Nuôi dạy con cảm tính, quá chiều chuộng hay quá khắt khe đều có thể hủy hoại hạnh phúc và tương lai của đứa trẻ.
Tiến sĩ, nhà trị liệu người Mỹ, Tracy Hutchinson, 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần và tâm lý học chỉ ra những sai lầm phổ biến cha mẹ gặp phải do cách giáo dục con.
Kìm hãm cảm xúc của trẻ
Trẻ em cần được thể hiện cảm xúc của mình. Khi cha mẹ nói ''đừng buồn quá'' hoặc ''không có gì to tát'', nghĩa là họ đang gửi đi thông điệp cảm xúc không quan trọng, nên kìm nén.
Nếu con bạn biểu lộ nỗi sợ hãi trong tình huống nào đó, hãy nói: ''Mẹ (bố) biết con đang sợ''. Sau đó, hãy hỏi con nghĩ điều gì sẽ giúp cảm xúc của mình tốt hơn. Cách này sẽ giúp con tự quản lý và đối phó với cảm xúc.
Luôn cứu con khỏi thất bại
Là cha mẹ, thật khó chấp nhận đứng nhìn con vật lộn với thách thức trong khi chúng ta có thể dễ dàng giúp. Nhưng hãy nghĩ nếu con bạn học kém, cho con lời giải bài tập về nhà sẽ chỉ phản tác dụng, vì bạn không thể ở trong lớp khi con tự làm bài kiểm tra.
Thất bại là một phần quan trọng của thành công. Nếu trẻ không có cơ hội học những bài học đi kèm thất bại, chúng không bao giờ phát triển được sự kiên trì cần thiết để đứng dậy sau thất bại.
Nuông chiều quá mức
Nghiên cứu cho thấy khi bạn tặng con bất cứ thứ gì chúng muốn, con sẽ bỏ lỡ các kỹ năng liên quan đến sức mạnh tinh thần, chẳng hạn tính tự giác.
Nếu muốn dạy con có thể đạt được bất cứ điều gì bằng nỗ lực, cần đặt ra quy tắc rõ ràng. Ví dụ, muốn xem TV phải hoàn thành bài tập về nhà hoặc muốn tăng tiền tiêu vặt phải làm việc nhà.
Mong đợi sự hoàn hảo
Cha mẹ nào cũng mong con đạt được những mục tiêu lớn và trở thành người giỏi nhất trong mọi việc. Nhưng mọi thứ không diễn ra như vậy. Đặt mục tiêu quá cao có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của đứa trẻ.
Xây dựng sức mạnh tinh thần cho con bằng cách đảm bảo kỳ vọng là thực tế. Ngay cả khi con không đạt được kỳ vọng, những thất bại chúng đối mặt vẫn dạy con bài học quý và cách thành công sau này.
Đảm bảo trẻ luôn thoải mái
Có nhiều điều khiến con bạn không thoải mái: thử món ăn mới, kết bạn mới, chơi môn thể thao mới, chuyển nhà và phải đến trường mới.
Nhưng cũng giống thất bại, chấp nhận những khoảnh khắc khó chịu có thể tăng sức mạnh tinh thần. Bạn nên khuyến khích con thử những điều mới. Giúp chúng bắt đầu, vì đó là phần khó nhất. Thực hiện được bước đầu, chúng có thể nhận ra nó không khó như vẫn nghĩ. Thậm chí, ta có thể giỏi việc đó.
Không thiết lập ranh giới giữa cha mẹ và con
Bạn không muốn con tự đưa ra quyết định, nhưng cũng phải cho chúng biết bạn là người nắm quyền chi phối. Ví dụ, nếu bạn đặt giờ giới nghiêm cho đứa con 12 tuổi của mình, hãy đảm bảo chúng tuân thủ giờ đó mỗi đêm (hoặc càng nhiều càng tốt).
Cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của ranh giới và sự nhất quán sẽ giúp con có tinh thần mạnh mẽ. Việc nhượng bộ và cho phép thương lượng các quy tắc quá thường xuyên có thể dẫn đến đấu tranh quyền lực giữa bạn và con.
Không chăm sóc bản thân
Càng lớn tuổi, chúng ta càng khó duy trì thói quen lành mạnh: ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, dành thời gian phục hồi. Hãy cố gắng vượt qua những khó khăn đó để dạy con sống tốt hơn.
Việc thực hành các kỹ năng ứng phó lành mạnh trước mặt con bạn cũng rất quan trọng. Ví dụ, nếu bạn căng thẳng về công việc, hãy cân nhắc nói với con: "Mẹ đã có một ngày làm việc rất mệt mỏi, và mẹ sẽ thư giãn với trà và một cuốn sách".
Tổng hợp nhiều nguồn