Để có những trái vải tươi, ngon, sạch đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính nước ngoài, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) phải trải qua một quy trình chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến bảo quản.
Huyện Lục Ngạn có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước với hơn 17.300ha, là cây trồng chủ lực của địa phương. Suốt 20 năm qua, sản phẩm này đã trở thành niềm tự hào đối với mỗi người dân huyện, góp phần không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương…
Để có những trái vải tươi, ngon, sạch đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính nước ngoài, vải thiều Lục Ngạn đã trải qua một quy trình chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến bảo quản. Các công nghệ bảo quản sau thu hoạch tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel… đều được áp dụng để trái vải tươi ngon đến tận tay người tiêu dùng từ trong nước đến quốc tế.
Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 5 nước gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, Bắc Giang cũng đang xúc tiến hồ sơ để đăng ký bảo hộ sở hữu nhãn hiệu cho vải thiều Lục Ngạn tại Mỹ, Australia, Malaysia, Singapore và một số nước khác. Sản phẩm ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò, là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân ở Bắc Giang.
Anh Ngô Văn Hùng (dân tộc Nùng) trồng 2ha vải chuyên xuất khẩu tới Nhật và Mỹ. Anh cho biết, đây đều là các thị trường khó tính, trước khi được xét duyệt trở thành đầu mối cung cấp vải, các công ty đều cử đoàn chuyên gia tới thăm dò vùng trồng để kiểm tra chất lượng môi trường, thành phẩm. Bởi vậy ngay từ công đoạn chăm sóc, gia đình anh Hùng đều lưu tâm đến từng chi tiết nhỏ.
Ngoài việc dọn cỏ, tỉa cành thường xuyên, anh Hùng sử dụng phân bón hữu cơ có kiểm định cho cây trồng nhà mình.
"Việc chăm bón tốt đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm đáp ứng được các thị trường khó tính. Mới đầu, gia đình tôi chỉ trồng theo phương thức cũ nhưng từ khi được UBND và HTX hướng dẫn, qua 1-2 năm đầu, đến nay đã thuận lợi", anh Hùng nói. Anh cũng cho biết, khi chất lượng sản phẩm được đảm bảo thì đầu ra không còn là mối lo lớn của người dân, mỗi mùa vụ đều được thương lái đến tận vườn thu mua.
Tới mỗi thời điểm vào thuốc cho cây, anh Hùng cùng các nông dân khác trong HTX lại cập nhật lên "nhật ký online". Việc thành lập các nhóm trao đổi chuyên môn, tham gia tập huấn tại các tỉnh khác đã giúp người nông dân không còn có khăn trong việc áp dụng các ứng dụng mới vào nông nghiệp.
Bảng thông tin quản lý mùa vụ với mã QR được gia đình gắn ngay tại vườn vải. Bộ KH&CN và tỉnh Bắc Giang đã tập trung hỗ trợ công nghệ bảo quản sau thu hoạch vải thiều phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia… Nhiều công nghệ bảo quản hiện đại như Jural của Israel, CAS của Nhật Bản hay công nghệ NANO và màng MAP đã được giới thiệu và ứng dụng tại Bắc Giang. Công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cũng được ứng dụng tại đây.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn trên, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho Bắc Giang ứng dụng công nghệ CAS của Nhật Bản, cho phép bảo quản được quả vải sau hai năm mà vẫn giữ được chất lượng, màu sắc như khi mới hái. Theo đó, Bộ cho phép những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vải sang thị trường Mỹ phối hợp với Sở KH&CN Bắc Giang xây dựng dự án để được hỗ trợ ứng dụng công nghệ này. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiến hành nâng cấp hệ thống chiếu xạ tại Hà Nội, đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới trong bảo quản để kéo dài thời gian tươi của vải, từng bước hạn chế tính mùa vụ để phục vụ cho xuất khẩu vải tươi đến các thị trường xa vẫn là đích hướng tới của Bắc Giang.
Theo Vietnamnet