nhân tạo

Giải trí
13/05/2025 16

Chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, người ta có thể nhờ AI làm giúp đủ thứ từ văn, thơ đến nhạc, họa...

25 cô gái vào chung kết Hoa hậu Việt Nam 2024

Giải trí
13/05/2025 14

Người đẹp Hải Phòng Nguyễn Thị Vân Nhi, Hoa khôi Đại học Dược Nguyễn Mai Phương, Thiếu úy Trần Ngọc Châu Anh... có mặt trong Top 25 Hoa hậu Việt Nam 2024 được công bố hôm...

Ca sĩ Đình Bảo AC&M vượt biến cố nhờ vợ con, 'tham vọng' khi về nước

Giải trí
13/05/2025 14

Ca sĩ Đình Bảo được vợ con động viên, vực dậy sau quãng thời gian trầm cảm vì biến cố đời sống. Anh vừa về nước, ấp ủ dự án với tham vọng đưa nhạc Việt ra quốc tế.

‘Thần đồng’ 13 tuổi trúng tuyển hơn 100 trường đại học Mỹ

Giải trí
13/05/2025 10

MỸ - Mới 13 tuổi, cậu bé Sunny Nguyen ở San Jose đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi em được hơn 100 trường đại học chấp nhận. Đây là một thành tích gần mức kỷ lục thế giớ...


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media