Vong của lửa

27/04/2025 22:00
Lửa cháy rùng rùng. Tiếng phản lực gầm rú. Bầu trời rung lên như chiếc lập là. Những thân cây quằn quại gãy rạp cháy nham nhở. Những ngôi nhà tranh lúp xúp bỗng tung lửa đỏ rực. Những vụm lửa bay lả tả rụng xuống đen kịt. Một khắc im lặng rồi lại bùng lên.

Hàng loạt tiếng nổ long trời lở đất. Những cuộn đất đá phun rào rào thành những đám lửa lớn. Fred bất ngờ vụt dậy lao lên một gộc cây rồi đu người vọt xa. Không ngờ, ông rơi trúng một lõm hào đất khá sâu.

- Giơ tay lên!

Tiếng hô to làm ông giật bắn người. Một nữ cộng sản tay lăm lăm khẩu súng tiến về phía ông. Fred ngơ ngác giơ hai qua đầu rồi chợt reo lên:

- Cô Thùy!

- Không được chống cự. Ông đã bị bắt!

- Cô Thùy! Tôi đang giữ cuốn nhật ký bí mật của cô!

Bỗng một tiếng nổ lớn. Fred thoáng thấy người nữ cộng sản nhào lên rồi văng xa.

- Cứu! Cứu!..

Tiếng kêu cứu làm ngồi Fred bật dậy. Mồ hôi vã ra khắp người. Cảm giác cả cơ thể vẫn còn hầm hập sức nóng của trận bom lửa.

Căn phòng vẫn lặng ngắt. Trên bàn, cây đèn lặng phắc tỏa ra một quầng sáng. Bài tham luận vẫn đang viết dở. Bức họa chân dung Thùy được đặt ngay ngắn tựa vào giá sách. Xếp bên cạnh là một chồng thư và cuốn nhật ký bìa ngoài đã loang nổ.

Thoát ra từ cuộc chiến nhưng Fred đã không thoát khỏi những lưới trận bão lửa của chiến tranh. Ông đã nhập viện vì mắc bệnh ảo giác về lửa. Những ngọn lửa ấy có nguồn gốc từ cuộc chiến ở Việt Nam. Lửa và lửa... Đâu cũng ám lửa. Ngôi nhà đang rù rì yên tĩnh. Chợt ngọn lửa bùng dữ dội từ chiếc tủ lạnh, màn hình ti vi, tấm ga trải giường... Đang đi dạo, bỗng ông thét lên, ôm đầu quay cuồng. Trước mặt ông, một rừng lửa rừng rực trên tòa nhà cao ngất sắp thè lưỡi liếm gọn ông như một con côn trùng cháy sèo... Phải mất một thời gian dài chữa trị, Fred mới thoát ra khỏi dư chấn của những trận lửa kinh hoàng ấy. Tuy nhiên, những giấc mơ có những đốm lửa nhỏ lấp lánh hình ảnh nữ bác sĩ người Hà Nội vẫn xuất hiện thường trực trong ông.

Fred nhớ lại ngày đầu tiên nhập cuộc chiến tranh. Đó là buổi sáng cuối cùng đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ. Bầu trời xanh ngắt lãng đãng vài gợn mây trắng. Nắng sóng sánh ươm vàng như một ly rượu mạnh. Cảm giác sự trong lành tinh khôi đến từng hạt bụi, hạt khí, từng chiếc lá, nụ hoa, từng hơi thở nhè nhẹ êm ái của mặt đất. Ngoài vườn, dưới giàn hoa ti gôn, mẹ ông đang chăm chú phất những nét màu cho bức tranh gần hoàn thiện. Lúc đó, ông đang đọc những trang cuối của cuốn tiểu thuyết Gone with the wind. Nghe có chuông cửa và người đưa thư đã chuyển tới ông tấm giấy báo quân ngũ. Nguyện vọng nhập ngũ của ông đã thành sự thật. Ông chạy lại báo tin vui cho mẹ. Mẹ vụt đứng sững dậy. Cây bút trên tay rời xuống giá vẽ.

- Pred! Tại sao lại thế này? Mẹ không muốn điều này xảy ra với con! Con còn quá trẻ. Con chưa hiểu hết về chiến tranh. Mẹ đã cầu nguyện con không phải tham gia cuộc chiến này! Chiến tranh thật man rợ và khủng khiếp! Dù đúng hay sai, cuộc chiến nào cũng đều là phi nghĩa cả. Rồi con sẽ hiểu!

- Mẹ ạ! Con không muốn làm mẹ buồn. Song con cần làm những điều để hoàn thiện tuổi trẻ. Cầu Chúa mọi việc sẽ ổn!

Fred không ngủ tiếp nữa. Ông mở lại chồng thư để xem những tư liệu cần thiết bổ sung bài viết. Đây lá thư đầu tiên khi ông tới Việt Nam.

“Ngày 13/5. Mẹ thân yêu! Con rất vinh dự được bước vào cuộc chiến này. Những người lính chúng con sẽ đem hết nhiệt huyết, lý tưởng của tuổi trẻ để chiến đấu bảo vệ nền cộng hòa Việt Nam. Người Mỹ và phe cộng hòa tin tưởng vào sức mạnh của những loại vũ khí tối tân. Phe cộng sản sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc chiến này sẽ thắng lợi và kết thúc sớm mẹ ạ!”.

Lá thư thứ hai là mấy dòng ngắn ngủi thông báo ông đã thuộc phiên chế sĩ quan quân báo Lữ 196. “Mẹ thân yêu! Giờ đây, con đã hiểu bản chất của chiến tranh khi cả hai phía đều muốn tiêu diệt nhau bằng mọi giá để giành chiến thắng. Đúng hay sai, chính nghĩa hay phi nghĩa đều đẩy cuộc chiến lên đỉnh cao của sự tàn khốc: Cướp, phá và hủy diệt.”.


Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Những lá thư sau vẫn là những mảnh viết vội đậm đặc mùi lửa đạn cùng những tâm sự yếu đuối bi quan mà ông đã định không gửi:

“Ngày 15/7. Mẹ thân yêu! Giờ đây, trước mắt con chỉ có những âm thanh gào thét ghê rợn của thần khúc chiến tranh. Chiến tranh thật tàn bạo khủng khiếp. Cả một vùng rộng lớn đều bị cháy lụi. Nhà cửa, cây cối còn trơ những cọc cháy dở. Xác người nằm phơi dọc đường mùi súi khẳm. Những cẳng chân cẳng tay bị bắn rời ra đen đặc ruồi nhặng. Ba xác lính, một lính Mỹ, hai lính Cộng hòa được khiêng lên đặt trước mặt năm tên cộng sản người đầy máu me. Gần chục người phụ nữ và đám con nít bắt đứng đó để chứng kiến. Cuộc tra khảo, đánh đập dã man đã xảy ra. Những ánh mắt bắn ra như tia lửa. Những ống que xương tay giơ lên hô vang: - Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!.. Những loạt đạn bắn ra. Những mảng ngực bị xé toang. Những cái đầu bay ra lăn lông lốc. Máu ồ ạt chảy thành những vũng lớn. Lũ con nít sợ hãi khóc thét. Đám phụ nữ vẫn xông lên hiên ngang hô vang: - Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam! Việt Nam muôn năm!... Lại một loạt đạn tiếp theo. Tất cả đổ gục chồng lên nhau.”.

“Ngày 20/12. Mẹ ơi! Mẹ đã từng nói về sự sống. Sự sống là ân hưởng lớn nhất của con người. Khi mới chào đời, những hài nhi của Chúa đã được tắm trong những suối nguồn tình yêu vô tận, được sống trong những ngôi nhà hạnh phúc, được hai tay ôm bầu sữa tròn thơm mát, được vui chơi trong những khu vườn đầy hoa trái, được làm bạn với những con thú hiền lành đáng yêu... Vậy mà, chiến tranh tàn bạo đã cướp đi sự sống của những thiên thần ấy. Những đứa trẻ vô tội đã bị giết hại thật ghê rợn khủng khiếp! Oh my God!”.

“Mẹ! Kerric đã tự sát! Cậu ấy đã không chịu nổi sức ép của những cuộc tàn sát dã man ghê rợn mẹ ạ. Sống hay chết đối với con chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Con đã sẵn sàng chết theo ý của Người.”.

“Ngày 15/1. Mẹ thân yêu đến ngàn lần của con! Chiến tranh! Không điều gì có thể nói trước. Đây là lời của một cộng sản Bắc Việt gửi về cho mẹ cô ấy: “Mẹ yêu ơi! Nếu con của mẹ có phải ngã xuống vì một ngày mai chiến thắng, độc lập tự do của dân tộc. Thì mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nhiều mẹ nhé! Mẹ hãy tự hào vì con đã sống xứng đáng, đã cống hiến hy sinh cho đất nước! Không một ngày nào, con không mong mỏi chiến thắng để được trở về với ba mẹ, các em và gia đình, với miền Bắc ngàn vạn lần yêu thương!”. Con đã tìm thấy cuốn nhật ký này trong một trận càn. Con vô cùng xúc động trước những tình cảm của cô ấy. Cô ấy đánh thức sự khao khát trong con được trở về gia đình, với mẹ. Ôi! Những ước mơ giản dị ấy giờ đây đối với con thật xa xỉ mẹ ạ!”.

“Mẹ ơi! Trước đây, con đã tin tưởng người Mỹ và phe cộng hòa sẽ chiến thắng. Giờ đây, con đã hiểu rõ hơn về cuộc chiến này. Hiểu rõ hơn về sức mạnh của người Việt Nam. Người Việt Nam đã trải qua cuộc chiến chống Pháp kiên cường bền bỉ mấy chục năm ròng. Trong cuộc chiến này, tinh thần đoàn kết, ngọn lửa yêu nước và ý chí quyết tâm chiến thắng họ càng thêm sôi sục. Họ có những cách đánh rất tài tình. Họ bẫy lính như bẫy thú hoang bằng những hố sâu được ngụy trang phía trên. Dưới lòng hố chôn đầy bàn chông nhọn hoắt. Họ khoét những đường hầm zích zắc thần thánh xuyên trong lòng đất dài hàng trăm kilomet. Họ vừa sinh sống, vừa chờ cơ hội xông lên đột kích phản công làm đối phương không kịp trở tay. Người Mỹ có đủ sức mạnh của các hạng vũ khí tối tân trên bầu trời, dưới mặt đất, đường bộ, đường sông cùng những chiến lược, chiến thuật đặc biệt đã không giết nổi ý chí kiên cường và lòng yêu nước cao độ của họ. Người này ngã xuống, người khác lại đứng lên chiến đấu. Cuộc chiến thảm khốc này sẽ còn kéo dài mẹ ạ.”.

“Mẹ ơi, cuộc sống của con những ngày qua thực sự bi thảm. Con đã nghĩ đến Kerric, nghĩ đến cái chết”...

“Mẹ yêu! Con đã yêu Thùy. Cô ấy là một chiến sĩ cộng sản, một bác sĩ rất giỏi. Con cảm phục ý chí và tâm hồn rất đỗi trong sáng của cô ấy. Cô ấy có khuôn mặt hiền hậu và mái tóc dài rất Việt Nam. Con đã có ý nghĩ, khi cuộc chiến kết thúc, dù người Mỹ thắng hay thua, bằng mọi cách, con sẽ tìm gặp bằng được cô ấy mẹ ạ.”.

“Mẹ yêu! Một sự thật khủng khiếp đã xảy ra. Con không muốn tin đó là sự thật! Bệnh xá đã bị thiêu hủy. Tất cả thương binh và cô ấy nữa... Tim con đã nghẹn lại đau đớn. Tuy nhiên, những dự định của con về cô ấy sẽ không kết thúc. Cô ấy như một đốm lửa ấm áp trong lòng con. Cô ấy đã thức tỉnh con về nghĩa vụ và trách nhiệm làm người. Con cần phải sống và trở về với mẹ, với đất nước. Con cần phải làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống để linh hồn được trong sạch nếu một ngày Chúa gọi con về với Người.”.

Fred bần thần gấp lại trang hồi ức. Ông thoáng thấy ánh mắt như vụt sáng của Thùy. Ông linh cảm ánh mắt ấy luôn dõi theo ông một cách đồng cảm, chia sẻ. Ông tin vào vạn vật hữu linh. Bức họa, cuốn nhật ký chính là linh hồn của Thùy có mặt cùng ông trong căn phòng này. Ông khẽ nhấc bức họa lên để đặt vào đó một nụ hôn và tiếp tục xem lại bài tham luận. Đây là tham luận cho cuộc hội thảo “Chiến tranh ở Việt Nam” do những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam tổ chức. Hội thảo như một cầu nối để hàn gắn những vết thương chiến tranh mà quân đội Mỹ đã gây ra.

Bài viết mới được vỏn vẹn vài trang. “Sư đoàn không vận số 1, Lữ 196, Sư dù 101, Sư Anh 25, Sư 22, 23 của quân cộng hòa đều cát cứ ở đó. Cả một vùng bán sơn địa rộng lớn bị băm nhừ. Vậy mà, giữa lòng lửa đạn vẫn trụ lại một bệnh xá. Mỗi lần bị cháy trụi, bệnh xá lại được dựng lại. Nơi này đã đón hàng nghìn thương binh nặng về đây chữa trị. Chỉ huy bệnh xá là một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi. Cô ấy là một bác sĩ rất đặc biệt. Cô ấy vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi tiếng anh. Dù khó khăn thiếu thốn vật chất, thuốc men, y tế nhưng cô ấy vẫn tìm nhiều biện pháp để chữa trị và cứu sống nhiều thương binh. Những lúc an toàn, cô ấy còn đánh đàn và hát cho thương binh nghe. Cô ấy là một trí thức cộng sản, một tiểu tư sản người Hà Nội. Cô ấy đã tự nguyện viết đơn xin ra mặt trận. Đặc biệt, giữa hoàn cảnh nguy hiểm khốc liệt, nhiều lần chết hụt, bộn bề khó khăn, cô ấy luôn lạc quan yêu đời để vượt qua hiểm nguy, kiên cường hoàn thành nhiệm vụ. Cô ấy luôn nghĩ đến lý tưởng cao cả đấu tranh giành độc lập tự do. Trái tim thấm đẫm tình yêu thương con người và những ước mơ cao cả, khao khát sống, khao khát cống hiến của cô ấy như một tấm gương sáng của người anh hùng đất Việt”...

Fred chợt dừng lại theo linh cảm. Ông bất chợt bắt gặp ánh mắt của Thùy. Hình như, Thùy cũng có ý nghĩ như ông. Một bài tham luận về chiến tranh mà đơn giản, sơ sài, ngợi ca, sáo rỗng như thế sao? Hiện thực chiến tranh là hiện thực của một cuộc sống hoàn toàn khác với bình thường. Cuộc sống của hai nửa bóng tối và ánh sáng. Nửa bóng tối chiến tranh là sự thảm khốc của hủy diệt, của chết chóc, của đầu rơi máu chảy, tàn bạo, vô nhân đạo... Còn nửa ánh sáng là mặt trái, phía sau bóng tối của chiến tranh. Đó là sự trở về của những con người nhỏ bé, dũng cảm, gan góc sau mỗi trận chiến ác liệt. Họ trở về với đời thường, với niềm vui, tiếng cười, với khát khao được sống, được tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập tự do của dân tộc. Chiến tranh dù khốc liệt tàn bạo đến đâu cũng không giết được ý chí, nghị lực kiên cường của mỗi người. Vùng ánh sáng ấy đã làm nên chiến thắng.

Ý nghĩ vụt dậy. Fred cầm mấy trang bản thảo đặt ra góc bàn rồi cầm lên cuốn nhật ký. Trống ngực ông đập dồn. “Kính thưa hội nghị! Cuốn nhật ký này là tham luận của tôi!”.

“Sau trận càn, mọi vật như chết yểu. Bóng đêm đổ xuống đen kịt. Những hình thù kỳ quái, loang lổ vệt tối, vệt sáng vật vờ trôi qua trước mặt. Lúc mới vào đây, mình rất sợ vì nghĩ đó là những hồn ma ẩn hiện. Đã trải qua bao đêm như thế này rồi. Nhưng đêm nay, mình thấy cô đơn, hụt hẫng và buồn khủng khiếp. Những người thân yêu của mình đã lần lượt ra đi. Đứa em bé bỏng lúc nào cũng thương yêu chị đã không còn nữa. Bao giờ tới lượt mình đây? Rồi ngày mai sẽ ra sao? Mình sẽ còn được sống hay sẽ chết?... Mẹ ơi! Mẹ có thấu cảnh con gái yêu của mẹ đang trống trải, đơn độc giữa đêm đen chiến trường này không? Chiến tranh bao giờ mới kết thúc hả mẹ?... Mẹ ơi! Con đang đau quá! Con đang đau của kiếp lưu đày giữa chiến trường ngổn ngang chết chóc thê lương này. Không một ai bên cạnh để con có thể gục vào mà khóc... Mẹ ơi! Bao giờ con được trở về hả mẹ? Sống hay chết giữa chiến trường này đâu còn ranh giới nữa mẹ ơi! Con cũng chẳng biết ngày mai con sẽ ra sao? Chiến tranh cứ đằng đẵng mãi thế này, bao giờ mới kết thúc hả mẹ?... Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi!... Con muốn gọi tên mẹ nhiều lần, gọi tên mẹ cả cuộc đời này, cả khi con đã chết mẹ ơi... Nhưng con có còn nhiều cơ hội nữa không mẹ ơi! Hay đây sẽ là lần cuối!?... Ph ơi! Có thể đây là lần cuối cùng em gọi tên anh để chúng ta chia tay mãi mãi! Chia tay một mối tình của tuổi học trò. Cảm ơn anh đã đến với cuộc đời em. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những ngày tươi đẹp nhất của tình yêu tuổi trẻ... Giờ đây, mình phải tiếp tục chiến đấu. Phải tìm mọi cách để cứu chữa cho các anh được sống, được tiếp tục ra trận. Phần đóng góp của mình rất nhỏ bé nhưng sao nhiều lúc, mình thấy nó quá sức, cảm giác không thể gồng thêm được nữa. Mình đã đuối sức thật rồi... Ph ơi! Mai này, đất nước được hòa bình, mơ ước của chúng mình có thành hiện thực không anh? Bài hát bên khung cửa sổ góc hồ Tây đêm ấy cứ vang lên trong em: “Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương. Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương. Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà... Đêm đông!... ”.

Tiếng kêu thất thanh của Tân bất thần làm mình choàng dậy. Tân vừa làm phẫu thuật cưa chân ban chiều. Vết thương chân kia cũng đang bị hoại tử. Các thương binh về đây đều là thương binh nặng. Khi xung phong vào trận, ai hừng hực khí thế nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực. Sau một cơn thập tử nhất sinh, choàng mắt ra đã thấy thân thể không còn nguyên vẹn. Phần thì cụt, phần thì gãy, phần thì tróc da, thối thịt. Cú sốc tinh thần ấy khiến nhiều thương binh đã không chịu đựng nổi.

Ca phẫu thuật của Tân rất thành công và mất ít máu. Khổ nỗi thuốc kháng sinh và giảm đau không đủ nên anh phải chịu đau. Những lúc ấy, chỉ còn cách động viên an ủi. Tuy miệng nói, nhưng tim đau. Nhiều lần mình phải quát lên để trấn áp: “Người ta chết nhan nhản. Các anh được trở về như thế này vẫn là hồng phúc đấy! Tôi đang muốn được như các anh đây!”. Quả thật, mình đã ao ước được sống, được trở về, dù thân thể đã bị tàn phế. Mình đã nghĩ đến hình ảnh cô thương binh ngơ ngác, hai tay hai nạng gõ từng bước lộc cộc trên góc phố quen thuộc. Nghĩ đến đó, mình đã không cầm nổi nước mắt.

Đêm đó, còn một mình Tân ở lại. Thương binh nặng đã chuyển hết lên tuyến trên nên mình có chút nghỉ ngơi. Hết cơn đau, Tân đã giữ mình ngồi lại để nói chuyện. Cũng lạ, đã từ rất lâu, mình không còn cảm giác gì về tình yêu. Vậy mà, đêm ấy, mình đã yêu, đã khao khát, đã tin cậy anh. Khi mình khóc hỏi anh bao giờ mới hết chiến tranh. Liệu mình có còn sống sót để trở về Hà Nội không anh? Từ lúc ấy, anh đã ôm lấy mình vỗ về.

- Em cứ khóc đi. Anh rất hiểu tâm trạng của em đêm nay... À, lúc trước chợt tỉnh, anh đã nghe thấy em hát. Em hát rất hay.

- Trời! Anh đã tỉnh và nghe em hát thật à?

- Ừ. Em đã hát. Hát rất hay. Giọng man mác buồn, man mác nhớ, man mác đau thương... Em đang rất nhớ Hà Nội có đúng không?

- Hà Nội, trái tim yêu dấu!

- Anh cũng người Hà Nội.

- Thật không anh?

- Ừ, nhà anh ở Cầu Gỗ.

- Ôi, gần nhà em quá. Nhà em ở ngõ Chân Cầm.

- Ở gần nhà nhau. Tại sao chúng mình không biết nhau nhỉ? Giờ lại gặp nhau ở một nơi cách xa hàng mấy nghìn cây số. Lại trong một hoàn cảnh trớ trêu thế này. Cuộc đời có quá nhiều điều bất ngờ đúng không em?

Khi nãy em hát “Đêm đông”, anh đã nhận ra em. Chỉ những tiểu thư Hà Thành mới biết tới ca khúc này. Anh cũng rất thích. Để anh hát cho em nghe nhé!

“Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa

Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương

Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương

Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà...

Giọng hát của Tân nhẹ bẫng và tan chảy. Mình vừa nghe, vừa nước mắt ròng ròng. Đúng là tình cảnh tha hương. Sự cô đơn trống trải trong mình như ấm dần lên. Nhớ những sáng thu trong veo quanh hồ Lục Thủy. Nhớ tiếng chuông nhà thờ đêm Noel tưng bừng rộn rã. Nhớ những ngày sinh nhật của mẹ, của mấy chị em. Nhớ những buổi hẹn hò cùng Ph. Hai đứa thường ngồi ghế đá tranh luận những bài thơ hay, cuốn sách vừa đọc... Ước gì, tất cả những kỷ niệm nhỏ lại trong một viên cuội để cầm trên tay xúc xắc. Ước gì, chỉ một tích tắc đủ để mình xuất hiện như một cơn gió đậu dưới hiên nhà rồi bay đi luôn... Những kỷ niệm ùa về làm tim mình phập phồng xốn xang. Đã lâu lắm rồi mình mới được nhớ về Hà Nội đã đầy đến thế. Từ lúc hai đứa thân mật. Mình đã nhận thấy ở Tân sự chân thành nhưng cũng rất mạnh mẽ, tinh tế và có chút tài hoa của trai phố cổ. Lúc anh đặt nụ hôn lên trán, mình đã không cưỡng lại. Rồi hai làn môi chợt chạm nhau như có dòng điện nóng bỏng hút chặt lấy nhau.

- Cảm ơn em! Đây là lần đầu tiên anh biết đến nụ hôn của người con gái là em.

Mình sững người. Anh vẫn chưa yêu ai ư? Mình cũng như anh. Sự va chạm, áp sát vào nhau làm mình cảm giác như bị mất hết sự trong trắng của con gái. Mình thấy anh cũng đang run rẩy, nghe rõ cả tiếng trống ngực.

- Thùy ơi! Bao giờ hết chiến tranh. Về Hà Nội. Anh sẽ xin phép bố mẹ. Chúng mình cưới nhau nhé!

Nghe lời ấy, mình lại càng run lên. Có lẽ, đây là lời cầu hôn đầu tiên cũng là cuối cùng của cuộc đời con gái mình chăng?

- Chúng mình sẽ cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình em nhé!

Mình vẫn lặng đi. Bàn tay anh đã mạnh dạn đặt lên ngực rồi lần lần chiếc cúc áo như muốn cởi nó ra. Tim mình như đứng lại. Câu hỏi ngày mai lại lởn vởn trong đầu. Ngày mai sẽ ra sao? Ngày mai mình còn sống hay mình đã chết? Chiến tranh, chẳng ai biết trước điều gì. Song, chẳng lẽ mình sẽ sống gấp, sống buông thả, liều lĩnh thế này sao? Không! Đừng vội thế Thùy ơi!...Trong đầu đã cản nghĩ. Vậy mà, mình vẫn không làm chủ được mình. Mình cũng riết chặt cơ thể vào anh. Có thể đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng?... Cảm giác vừa đau đớn tủi hờn, vừa khát khao một cách hoang dã, muốn ghì sát, muốn tận cùng để biết cảm giác yêu và được yêu như thế nào... Nhưng trời ơi! Tới phút cuối cùng, mình đã truồi ra khỏi anh, ù chạy xuống bờ ao hụp mặt vào chum nước. Rồi mình múc cả chum nước dội ào ào lên thân thể đang rừng rực sức nóng. Sáng hôm sau, mình kinh ngạc khi bờ ao trũng xuống thành một vũng bùn nước nhão nhoét như vũng vầy của lũ trẻ.

Theo kế hoạch, sáng ấy mình chuyển anh về tuyến sau. Lúc vừa bước vào cửa hầm để lấy mấy thứ đi đường thì bất ngờ có tiếng bom nổ chát chúa hất văng mình vào cuối hầm. Số phận thật trớ trêu! Tại sao mình không được chết cùng anh? Mọi thứ chưa bắt đầu mà đã kết thúc!... Anh Tân ơi! Em đã không được hạnh phúc làm vợ của anh rồi! Hực hực...”.

Fred bàng hoàng mở cánh cửa bước ra ban công. Cô ấy xứng đáng là một đóa sen ngọc trong sáng, kiêu hãnh và thơm ngát. Đêm nay, ông sẽ quyết tâm thực hiện dự định đã cất giữ nhiều năm. Ông sẽ làm lễ thành hôn với người con gái đã chinh phục trái tim khối óc và cả những suy nghĩ hàng ngày của ông. Cô ấy sẽ thuộc về ông. Nghĩ vậy, ông quay vào nhà lấy bức chân dung của Thùy đặt cạnh giá vẽ để làm mẫu. Bức chân dung này, ông đã hoàn thành ngay trong đêm khi nghe tin Thùy hy sinh. Giờ đây, bằng uy quyền của cây bút, bằng những đường nét phù diệu, bằng những gam màu phép thuật, ông sẽ vẽ chân dung của một cô dâu đẹp lộng lẫy trong ngày hôn lễ. Một cô gái Bắc Việt kết hôn với một cựu binh Mỹ. Ông sẽ tết trên vương miện cô dâu một vòng hoa nguyệt quế, loài hoa tượng trưng cho sự chiến thắng, cho hạnh phúc viên mãn.

“Tôi biết, em luôn thích mặc chiếc áo màu xanh này. Đó là gam màu của hòa bình, của độc lập tự do mà em đã luôn mong ước. Song hôm nay là ngày cưới của mình. Một ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Em sẽ mặc áo cưới cô dâu lộng lẫy, quyến rũ. Hạnh phúc này, em đã từng khát khao mong đợi đúng không? Anh sẽ làm tất cả để em thấy được hạnh phúc chưa bao giờ là muộn. Tình yêu chung thủy, được thử thách qua thời gian sẽ là tình yêu duy nhất. Em sẽ là cô dâu đẹp hơn tất cả các cô dâu người Mỹ mà anh đã tới dự đám cưới của họ. Em thích hoa cưới màu gì nhỉ? Tất nhiên là màu trắng rồi đúng không? Hoa hồng, hoa lay ơn hay hoa rum, hoa tulip? Mà thôi, anh thích em ôm bó hoa hồng trắng. Loài hoa có cả hương, cả sắc, tượng trưng cho tình yêu lãng mạn ngọt ngào. Em cũng đã viết trong nhật ký, trong các loài hoa, em yêu nhất hoa hồng đấy thôi. Em mặc váy cưới trắng. Còn anh sẽ mặc bộ comple, cài bông hồng trên ngực áo. Chuẩn bị xong mọi việc, chúng mình sẽ đi đến nhà thờ làm hôn lễ. Chúa sẽ chứng giám và ban phước lên đời sống hôn nhân cho chúng ta... ”. Vừa vẽ, Fred vừa thì thầm trò chuyện.

Trong ánh sáng của những ngọn nến tỏa hương thơm dìu dịu, vẻ đẹp giản dị, đoan trang thiếu nữ được tôn dần lên từng nét kiều diễm cuốn hút. Đôi mắt to tròn, lấp lánh vẻ hồn nhiên nổi bật trên khuôn mặt trắng hồng thanh tú. Hai bím tóc dài vẫn được tết gọn nhưng được cài thêm những bông baby. Và chiếc váy có những lớp ren hoa văn tinh xảo khéo léo được đính thêm những viên đá ôm bó sát tôn lên vòng eo nhỏ và những cong mềm mại. Chân váy được tạo hình xòe rộng gợi sự mềm mại thướt tha, tăng thêm vẻ yêu kiều quyến rũ của cô dâu. Đến nét vẽ cuối cùng, một vẻ đẹp hoàn hảo toàn bích đã vượt qua ranh giới của hiện thực. Sự sáng tạo nghệ thuật đã đẩy lên đỉnh cao của sự trác tuyệt và linh ứng. Bức họa chuyển động nhè nhẹ, mở ra không gian huyền ảo. Một nàng tiên lộng lẫy uyển chuyển bước ra. Fred đã sẵn sàng trong bộ comple trắng cùng cô dâu tới nhà thờ làm hôn lễ. Từng hồi chuông vang lên rộn rã. Tấm thảm đỏ rắc đầy hoa tươi và hai hàng nến sáng rực dẫn cặp đôi tiến về thánh đường. Giọng đức cha trầm ấm vang lên:

- Các con của Chúa đã về bên Người! Chúa đã công nhận các con là vợ chồng. Chúa ban phước lành cho các con hạnh phúc trăm năm! Hạnh phúc của các con là hạnh phúc của đời sống chúng ta. Amen!

Cả thánh đường tưng bừng lên trong tiếng nhạc du dương trầm bổng. Chú rể ôm sát cô dâu. Cả hai nở những nụ cười viên mãn hạnh phúc.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Trịnh Minh Hiếu

Tin xem thêm

Vong của lửa

Giải trí
27/04/2025 22

Lửa cháy rùng rùng. Tiếng phản lực gầm rú. Bầu trời rung lên như chiếc lập là. Những thân cây quằn quại gãy rạp cháy nham nhở. Những ngôi nhà tranh lúp xúp bỗng tung lửa ...

Truyện ma: Điệu nhảy thầy tu

Giải trí
27/04/2025 21

'Gái 2 con' Nhã Phương đọ bikini với dàn mỹ nhân

Giải trí
27/04/2025 14

Diễn viên Nhã Phương cùng Cao Thái Hà, Lệ Quyên... đều chọn đồ bơi nhiều khoảng hở, phô diễn body tối đa khi nghỉ dưỡng đầu hè.

Xuka thân gửi nụ hôn thương nhớ đến Nobita

Giải trí
27/04/2025 10

Thì ra là thế này =))

Nam diễn viên 'gà trống nuôi con' vui với cuộc sống bố đơn thân tuổi U50

Giải trí
27/04/2025 10

Hồ Quang Mẫn tận hưởng niềm vui nghệ thuật, hài lòng với cuộc sống 'gà trống nuôi con' bên cô con gái hơn 5 tuổi.

Lý Hải xây mới nguyên căn nhà, đốt cả rừng dừa trong ‘Lật mặt’ 8

Giải trí
27/04/2025 09

Đạo diễn Lý Hải đầu tư tiền bạc, tâm huyết để xây nhà, vườn tược và tái hiện cảnh bom đạn chiến tranh trong "Lật mặt" 8.

Phim của NSND Hồng Vân bất ngờ dừng chiếu, dàn diễn viên xin lỗi khán giả

Giải trí
27/04/2025 09

Tròn 1 tuần công chiếu, phim "Tìm xác: Ma không đầu" của NSND Hồng Vân, Tiến Luật, Đại Nghĩa bất ngờ thông báo rời rạp, doanh thu vượt 42 tỷ đồng.

Chiêm ngưỡng ngôi chùa Khmer 300 năm tuổi có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam

Giải trí
27/04/2025 07

Chùa Som Rong ở TP Sóc Trăng tồn tại hàng trăm năm nay, mang đậm kiến trúc của người Khmer. Ở đây có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam, thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Chàng trai nuôi nghé trong nhà, chăm sóc như thú cưng

Giải trí
27/04/2025 06

TRUNG QUỐC - Một huấn luyện viên thể hình ở Quảng Đông đã quyết định nuôi một con nghé 4 tháng tuổi, chăm sóc như thú cưng.


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media