Người đàn bà của dòng sông

29/12/2024 22:00
Ngày đang cạn.

Chiều xám mủn rơi xuống mặt sông chỗ nào là tắt ngay chỗ đó, không gắng gượng, không ngoi ngóp, hệt như những mẩu tàn thuốc lá bị ai đó vẩy xuống mặt sân lõng bõng nước trong một ngày mưa cuối mùa Ngâu.

Mấy hôm nay, ở làng Nổi, với Quyên đêm không đáng sợ bằng xế chiều. Lúc ấy, khi ánh sáng rút về trời gần hết, bốn bề khói nước dâng lên, đường viền ranh giới giữa mặt sóng và chân trời trước khi lẩn vào nhau bao giờ cũng xuất hiện một dải đất liền trong văn vắt, nhộn nhịp người xe, thấp thoáng bóng ai đó rất quen. Dải đất cuối chân trời ấy lửng lơ một thoáng rồi tan như khói thuốc. Đêm sập xuống, đẩy con người vào cảm giác chơi vơi, mọi sinh khí có được ban ngày bắt đầu rã ra lở tở, chỉ cần một cơn sóng nhẹ tạt qua là sụp xuống, trôi về phía biển như những hạt phù sa. Đã có lúc Quyên nghĩ hay mình cũng trôi như thế? Rồi lại tự bảo thôi vì biết rằng nếu chết, có biến thành phù sa thì cũng phải nương về bờ cũ... cái bờ của làng Nổi lúc nào cũng neo như thuyền trong tâm trí cô.

Hồi còn ở thành phố, ngày nào cũng thế, cứ tầm này, trước khi đi làm, Quyên lại lên đê nhìn về chân sóng. Và lúc nào, làng Nổi cũng đã chờ cô ở đó, lờ mờ xanh, bồng bềnh trên mặt nước. Đôi lúc còn thấy cả những chấm cải vàng. Bọn chúng cứ bình thản, cặm cụi trổ bông âm thầm giấu màu vàng trong xa khói rồi bất chợt một chiều nào đó, nếu có hứng, sẽ xôn xao ùa ra mép sóng cất tiếng gọi Quyên đang ở tận phía này. Những hôm như thế, đến mấy ngày sau Quyên vẫn còn đờ đẫn như người mất hồn và vì thế bị khách chửi, khách trừ tiền, thậm chí bị khách đánh nhiều hơn. Lần cuối cùng Quyên còn nhớ đang vuốt ve yêu chiều khách thì màu hoa cải đồng ùa vào ngập căn phòng ván bưng nồng sặc và nhơ nhớp dấu người. Cái mùi hoa the the mát quẩn quanh đâu đó làm cho Quyên tưởng mình đã về trên bãi, liền ngồi dậy, thả chân tìm con sóng quen trên nền phù sa non mềm như bột. Đến tận khi khách đạp vào mặt, ngã chúi, nghe máu mũi chảy xuống miệng xuống cằm mới chợt tỉnh, nhớ mình vẫn đang đi khách. Sau lần ấy, Giang bảo Quyên sao dạy bao lần vẫn không bớt ngu? Nghề của mình phải ranh, phải ác chứ dở bếch dở ngẫn như mày chỉ tổ bị chúng nó lấy cớ trừ đầu trừ đuôi rồi quỵt. Ngửa ra thì phải được tiền, chứ không thì không bõ rửa. Thôi có lẽ mày về cái làng ma ấy vài hôm, hít mùi sông mùi bãi cho tỉnh, lúc nào ra hồn người thì quay lại. Mà về cũng phải. Bầm dập thế kia chó nó thèm nhòm.

Thế là Quyên trở về với làng sau ba năm rũ chân khỏi sóng. Về với cái làng ở tít nơi sông chạm với trời... cái làng ngày nào cũng ngóng Quyên bằng con mắt buồn như màu hoa cải vàng một mình nở rồi một mình tàn trên bãi hoang chiều lộng gió.

***

Lúc ấy cũng vào xế chiều, một buổi chiều cuối đông có nắng duỗi về xuân nghe ấm, người đàn bà ở âu thuyền từng đưa Quyên lên bờ ngày trước ngạc nhiên hỏi chắc về có chuyện gì. Rồi lại lên ngay chứ? Mà chả lên thì ai ở? Mấy năm nay chưa thấy ai đi rồi quay lại. Người đàn ông đang phơi lưới phía mũi thuyền lẩm bẩm, Quyên nghe sướt qua tai. Hình như bảo không nhớ à, năm trước có hai người... Một lớn một bé... Cũng chiều xế như này... Nhưng trở lên chỉ một...

Quyên xuống thuyền. Vẫn ngồi chỗ đầu mũi sàn gỗ khuyết một miếng y như hôm đi, hướng mặt lại phía bờ. Chỉ khác hôm ấy có Giang kèm, đến chỗ này, chỉ quầng sáng trước mặt, Giang bảo thành phố đón mình đấy, rực rỡ chưa. Nghe tao, đi thì mới có tiền, mới thành người, chứ cứ ở mãi cái bãi hoang, húp nước sông, ăn khói sóng, rồi như bao người rủ nhau một đêm đi bằng hết. Bốn bề mênh mông thế chẳng biết giờ hóa kiếp thành bờ bãi nơi nào...


Tranh của nghệ sĩ Trà Giang

Ấy là Giang nhắc về cái đêm con lũ tràn qua Làng Nổi kéo hết trẻ già trai gái, nhà cửa, đất đai đang say ngủ đi theo, chỉ bớt lại một con bơn cát, lưng gồ lên, dập dồ trong nước như muốn lặn xuống bất cứ lúc nào. Buổi sáng tinh sương, Quyên cùng ông ngoại theo đoàn thuyền ngược dòng đi vớt cá bột trở về còn tưởng mình bị con sóng ngầm đêm qua đùa dẫn đến nơi nào bỏ hoang trong kí ức. Quyên không nhớ ai đó đã kéo mình, lúc ấy, nằm phủ phục, rũ nhàu trên mép bãi lên thuyền nhưng vẫn nhớ ông ngoại bảo khóc đi. Còn bao nhiêu nước mắt trả lại đây bằng hết rồi con theo mọi người lên bờ. Nhưng không hiểu sao, từ lúc ấy, Quyên không còn biết khóc. Nước mắt hình như lặn vào sông. Mà sông thì giấu bố mẹ, giấu các em, giấu làng Nổi của Quyên ngày xưa ở nơi nào đó như giấu những hạt phù sa.

Sau một đêm làng Nổi sót lại chưa đến chục người. Tay trắng. Chỉ duy nhất mỗi người một bộ quần áo đẫm sương, rã rượi ngồi gục đầu giữa con bơn ngậm nước vẫn đang trở mình giữa sóng và mấy con thuyền nhỏ đựng lồ cá bột. Một nồi cơm cúng chung. Không khói hương. Không đồ lễ. Không cả nước mắt. Chỉ có tiếng ông ngoại Quyên gọi qua sóng về phía biển: “Làng ơi!”.

***

Quyên ngồi trước mũi thuyền quay mặt về phía bờ. Mũ kéo xuống. Khăn áo dựng lên. Che kín cả hai con mắt. Chuyến đi dài ba năm ra thành phố, Quyên mang theo về cái mùi đàn ông gây gây ám trên da thịt ngửi chỗ nào cũng thấy, mãi không quen như Giang bảo lúc đầu.

Thành phố lùi lại đằng sau. Ánh sáng cũng đuối dần không lấp loáng hắt ngược lên soi mói nửa khuôn mặt tím bầm, Quyên nhắm mắt, nghe con sóng dưới chân mình đảo nghiêng liền bảo chị lựa về bên trái. Sóng ngầm này em thuộc lắm, rất hiền. Người đàn bà ngạc nhiên tưởng đi lâu quên rồi chứ?

Quyên cười: “Mẹ sinh em vào buổi sáng. Lúc ấy lưới về vừa mới rũ xong. Suýt không bước được lên bờ ấy chị. Đẻ rơi ngay mép sóng, chỗ đêm vừa bồi thêm phù sa. Mẹ bảo em khóc to lắm, giơ chân chòi đạp tứ tung thế mà chạm vào nước là im thít. Dòng ngầm chỗ ấy dữ nhất mà em còn thuộc. Hồi bé ngày nào chả ra bơi...”.

Làng Nổi của Quyên nằm chính giữa nơi quẩn dòng hội tụ phù sa của Lục Đầu Giang. Ông ngoại kể mấy trăm năm trước có một người dân chài qua đây, nhìn thấy đảo lúc bình minh mà cuối hoàng hôn mới tìm được cửa vào. Ấy là cửa phía tây ... cửa bây giờ hướng về thành phố ... còn lại ba bề hút mắt chân trời, nhìn nước lặng mà toàn vực ngầm. Đêm nằm trên đảo, thấy đất cựa dưới chân và nghe phù sa thở, sáng ra người chài ấy quyết định cắm sào ở lại, bắt đầu neo cái tên làng Nổi vào mênh mông sáu cửa Lục Đầu Giang...

Đêm xuống hẳn. Mặt người không rõ nữa. Đã nghe gió đảo ... nặng trĩu mùi phù sa chứ không nhẹ tênh hênh như gió phố. Quyên kéo khăn xuống, nghiêng má đón gió tạt ngang, ướp một lớp phù sa non lên nửa mặt tím bầm.

“Để chị chèo nhanh một chút. Tầm này chắc ông cụ vẫn chờ. Thi thoảng có việc đi ngang, chín mười giờ đêm còn thấy...”.

Ông cụ được nhắc đến chính là ông ngoại Quyên. Ngày Quyên lên bờ theo Giang, ông đưa ra tận ngoài lợi nước, rồi lấn quấn mãi không rời. Giang phải bảo ông yên tâm, con thấy được mới về dẫn nó đi. Chúng con sẽ có tiền ông ạ. Mà ông không biết đâu, trên ấy con cũng gặp người làng mình... những người bỏ đi từ trước khi làng mất ấy. Nhưng tứ tán, chẳng bao giờ tụ được về một chỗ nữa đâu ông...

Mái chèo đang khua bỗng chạm vào cái gì đó, chao nghiêng rồi khựng lại, Quyên bảo dòng ngầm đấy, cố vào là không ra được nữa... Thôi chị để em bơi. Đừng lo... Hôm nay nước ấm...

Người đàn bà mỉm cười nhìn Quyên nhoài người, mất hút vào trong sóng, một lúc sau mới nổi lên, vẫy tay, nói gì đó rồi lại ngụp xuống. Những vòng sóng cuồn theo thân hình như con rái cá, đuổi nhau nối tiếp về phía cái chấm làng đảo mơ hồ, xam xám cuối chân trời.

***

Hình như có tiếng lịch kịch. Quyên quay lại. Bãi trống không. Không còn thấy người đàn ông đang kéo con thuyền ngang sau lưng mình qua hoàng hôn nhuộm đỏ mặt người ra phía sóng để hỏi về thành phố có việc gì như hôm trước. Lúc ấy, người đàn ông lặng im, hình như khựng lại một nhịp rồi mới bước tiếp. Quyên không nhìn theo nữa mà cúi xuống ngắm hai hàng dấu chân mình cô đơn in một vệt dài trên đất bãi, bảo cái balo đâu? Quên à? Phải mang theo. Nếu không muốn quay về nữa thì khỏi mất công trở lại...

Im lặng thêm vài nhịp. Tiếng nước dềnh lên. Nghe mũi thuyền đằm xuống. Rồi lẫn trong tiếng sóng lóc bóc bên mạn gỗ tiếng càu nhàu hong nắng hống gió cả ngày chưa đủ mà giờ còn ngồi? Bụng dạ thế kia đêm đừng có bơi... Quyên định bảo nếu còn quay trở lại thì mai hãy tính, chiều nay gió đổi dòng, không phải người làng không tìm thấy lối vào đâu nhưng tận đến khi bóng thuyền trôi khuất lời dặn vẫn bị đè trong cổ, nếu có nói chỉ mình nghe.

Người đi mấy hôm nay rồi...

Làng Nổi bắt đầu chông chênh, hình như nghiêng hẳn về phía sau con bơn cát. Chỗ ấy, dưới khóm tre gai còn sót lại sau đêm lũ ngày trước có hai nóc nhà. Nhà Quyên và ông ngoại choài ra phía trước kiểu gì cũng không che được cho mái sau bớt gió. Bà cụ Toán đang nổi khói chiều, cái lưng còng gập ngang mặt đất vừa nhô lên qua khung cửa, Từ chỗ này nhìn lại, bao giờ Quyên cũng chỉ nhìn thấy mỗi cái chỏm lưng của bà cụ. Lúc đầu, nó cao ngang tầm với cái bóng lẫm chẫm, bây giờ thấp hơn nhiều. Cái bóng ấy ban ngày theo Quyên khắp đầu mom cuối bãi nhưng cứ chiều tối bao giờ cũng chằng chằng bám gấu áo bà như một cái đuôi.

Bà cụ Toán gọi đó là cái đuôi thành phố.

Nó là một đứa con gái ... một trong hai người lên thuyền trở về làng rồi bị bỏ lại ngày nào.

***

Quyên trở về làng Nổi lúc ấy chớm vào đêm. Đảo chìm trong bốn bề sóng. Nghe rõ tiếng trẻ con khóc nhưng không biết từ hướng nào. Thoạt đầu, Quyên tưởng tiếng bọn trẻ trong làng theo con lũ đi đêm ấy, giờ hóa thân thành phù sa về ngủ quanh chân sóng vì nghe cả tiếng ru của một người đàn bà nào đó. Cái tiếng ru ời ợi ... những âm thanh già và cằn cỗi hệt như tiếng bà ru Quyên ngày xưa. Mà ở làng, ngày Quyên theo Giang chỉ còn mỗi mình ông ngoại. Ông bảo phải có một người ở lại, tiếp tục cắm neo làng Nổi để những linh hồn phù sa còn có chỗ đi về.

Quyên bỏ túi vải đựng đồ xuống bãi, trút bỏ tất cả rồi cứ thế, mình trần, chuồi xuống, thả mình đằm trên mép sóng. Nếu tắm hàng ngàn đêm may ra cái mùi đàn ông thành phố gây gây mới nhạt dần đi trong nước, da thịt mới trở về cái vị mềm ngọt phù sa. Giang cười khẩy bảo Quyên chỉ còn cách ấy khi nghe Quyên nói bốn bề hôi hám quá muốn về sông.

Quyên tin lời Giang...

Và bắt đầu hàng ngàn đêm như thế...

Tiếng trẻ con khóc rõ dần ra mép sóng. Cả tiếng bước chân người. Chắc và đậm chứ không mơ hồ. Quyên giật mình nhìn lên. Một bóng đàn ông đang lúi húi thả cái gì xuống mặt sông. Hình như một đứa trẻ. Quyên giật mình. Tiếng khóc chạm vào nước tắt lịm. Quyên choàng dậy, nhoài vun vút vào bờ, giật đứa bé đang nửa nổi nửa chìm từ tay người đàn ông ấy.

“Làm cái gì thế? Là người hay ma?”.

Người đàn ông đứng thẳng dậy, thản nhiên nhìn Quyên một lượt từ chân lên đến đầu.

“Tôi cũng muốn hỏi câu ấy. Nhưng chắc cô là ma vì không quen mặc quần áo như người”.

***

Đến tận bây giờ Quyên vẫn nhớ cái cảm giác khi ôm đứa bé trước ngực mình. Nó ấm và ngọ ngoạy. Hiển nhiên nó là người, tuy ướt sũng và bắt đầu khóc ré lên, tỏ ý muốn chuồi lại nước. Người đàn ông giằng lấy đứa bé, lại lúi húi thả xuống cho nó quẫy đạp, rồi không ngẩng lên bảo Quyên chắc mới ở trại thần kinh nào sổng ra nên nửa đêm bơi ra đây tắm. Làng Đảo này vào khó ra khó, chết nổi lúc nào không biết đâu. Quyên quặc lại bảo trả đứa bé cho tôi. Nửa đêm mang trẻ con ra sông dìm không dân ngáo đá cũng giết người hàng loạt. Nên nhớ, tôi là người làng Nổi, chỉ cần túm chân, lặn một hơi là sáng mai xác ông trôi về biển. Giời tìm.

Người đàn ông hình như hơi ngạc nhiên, lặng im một lát rồi lẳng lặng đứng lên, bế đứa bé quay ngược về bơn cát.

Chỗ ấy, dưới bụi tre gai là nhà Quyên. Ngày Quyên đi, đó là căn nhà duy nhất trên đảo ông ngoại dựng lại sau đêm lũ. Có nhà, có hơi người phù sa nhanh bén rễ, đảo mới đứng yên. Biết đâu sau này...

***

Nhưng đêm đó, điều khiến Quyên bất ngờ là cạnh nhà mình, lui xuống phía sau một chút còn có thêm một ngôi nhà nữa. Nhỏ hơn. Cũng vách tre, lợp lá gồi và vẫn sáng đèn. Ánh sáng từ trong hắt ra soi rõ cái bóng lưng gù hệt như dấu hỏi giữa nền đêm. Cái bóng đứng ngay bậu cửa ngóng về phía sông, nơi Quyên đang hớt hải ôm túi đồ, cắm cổ đuổi theo tên giết người hàng loạt, nước từ tóc, từ quần áo vừa mặc vội vẫn nhỏ tong tong trên cát.

Ngay lập tức Quyên nhận ra ai...

Nghe gọi tên mình, cái bóng cố ngẩng đầu lên hỏi đứa nào? Quyên gào vang cả đảo con Quyên đây bà ơi rồi sấn đến giằng đứa bé trên tay gã đàn ông, chạy vội về phía cửa, lặp lại con đây, Quyên đây bà ơi!

Bà cụ túm chặt lấy tay Quyên. Chừng như lạ, bảo mày về có chuyện gì? Quyên cũng ngạc nhiên hỏi bà cũng lên bờ rồi cơ mà? Đứa bé này ở đâu ra? May quá, có con chứ không nó bị người ta dìm chết rồi. Bà lui vào trong đi. Đừng sợ...

Quyên đẩy bà cụ vào rồi quay ra, đứng chắn ngang khung cửa. Chợt giật mình...

Trước mặt Quyên chỉ còn một khoảng trống không đầy gió.

Người đàn ông không còn ở đấy nữa. Nhưng Quyên chắc gã đi về phía đông làng đảo. Vì ở đấy, theo hút những dấu chân đến đầu mom cát, có một cái bóng dài đổ xuôi theo phía bình minh bắt đầu lên.

***

Mặt trời xuống hẳn. Quyên đứng dậy, lùi sâu vào phía trong một đoạn. Nghe tiếng nước róc rách biết thủy triều về, chảy theo con mương nhỏ vào ruộng. Cứ thuận nắng thuận gió, ngày mai lúa sẽ cúi đầu, sẽ đổi sắc từng ngày và chắc chỉ cuối tuần sau được gặt. Rồi sẽ nghe trong gió, tiếng ông ngoại Quyên lặp đi lặp lại lần đầu tiên sau mấy mươi năm tao mới ngửi thấy mùi lúa chín. Lần đầu tiên sau mấy mươi năm...

Đứa bé trong bụng Quyên thức giấc. Nó bắt đầu xoay xở nhào lộn trong khoảng không chật hẹp của mình. Nó sẽ là một đứa con trai, sẽ là người đàn ông thứ ba của đảo. Quyên nhớ lời người ấy nói, cười buồn. Gã đi rồi. Trở về thành phố. Từ nơi ấy, gã ra đi và nếu không trở lại đảo thì cũng chẳng có gì là lạ. Làng đảo không đủ sức và Quyên cũng không có ý giữ chân.

***

... Lúc ấy sắp bình minh...

Ông ngoại nghe tiếng Quyên, lật đật chân thấp chân cao ra đón. Hai ông cháu gặp nhau giữa lưng con bơn cát đầy ngập gió. Ông xoa lên tóc, lên mặt Quyên, bảo ờ con này lớn. Mấy năm rồi không tin tức. Sao về không báo trước? Mà lại lúc nửa đêm? Bao giờ lại đi? Chắc trên ấy kiếm được nhiều tiền lắm hả? Quyên không che nửa gương mặt tím, cũng không lau nước mắt vì biết ông không nhìn thấy. Ông ngoại lòa thật rồi. Nhìn căn nhà thông thống gió vào cát ra, đôi lọ con đựng nước, cái bếp nguội và thạp gạo trơ đáy sành, Quyên bảo con về hẳn. Kế sau ông, làng Nổi phải có người. Mà con mua quà cho ông. Quà thành phố.

Quyên mở cái túi vải ướt sũng nước, lấy ra cái gói nilon nhỏ. Ông ngoại rờ tay lên nó hỏi quà gì? Quyên nhìn xuống, đôi bàn chân ông đen đúa và gân guốc như hai khúc rễ cây, lúc nào ngón chân cũng bám sâu vào đất bảo đôi dép đấy ông. Con mua vì chưa thấy ông đi dép bao giờ. Bàn tay ông sững lại, tần ngần... Rồi ông bảo không hiểu sao mấy năm nay làng vẫn lở. Đêm nào cũng nghe đất ùm ùm nhao theo sóng mà đi. Chỉ sợ một lúc nào đó, hơi người nhạt dần, làng trôi. Vì thế, chân người dân làng Nổi phải đặt trực tiếp lên phù sa, ủ đủ ấm rễ phù sa mới bén...

Nghe ông nói thế Quyên mới sực nhớ gã đàn ông mình gặp lúc nãy ngoài cửa tây với hai bàn chân trần in trên mặt cát. Chắc chắn gã không phải là ma vì cái bóng đổ dài xuôi chiều ánh sáng. Ông ngoại bảo ờ nhắc mới nhớ, chẳng biết tên là gì. Tao gọi nó là thằng đất liền. Mày đi được mấy tháng thì nó đến, bảo ông cho con cắm nhờ sào. Con lại đi chứ không cố định. Tao hỏi nó sao bỏ bờ. Trông bộ dạng cũng đàng hoàng không phải kiểu giết người bị truy nã. Nó cười ha ha bảo ông ơi, con từng có nhà, có vợ, có cả công ti nhưng bị lừa hết cả. Con hận, muốn tránh người, kiếm con thuyền, xuống nước lang thang.

Gã ghét đàn bà. Quyên nhận ra điều đó qua ánh mắt. Hệt như Quyên ghê tởm lũ đàn ông với những ngón tay chạm vào da thịt Quyên trong đêm như những con bọ nhơm nhớp. Thuyền của hắn cắm ở cuối đảo, phía cửa đông - cửa trôi ra biển. Cũng đầy đủ đồ nghề lưới vó te chài. Nhưng là bộ đồ nghề của ông ngoại. Quyên phát hiện ra khi chiều hôm đó ghé chái bếp lấy đồ định đi mẻ lưới đêm. Ông ngoại bảo tao đưa thằng đất liền mấy năm nay. Tại mắt mũi tao như này giờ chỉ quẩn quanh mép sóng. Quyên bảo để con đi đòi lại. Giờ con về, tất cả phải trả con.

Lúc ấy là sẩm tối. Cửa đông đi ngủ sớm hơn để sáng mai thức dậy kịp giờ. Thuyền của gã đắp lưới, hình như cũng ngủ, gối đầu lên bãi. Quyên gọi, nhưng không ai trả lời. Quyên bảo tôi ra lấy bộ đồ đi lưới của ông tôi. Ngày mai, anh đậu thuyền sang cửa tây. Trả lại cửa này. Chỉ có tôi mới được cắm thuyền ở đây. Người làng từ biển về, lên từ cửa này anh hiểu chứ.

Quyên tiến gần đến con thuyền, định thò tay nhặt tấm lưới thì nghe tiếng quát. Bảo để im đấy. Đừng có chạm tay vào thứ gì trên thuyền. Tôi chúa ghét hơi đàn bà ám. Quyên giật mình, quay lại. Gã hình như vừa từ dưới cát chui lên, trần không mảnh vải, nhem nhuốc phù sa. Chả thèm che đậy, cứ thế thồng thỗng, lặp lại bảo cô tránh ra, tôi chúa ghét hơi đàn bà ám. Quyên bảo sao hợp thế. Tôi cũng ghê nhất giống đàn ông. Rồi thấy gã có vẻ ngơ ngơ liền chỉ vào mặt mình bảo nhìn đi, thấy chưa, dấu tích đàn ông mang từ thành phố về đấy. Giờ trả đồ, tôi đi lưới đêm nay. Tiện thể nói luôn: Tôi cấm anh thả lưới ở phía kia. Chỗ ấy khuất gió, cá vào đấy đẻ rồi mới theo sóng đi khắp nơi.

Gã khinh khỉnh lướt qua trước mặt Quyên bảo vô ơn. Cả cái đảo này mấy năm qua trông cả vào tôi. Gạo nước mắm muối, cả áo quần cho con bé con một tay tôi cả đấy. Vừa mới về đã lên mặt. Đòi đuổi cơ... Cô bảo mặc quần áo vào á? Tôi ở chỗ này, tắm mặc hay cởi là quyền của tôi, sao phải quản? Chỉ có mỗi ông cụ lòa và bà lão kèm nhèm. Còn con bé con, bằng tầm này sang năm, nó lên ba thì không cần phải dặn. Gã còn hỏi bao giờ cô về lại phố? Thấy ông bảo cô đi kiếm tiền. Rồi nhìn Quyên một lượt bảo trông nuột thế này, muốn lừa thằng nào là thằng ấy vào tròng. Về đảo chắc chỉ là đổi gió.

Không hiểu sao lúc ấy Quyên lại khóc. Cứ đứng đờ ra, nghe nước mắt chảy xuôi xuống má, xuống cằm mà không sao giơ tay lau đi được. Quyên nhớ cái ngày đi bảo ông chờ con có tiền sẽ mua quà cho ông. Nhớ đôi dép ông ôm trước ngực. Nhớ bàn chân ông như hai gộc rễ cây... Rồi ngồi thụp xuống bên mép sóng, gào tên từng người làng. Bảo về đi. Quyên cũng về đây rồi. Ba năm rời làng đi chỉ để làm gái, nhơ nhuốc đủ, giờ Quyên về neo lại làng, mọi người cũng về đi.

Cả đêm ấy, hình như gã ngồi phía xa, chắc để trông chừng. Phòng khi Quyên tự tử. Mãi sau này mới thú nhận điều đó, bảo lúc ấy không biết Quyên là cái giống không thể chết dưới nước mà chỉ có thể chết trên bờ.

***

Quyên dẫm trên mép sóng, đứng ngẩn ngơ cạnh bà cụ gù đang bỏ mặc con bé cháu nội ... cái đuôi thành phố của bà cụ ... bơi như cá dưới chân. Quyên về gần một năm, con bé giờ gần ba tuổi. Không khóc đêm nữa nhưng ngày nào cũng đòi ra tận lợi nước tắm phù sa.

“Ngày con đi, bà vẫn chưa về. Thế nên đêm ấy mới bất ngờ bà ạ. Con cứ nghĩ ở đảo chỉ còn một mình ông ngoại! Ở làng, bà là người theo con trai lên bờ sớm nhất, con nhớ mà... ”

“Ừ! Mãi sau này bà mới nghe tin con lũ. Cứ ngỡ sau đêm ấy không còn ai nên bảo phải quay về, có hơi người mới giữ được đất, giữ cái chỗ cho người làng tụ lại... Nào ngờ về được vài tháng thì bố nó mang con bé này ra... Thằng bố nó làm cái gì to lắm. Mà thất đức. Ham đứa con giai nên lòng thòng kia kia nọ nọ. Lúc đẻ ra là con gái, không chu cấp đầy đủ nên mẹ nó giả để đi lấy chồng. Ngày mang con bé này về nó bảo con còn sự nghiệp của con, nếu u không nuôi hộ, con cho người đưa vào trại trẻ mồ côi. Thế là bà chửi, cấm cửa luôn. Bảo cái giống anh tốt nhất đừng vác xác về làng lần nữa. Nếu còn về tôi đem anh ra khấn tế thần sông...”.

Quyên cười bảo tại bà nói thế nên anh ấy mới chẳng quay về. Mà bà thấy lạ không? Con bé mê sông hệt như con ngày nhỏ. Bà cụ gật đầu bảo cái đêm con về là nó đang ăn vạ. Anh ấy phải mang nó ra cho vầy nước mới yên. À mà mẹ con mày cũng sắp đến ngày nằm ổ. Hôm qua, bố nó bảo bà chuẩn bị. Trông cái bụng xuống thế kia thì chục ngày nữa là cùng.

Bà cụ túm con bé cháu chắc nịch như nắm cơm lên bờ, dắt nó đi về phía vồng cải đang ngỏng cao lên ở mom đất đầu làng. Đến khi chỉ còn thấy cái đầu con bé và cái lưng bà cụ nhô lên trên nền xanh lá mới hình như chợt nhớ, tiếng từ đấy vọng ra: “Ngồi một tí rồi về. Từ hôm nay đừng có tắm đêm. Thằng bố nó trước khi đi bảo thế!”.

***

“Thằng bố nó” mà bà cụ và ông ngoại Quyên hay nhắc đến chính là gã.

Quyên quay đầu nhìn mãi cái lưng gù và chỏm tóc nhấp nhô giữa vồng lá cải đang xuống màu thẫm lại dưới hoàng hôn. Chắc chỉ tháng sau thôi cải sẽ trổ ngồng, Quyên sẽ có một vồng hoa vàng bao quanh con bơn cát. Quyên nhớ lúc nói điều này gã vẫn im lặng như bao nhiêu lần khác, lúc rời đi vẫn quăng vào mặt Quyên hai tiếng “Điên rồ!”, hệt như lần đầu tiên thấy Quyên chân trần nhưng tùm hum khăn áo, lôi từ thuyền gã lên đống cuốc xẻng đồ nghề. Hỏi cô bảo tôi mua để làm gì với đống đồng nát? Chắc để đào huyệt. Ma nước như cô chắc chỉ giỏi đào huyệt. Nhưng trước tiên phải cầu tôi chết mới có việc làm. Mà cô về cả tháng, chân tay phơi nắng thế mà không héo nhỉ. Quyên nhìn về phía gã, thờ ơ như nhìn chỗ không người bảo sáng ra đừng gây sự. Không nghe lời ông dặn tôi đã tống cổ anh khỏi đảo lâu rồi.

Quyên cầm cái xẻng, xúc những xúc đầu tiên. Cát ngậm nước. Nặng và trầy trật. Gã hỏi cô định làm gì? Quyên nói đào con mương dẫn nước, được chưa? Để làm gì á? Để trồng lúa. Đêm qua tôi nằm mơ ông ngoại đưa cho tôi một bát đầy cơm.. Tôi thèm cơm... Gã có vẻ ngạc nhiên bảo tôi vẫn vào bờ đổi gạo đấy thôi. Muốn cắt đứt hẳn với bờ, không muốn phụ thuộc vào tôi nữa chứ gì. Rồi nhìn đi nhìn lại mấy lần khoảng cách chỗ Quyên đứng về phía con bơn cát, buông hai tiếng: “Điên rồ!”. Quyên bảo anh đúng, tôi mới trốn viện về. Giờ anh đi còn kịp. Tốt nhất là về thành phố còn nếu còn thích phiêu du thì sang đầu đảo kia mà ở. Đừng ám. Việc ai nấy làm.

Nước bắt đầu ri rỉ trườn vào hõm cát. Nước nén cát chặt, hất lên đã nặng tay hơn. Quyên thì thầm nói chuyện với ông ngoại, bảo ông ơi, con sẽ đào một con mương. Sẽ cấy lúa. Sẽ gieo cải. Sẽ nuôi một con chó. Nó sẽ chạy khắp đảo. Sẽ sủa vang đón con ngoài lợi nước trở về. Con phải cấy trồng cho đảo bén rễ để có ngày lớn lên như làng Nổi ngày xưa.

Quyên vẫn thì thầm kể chuyện với ông Ngoại - người đang mỏi mòn chờ nước từ mương của Quyên về để nhìn lúa lên cây.

Quyên hất thêm một xẻng cát. Rồi thấy trời xanh trên đầu chao ngược xuống, ập lên ngực mình. Mặt trời tắt ngúm. Đêm chụp chặt lấy đầu như cái túi nilong đen, không thở nổi. Lúc mở được mắt ra, Quyên thấy gương mặt con bé con ghé sát. Thấy gã. Hình như lo lắng. Và nghe tiếng bà lão.

Từ lúc ấy, Quyên phát hiện mình mang theo một mầm sống thành phố trong người...

***

“Ngày mai tôi về thành phố. Chắc phải tối mới về”.

Như thường lệ, gã im lặng nhìn Quyên, chờ câu thứ hai.

“Tôi không thích đứa bé. Sẽ bỏ nó”.

“Điên rồ!”

Gã đứng lên, quăng vào mặt Quyên hai từ quen thuộc rồi nhảy xuống con mương sấp sảnh nước, tiếp tục hất lên những xẻng đất.

Đất, cát và nước lộp bộp rơi quanh chỗ Quyên ngồi. Quyên nghe gã bảo chỉ mấy tháng nữa là cấy lúa, là gieo cải. Gieo cấy xong thả trẻ con ra, tha hồ nuôi đất ấm. Bỏ cái ý nghĩ ngu xuẩn ấy đi. Điên rồ! Quyên bảo tôi bỏ làng đi ra phố làm gái điếm. Tôi còn không biết bố nó là ai nhưng tôi căm thù kẻ cuối cùng tôi tiếp. Hắn đánh tôi chỉ vì tôi đang phục vụ hắn mà lại chợt nhớ làng.

“Chỉ thế thôi?”

“Khi không muốn thì bỏ. Không tiếc. Như anh bỏ thành phố...”

“Tôi khác. Khi vợ tôi nhẫn tâm làm kovax đẩy đứa con bẩy tháng tuổi của tôi ra khỏi bụng để đi với người đàn ông khác nhiều tiền hơn thì lại khác. Tôi hận mình không giữ nổi nó. Nếu con gái tôi còn, giờ tôi cũng cho nó lên đảo ở với cô”.

Quyên lặng im, nghe tiếng đất ướt vẫn lộp bộp rơi quanh chỗ mình ngồi.

***

Đêm xuống hẳn. Bốn bề bỗng dưng yên tĩnh cả. Gió ngừng bất chợt thế này, sau đó quẩn rồi đổi hướng, đổi cả dòng chảy cửa sông. Sóng sẽ đảo ngầm. Sẽ lại làm đất lở. Quyên lom khom lần vòng quanh đảo, chạm tay vào nhưng mầm măng đang nhú dần lên, vuốt ve những chân măng âm ấm, nựng nịu. Những mầm măng tách từ bụi tre gai trên con bơn cát. Gã bảo cô thấy không. Tre gai giữ đất. Vì thế mới còn làng. Tại sao chỉ lo trồng lúa, mơ màu hoa cải mà không thông minh ra làm thêm lũy tre gai. Ý tưởng này chỉ có những cái đầu hơn người mới có. Quyên bảo ừ hơn người. Thế sao không nhắc bao nhiêu lần trồng bấy nhiêu lần sóng giật đi bằng hết? Sao không kể chuyện ai phải ôm từng mầm cây, chờ những đêm con nước đem phù sa non đắp lên bãi mới đặt xuống. Lúc ấy, phù sa non mới giữ rễ, không rời. Gã cười, không trả lời mà nhìn bụng Quyên tròn vo sau lần áo, bảo đứa bé sẽ là con trai. Rồi sẽ giống tôi. Sẽ thông minh chứ không ngơ ngác, ngẩn ngơ như mẹ. Quyên vẫn lặng im. Xa cách. Không tiếp lời gã. Như mọi khi.

... Bây giờ gã đi rồi. Mãi không quay trở lại. Nhưng con mương bao nhiêu đêm gã giúp Quyên đào vẫn đang róc rách chảy. Sau vụ lúa đầu tiên là vụ cải vàng...

Đêm nay, Quyên vẫn chờ gã ở cửa sông phía tây. Thủy triều bắt đầu lên. Nước ngang ngực rồi đến cổ. Phù sa non, ngọt như sữa lúa mới ngậm đòng.

Có dòng thủy lưu ấm từ phía đông đang lững thững quay về. Một hạt phù sa lướt qua tay Quyên, chuồi xuống, cắm chân vào cát...

Rồi một ngày nào đó, hạt phù sa ấy sẽ kể cho Quyên nghe về vụ đắm thuyền hai đêm trước. Người đàn ông chìm trong cơn sóng dữ, trong chính khoang thuyền lật úp của mình với lỉnh kỉnh thuốc men, sữa bỉm, áo quần phụ nữ và trẻ con. Hạt phù sa ấy bảo, trước khi theo dân làng Nổi trôi về phía biển, gã đi mua đồ cho vợ gã, chờ sinh...

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Nguyễn Hải Yến

Tin xem thêm

Tích mỡ cả năm chờ mùa đông

Giải trí
01/01/2025 16

Diễn viên Lý Hùng: Tết này tôi có hai vợ

Giải trí
01/01/2025 14

Diễn viên Lý Hùng khoe về vai diễn mới của mình trên phim "Phòng trọ ma ám". Trong phim này anh có 2 vợ do NSƯT Kim Tuyến và Quỳnh Lam đóng.

Cục Điện ảnh rà soát nội dung liên quan đến Việt Nam trong 'Trò chơi con mực 2'

Giải trí
01/01/2025 10

Cục phó Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt trả lời VietNamNet về những tranh cãi liên quan đến bom tấn Hàn Quốc "Trò chơi con mực 2" đang gây sốt toàn cầu nhưng được cho là "động ...

Thu Trang ‘tất tay’ với phim Tết, hướng dẫn diễn xuất cho hoa hậu Thiên Ân

Giải trí
01/01/2025 10

Đảm nhận 3 vai trò đạo diễn - nhà sản xuất - diễn viên, Thu Trang khẳng định sẽ “tất tay” với dự án phim Tết "Nụ hôn bạc tỷ”. Cô dành thời gian hướng dẫn, kết nối 3 diễn ...

Hồ Hoài Anh đã tha thứ cho chính mình

Giải trí
01/01/2025 09

Không phải một tuyên ngôn lớn lao, ca khúc "Trầy xước" là tiếng lòng của Hồ Hoài Anh sau những thăng trầm.

Công việc cuối năm

Giải trí
01/01/2025 08

Kền kền đâm thẳng vào buồng lái, máy bay hạ cánh kỳ diệu

Giải trí
01/01/2025 06

Một chiếc máy bay hạng nhẹ đang di chuyển từ Envira đến Eirunepe, thuộc tiểu bang Amazonas, bất ngờ bị kền kền đâm vỡ kính chắn gió phía trước.

Bài thực hành đạo đức

Giải trí
31/12/2024 22

Linh vừa đến cổng trường thì hồi trống báo vào lớp cũng vừa vang lên. Vào học được gần ba tháng rồi, hôm nay là buổi đầu tiên Linh đi sát giờ như thế, chỉ tại đoạn đường ...


Cơ quan quản lý trang thông tin điện tử: TỔNG CÔNG TY TRUYỀN THÔNG VNPT-MEDIA
Địa chỉ: Số 57A phố Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
ĐKKD: 0106873188 do Sở KH-DT cấp ngày 12/06/2015
Giấy phép trang tin điện tử số: 822/GP-TTĐT do Sở TT-TT Hà Nội cấp ngày 02/03/2017
Email: vnptmedia@vnpt.vn - Điện thoại: 0437722728 - Fax: 0437722733
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Vũ Trường Giang - TGĐ VNPT Media