Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội,...
Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đối với các địa phương ở khu vực miền núi quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Tại vườn hoa công nghệ cao (Bắc Hướng Hoá, Quảng Trị)
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã triển khai có hiệu quả các đề tài, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm hỗ trợ nông dân trong tỉnh, đồng bào DTTS&MN sản xuất, canh tác để tạo ra hàng hóa sản phẩm chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Làm tốt nhiệm vụ "đỡ đầu"
Theo quyết định của UBND tỉnh, Sở KH&CN được phân công địa bàn đỡ đầu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Thời gian qua, Sở đã phát huy hiệu quả hoạt động của Trạm Nghiên cứu KH&CN Bắc Hướng Hóa tại 2 cơ sở.
Đến nay, sở đã làm chủ và sẵn sàng chuyển giao các quy trình công nghệ như: sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và sản xuất thương mại lan hồ điệp, lan nghinh xuân, dâu tây, hoa đồng tiền lùn, hoa hồng môn, cát tường và một số loại cây lá cảnh khác; sản xuất cà chua cherry; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng khảo nghiệm lan kim tuyến, khảo nghiệm cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa;
Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thâm canh, chăn nuôi gà bản (gà Cu roang) an toàn sinh học và phát triển giống gà bản địa; sử dụng các loại chế phẩm vi sinh vật sản xuất phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất.
Đã tổ chức đào tạo cho người dân về kỹ thuật trồng hoa, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, chăn nuôi gà bản, chuyển giao quy trình trồng hoa lyli thương phẩm cho một số hộ dân ở xã Hướng Phùng, Tân Lập và thị trấn Khe Sanh.
Đặc biệt, từ nguồn vỏ cà phê sau chế biến bị vứt bỏ gây ô nhiễm môi trường, Sở KH&CN đã tiến hành phân lập, tuyển chọn các loại vi sinh vật bản địa sản xuất chế phẩm vi sinh vật xử lý vỏ cà phê thành phân hữu cơ. Sở cũng xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê với hệ thống dây chuyền, nhà xưởng sản xuất phân tại HTX Công Bằng Sa Mù, xã Hướng Phùng phục vụ người dân trồng cà phê.
Sở cũng đã triển khai nhiệm vụ “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất, chế biến chanh dây thành phân hữu cơ tại huyện Hướng Hóa” (thời gian thực hiện từ tháng 10 - 12/2023).
Tích cực triển khai các đề án, dự án
Năm 2021, UBND tỉnh giao Sở KH&CN chủ trì thực hiện Đề án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Thực hiện đề án, sở đã tổ chức 60 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về ứng dụng các loại chế phẩm vi sinh vật vào sản xuất và đời sống cho 1.800 lượt người tham dự; tổ chức sản xuất và cung ứng trên 56,5 tấn chế phẩm vi sinh vật các loại cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, đề án đã hỗ trợ chế phẩm Pro-QTMIC và BioQTMIC cho người dân chăn nuôi ở các xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa), xã Mò Ó, Ba Lòng (huyện Đakrông) ứng dụng vào xử lý môi trường chăn nuôi, cải thiện hệ tiêu hóa vật nuôi giúp giảm chi phí thức ăn.
Với dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị”, Sở KH&CN đã xây dựng thành công mô hình thử nghiệm trồng thuần 1 ha chuối tiêu hồng bằng giống nuôi cấy mô tại xã A Ngo, huyện Đakrông.
Mô hình cây chuối tiêu hồng nuôi cấy mô phát triển tốt, rút ngắn thời gian thu hoạch, thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 11-12 tháng, năng suất trung bình 40 tấn/ha, cho lợi nhuận trung bình từ 80 - gần 100 triệu đồng/ha.
Thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình canh tác theo hướng hữu cơ và chế biến đậu đen xanh lòng nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa” tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông với năng suất đạt 11,28 tạ/ha (vụ hè thu) và 15,06 tạ/ha (vụ đông xuân);
Hoàn thiện quy trình và sản xuất thành công sản phẩm chế biến sâu trà mầm đậu đen xanh lòng và bột dinh dưỡng đậu đen xanh lòng; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như hoàn thiện bộ nhận diện sản phẩm và tổ chức thương mại sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, bao bì nhãn mác và thương mại rượu men lá Ba Nang...
Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng và người dân các DTTS ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo Vietnamnet