Truyện đêm khuya: Trăng mọc về sáng

17/10/2024 22:00
Cơn sốt rét quật ngã Hà ở một trạm lẻ, phía nam sông Bạc. Vào tiết này vẫn còn kiếm được măng ăn - thứ măng lồ ô đã mọc vống lên, chả bao lâu nữa sẽ thành thân tre - nắm vào cây măng cứ rung thật lực, thân măng gãy đến đâu, ăn được từ đó.

Đầu mùa mưa ăn măng đào, giữa mùa mưa ăn măng đạp, còn bây giờ đã phải ăn măng rung - đích thị mùa khô sắp tới nơi rồi. Tính từ ngoài Hà Nội vào đến đây chị cũng mới chỉ vượt qua được hai phần ba chặng đường cần đi. Nghe nói đường từ đây vào sẽ bớt dốc hơn, một vài đoạn còn có thể đáp nhờ được xe. Hư thực ra sao hà chưa biết, nhưng chị thấy nóng ruột lắm rồi...

Từ hôm cất cơn sốt, Hà ít ngủ hẳn. Chả thế mà mấy hôm trở lại đây các cô chị nuôi của trạm đã bỏ thói quen đặt đồng hồ báo thức trước lúc ngả lưng đi nằm. Hà đã thay cái đồng hồ ấy mà! Cùng với chứng ít ngủ Hà còn chịu hành hạ bởi nỗi nhớ đứa con đến cồn cào ruột gan.

Hôm nay là ngày mồng mấy rồi? Ở trạm chẳng bói đâu ra lấy một cuốn lịch và hình như cũng không một ai quan tâm đến ngày, tháng làm gì. Trận sốt quái ác đã tước bỏ của chị khái niệm về thời gian. Hà chỉ biết đích xác là đã bước vào những ngày cuối tháng.

Đêm đêm thức dậy, nhìn qua ô cửa nhỏ trên vách lán, Hà nhận ra vầng trăng hạ tuần đã thức dậy cùng với chị. Cách đây một tháng chị gặp vầng trăng này giữa những quầng sáng đèn dù, những quầng lửa đỏ đâu đó trên một bến phà, một đoạn đèo ở Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình. Còn một tháng trước nữa? Ờ, dạo đó ai lại đi thức giữa đêm hôm khuya khoắt mà ngắm vầng trăng hạ tuần làm gì?

Hà đã chải tóc, đã tết những lọn tóc thành bím cuộn quanh đầu được một lúc lâu rồi, vẫn hãy còn quá sớm chưa đến giờ đánh thức các cô gái ở trạm trở dậy nhóm lửa thổi bữa sáng. Hà đành ngồi một mình, tay bó gối, mắt dõi theo vầng trăng đêm treo lơ lửng giữa eo núi phía bên kia suối.


Tuổi thơ rừng xanh. Ảnh tư liệu của Tô Hoàng

Thì ra ánh trăng hạ tuần sáng từ dưới thấp dần dần sáng lên cao. Vào đêm đầu tiên khi phát hiện ra điều này, Hà mủi lòng chạnh nhớ đến đứa con gái, chị âm thầm khóc dấm dúi trong bóng tối. Chị đã giảng giải cho bé Dung như thế nào nhỉ? À, phải rồi, chị bảo con đêm đêm khi vầng trăng mọc lên, muông thú trong rừng coi đấy là dấu hiện một ngày mới đã bắt đầu đối với chúng. Hôm ấy hai mẹ con chị đi xem một bộ phim hoạt họa. Nghe chị nói thế, con bé thắc thỏm hỏi lại chị.

- Bố ở rừng, bao giờ trăng mọc bố sẽ dậy đi làm mẹ nhỉ?

- À không! Bố dậy vào buổi sáng như mẹ con mình chứ!

- Thế thì máy bay nó nhìn thấy bố, nó bắn bố mất. Mẹ viết thư dặn bố lúc nào trăng mọc hãy dậy đi làm, mẹ ạ.

Bây giờ ánh trăng mơ màng, dịu mát đang tỏa sáng trên bãi cỏ phía sau ngôi nhà ban chỉ huy trạm. Hà nhận ra những tấm mạng nhện long lanh giọt sương đêm vắt qua những sợi cỏ rối, hệt như những tấm dù xinh xắn, những ngọn cỏ gianh láng ướt sương đan chéo vào nhau tạo thành những mái vòm, những chiếc cầu nhấp nhô, trùng điệp. Một con bọ ngựa giơ đôi càng sắc lẹm gạt đám lá mục để leo lên một nhánh cây. Đám bọ xít, bọ rầy phô đôi cánh sặc sỡ, lấm tấm điểm những chấm trắng đang tíu tít rủ nhau len qua những sợi cỏ gianh giao nhau kia, con đi ngược, con đi xuôi, thỉnh thoảng chúng lại chụm đầu vào nhau, hệt như chúng đang thăm hỏi, trò chuyện với nhau. Dung ơi, dậy đi con. Rừng đã họp chợ rồi đấy! - Hà dán mắt vào cái hốc cây sâu hút hiện ra trên thân cây săng lẻ. Trên cái hốc cây kia, ngôi nhà của mẹ con sóc nâu sắp mở cửa. Sáng hôm nay mẹ sóc sẽ đưa sóc nâu đi chợ lần đầu. Chao ơi, sóc nâu ăn vận mới dỏm dáng làm sao. Tụt khỏi thân cây, sóc nâu vốn tính hiếu động, cậu ta lanh chanh chạy vọt lên trước mẹ cậu. Đi qua một đám những giọt sương nhỏ li ti đổ xuống khiến cậu ướt hết bộ quần áo đẹp. Sóc nâu thảng thốt chạy về phía mẹ. Mẹ cậu âu yếm, dịu dàng liếm khô bộ lông nâu mượt mà như nhung của cậu. Thế rồi hai mẹ con nhà sóc lại thung dung dạo gót đi đến chợ...

Khi Hà đánh thức đám chị nuôi trở dậy thổi bữa sáng, các cô gái nhận ra giọng của chị nghe ngàn ngạt, là lạ.

- Chị phải mặc thêm áo vào - các cô nói với chị - Buổi sớm ở rừng nhiều khí độc lắm chứ không như ở dưới đồng bằng đâu. Chị mà ốm lại, chỉ khổ anh ấy đỏ mắt trông thôi.

Vào cuối tháng tám Hà cùng đám kỹ sư trẻ do chị phụ trách đã hoàn tất việc tiếp nhận số máy thông tin liên lạc đường dài mới nhập về. Chị biết, thế là ngày lên đường đã xích lại gần rồi. Hà cảm thấy bồn chồn, rạo rực niềm vui đan chen với nỗi buồn. Bé Dung đã được sáu tuổi cũng tức là đã sáu năm nay anh Thức sống xa mẹ con chị. Hà còn nhớ rõ lần cuối cùng anh Thức về Hà Nội để chia tay mẹ con chị trước ngày lên đường vào chiến trường. Anh xách theo một lồng gà giò, kèm với một nắm tam thất. Những củ tam thất dù có phải đi đường xa, chen lấn tàu xe cũng chẳng vì thế mà gầy đi được, còn bày gà là chuyện khác. Anh Thức cứ cuống quýt lên chỉ lo bầy gà kia đột nhiên lăn ra chết ngay một lúc. Sau này mỗi khi nhớ lại chuyện đó Hà cứ ngậm ngùi thương anh mãi: anh Thức sắp đi vào nơi hòn tên mũi đạn nhưng anh ấy chẳng mảy may lo cho bản thân mình, mà chỉ lo cho bầy gà. Anh Thức ở Hà Nội được trọn một tuần. Lấy cớ chuyến đi cần phải giữ bí mật - chẳng hiểu có đúng như thế không - anh không đi chào hỏi ai, suốt ngày ở nhà bồng đứa con nhỏ mới sinh. Trẻ con còn chưa đầy tháng khó mà nhận ra nó giống ai nhưng anh Thức vẫn quả quyết rằng khi con nó cười nom nó giống hệt Hà, mà nào nó đã biết cười, nếu không kể đến nụ cười mụ dậy, bâng quơ, tình cờ khi con bé ngủ say.

Sáu năm qua, giữa phần công việc nặng nề của đơn vị, Hà vẫn chắt chiu sức lực, thời giờ để chăm sóc bé Dung vượt qua mọi sài đẹn, tật bệnh trong điều kiện sơ tán đầy thiếu thốn, vất vả... Bây giờ đến lúc có thể gửi con lại để vào với chồng, Hà bỗng cảm thấy thương bé Dung đến bồn chồn, rầu rĩ. Suốt hơn một tháng nay, kể từ hôm chính thức nhận được quyết định lên đường vào phục vụ trong chiến trường, Hà đã dành thời giờ chuẩn bị tất cả những gì liên quan đến cuộc sống của đứa nhỏ khi mẹ ở xa. Hà cứ tất bật, bận rộn lo từ việc tháo chiếc áo len cũ của con bé ra đan lại thành chiếc áo mới, phòng khi con bé sẽ lớn, sẽ cao hơn, cắt may thêm cho con hai, ba bộ quần áo nữa, rồi còn chuyện thuốc men, giấy bút cho con đi học... Cho đến một hôm Hà cảm thấy phần nào đã yên tâm với những gì chị đã lo sắm được cho con, chị bỗng sững người ra tự hỏi mình, một câu hỏi mà hình như chưa lần nào chị quan tâm đến : thế bao giờ chị trở về với con đây? Ba năm, năm năm hay còn lâu hơn thế? Hà ngồi ngây người nhìn chiếc valy mở nắp, trong đó là tất cả những gì chị đã thu xếp lo liệu cho con - hệt như một người mất hồn. Chỉ cần thêm vài giây phút như thế kéo dài ra, có thể Hà vùng chạy đi tìm gặp những người lãnh đạo của đơn vị, mọi chuyện sẽ xoay chuyển theo một chiều hướng khác ngay lập tức. Trong trường hợp riêng của Hà, chị hiểu rằng sẽ không một ai phê phán hoặc lên án chị, đành rằng chiến trường cần đến những người có trình độ và đã dày dạn kinh nghiệm như chị. Nhưng vấn đề là ở chỗ chính Hà lại đề đạt nguyện vọng này vì chị muốn được đến với Thức, muốn được chăm nom, săn sóc anh sau một thời gian dài anh biền biệt sống xa cách vợ con.

Hà không dám mơ ước đến ngày anh trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng giá như bây giờ chị được đưa bé Dung đi theo nhỉ?

Hà đưa con lên khu vực sơ tán của nhà trẻ được độ ba hay bốn hôm, chị rụng rời tay chân khi nhận được bức điện báo tin cháu Dung bị chó dại cắn. Vào hôm đó ở nơi tập trung mọi người đã nhận quân, tư trang, gạo, thực phẩm để chuẩn bị cho ngày lên đường. Buổi chiều, một chiếc xe con chở cháu đến thăm chị lần cuối cùng. Vừa nhìn thấy chị, con bé òa lên khóc chạy nhào đến ôm chặt lấy chị như không còn muốn rời ra nữa. Bé Dung vẫn còn thảng thốt, khiếp hãi khi vén áo chỉ cho chị thấy những vết kim tiêm tím bầm trên phần bụng dưới. Nom con gầy, xanh Hà muốn ứa nước mắt.

Mẹ con chị chia tay cũng vội vàng, cập rập như tất cả các cuộc chia tay khác. Đêm cuối cùng nghỉ lại trên đất Bắc, nằm trên võng, Hà ghi vào cuốn sổ mang theo người : “Hôm nay con tôi đã tiêm mũi cuối cùng. Nếu mẹ có tội với con, xin con tha thứ cho mẹ”.

Cơn sốt rét bất thần ập đến đã cướp đi của Hà biết bao nhiêu sức lực. Hôm qua anh bác sĩ của binh trạm lại ra thăm sức khỏe cho Hà. Anh yêu cầu chị về bệnh xá điều trị thêm đôi ba tuần lễ nữa cho lại sức, nhưng Hà vẫn khăng khăng chối từ. Hà tin rằng chị sẽ lên đường một ngày gần đây thôi.

Sáng sáng, Hà lặng lẽ vo đám tóc rụng gói vào một mảnh giấy để rồi nhờ các cô chị nuôi vứt ra ngoài rừng. Tóc Hà rụng nhiều quá khiến bây giờ chị cảm thấy sợ hãi mỗi lần đụng tay đến chiếc lược. Khốn khổ chưa, chị lại còn phải tập đi nữa. Mấy cô chị nuôi vào rừng tìm cho Hà một đoạn song. Họ còn róc mắt, rồi đem hơ lửa khiến cho đoạn song sáng bóng lên. Khi đưa cho Hà cây gậy, các cô gái bụm miệng khúc khích cười, nói với Hà:

- Thì chị cũng phải chia ngọt xẻ bùi với chúng em chứ! Đã vào đến đây rồi thì ai cũng phải tập đi lại một lần nữa chị ạ. Rồi chị sẽ hồng hào, đẹp gái ngay đấy thôi.

Với chiếc gậy song bây giờ chiều chiều Hà có thể tự mình lần ra đến tận bãi khách. Hà bước đi còn lẩy bẩy, mọi động tác của chị còn chưa tự tin, chủ yếu là do đầu óc còn váng vất, mắt nhìn còn nổ hoa cà, hoa cải. Thỉnh thoảng Hà phải dừng lại nghỉ để bớt thở dốc và để đôi chân bớt bủn rủn, bớt mỏi. Vẫn là cái bãi khách Hà đã tìm đến mười ngày trước đây. Vẫn là hàng bậc dốc lát gỗ, hai bên có tay vịn dẫn lên khu nhà ban chỉ huy trạm. Vẫn là những mái lán lợp lá lưỡi bò, sau một mùa mưa dài đằng đẵng đã ngả màu nâu sậm, nhưng sao lúc này nom lại mới mẻ, lạ lẫm tựa hồ như Hà nhìn thấy lần đầu tiên. Mới qua mười ngày nằm lại ở trạm nhưng Hà cảm thấy như đã trôi đi một khoảng thời gian rất dài. Những người cùng nhập trạm một ngày với Hà chắc đã đi xa lắm rồi. Hẳn họ sẽ may mắn được tham gia chiến dịch ngay từ lúc mở màn. Mấy hôm vừa rồi Hà cũng chẳng có điều kiện để hỏi xem số máy thông tin đường dài hiện đại mà bộ trang bị cho các chiến trường, chở theo đường xe đã vào đến đâu rồi? Phần công việc sắp tới của Hà là phải giúp cho anh chị em trong kia nhanh chóng tiếp thu và sử dụng được những cỗ máy đó. Thế mà Hà còn đang nằm ở đây. Thật vô duyên nếu như số máy kia bây giờ đã vào đến nơi, còn người nắm được quy trình vận hành máy vẫn nằm đâu đó trên đường...

Một buổi chiều Hà ra đến bãi khách đúng lúc khách trạm vừa tới. Đó là đám anh em thương, bệnh binh từ các chiến trường sâu ra Bắc điều trị. Anh em ngồi nghỉ trên bãi cỏ chờ trạm trưởng đăng ký tên họ vào sổ. Vẫn là những người lính ốm yếu, hốc hác, túi bòng phía sau lưng nhẹ tênh như chị thường gặp ở các trạm giao liên trên đường vào đây.

- Số K.18 đâu? - Anh trạm trưởng cất cao giọng hỏi - Ai là K.18 đây?

- Có tui! - Một giọng nói non nớt bật lên. Một bóng dáng nhỏ bé hình như lúc nãy ngồi lấp sau lưng một người thương binh nào đó Hà không nhận ra, đứng dậy, đi về phía anh trưởng trạm. Hà đưa tay bịt miệng để không buột lên thành tiếng kêu.

Đứng trước mặt anh trưởng trạm là một cháu gái giống hệt bé Dung của chị. Cũng tầm vóc ấy, cũng đôi vai mảnh khảnh yếu ớt và nhất là đôi tròng con mắt đen láy vừa nhìn vào đấy, Hà bỗng cảm thấy mạch máu trong người chị râm ran hẳn lên.

- Cháu có giấy tờ gì không?

Nghe anh trạm trưởng hỏi, cô bé thoăn thoắt tháo chiếc bòng đeo phía sau lưng, thành thạo mở nút lấy ra một mảnh giấy đặt trước mặt anh trạm trưởng:

- Cháu đi đâu? - Anh trạm trưởng đọc lướt qua tờ giấy rồi ngước lên hỏi.

- Cháu đi Ông Cụ tức là ra Bắc, trong giấy ghi rồi, chú không thấy sao? - Cô bé trả lời với giọng đàng hoàng, dứt khoát.

- Chú ấy quen nhìn sữa đường rồi, không nhìn ra cháu đâu.

- Cháu nhỏ thó thế kia chú ấy không nhận ra là phải, chú ấy ưa nhìn các ông cỡ bự kia.

Đám thương binh, bệnh binh nói đế vào xen giữa những tiếng cười sảng khoái, thích thú.

Hơn một tháng nay đi trên đường Trường Sơn, chiến tranh đã phô bày ra trước Hà biết bao điều lạ lùng mà chị chưa hề biết đến. Nhưng chị vẫn ngạc nhiêu không tài nào hiểu nổi lại có thể có một cháu bé gầy gò, mảnh mai như thế kia cũng đi trong đoàn người vượt qua sông sâu, dốc cao, vượt qua những cơn mưa nắng thất thường, những tật bệnh như mọi người lớn? Cô bé được xếp ở chung một lán với Hà và tổ chị nuôi. Giống như mọi người khách mới tới trạm, việc đầu tiên cháu bé để tâm tới là hỏi ngay Hà hầm trú ẩn máy bay ở đâu, rồi xuống suối đi lối nào... Khi thấy cô bé mở bòng lấy ra bộ đồ mới và chiếc khăn mặt, Hà nói với cháu chị sẽ đưa nó đi, cô bé từ chối ngay:

- Cháu quen làm một mình rồi cô ạ! Cô còn đang đau cô đi dễ té lắm.

Hà ngồi ở lán chờ khá lâu chưa thấy cháu bé trở về. Chị đã thấy có cảm tình với nó. Nhớ tới con suối nhấp nhô những mỏm đá nhọn giữa dòng nước chảy xiết dưới chân đồi, Hà cảm thấy bồn chồn lo lắng. Chị bỗng nhớ tới bé Dung, con chị. Dạo đưa con đi sơ tán theo đơn vị, dù công việc ngập đầu, Hà vẫn không bao giờ dám rời mắt khỏi con. Nơi đóng quân lắm ao, lắm vũng. Ngộ nhỡ sao Hà biết nói thế nào với anh Thức?

Vừa về đến lán, cô bé mau mắn nói ngay với Hà:

- Cháu đã tranh thủ đi tua một vòng quanh trạm rồi cô ạ! Trạm này vệ sinh kém. Heo ỉa bậy ngay cạnh nguồn nước ăn. Mà lán ngủ cho các chú thương binh cũng không bằng các trạm trong. Sao càng đi ra càng kém cô ơi?

Hà im lặng, lảng nhìn đi chỗ khác. Chị không thể trả lời câu hỏi đó được. Hà bỗng cảm thấy ân hận vì tất cả những gì cháu bé để tâm tới hoàn toàn chưa trở thành nỗi quan tâm của chị. Nghĩa là chị chưa nhập cuộc, chưa phải là người trong cuộc, có thế thôi!

Tuổi thơ rừng xanh. Ảnh tư liệu của Tô Hoàng

Đến lúc nhìn thấy cô bé lấy từ trong bòng ra một chiếc võng bạt nhỏ xíu, hệt như may cho một con búp bê nằm, mắc thoăn thoắt bên cạnh võng của Hà, rồi cô bé cũng ngồi lên nhún nhún thử mấy lần xem võng mắc đã chắc chưa, không kìm được nỗi xúc động, chị nhào tới, kéo cô bé ôm chặt vào lòng. Bàn tay chị ve vuốt trên mớ tóc mềm mại của nó.

- Cháu học lớp mấy rồi? - Hà hỏi cốt để nén bớt cơn xúc động.

- Cháu đâu đã học lớp nào? - Cô bé lắc lắc mái đầu xinh xắn - Cháu đi bán kem nuôi ngoại cháu, cô ạ.

Hà đưa bàn tay vuốt lại tà áo cô bé :

- Chiếc bòng với cái võng kia má cháu may cho cháu đấy à?

- Đâu có, má cháu chết trong tù rồi.

- Còn ba? - Hà chẳng muốn hỏi thêm câu hỏi này nhưng chị vẫn hy vọng vào một điều may mắn còn lại với cháu bé.

- Ba cháu cũng bị chúng giết luôn sắp đó.

Cô bé trả lời thản nhiên, điềm tĩnh : hẳn là nó đã phải trả lời những câu hỏi như vậy đến hàng trăm lượt rồi. Trên cõi đời này có nhiều việc cần làm luôn, có thể làm luôn. Còn những tai họa lại theo nhau đến luôn một lúc, chẳng hiểu vì sao con người ta lại có thể chịu đựng nổi?

Hà nghĩ thầm trong đầu như thế.

Nửa đêm, trời đổ một trận mưa rào thật to, có thể là cơn mưa cuối cùng của mùa mưa năm nay. Những giọt mưa nặng trịch chạy rào rào trên vòm lá rừng, trút nước xối xả xuống mái lán, chỉ một lúc sau nước mưa đã khơi rãnh, chảy róc rách xung quanh các dãy lán. Trận mưa đêm mang theo hơi lạnh giá của khí núi nên càng trở nên buốt giá hơn, Hà thức dậy đưa tay nắm thử cái chăn vải dù cô bé đắp ngang người, cái chăn mỏng, lạnh toát. Chị ngồi lên lấy cái chăn bông của chị đắp thêm cho cô bé. Bây giờ Hà mới nhận ra trong cái bòng nhẹ tênh kia, con nhỏ chẳng có lấy một tấm áo ấm nào cả. Nó còn phải đi qua gần bốn chục cung trạm nữa. Chẳng hiểu với đôi cẳng chân gầy guộc, bấy bớt kia bao giờ nó sẽ đến đất Bắc? Và ra đến đó nó sẽ phải chống chọi ngay với mùa đông tháng giá đây. Chao ôi, người lớn chịu cực chịu khổ đã đi một nhẽ, đến cả những đứa trẻ cũng phải nếm trải đủ mọi điều cơ hàn, cực khổ thật không tài nào tưởng tượng nổi.

Hà lặng lẽ đứng dậy đi đến bên chiếc bòng của chị tìm chiếc áo len.

Lần tìm gấu áo tháo được đầu mối len ra, chị bắt đầu tởi sợi len quấn vào khuỷu tay. Con nhỏ còn nghỉ lại trạm này hai ngày nữa. Hà còn kịp thời gian đan cho nó một tấm áo ấm.

Ngày hôm sau trời nắng rực rỡ. Nắng chạy đuổi nhau trên những ngọn cây cao. Mặt đất ẩm ướt bốc hơi ngùn ngụt như có ai châm lửa đốt rừng. Khoảng gần trưa, ánh nắng dịu bớt, thềm rừng đã được hong sạch, đã nghe gió thổi lá khô xào xạc, xào xạc...

Hà vứt cây gậy song đi từ lúc nào không nhớ nữa. Chị lây lan niềm vui thơ trẻ của cô bé. Hai cô cháu lội dọc một đoạn suối cạn. Con nhỏ dạy Hà cách lật những tảng đá lên để tìm cua hoặc thọc tay vào khe đá bắt cá. Hà lại sửng sốt vì tính táo bạo, năng nổ của nó. Cua, cá chẳng kiếm được con nào nhưng vẫn vui. Hà cảm thấy khỏe mạnh, tỉnh táo chứ không còn lệt bệt, choáng váng như mấy hôm trước. Rồi hai cô cháu kéo nhau đi ngược lên một đoạn sườn đồi đổ thoải. Dọc hai bên lối mòn, những sợi dây tóc tiên tỏa mùi thơm ngào ngạt của quả chín. Hà đã kể cho con bé nghe những mẩu chuyện cổ tích chị vẫn kể con bé Dung nghe, những bộ phim hoạt họa chị và con cùng xem. Và tuyệt nhiên Hà không hỏi con bé thêm một lời nào về đoạn đời cháu đã trải. Hà mong sao qua hết dãy Trường Sơn này, cháu sẽ quên đi tất cả, tựa như con hổ trong câu chuyện cổ chị vừa kể, chạm vào lá cây là không còn nhớ điều gì nữa. Bây giờ thì Hà bỗng hiểu rằng hôm nay chị cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái hẳn chính vì bên cạnh chị có cô bé kia. Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ này, chị được cổ vũ, được nâng đỡ dậy. Trong những thử thách ngặt nghèo, con người ta biết dựa dẫm vào nhau, sức chịu đựng của người này hóa ra lại trở thành nguồn nghị lực của người kia.

Đến một khoảng trống, con bé bảo Hà ngồi lại nghỉ chân. Nó nhẩn nha chia số hoa vừa hái được làm hai phần, tước sạch những sợi cỏ khô, những cánh hoa đã úa héo, bó lại thành hai bó.

- Một bó để cắm trong phòng cô cháu mình. Còn một bó khác tý nữa về qua bãi khách cô cháu ta sẽ tặng các chú thương binh, cô nhé! Thương binh thì phần đông là người tốt, nhưng có khi cũng có kẻ xấu phải không cô? Cháu kể chuyện này cho cô nghe, nhưng cô không được kể với ai đấy nhé...

Hà không tin vào mắt mình nữa: gương mặt con nhỏ thoắt trở nên rắn đanh, ma mãnh; đôi mắt bỗng nhỏ săn lại đầy vẻ phòng ngừa.

- Mà cô hứa với cháu đi nào!

Hà bực bội:

- Cô là người lớn cháu ạ. Cứ kể cho cô nghe đi!

- Hôm cháu lên xanh(1), ngoại cháu giúi cho cháu hai chỉ vàng. Ngoại khâu cho cháu một cái túi nhỏ xíu, dặn cháu lúc nào cũng phải đeo nó ở trước ngực và nhất là không được để cho một ai biết cả. Ngoại bảo ra ngoài đó không cha không mẹ, không bà con cô bác, phải có tý vàng phòng thân lúc đói, lúc rách... Thế rồi trên đường cháu gặp chú ấy... Nói chung là nếu chú ấy không lấy cắp hai chỉ vàng của cháu thì chú ấy tốt cực, cô ạ. Hễ gặp dốc cao cháu mỏi chân quá không leo lên được, chú ấy cõng cháu liền à! Đến trạm nào cũng vậy, thấy cháu không ăn được thịt hộp Trung Quốc, chú ấy xuống suối mò cá nấu canh cho cháu...

Con bé ngừng lại giữa chừng nửa như lấy hơi, nửa như không muốn kể tiếp. Hà im lặng chờ đợi, chị không còn dám nhìn thẳng vào mắt con bé nữa.

- Một hôm chú ấy cõng cháu qua suối, cái túi vàng của cháu cọ vào cổ chú ấy. Thế là chú ấy biết. Sớm hôm sau cháu thức dậy, sờ lên cổ cái túi đã mất tiêu. Chú ấy cũng bỏ cháu biến luôn.

- Cháu nghĩ lại xem, hay là cháu bỏ quên cái túi ở đâu - Hà nói với cô bé như vậy và chị cảm thấy như chính chị đang cần bấu víu vào một điều gì đó - Theo cô, người như vậy không thể nào lại đi ăn cắp của một đứa trẻ như cháu.

- Thì thoạt đầu cháu cũng nghĩ như cô. Để cháu kể tiếp cho cô nghe. Mọi bữa thì trẻ em cứ đi một trạm lại nghỉ một trạm. Chú kia lấy của cháu cái túi vàng. Chú ấy cứ tưởng đi trước cháu một ngày là không bao giờ cháu còn đuổi kịp nữa. Nào ngờ ngày hôm sau cháu được gửi nhờ một chiếc xe đạp thồ, thế là cháu đuổi kịp chú ấy. Nom thấy cháu, chú ấy rất bình tĩnh, không hốt hoảng chút nào đâu cô ạ. Rồi chú ấy vẫy tay gọi cháu ra rừng. Lúc đó cháu đã nghĩ là chú ấy sẽ trả lại cháu. Nhưng chú ấy nghiêm mặt nói: “Mọi chuyện biết đâu để đấy nghe! Nếu cháu nói hở với ai, lúc đi qua cầu treo chú lẹ đẩy xuống vực là mất xác liền à”...

Tiễn cô bé đi rồi, Hà cảm thấy trống trải, cô đơn giữa khu trạm khách hệt như những hôm ngã bệnh. Chị mang hết tăng, võng, áo quần xuống suối giặt sạch, rồi đem phơi nắng. Hà muốn xua đuổi hết hơi hướng của bệnh hoạn và những ngày ăn dầm, ở dề tại trạm vừa qua.

Buổi chiều vào giờ khách về trạm, đang ngồi mạng lại cái ruột nghé đựng gạo bị chuột cắn thủng, Hà bỗng giật mình khi chị nghe thấy giọng ai quen quen đang hỏi tên chị ở ngoài sân trạm:

- Đâu, đồng chí Hà đâu, bà Hà đâu rồi?

Mấy bóng người lô nhô xô vào trong lán.

Hà vụt đứng dậy, reo lên sung sướng:

- Ôi, anh Lực. Làm sao lại có thể gặp anh ở đây hở?

Lực là thủ trưởng cũ của Hà. Anh cũng lên đường vào chiến trường cùng một lượt với Thức, chồng chị. Sáu, bảy năm rồi, nom Lực già và gầy đi nhưng rắn rỏi, phong sương hơn nhiều so với thời kỳ còn ở ngoài Hà Nội.

- Mình ra Bộ báo cáo về hoạt động thông tin trong Miền - Lực vẫn giữ nguyên vẻ sôi nổi, trẻ trung như ngày nào - Gay go lắm bà nội ơi! Tình hình tiến triển, khắp nơi đánh to, thắng lớn tất nhiên là vui rồi, nhưng trang bị cũ mèm, hết trục trặc này chưa gỡ được lại tiếp đến trục trặc khác, mệt lính lắm.

Hà vừa định báo tin cho Lực hay chuyến vào của chị chính là liên quan trực tiếp đến cái điều anh đang lo lắng đây, nhưng Lực vẫn thao thao:

- Thế nào, các anh ở ngoài ấy có khỏe không? Nghe nói từ dạo máy bay Mỹ đánh bom Hà Nội các vị cũng lao đao, vất vả tợn phải không? - Chợt như nhớ ra điều gì, Lực giật giọng, thảng thốt - À, mà bà đi đâu thế này?

- Đi vào với các anh chứ còn đi đâu!

- Thế chị chưa nhận được tin gì à?

Sao anh ta bỗng nhiên lại đổi cách xưng hô như thế? Hà thoáng rùng mình khi nghĩ đến chồng.

- Vợ chồng bà thật là vợ chồng ngâu. Anh Thức mới nhận lệnh chuyển ra tăng cường cho mặt trận khu Sáu rồi.

Hà thở phào nhẹ nhõm. “Dù sao mình vẫn còn là người luôn luôn gặp may” - chị thầm nghĩ.

- Anh ấy có khỏe không anh?

- Khoảng này thì không ai theo kịp tướng ấy rồi. Ăn được ngủ khỏe, sáu bảy năm nay chưa hề biết đến viên thuốc sốt rét là gì. Chỉ mắc mỗi cái bệnh nhớ vợ, nhớ con thôi. Chà gay thật! Bà vào thì ông đi. Cánh ta luôn phải bảo đảm mọi tin tức sao cho kịp thời, chính xác, nhanh chóng nhất. Nhưng riêng cái khoản thông tin cho chính bản thân mình thì bao giờ cũng trễ muộn, chẳng đâu ra đâu... Thôi bà cứ yên tâm vào đi, sớm muộn rồi bọn này cũng sẽ đưa bà ra khu Sáu.

Hà rời trạm ngay buổi sáng hôm sau. Qua Lực chị biết rằng số máy chở theo xe chưa vào đến nơi. Như thế khi Hà vào vẫn kịp bắt tay ngay làm việc. Nhưng xe đi sao mà lâu đến vậy nhỉ? Mình đã nằm lại ở trạm này gần nửa tháng trời rồi còn gì? Một nỗi lo lắng khác lại cuốn hút hết mọi suy nghĩ của chị.

Mãi một lúc sau chị mới bình tâm và nghĩ đến chồng. Liệu trước hôm lên đường ra khu Sáu anh ấy đã biết tin mình lên đường vào với anh ấy chưa? Có thể là chưa mà cũng có thể là anh ấy nhận tin rồi. Nếu nhận được tin rồi thì sao? Hà hiểu rõ tính chồng. Ví như cấp trên có hỏi ý kiến anh, Hà biết rằng anh sẽ đáp: “Cô ấy có nhiệm vụ của cô ấy. Tôi có nhiệm vụ của tôi”. Bao giờ sẽ gặp anh ấy đây? Hay lại phải đằng đẵng chờ thêm sáu, bảy năm nữa?

Xuống khỏi đoạn dốc của trạm khách, vệt đường mòn chạy qua một cánh rừng le. Mới chớm vào đầu mùa khô, lá le còn xanh mỡ, long lanh những mảng nắng sớm. Những con chim khướu mình nâu, ức đen tuyền nhẩy loi choi trong các khóm le, cất tiếng hót ríu ran. Đường bằng lì len lỏi qua những khóm le hệt như đi trong đường làng. Hà thấy phấn chấn, lâng lâng cái cảm giác rạo rực đã lâu lâu rồi chị chưa trải qua.

Nhưng vừa ra khỏi rừng le, nhánh đường mòn đâm sầm ngay vào vách núi. Một đỉnh dốc gặp lúc chập sáng. Vẫn là thứ bậc thang đào vào vách đất, mỗi bậc lát một khúc thân cây bổ đôi, úp lòng gỗ xuống.

Hà xốc lại chiếc ba lô nặng trịch phía sau lưng. Cái bi đông mới lấy nước ở trạm trên vẫn còn nóng hôi hổi bên sườn chị.

Nào! Bắt đầu!

Dốc dựng thành. Mới bước lên được đúng bốn bậc chị đã phải dừng lại một lát để thở. Không sao! Rồi sẽ quen hết! Rồi sẽ quen hết! Hà lẩm nhẩm trong miệng. Mỗi chữ là một bậc, nghỉ một tý tẹo. Nào! RỒI... SẼ... QUEN... HẾT... đi được khoảng chục cái “rồi sẽ quen hết” kia, tức là bốn chục bậc chẵn Hà thấy ù tai, mồ hôi rịn ra ướt dầm đám tóc mai hai bên thái dương. Thôi bây giờ đi ba bậc một thôi. Mình vừa ốm dậy và cũng chẳng đi đâu mà vội. Miễn là chiều có mặt ở trạm sau. SẼ... QUEN... HẾT... SẼ... QUEN... HẾT...

Về sau, Hà chỉ leo được một bậc đã phải đứng lại nghỉ, tức chỉ leo lên bằng một chữ “HẾT”. Nhẩm tính vừa hai mươi bẩy chữ HẾT thì lên được đỉnh đồi. Hà giật mình chợt nhớ ra: con số 27 này bằng đúng tuổi của chị!

Ồ, hôm nay là ngày sinh của mình à?

(1) Xanh: Rừng, chiến khu

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Tô Hoàng

Tin xem thêm

Danh hài nổi tiếng thừa nhận nợ nần chồng chất vì cờ bạc

Giải trí
18/10/2024 09

HÀN QUỐC - Danh hài Lee Jin Ho vừa chia sẻ bức tâm thư dài trên trang cá nhân, thừa nhận lâm cảnh nợ nần túng quẫn nhiều năm qua sau khi dính vào cờ bạc bất hợp pháp.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ 'làm đẹp' cho cá rồng

Giải trí
18/10/2024 09

Tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ cho cá, anh Hoàng Vân (42 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) rong ruổi hơn 50 tỉnh thành cả nước để làm đẹp cho hàng trăm ...

Truyện thiếu nhi đặc sắc: Ba loại người

Giải trí
18/10/2024 09

Có một học sinh được thầy giáo trao cho 3 món đồ chơi và yêu cầu hãy tìm ra sự khác biệt trong 3 món đồ chơi đó.

'Chuyện các bà vợ già'

Giải trí
18/10/2024 07

Cuốn tiểu thuyết "Chuyện các bà vợ già" của Arnold Bennet đưa độc giả vào thế giới của những chi tiết bình dị nhưng sâu sắc, phản ánh số phận con người trước những biến c...

Không muốn ly hôn, chồng vác vợ chạy khỏi phiên tòa

Giải trí
18/10/2024 06

Một tòa án ở tây nam Trung Quốc đã bác đơn xin ly hôn của người vợ dù người chồng bị buộc tội bạo lực gia đình và vác vợ ra khỏi phòng xử án trong lúc quá trình tố tụng đ...

Truyện cười: Đặt câu

Giải trí
18/10/2024 06

Truyện đêm khuya: Trăng mọc về sáng

Giải trí
17/10/2024 22

Cơn sốt rét quật ngã Hà ở một trạm lẻ, phía nam sông Bạc. Vào tiết này vẫn còn kiếm được măng ăn - thứ măng lồ ô đã mọc vống lên, chả bao lâu nữa sẽ thành thân tre - nắm ...

Truyện ma: Long cư sĩ

Giải trí
17/10/2024 21

Gil Lê rơi lệ, đội chơi khóc mếu máo khi bị loại ở ‘Nữ hoàng vũ đạo đường phố’

Giải trí
17/10/2024 14

Đội SS WarriorZ chính thức nói lời chia tay chương trình "Nữ hoàng vũ đạo đường phố" ở tập 10 sau khi liên tục xuống phong độ.

Bikini nóng bỏng: Lisa (BlackPink) mặc nội y trình diễn

Giải trí
17/10/2024 14

Lisa mặc nội y, trình diễn hai ca khúc trên sàn runaway tại Victoria's Secret Fashion Show 2024. Show diễn đánh dấu sự trở lại lần đầu kể từ năm 2019 vào sáng qua 16/10 (...


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn
Điện thoại: 0437722728
Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media