Thông thường vào mùa thu hoạch giá cà phê sẽ hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào. Nhưng năm nay, loại hạt này lại tăng không ngừng nghỉ giúp người trồng cà phê ở Tây Nguyên trúng đậm tiền tỷ.
Phiên giao dịch ngày 29/11, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 1/2025 vọt lên ngưỡng 5.565 USD/tấn. Mức giá này cao hơn kỷ lục cũ 38 USD, được ghi nhận vào ngày 26/9 là 5.527 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 3/2024 cũng tăng lên mức 323,05 cent/lb - cao nhất kể từ năm 1977 đến nay.
Ở các kỳ hạn giao xa, giá cả mặt hàng này cũng ghi nhận những biến động "điên cuồng". Điều này cho thấy, giới đầu tư cà phê thế giới đang dự báo về tương lai khan hiếm của loại hạt giàu vị đắng này. Và với cơn sốt giá trên toàn cầu lần này, nhiều chuyên gia cho rằng, cà phê sắp trở thành thức uống xa xỉ.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô cũng tăng không ngừng nghỉ. Đến sáng 29/11, loại hạt này đã vọt lên 131.200 đồng/kg - sắp chạm đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg ghi nhận hồi cuối tháng 4 năm nay.
Điều đáng nói, ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch. Thông thường, thời điểm này giá cà phê sẽ hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, năm nay cả giá cà phê tươi và cà phê nhân lại rủ nhau tăng mạnh.
“So với cùng kỳ năm ngoái, cà phê hiện tại đã tăng giá gấp đôi”, anh Nguyễn Văn Hoàn – nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk nói với VietNamNet. Anh cho biết, giá cà phê tươi năm ngoái chỉ 17.000 đồng/kg, còn cà phê nhân chưa đến 60.000 đồng/kg.
Hôm nay, nông dân hái cà phê bán tươi đã được trên 30.000 đồng/kg, cao hơn cả giá cà phê nhân của năm 2020. Còn nếu bán hạt thì giá đã lên trên 130.000 đồng/kg.
“Mức giá này dù bán cà phê tươi hay cà phê nhân thì nông dân đều lãi to”, anh chia sẻ.
Gia đình anh Hoàn có 5ha cà phê đang thu hoạch quả chín để phơi sấy. Tuy sản lượng năm nay sụt giảm so với năm ngoái do thời tiết không thuận lợi, song ước tính vẫn thu về khoảng gần 20 tấn hạt. Nếu bán hết với mức giá hiện tại, anh có thể thu về 2,6 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi khoảng 1,7 tỷ đồng.
Theo anh, nhiều nông dân vẫn “găm” hàng chưa vội bán ra. Riêng gia đình anh, thu hoạch được tương đối nên đã bán một phần phòng ngừa rủi ro giá đạt đỉnh rồi lao dốc mạnh như hồi tháng 4 tháng 5 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tạo ở Đắk Mil (Đắk Nông) cũng cho biết, giá cà phê vẫn tiếp đà tăng. Với sản lượng khoảng 27 tấn hạt cà phê thu được ở vụ này, ông ước tính thu về khoảng 3,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 2 tỷ.
Ở nước ta, năng suất cà phê ước đạt 3-5 tấn hạt/ha tuỳ loại và tuỳ khu vực. Giá thành sản xuất cà phê khoảng 40.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), tính toán, giá cà phê nhân tăng lên 125.000-130.000 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 85.000-90.000đồng/kg.
Nếu tính năng suất trung bình 4 tấn hạt/ha, chỉ cần trồng 3ha cà phê nông dân đã trúng tiền tỷ.
Các nhà rang xay trên thế giới cho biết, trong công thức rang xay phổ biến hiện nay, tỷ lệ phối trộn cà phê Robusta đã lên đến 30-40%, thay cho tỷ lệ trước đây chỉ 20-30%.
Điều này cho thấy, Việt Nam - nhà sản xuất và xuất khẩu Robusta hàng đầu thế giới, đóng vai trò quan trọng trong cơn sốt giá này. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết bất lợi với mưa lớn kéo dài đã làm chậm vụ thu hoạch và giảm chất lượng cà phê.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn cà phê, thu về gần 4,7 tỷ USD - mức cao kỷ lục lịch sử. Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ lực đều tăng mạnh. Trong đó, nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Philippines, Indonesia, Hà Lan… chi gấp đôi tiền để mua loại hạt này của nước ta.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết, sản lượng cà phê năm nay giảm không chỉ vì thời tiết mà còn do nông dân chuyển đổi sang xen canh các cây trồng khác như sầu riêng để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc. Do đó, nguồn cung cà phê ở nước ta cho xuất khẩu càng bị siết chặt hơn đã thúc đẩy giá cà phê trên toàn cầu tăng cao.
Lãnh đạo VICOFA cũng thừa nhận, nông dân Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức giá cà phê ở ngưỡng cao nhờ khả năng tự chủ tài chính và khả năng bảo quản cà phê lâu dài (trữ được từ 1-2 năm).
Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo, giá Robusta Việt Nam đang ở mức quá cao, khiến các nhà nhập khẩu phàn nàn. Trong thời gian ngắn, họ vẫn cần Robusta Việt Nam, bởi người tiêu dùng đã quen thuộc với hương vị. Nhưng nếu giá cao kéo dài, các nhà nhập khẩu có thể thay đổi công thức, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Ông cho rằng, mức giá khoảng 100.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích các bên và giúp cà phê Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Vietnamnet